Mối quan hệ giữa vật lí học và triết học

Một phần của tài liệu Bước đầu nghiên cứu lịch sử vật lí phục vụ cho việc dạy học chương IX vật lí 12 nâng cao (Trang 20 - 23)

CHƯƠNG 1. VỊ TRÍ, VAI TRÒ CỦA LỊCH SỬ VẬT LÍ HỌC. NHỮNG QUI LUẬT CỦA SỰ PHÁT TRIỂN VẬT LÍ HỌC

2. NHỮNG QUI LUẬT CỦA SỰ PHÁT TRIỂN VẬT LÍ HỌC

2.4. Mối quan hệ giữa vật lí học và triết học

Từ trước kia cho tới nay, giữa vật lí học và triết học luôn luôn có mối quan hệ tương hỗ chặt chẽ. Triết học phải dựa vào những thành tựu của các khoa học cụ thể, và nhiều khi chỗ dựa đó chủ yếu là những thành tựu của vật lí học. Ngược lại, vật lí học, cũng như các khoa học khác, lại phải vận dụng những khái niệm mà triết học nghiên cứu, khảo sát và chịu ảnh hưởng sâu sắc của phương pháp luận, nhận thức luận do triết học đề ra.

Trong khi tư duy trừu tượng, trong khi xây dựng các lí thuyết, các nhà khoa học phải vận dụng phương pháp lôgic, vận dụng các phạm trù triết học, phải giải quyết mối quan hệ giữa tư duy và thực tại,... Những kết luận cụ thể mà khoa học đạt được khi nghiên cứu những vấn đề cụ thể lại có tác dụng củng cố, phát triển hoặc bác bỏ những luận điểm cơ bản của triết học này hay triết học khác.

Tính chất mối quan hệ giữa các khoa học cụ thể và triết học cũng biến đổi tùy theo sự phát triển của khoa học. Trong thời kì Hi Lạp cổ đại, triết học và các khoa học cụ thể chưa tách khỏi nhau. Môn khoa học duy nhất thời đó là “triết học tự nhiên”. Nó nghiên cứu cả những quan niệm tổng quát về thiên nhiên và con người, lẫn những tri thức cụ thể thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau. Nhưng về thực chất, nó chủ yếu đề cập đến những vấn đề tổng quát mang tính chất triết học, còn việc giải quyết những vấn đề cụ thể là một tham vọng mà nó không thể đạt được, vì điều kiện kĩ thuật và trình độ sản xuất lúc bấy giờ chưa cho phép.

Từ thế kỉ XVII, vật lí học bắt đầu tách khỏi triết học và trở thành một khoa học độc lập, bắt đầu từ những công trình của Galileo. Trong các thế kỉ XVII, XVIII triết học cũng mang những tính chất khác với thời cổ đại. Nó không bao gồm các KHTN nữa, và chỉ nghiên cứu những qui luật tổng quát của tồn tại và nhận thức, của mối quan hệ giữa ý thức và tồn tại. Nhưng nó vẫn chưa hoàn toàn từ bỏ việc nghiên cứu những vấn đề cụ thể thuộc lĩnh vực nghiên cứu của các KHTN, như các vấn đề về bản chất của vật chất, về không gian và thời gian, về tính chất của chuyển động,... Triết học tự coi mình là khoa học đứng trên các khoa học, không những giữ vai trò chỉ đạo trong các vấn đề về thế giới quan, về nhận thức luận, mà còn can thiệp vào những vấn đề cụ thể của KHTN nữa.

Nhưng dần dần triết học đã từ bỏ việc giải quyết các vấn đề cụ thể của KHTN.

Triết học duy vật biện chứng lần đầu tiên đã giải quyết một cách đúng đắn mối quan hệ giữa triết học và khoa học. Duy vật biện chứng nghiên cứu mối quan hệ giữa ý thức và thế giới khách quan, những tính chất tổng quát nhất của thế giới vật chất, những qui luật

SVTH: Tiêu Tín Nguyên 15 SP. Vật lí K36 tổng quát nhất của vận động, những qui luật phát triển của thiên nhiên, xã hội và ý thức.

Duy vật biện chứng không tự nhận mình là khoa học đứng trên các khoa học, không giải quyết những vấn đề cụ thể của các khoa học, và cũng không chỉ thuần túy dựa trên những luận điểm triết học để đánh giá xem một lí thuyết khoa học cụ thể nào đó là đúng hay sai.

Nó không giải quyết vấn đề ánh sáng là sóng hay là hạt, nguyên lí bất định là đúng hay sai,... Đó là những vấn đề mà vật lí học phải giải quyết bằng cách kiểm tra xem những khái niệm, những lí thuyết được đề ra có phản ánh đúng thực tại khách quan không, có vận dụng được vào thực tiễn không. Nhưng duy vật biện chứng thâm nhập vào mọi môn khoa học, nó là cơ sở phương pháp luận của chúng, vạch ra cho chúng phương pháp nhận thức, phương pháp để đi đến chân lí, khiến cho khoa học có thể tiến lên vững vàng, tránh được sai lầm, tránh được những con đường vòng, trong quá trình nhận thức thiên nhiên và làm chủ thiên nhiên.

Vấn đề ảnh hưởng của triết học đối với khoa học và đối với vật lí học nói riêng là một vấn đề không đơn giản và đang được tiếp tục nghiên cứu. Đánh giá quá thấp hoặc đánh giá quá cao ảnh hưởng đó đều không đúng. Nếu đánh giá quá thấp sẽ không thấy rõ được vai trò thúc đẩy, vai trò dẫn đường của triết học đối với khoa học trong những giai đoạn phát triển nhất định. Trái lại, nếu đánh giá quá cao ảnh hưởng đó sẽ không thể hiểu được tại sao một số các nhà khoa học theo triết học duy tâm - có khi là duy tâm thuần túy, cực đoan nữa lại có thể đi đến những phát minh quan trọng, những cống hiến đáng kể đối với sự phát triển của khoa học.

Vấn đề là ở chỗ mỗi nhà khoa học, mỗi nhà vật lí, mặc dù có tư tưởng duy tâm đi nữa, trước hết cũng phải dựa vào quan sát, thực nghiệm, dựa vào những sự kiện khách quan diễn ra trong thực tế để xây dựng lí thuyết của mình. Nhà khoa học duy tâm có thể dựa vào lí thuyết những yếu tố duy tâm nhất định, nhưng nếu lí thuyết đó được thừa nhận, nó phải phản ánh được thực tế khách quan đến một mức độ nào đó, và trong sự phát triển của khoa học, những yếu tố duy tâm phản ánh không đúng thực tế sẽ bị gạt bỏ dần. Trái lại, nếu lí thuyết không phản ánh đúng thực tế khách quan (ví dụ: thuyết duy năng), nó sẽ nhanh chóng bị loại bỏ, như là một lí thuyết không có giá trị khoa học và không có thứ triết học nào có thể biện hộ cho nó được. Chính vì vậy mà Vladimir Ilyich Lenin đã nói rằng: “chỉ những người nào đứng trên quan điểm duy vật thô thiển, sơ lược, siêu hình, mới cho triết học duy tâm là hoàn toàn sai, là chỉ chứa đựng những chuyện vớ vẩn. Trái lại, theo quan điểm duy vật biện chứng, triết học duy tâm là sự thổi phồng quá mức một khía cạnh của thực tế, tách rời nó khỏi vật chất, tuyệt đối hóa nó, thần thánh hóa nó”. [14, tr. 14]

SVTH: Tiêu Tín Nguyên 16 SP. Vật lí K36 Nhìn chung thì triết học có thể thúc đẩy hoặc kìm hãm sự phát triển của khoa học, nhưng không thể làm biến đổi con đường phát triển của khoa học. Những tư tưởng triết học duy tâm phản động nhất kèm theo những biện pháp tàn bạo nhất của giáo hội thời trung cổ, cũng không thể biến khoa học thành “kẻ đầy tớ của tôn giáo”. Triết học duy vật biện chứng cũng không bao giờ vạch sẵn những con đường, làm sẵn những khuôn mẫu để bắt khoa học phải tuân theo.

Nhưng vì bản chất thế giới là vật chất, sự phát triển của thế giới, sự phát triển của khoa học lại mang tính biện chứng cho nên giữa triết học duy vật biện chứng và khoa học có mối quan hệ mật thiết. Mỗi một phát minh mới, một bước phát triển mới của khoa học là một minh chứng mới, một sự phát triển mới của luận điểm cơ bản của duy vật biện chứng. Và mỗi sự phát triển mới của triết học duy vật biện chứng lại tạo ra những cơ sở, chỉ ra những phương hướng cho sự phát triển của khoa học. Càng làm cho mối quan hệ giữa duy vật biện chứng và khoa học thêm chặt chẽ thì càng đẩy mạnh sự phát triển không ngừng của các khoa học cụ thể cũng như triết học duy vật biện chứng.

Dù tự giác hay tự phát, nhà khoa học, suy cho đến cùng đều suy nghĩ và nghiên cứu theo những qui luật của duy vật biện chứng, và đều góp phần chứng minh sự đúng đắn của duy vật biện chứng. Có khác chăng ở chỗ người duy vật biện chứng tự giác thì có điều kiện để tiến lên những bước vững vàng hơn, còn người không tự giác thì có thể mất phương hướng, có thể đạt tới những kết quả không hoàn chỉnh, không triệt để, hoặc sai lạc.

Vật lí học hiện nay đang đi sâu vào thế giới vi mô và vào vũ trụ mênh mông vô hạn. Tính chất của vật chất cũng như phương pháp nghiên cứu, thí nghiệm ở các lĩnh vực này rất khác với thế giới vĩ mô quen thuộc của chúng ta. Mặt khác, khoa học càng ngày càng cho phép con người tìm ra những tính chất, những qui luật rất tổng quát của thế giới vật chất. Vì vậy, các nhà vật lí hiện nay rất quan tâm nghiên cứu và tranh luận những vấn đề triết học về thế giới quan, về nhận thức luận: Chúng ta đang nghiên cứu cái gì? Chúng ta hiểu được thế giới không? Hình ảnh của thế giới mà khoa học vẽ ra có đúng khớp với thế giới thật không?... Trong cuộc đời khoa học của mình, nhiều nhà khoa học lớn như Einstein, Bo, Max Born,... đã từng bước “điều chỉnh” lại tư tưởng triết học của mình, và kết quả khách quan là tư tưởng của các ông ngày càng nhích lại gần những quan điểm của duy vật biện chứng.

SVTH: Tiêu Tín Nguyên 17 SP. Vật lí K36

Một phần của tài liệu Bước đầu nghiên cứu lịch sử vật lí phục vụ cho việc dạy học chương IX vật lí 12 nâng cao (Trang 20 - 23)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(132 trang)