2.1. Tác phẩm Tắt đèn:
2.1.1. Vài nét về tác phẩm:
Trong nền văn học nước ta, nói đến Ngô Tất Tố, không ai không nghĩ đến Tắt đèn – một tác phẩm xuất sắc nhất viết về nông thôn Việt Nam trước Cách mạng tháng tám. Ngô Tất Tố viết Tắt đèn vào năm 1937 và được đăng trên tờ báo Thời vụ năm 1939. Tác phẩm là một bức tranh thu nhỏ của làng quê Việt Nam mà trong đó những người nông dân luôn bị áp bức, bóc lột đến cùng cực bởi bọn thực dân, quan lại, cường hào, ác bá lộng quyền.
Ngô Tất Tố xuất thân trong một gia đình nhà nho nghèo, sinh ra và lớn lên ở vùng quê nông thôn nên phần nào ông thấu hiểu hết những nỗi khổ cực mà người nông dân phải gánh chịu. Vì lẽ đó, Tắt đèn đã tập trung tố cáo cái thứ thuế thân bất nhân, vô lý mà hàng năm đánh vào đầu của người nông dân nghèo khổ. Xoáy sâu vào thuế thân, Tắt đèn đã phơi bày đến tận cùng bản chất bóc lột xấu xa, bẩn thỉu của chế độ thực dân phong kiến Việt Nam. Trong tác phẩm Tắt đèn, gia đình chị Dậu là một điển hình cho việc nộp sưu tàn khốc này. Bởi sưu thuế không chỉ đánh vào người sống mà còn đánh vào cả những cái xác đã chết đi. Vì cái suất thuế của người sống, anh Dậu đã phải bị trói giữa đình, bị đánh đập trong lúc ốm đau bệnh tật. Đau xót hơn cả là sưu thuế của người em chồng “chết dở năm Tây” mà bọn quan Tây và vua quan ta đang cố kiết
“dựng dậy” và đòi cho kỳ được “cái món nợ nhà nước đó”, gia đình chị Dậu đã bị dồn đẩy đến bước đường cùng. Chị đã bán đi hai gánh khoai là lương thực cuối cùng của cả gia đình. Rồi chị bán chó, bán con nhưng vẫn không đủ tiền để nộp sưu thuế. Bao nhiêu gánh nặng của cả gia đình đè nặng lên đôi vai của người đàn bà yêu chồng, thương con này. Sự khốn cùng của người nông dân được phản ánh mạnh mẽ qua lời kêu khóc thảm thiết của chị Dậu: “ Ối trời ơi! Tôi bán cả con lẫn chó và hai gánh
khoai mới được hai đồng bảy bạc. Tưởng rằng đủ tiền nộp sưu cho chồng, thì chồng tôi khỏi bị hành hạ đêm nay? Ai ngờ lại còn suất sưu của người chết nữa! Khốn nạn thân tôi! Trời ơi! Em tôi chết rồi còn phải đóng sưu, hở trời? Tôi biết đâm đầu vào đâu cho được hai đồng bảy bạc bây giờ?”.
Trước sự dọa nạt, lấn át, đánh đập của bọn cường hào, chị Dậu đã vùng lên phản kháng. Nhưng với hành động này chị lại bị bắt tội và bị bắt giải lên hầu quan huyện. Một lần nữa tai họa lại ập xuống vai người đàn bà khốn khổ. Quan đã dở trò “ sàm sở” và dùng tiền để mua chuộc sự thủy chung của chị. Chị ra sức tháo chạy khỏi tên “ dê xồm” này nhưng lại gặp phải tên “ dê cụ” khác. Vì nộp sưu cho người chết mà chị Dậu đành phải xa con thơ đi làm vú sữa cho nhà cụ cố tám mươi tuổi. Trong một đêm tắt đèn, cụ bỗng xuất hiện trong căn phòng chị Dậu đang ngủ…Chị Dậu vùng chạy ra ngoài trong một màu tối đen như mực mà không biết tương lai sẽ ra sao.
Với Tắt đèn, Ngô Tất Tố đã vẽ nên bức tranh chân thực về cuộc sống lầm than của những người nghèo khổ. Bức tranh ấy là sự tổng hợp về bề rộng và nhất là bề sâu của những điều tác giả quan sát tinh tế, đã từng trải, suy nghĩ một cách chính chắn về đời sống của người nông dân Việt Nam.
Bức tranh về đời sống nông thôn của Ngô Tất Tố có giá trị chân thực chính vì Ngô Tất Tố đã thấy rõ sự phân chia giai cấp ngặt nghèo ở nông thôn, một nông thôn có hai đời sống đối lập nhau và không thể nào nhầm lẫn. Bọn địa chủ cường hào do có quyền hành nên hết sức ngang ngược và luôn luôn lợi dụng cơ hội để bóc lột. Lớp người nghèo thấp cổ bé miệng nên trở thành vật hy sinh. Ngô Tất Tố đã thể hiện chân lý đó bằng hình tượng có sức xúc động mạnh mẽ, và qua hình tượng, Ngô Tất Tố đã khách quan cho người xem “rút ra những kết luận có giá trị hơn nhiều kết luận khác của các nhà văn đương thời”.
Ngay khi tác phẩm ra đời, Vũ Trọng Phụng đã nhận xét: “ Tắt đèn là một thiên tiểu thuyết có luận đề xã hội – điều ấy, cố nhiên – hoàn toàn phụng sự dân quê, một áng văn có thể gọi là kiệt tác, tòng lai chưa từng thấy, mà lại của tác giả đã được cái may hơn nhiều nhà văn khác là đã được sống nhiều ở nơi thôn quê, cho nên có đủ thẩm quyền!”
Viết Tắt đèn, Ngô Tất Tố đã viết bằng cả tâm hồn yêu người nông dân tha thiết, biết cảm thông, bênh vực họ nhưng đứng trong hoàn cảnh xã hội lúc đó, ông chưa thể
để cho họ có được một cuộc sống yên lành. Chính vì vậy, Tắt đèn có giá trị hiện thực rất sâu sắc theo lời nhận xét của Nguyễn Công Hoan:
“ Cuốn Tắt đèn là một cuốn phim chiếu một sự thực, một sự thực thôi, nhưng rất tỉ mỉ, để tố cáo tội ác tàn bạo và thối nát thời bấy giờ.
Là cuốn tiểu thuyết in bằng giấy trắng mực đen, nhưng đồng thời nó là bàn tay chắc nịch vả vào bọn toàn quyền, thống sứ cùng quan lại, tổng lý và bọn bồi bút đồng lõa, đã cố lấp liếm cảnh thối tha nhơ bẩn, còn khoe khoang công trình khai hóa người đạo kiểu chúng.”
2.1.2. Văn bản khảo sát:
Có thể nói, Tắt đèn là một kiệt tác văn chương trong nền văn học nước ta. Tác phẩm ra đời từ rất lâu nhưng cho đến nay, nó vẫn còn mang một giá trị văn học sâu sắc. Chính vì vậy, Tắt đèn được in rất nhiều lần và xuất bản thành nhiều sách với nhiều ảnh bìa khác nhau. Để làm đề tài luận văn này, người viết căn cứ vào văn bản: Tắt đèn – Ngô Tất Tố, tác phẩm văn học chọn lọc, NXB Đồng Nai do Đặng Tấn Hướng chịu trách nhiệm xuất bản cùng biên tập và sửa bản in Thu Hằng – Lâm Ngọc.
Quyển sách bao gồm hai mươi sáu chương thể hiện đầy đủ nội dung của tiểu thuyết Tắt đèn. Tác phẩm đã để lại một dấu ấn đậm nét về việc nộp sưu của người nông dân trong xã hội cũ.
2.2. Tác phẩm Lều chõng:
2.2.1. Vài nét về tác phẩm:
Lều chõng là cuốn tiểu thuyết cuối cùng của ông, viết năm 1939, in thành sách năm 1941.
Chứng kiến và trải qua con đường lận đận trong thi cử của ông nội, của bố, và của chính mình, Ngô Tất Tố đã để lại cho đời một tác phẩm thật xác thực về chế độ khoa cử xưa. Vấn đề thi cử được ông miêu tả rất tỉ mỉ và rành rọt, từ việc sửa soạn lều, chõng để đi thi đến việc ngồi vào bàn làm đề thi, rồi quy phạm các quy tắc thi, tâm trạng của kẻ đậu người rớt đều được ông đưa vào tác phẩm một cách rất triệt để. Qua đó, ta còn thấy được các mối quan hệ thầy trò, bạn bè, cách học hành, cách thi cử, cách ăn ở, cách chấm thi của các vị quan trường, cách làm lễ xướng danh, lễ rước các ông nghè vinh quy… Vì vậy, tác phẩm này còn được xem là phóng sự phản ánh bản chất
“mục nát của khoa cử” và vạch trần “mặt trái chế độ thi cử ngày xưa”.
Nhân vật chính trong tác phẩm là Đào Vân Hạc – một thanh niên trẻ tuổi, học giỏi và tài hoa nhưng đã mấy lần hỏng thi (trong đó có một lý do là vì Vân Hạc còn quá trẻ), thậm chí suýt bị tù tội vì phạm húy trong thi cử. Không chỉ có Vân Hạc mà còn có vô số các sĩ tử khác thi đến già đời rồi mà vẫn không đậu. Có người phải ngất đi vì cóng rét nhưng vẫn nói: “… nhất là chết ở trong trường lão cũng cam lòng”. Có người lúc vào trường sợ hỏng đến nỗi không còn làm được bài nên lại hỏng nữa….
Tác phẩm này ra đời trong lúc chính quyền thực dân phát động phong trào phục cổ. Nhưng từ đầu đến cuối tác phẩm, ông chỉ trích nền giáo dục phong kiến là nhồi sọ, văn chương trường ốc là sáo rỗng, cách kén chọn nhân tài theo khoa cử là vô nghĩa.
Ông không thi vị hóa quá khứ, không lý tưởng hóa nền giáo dục và khoa cử thời Phong Kiến, không ca tụng những con người do chế độ ấy đào tạo, không đề cao các ông quan thanh liêm, danh tiết thời trước. Ông toàn nêu mặt cỗ lỗ, lạc hậu, mục nát của chế độ khoa cử xưa. Do xã hội lúc bấy giờ, mọi người rất chú trọng việc đỗ đạt công danh, làm rạng rỡ dòng tộc nên các nhân vật trong Lều chõng đều theo đuổi sự nghiệp thi cử, họ luôn hi vọng có ngày được vinh quy bái tổ. Bởi vậy, từ những thanh niên trẻ tuổi cho đến các cụ già đều cấp lều chõng để đi thi. Hình ảnh một cụ già “ sức yếu vác không nổi lều chõng, trượt ngã, nằm chỏng gọng trên đường, lều gác chéo giữa cổ, chiếc chõng tre và cái tráp đè trên bụng” đã phản ánh được phần nào chế độ thi cử xưa. Nó như một chi tiết gây hài song qua đó nổi bật lên một nỗi đau chung đè nặng trên vai các sĩ tử trong sự nghiệp chinh phục công danh. Chuyện thi đỗ, rớt của các sĩ tử cũng được Ngô Tất Tố miêu tả qua diễn biến tâm trạng như: người đỗ thì “ nhảy lên như choi choi giữa phố mà hét: Sỏ lợn về ai? Sỏ lợn về ai?”, người trượt “ kêu gào chán thì giãy đành đạch ở mặt đường như người ngộ gió”.
Ngô Tất Tố viết tác phẩm này cốt cho chúng ta thấy tất cả những cái bất hợp lý, những cái xấu xa của chế độ thi cử ngày trước. Kẻ sĩ đi thi không vì mục đích hành đạo mà vì mưu cầu danh lợi cho bản thân. Những người phụ nữ xưa cũng có mộng ước lấy được chồng đỗ đạt cao. Tiêu biểu là cô Ngọc – vợ của Vân Hạc - luôn mang mộng tưởng làm bà nghè, bà thám đến nỗi hay tin Đằng Long – người chồng hụt của Ngọc đỗ đạt, Ngọc đã ngất giữa đường phố.
Những người học rộng, biết nhiều, văn chương giỏi như Vân Hạc, Đằng Long cuối cùng lại trở thành nạn nhân của chế độ khoa cử phong kiến xưa. Người thì bị cầm tù và bị cách tuột thủ khoa, người thì mất chức tri phủ và bị bắt đi làm “ tiền quân hiệu
lực”. Rõ ràng, đây là tấn bi kịch của các sĩ tử lúc bấy giờ được Ngô Tất Tố tái hiện lại cho thế hệ sau hiểu rõ hơn quy tắc khắc nghiệt của chế độ khoa cử xưa.
2.2.2. Văn bản khảo sát:
Như chúng ta đã biết, Ngô Tất Tố ngoài là nhà văn, ông còn là một nhà viết báo tài năng. Ngòi bút sắc sảo của ông được thể hiện trong tiểu thuyết Lều chõng rất rõ nét.
Tác phẩm được xem như một thiên phóng sự dài về chế độ thi cử xưa. Kể từ khi tác phẩm ra đời, nó cũng được in ấn và tái bản nhiều lần để ra mắt đến độc giả. Ở đây, người viết đã sử dụng văn bản do Cao Đắc Điềm khôi phục, chỉnh sửa theo nguyên bản, chú giải và giới thiệu. Quyển sách có tựa đề: Lều chõng - tiểu thuyết Ngô Tất Tố do NXB Văn học và Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây xuất bản. Sách bao gồm các mục:
Lời giới thiệu.
Quá trình đăng báo, xuất bản, tái bản tiểu thuyết Lều chõng của Ngô Tất Tố.
Lời giới thiệu của Ngô Tất Tố.
Tác phẩm Lều chõng.
Danh mục tài liệu để tra cứu, chú giải.