Chương 2 GIỌNG ĐIỆU TRẦN THUẬT TRONG TRUYỆN NGẮN VÕ THỊ HẢO
2.2. Giọng điệu trần thuật trong truyện ngắn Võ Thị Hảo
2.2.3. Giọng điệu suy tư triết lí
Suy tư triết lí là sự thể hiện những khái quát mang tầm triết luận về một vấn đề, một hiện tượng nào đó của đời sống xã hội, của cõi nhân sinh. Giọng triết lí thể hiện cái nhìn có tính quy luật của tác giả về thời cuộc, con người...
Triết lí là một giọng điệu đặc trưng, khá phổ biến trong văn xuôi thời kỳ đổi mới nói chung, trong các truyện ngắn đương đại nói riêng. Để có được giọng điệu triết lí đặc biệt là những vấn đề mang tính phổ quát, điển hình cao về cuộc sống và con người thì một yêu cầu đặt ra cho mỗi nhà văn là phải có sự từng trải, cảm quan tinh tế, sự chiêm nghiệm sâu sắc và đặc biệt họ phải có một tâm hồn rộng mở, nhạy cảm đủ sức kết nạp, chọn lọc và nâng lên thành triết lí các vấn đề trong cuộc sống.
Giọng triết lí nếu được sử dụng một cách hợp lí sẽ nâng tầm khái quát của tác phẩm, gây một ấn tượng mạnh đến người đọc. Cụ thể hơn, ở những tác phẩm có giọng triết lí, người đọc tiếp nhận được biết bao điều mình đã từng nhận ra trong cuộc sống, chưa đặt thành tên thì giờ một nhà văn tài năng đã gọi tên được chúng, nâng chúng thành chân lí để mình suy ngẫm.
Tùy từng cá tính sáng tạo, cách nhìn đời, nhìn người bằng con mắt khác nhau mà mỗi nhà văn lựa chọn cho mình một hình thức triết lí khác nhau.
Chẳng hạn, triết lí của Nguyễn Huy Thiệp thường kèm theo sắc thái bi quan và khinh bạc, giọng triết lí của Hồ Anh Thái thường nghiêm trang, đôn hậu.
Giọng triết lí của Phan Thị Vàng Anh thông minh, sắc sảo. Còn trong tác phẩm của Võ Thị Xuân Hà thì lại có cái nhìn rất chính xác về phái nữ bằng
trái tim đa cảm thương người và thương mình, giọng triết lí của Nguyễn Thị Thu Huệ thường khắc khe về sự toan tính tham lam của phái mày râu…
Khai thác các truyện ngắn của Võ Thị Hảo từ góc độ giọng điệu trần thuật, độc giả thấy rõ: bên cạnh những khái quát về con người và cuộc đời đậm chất giễu nhại, bên cạnh những trăn trở, hoài niệm thấm đậm xót xa cay đắng của các nhân vật là giọng điệu suy tư triết lí của tác giả về con người và cuộc sống đương đại. Giọng suy tư triết lí ấy có khi bật ra từ chính những trải nghiệm, suy nghĩ và sự khái quát của nhà văn, có khi nó được nói ra nhờ các nhân vật trong truyện. Giọng triết lí của Võ Thị Hảo đượm màu sắc nữ tính, thông minh hóm hỉnh mà đượm chất trữ tình sâu lắng. Xu hướng triết lí trong truyện ngắn của chị thường là những vấn đề rất gần gũi với đời thường, tình yêu, hạnh phúc, về giới tính… Triết lí trong truyện ngắn của chị không chỉ thể hiện ở những câu triết lí, đoạn triết lí, mà nó xuyên thấm vào các yếu tố nội dung hình thức câu chuyện. Bởi vậy, khi đọc xong mỗi câu chuyện mỗi người đọc tự rút ra cho mình những triết lí khác nhau trong cuộc sống. Đây cũng chính là sự đóng góp của Võ Thị Hảo đối với lĩnh vực truyện ngắn đương đại.
Có thể khẳng định, suy tư triết lí là chất giọng đang “thịnh hành” của các cây bút văn xuôi đương đại, trong đó có Võ Thị Hảo. Thứ giọng này không làm cho văn chị “già đi” mà ngược lại “chín hơn”, nâng tầm trang viết chạm đến bề sâu trí tuệ, dẫn dắt người đọc vươn tới sự nhận thức thấu đáo về con người cuộc đời bộn bề phức tạp hôm nay. Truyện của chị, do thế thường âm ba vang động, “đọc xong mà không đọc hết”.
Theo những dòng tâm sự của nữ văn sĩ Võ Thị Hảo, duyên phận đưa đẩy chị đến với con đường văn nghiệp không gì mạnh mẽ hơn cảm thức về số phận con người. Cái nhìn thấu đáo về cuộc sống với sự tranh chấp của ánh sáng và bóng tối, thiên thần và ác quỷ, thôi thúc chị viết nhiều hơn để phân tích, mổ xẻ, phanh phui những u nhọt ở đời. Lại vốn bản tính đa đoan, chỉ một
biến cố nhỏ cũng khiến chị nặng lòng suy nghĩ. Không riêng Võ Thị Hảo, cảm hứng triết lí, tranh biện đang có xu hướng khuếch trương trong ngòi bút của nhiều tác giả. Bởi vậy, những suy tư triết lí sâu xa thấm thía đậm tính nhân văn không lúc nào vắng bóng trong từng trang viết. Đó khác nào là bức thông điệp, là nhịp cầu giao cảm mà nhà văn đặt ra nhằm đối thoại, tranh luận với bạn đọc.
Thay vì giữ thái độ trung tính khi kể, người trần thuật trong nhiều truyện ngắn của Võ Thị Hảo “cứ tự nhiên” nhìn nhận, đánh giá, tự đúc kết vấn đề theo quan điểm cá nhân. Ngay cả người trần thuật ẩn tàng nhiều khi quên giữ vẻ khách quan mà công khai bình luận. Những câu nói giản đơn nhưng nếu đi qua màng lọc của giọng điệu suy tư chiêm nghiệm mặc nhiên trở thành phát ngôn giàu chất triết lí, dù không phải mọi triết lí đều nhất thiết đòi hỏi bạn đọc đồng tình hay phản đối - một dạng triết lí đa thanh. Và bao giờ cũng vậy, triết lí về con người, lẽ sống không khi nào vơi cạn mà có xu hướng dày lên, đầy hơn.
Với giọng điệu này, nhà văn có thêm phương tiện để khắc họa nỗi cô đơn của nhân vật cũng như được “tự nghiệm” một cách chân thực. Có khi, nhà văn đan xen vào trong tác phẩm những triết lí hoặc để nhân vật tự đề xuất suy nghĩ tựa như lời nửa trực tiếp trong Biển cứu rỗi: “Trong khi đàn bà được tạo hóa sinh ra để làm chiếc dây leo đẹp quấn yểu điệu quanh cây đại thụ:
Người đàn ông” [19, tr.55].
Mà đâu phải chỉ có con người mới hay suy tư, thần linh còn chiêm nghiệm chẳng kém, kiểu như lời than thở của Thần Núi trong Nàng tiên xanh xao là một ví dụ “Ôi Đàn bà! Đàn bà muôn đời vẫn vậy, vẫn không thoát ra khỏi dây xích của sự nhẹ dạ” [18, tr.51].
Võ Thị Hảo sớm tìm ra hướng đi chung mà dường như bất kỳ người phụ nữ nào cũng sa chân phạm phải, đó là niềm tin quá lớn vào một tình yêu
chung thủy tuyệt đối, để rồi sớm muộn lại sa chân vào bi kịch tình yêu. Biết là vậy, thế mà họ vẫn cứ yêu và khát khao yêu đến quên cả bản thân, lao vào ngọn lửa yêu đương đến si mê và đắm đuối (Bàn tay lạnh, Hồn trinh nữ, Vườn yêu…). Liệu có gì đồng cảm chăng khi Võ Thị Hảo hay trải lòng về thân phận người phụ nữ đến vậy? Chỉ riêng Hành trang của người đàn bà Âu Lạc, chị tỏ rõ sự hoài nghi về bao gánh nặng mà xã hội đang dồn đẩy lên đôi vai phái yếu. Tính chất phản biện ngầm khéo léo đặt ra khiến người đọc không khỏi quan ngại. Hiệu quả đánh động lòng người luôn được khơi gợi từ những thông điệp giàu tính nhân văn như thế.
Giọng điệu thâm trầm triết lí ở văn Võ Thị Hảo có được từ những suy tư trăn trở không ngừng của một nhà văn đầy cá tính. Có lẽ chính sự trải nghiệm cá nhân đã làm nên độ chín chắn “già dặn” trong ngòi bút của nữ văn sĩ. Ở Mùi Chuột, tác giả đã gọi thành tên thứ mùi uế tạp của một xã hội hỗn độn nhố nhăng, thứ mùi vị ấy đã len lỏi vào mọi ngõ ngách của đời sống. Vậy mà nhiều người vẫn thờ ơ không nhận ra, phải chăng họ đã bị chai lỳ các giác quan vì mải mê trong những toan tính vị kỷ. Số ít người tỉnh táo nhận ra sự biến đổi đáng sợ của xã hội lại rơi vào tình trạng khủng hoảng, hoang mang:
“Bây giờ hình như anh ngửi thấy mùi Chuột cả ở những trang sách anh đọc.
Bắt đầu nhìn quanh với vẻ ngờ vực: Chao ôi! Thiên hạ người ta hân hoan thế kia - chẳng lẽ người ta không biết đến mùi Chuột sao?” [ 17, tr.199 - 200].
Giọng điệu thâm trầm triết lí trong truyện Khát của muôn đời không thể không thức tỉnh nhận thức của người đọc về cuộc sống, về tình yêu. Cuộc sống có khổ đau hận thù, có sung sướng hạnh phúc. Những mặt đối lập ấy vốn dĩ vẫn tồn tại chỉ có điều con người sống cần có một trái tim vị tha nhân hậu để thấu hiểu thế nào là cuộc sống thực sự có ý nghĩa. Triết lí giản dị ấy đã được diễn đạt bằng những từ ngữ giàu chất suy tư: “Xưa nay Trời lạnh lẽo, chỉ biết giận chẳng biết yêu. Trái tim của Trời bằng ngọc lam lạnh như băng,
cai quản hạ giới mà chẳng cảm nhận được nỗi đau của người phàm tục. Từ nay, với trái tim bằng máu thịt, chàng sẽ đau khi người phàm trần đau, biết đến mùi vị của đói khổ và sung mãn của người hạ giới. Điều đó chẳng tốt lắm sao?” [17, tr.114 - 115]. Và tình yêu được H’Điêu triết lý rằng “ Khi yêu, con người ta như vừa mới sinh ra và người già cũng lập tức vụng dại như trẻ nhỏ.
Mọi việc trên đời cũng có thể rút được kinh nghiệm, riêng chỉ trong tình yêu là không” [17, tr.110].
Còn ở Giọt buồn giáng sinh là một truyện ngắn đậm chất triết lí. Ở đây, người đọc có thể đồng cảm với nhiều quan niệm của nhà văn “và nhìn rộng ra mà xem, những đàn người chạy long trong trên mặt đất chỉ chạy nhanh hơn chứ có khôn hơn đâu!” [17, tr.71]. Cô gái nọ khi bay lên, làm Giọt buồn giáng sinh đã suy tư về quá khứ và số phận con người đặc biệt là số phân bất hạnh của người phụ nữ “ Không tan trong thời gian, họ là những người đầu tiên kêu gọi nhân loại hãy phỉ nhổ sự đẫm máu bằng bản năng mềm yếu đầu tiên của giống yếu. Nhưng khi cuộc chiến xảy ra thì họ chính là những người nhoi nhoai ra khỏi nó muộn nhất và gần như không bao giờ họ nhoài ra được cái vũng đẫm máu ấy. Nỗi đau khổ của đàn bà cũng như một sự cứu chuộc thế giới” [17, tr.72]. Giọng điệu thâm trầm triết lí đã có tác động không nhỏ đến độc giả, với giọng điệu này nhà văn không chỉ làm nhiệm vụ thuật kể, mà quan trọng hơn là mở ra cách tiếp cận với nhiều vấn đề của đời sống, nhằm kích thích tư duy người tiếp nhận.
Khi tác giả chủ ý dành trọn một tác phẩm để luận bàn về thân phận con người, về ranh giới mong manh giữa sự sống và cái chết - cái khoảnh khắc mà con người thể hiện chân thực nhất bản chất của mình (Giọt buồn Giáng sinh, Phút chối Chúa) khi ấy tính tự vấn luôn được thức gọi từ phía độc giả. Lẽ thường một câu chuyện chứa đựng nhiều suy tư chiêm nghiệm thường nặng nề, nếu nhà văn biết cách xử lý chẳng những làm tác phẩm sâu sắc hơn mà
còn nhận được nhiều hơn sự đồng cảm tri âm từ phía độc giả; song nếu không khéo dễ dẫn đến chỗ khô khan giáo điều. Võ Thị Hảo ý thức được ranh giới mong manh đó.
Không phải khi nào những triết lí ấy đều hiển hiện trực tiếp mà lắm lúc ẩn đi, khuất lấp vậy mà người đọc vẫn nghiệm ra vẫn cảm thấu. Đôi lúc chỉ cần một hình ảnh được gài lồng một ý niệm sâu sắc cũng đủ làm day dứt lòng người. Có mấy ai quên được dưới chân bức tượng đài chiến thắng vinh quang là hình ảnh người mẹ ngày đêm vật vã bởi nỗi ám ảnh khi chiến tranh đã cướp mất người chồng thân yêu trong Trận gió màu xanh rêu. Chiến tranh đã phá huỷ cuộc đời họ, nỗi mất mát quá lớn, mất đi người chồng, người cha của con gái mình khiến chị không muốn tin vào sự thật đó. Để rồi lúc hoá điên bà vẫn tin, “đài người ta báo nhầm đấy thôi. Làng trên chả có hai người báo tử rồi lại lừng lững về là gì! Em biết anh còn sống mà” [19, tr.18]. Bà bỏ làng đi lang thang khắp nơi để tìm kiếm, khiến đứa con gái mới mười sáu, mười bảy tuổi cũng phải bỏ học đi lang thang theo mẹ.
Cũng như tác giả Bảo Ninh với Nỗi buồn chiến tranh, Võ Thị Hảo dành nhiều suy ngẫm về cuộc chiến đã qua. Chiến tranh qua đi nhưng tàn tích của nó còn để lại dấu ấn trong hiện tại. Đối với mỗi con người khác nhau thì nỗi đau đó lại hiện hữu một cách khác nhau. Trong sáng tác của mình, nhà văn Võ Thị Hảo có sự nhìn nhận lại chiến tranh bằng cái nhìn đa chiều, đa diện.
Bởi vậy, những nhân vật của chị khi bước chân ra khỏi chiến trường trở về nơi “mặt trận không tiếng súng” chẳng lúc nào thấy lòng nhẹ nhàng và thanh thản; thậm chí họ hiểu hơn bao giờ hết cái giá quá cao mà họ buộc lòng phải trả: “Ra thế! Ngôi nhà bên đường chiến tranh! Động mạch của chiến tranh!
Sau này, anh chua chát triết lí. Số phận không giành cho anh người đàn bà bạc tóc chờ chồng. Những đứa trẻ khác bố. Những cuộc giao hoan vội vã thoảng mùi chết chóc trước khi đi vào họng của tử thần. Thù lao sang nhất có lẽ là
những phong lương khô và vài bộ quần áo Tô Châu” [9, tr.40] trong truyện ngắn Biển cứu rỗi.
Người lính ở Biển cứu rỗi không trở về để sống những ngày tháng yên ả hạnh phúc. Đau đớn hơn anh phải bỏ chạy khỏi ngôi nhà của mình khi gặp lại người vợ không chung thuỷ và chứng kiến kết quả của những cuộc giao hoan vội vã thoảng mùi chết chóc của những người lính trước khi đi vào họng tử thần. Lần ra đi thứ hai này anh không phải đối mặt với sự sống chết trong gang tấc mà đối mặt với nỗi cô đơn rợn ngợp. Một cuộc đấu tranh vật lộn giữa ý thức và bản năng, giữa người và thú, giữa thiện và ác dày vò người lính. Chỉ đến khi anh đẩy người đàn bà đang thoi thóp sự sống vào bàn tay tử thần anh mới sực tỉnh. Cái khác của Võ Thị Hảo khi viết về người lính sau chiến tranh là đã đi xa hơn vào vùng tối tăm của bản năng dục vọng, chấp nhận đẩy ngòi bút của mình chông chênh trên sợi dây mỏng manh giữa chủ nghĩa tự nhiên và chủ nghĩa hiện thực. Để rồi, kéo người đọc trở về với giọt nước mắt cay đắng tự đáy lòng của người đàn ông. Giọt nước mắt hối hận muộn màng nhưng đủ sức gột rửa mọi nỗi hận thù, oán trách của người lính bị phản bội. “Mỗi lần khóc, trái tim anh mềm đi một chút” [19, tr.56] để cảm thông tha thứ và thấu hiểu cho tội lỗi của người vợ mà bao nhiêu năm nay anh đã cố công xua đuổi ra khỏi ký ức. Nhân tính đã giành được phần thắng trong cuộc chiến không tiếng súng nhưng hết sức quyết liệt giữa đời thường. "Câu chuyện cổ buồn thảm mà đời sau kể lại về cuộc chiến tranh đã qua" có những điểm sáng của tấm lòng nhân hậu.
Hay truyện ngắn Dây neo trần gian khi “Những người đã trở về với hòa bình để rồi lần lượt nằm vào cái huyệt đã đào sẵn cho mình trong chiến tranh từ mười mấy năm về trước” [19, tr.80]. Nhân vật người lính trong truyện ngắn của Võ Thị Hảo đều trải nghiệm và am hiểu lẽ đời. Đó là lẽ đương nhiên bởi bản thân họ đã ngấm quá nhiều thương tích và đổ vỡ. Chiến
tranh bắn vào họ những vết thương không thể lên da non, cuộc sống hiện tại lại ném trả họ những đắng cay nghiệt ngã. Cách chị nhìn thẳng, nhìn thực vào cuộc chiến như một cách phản đề, đi ngược lại với những gì mà văn học Cách Mạng đã thể hiện trước đó. Thế nên, giọng điệu chiêm nghiệm, triết lí càng làm cho tác phẩm của chị thêm sâu sắc và thấm thía.
Trong truyện ngắn của mình Võ Thị Hảo không chì chiết, đay đả về thói xấu của những thành viên trong gia đình khi tiếp xúc với lối sống thị tr- ường vụ lợi. Mà nhà văn tiếp cận và khai thác đề tài hôn nhân - gia đình theo cách rất riêng của mình. Trong truỵên ngắn Tim vỡ, Hồn trinh nữ tác giả mư- ợn lối kể chuyện cổ tích để chuyển tải, triết lí về nội dung tư tưởng. Hai câu chuỵên mang hai quan niệm về hôn nhân khác nhau.
Ở Hồn trinh nữ, sau bao ngày tháng phấp thỏng chờ đợi nàng trinh nữ đón người yêu trở về trong lời chúc tụng và ánh mắt ngưỡng mộ của dân làng.
Đám cưới được tổ chức linh đình, tình yêu chung thuỷ đã được đền bù xứng đáng. Nhưng chính những năm tháng người lính xông pha trận mạc kề cận trung thành bên đấng quân vương đã là nguyên nhân dẫn đến sự tan vỡ của cuộc hôn nhân chưa kịp trọn vẹn. Chàng không thay đổi tình cảm nhưng tính cách của chàng trai hiền lành nhút nhát năm xưa đã biến đổi. Bàn tay của ng- ười lính đã nhúng chàm, nụ cười vĩnh viễn đã tắt trên môi và đôi mắt chỉ còn cái nhìn lạnh lẽo như thép. Hạnh phúc đã không mỉm cười với họ, khao khát về một mái ấm gia đình đã hoàn toàn bị tước đoạt. Nàng trinh nữ thuỷ chung hay người lính trở về chỉ là nạn nhân của số phận nghiệt ngã. Nếu không có chiến tranh người phụ nữ không phải chờ đợi, nếu không có đấng quân vương tàn bạo, người lính sẽ không phải làm điều ác. Gia đình không thể tồn tại hạnh phúc nếu như đất nước chưa thanh bình, xã hội chưa yên ổn. Đó là một triết lí sâu xa mà thấm đẫm chất nhân văn.