1.6. Thực tế dạy học chương “Cơ học” - Vật lí 6 THCS
1.6.4. Kết quả điều tra
Các trường chúng tôi đến điều tra đều có phòng học tuy thoáng mát nhưng không có nhân viên thí nghiệm, không có phòng học bộ môn riêng, bàn học đều không đúng yêu cầu (mặt bàn đều nghiêng không phù hợp để học sinh làm thí nghiệm trong các giờ học nội khóa). Thí nghiệm được dùng trong
dạy học của tất cả các trường thuộc thí nghiệm do dự án THCS cấp, chưa đủ về số lượng (theo quy định 6 học sinh làm 1 bộ thí nghiệm), chưa đảm bảo về chất lượng, sử dụng vài lần dẫn đến sai số, hoặc thí nghiệm không thành công.
Thí nghiệm do giáo viên và học sinh lắp ráp, chế tạo từ các vật liệu dễ kiếm, rẻ tiền để phục vụ học tập hầu như chưa có.
1.6.4.2. Về phương pháp và hình tổ chức dạy học của giáo viên
+ Phương pháp dạy học cổ truyền đã ngấm sâu vào tiềm thức của giáo viên, việc bồi dưỡng giáo viên dạy theo chương trình đổi mới chưa được áp dụng triệt để, giáo viên còn ngần ngại khi tổ chức một giờ học hiện đại… đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng dạy học.
+ Giáo viên đã áp dụng các phương pháp dạy học để học sinh tự lực, tích cực hoạt động chiếm lĩnh kiến thức nhưng chưa được áp dụng triệt để theo đúng tinh thần đổi mới. Tuy giáo viên đã cho học sinh thảo luận, dự đoán hiện tượng, quan sát kết quả thí nghiệm để từ đó rút ra nhận xét và kết luận.
Nhưng lại không hướng dẫn học sinh đề xuất các phương án thí nghiệm và làm thí nghiệm nhằm kiểm tra dự đoán với lý do không đủ thời gian, cơ sở vật chất không đầy đủ do vậy mà nhiều giáo viên thường làm thay học sinh.
+ Việc tổ chức cho học sinh tích cực hoạt động nhận thức còn hạn chế, ví dụ: Chưa có nhiều câu hỏi định hướng tư duy và phát triển hoạt động nhận thức tích cực, tự lực, tự chủ và tư duy sáng tạo của học sinh, còn e ngại tổ chức cho học sinh hoạt động theo nhóm sợ học sinh mất trật tự, sợ không đủ thời gian.
+ Chưa tạo được nhiều tình huống học tập quen thuộc diễn ra trong đời sống hàng ngày làm nảy sinh nhu cầu giải quyết các vấn đề của học sinh.
+ Chưa chú ý đúng mức đến các bài tập có nội dung thực tế nhằm giải thích các hiện tượng diễn ra trong tự nhiên, trong đời sống và kỹ thuật.
1.6.4.3. Về phương pháp học của học sinh
+ Học sinh đầu cấp THCS rất chân thành, thẳng thắn, dễ tin và cũng dễ ghét. Nếu được động viên, khích lệ kịp thời và có các phương pháp, hình thức tổ chức dạy học thích hợp các em rất phấn khởi, nhiệt tình và tích cực học tập.
+ Phương pháp dạy học theo chương trình đổi mới SGK bước đầu cho thấy học sinh đã có những chuyển biến tích cực trong học tập, ít nhiều đã tự lực hoạt động trong quá trình chiếm lĩnh kiến thức. Tuy nhiên chúng tôi nhận thấy rằng:
+ Vẫn còn nhiều học sinh ở thế bị động luôn chờ đợi sự giảng giải, tổng kết của giáo viên. Học sinh ngừng hoạt động nếu giáo viên ngừng hướng dẫn.
Khi giáo viên tổ chức để học sinh thảo luận nhóm đề xuất dự đoán, đề xuất phương án thí nghiệm kiểm tra thì một số còn rụt rè, không thảo luận hoặc ngại phát biểu vì sợ phát biểu sai. Nếu không được động viên khích lệ thì thường ngồi ỳ không có ý kiến, không động não.
+ Số học sinh tự lực làm thí nghiệm khi nghiên cứu bài mới là ít, vì vậy kỹ năng làm thí nghiệm của đa phần các em còn yếu việc chưa chủ động tích cực trong lĩnh hội kiến thức dẫn đến kiến thức thu được của nhiều học sinh không sâu, không chắc chắn. Đa phần học sinh còn lúng túng khi giải quyết các bài tập liên quan đến thực tế và ít hứng thú học môn này.
+ Rất ít học sinh làm thí nghiệm kiểm chứng ở nhà với những thí nghiệm kiểm chứng mà giáo viên yêu cầu.
1.6.4.4. Các khó khăn chủ yếu và những sai lầm phổ biến của học sinh khi học chương “Cơ học” - Vật lí lớp 6
Qua các phiếu điều tra cho giáo viên và học sinh, xem xét vở bài tập, vở ghi và bài làm của học sinh về chương “Cơ học”, chúng tôi thấy:
- Về khó khăn
+ Chưa được làm thí nghiệm nhiều nên kỹ năng thực hành của học sinh chưa đạt yêu cầu, các thao tác làm thí nghiệm còn lúng túng.
+ Chưa linh hoạt vận dụng kiến thức đã học trong chương “Cơ học” để giải thích các hiện tượng vật lí có liên quan nhất là khi gặp các tình huống có thay đổi chút ít so với tình huống quen thuộc.
+ Diễn đạt và trình bày bằng ngôn ngữ vật lí còn yếu khi diễn đạt các ý tưởng, các vấn đề mà học sinh hiểu hoặc nêu vấn đề muốn hỏi chưa rõ ràng, mạch lạc.
- Các sai lầm phổ biến
Những sai lầm mà học sinh mắc phải tập trung nhiều ở nội dung kiến thức phần đo chiều dài, chiều cao; khối lượng riêng với trọng lượng riêng; lực với trọng lực. Cụ thể rất nhiều học sinh cho rằng:
+ Khối lượng riêng và trọng lượng riêng của một chất được xác định bằng khối lượng của một một đơn vị thể tích (m3) chất đó được tính theo công thức: D=m/V.
+ 2 lực cân bằng là hai lực mạnh như nhau, có cùng phương cùng chiều.
+ Dùng máy cơ đơn giản cho ta lợi về công…
- Phương hướng khắc phục những khó khăn và sai lầm của học sinh trong dạy học chương “Cơ học”.
Theo chúng tôi nguyên nhân của những khó khăn và sai lầm trên là do:
+ Một số cán bộ quản lí chưa đổi mới về phương pháp dạy học.
+ Giáo viên còn ngại khi tổ chức cho học sinh hoạt động theo nhóm.
+ Cơ sở vật chất còn thiếu thốn, trang bị thí nghiệm chưa đủ về số lượng, chưa đảm bảo về chất lượng.
+ Hầu hết giáo viên chưa đầu tư nghiên cứu chế tạo và lắp ghép các dụng cụ thí nghiệm từ nguyên liệu dễ kiếm, rẻ tiền để phục vụ quá trình dạy học và bổ sung cho phòng thí nghiệm bộ môn.
+ Việc phân tích nội dung kiến thức cơ bản cần dạy của giáo viên còn hạn chế, chưa tạo được tình huống học tập gây sự chú ý và kích thích hứng
thú học tập cho học sinh, chưa đầu tư thích đáng cho hệ thống câu hỏi hướng dẫn nhằm phát triển tính tích cực, tự lự học tập cho học sinh.
+ Học sinh chịu ảnh hưởng nặng nề của cách học thụ động, kiến thức học sinh thu được sau mỗi buổi học không phải kết quả của sự hoạt động tích cực để chiếm lĩnh kiến thức do đó học sinh nắm kiến thức không sâu, vận dụng dễ mắc sai lầm.
Do vậy, chúng tôi đề ra phương hướng khắc phục là:
+ Nên tổ chức tốt các giờ học nội khóa chương này.
+ Nên tổ chức các buổi học ngoại khóa để củng cố, bổ sung, mở rộng kiến thức và rèn luyện các kỹ năng mà học sinh còn hạn chế sau khi học xong chương “Cơ học”, đồng thời hướng dẫn để học sinh tham gia chế tạo lắp ráp dụng cụ thí nghiệm bổ sung cho giờ học nội khóa.
+ Chú ý rèn luyện ngôn ngữ vật lí cho học sinh, hướng dẫn các em trình bày bằng lời, nhất là suy luận lôgic để khái quát hóa các hiện tượng và rút ra kết luận từ kết quả thí nghiệm.
KẾT LUẬN CHƯƠNG 1
Hoạt động ngoại khóa vật lí là một trong những hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, có tổ chức, được học sinh tiến hành theo nguyên tắc tự nguyện dưới sự hướng dẫn của giáo viên vật lí. Tính chất muôn hình muôn vẻ của nó làm cho quá trình dạy học thêm phong phú, toàn diện. Kiến thức và các kỹ năng học sinh thu nhận, hình thành được trong các quá trình hoạt động ngoại khóa thường sâu sắc và bền vững hơn. Muốn việc tổ chức hoạt động ngoại khóa có kết quả tốt, thì giáo viên phải nghiên cứu để lựa chọn nội dung học tập, phương pháp hướng dẫn, hình thức tổ chức và soạn thảo tiến trình hướng dẫn các buổi ngoại khóa sao cho phù hợp với đối tượng học sinh, đồng thời lôi cuốn được đông đảo học sinh tham gia.
Người giáo viên nghiên cứu mục tiêu dạy học vật lí, tìm hiểu xem các giờ học trên lớp thực hiện mục tiêu ấy như thế nào?Những mặt nào còn hạn chế chưa thực hiện được? Những lí do đó đã thúc đẩy chúng tôi trong việc xây dựng hoạt động ngoại khóa trong dạy học chương “Cơ học” cho học sinh lớp 6 THCS nhằm giúp học sinh kích thích hứng thú học tập,củng cố kiến thức, vận dụng thành thạo kiến thức, phát huy tính tích cực và hoạt động sáng tạo cho học sinh.