CHƯƠNG 1: CƠ SỞ LÍ LUẬN VÀ THỰC TIỄN CỦA GIÁO DỤC KHOA HỌC CHO TRẺ THEO HƯỚNG TRẢI NGHIỆM
1.1. Cơ sở lí luận của việc giáo dục khoa học cho trẻ 5-6 tuổi theo hướng trải nghiệm
1.1.5. Trải nghiệm và học tập qua trải nghiệm
* Theo các tài liệu triết học, có một số cách để định nghĩa về trải nghiệm như sau:
- Trải nghiệm là một phạm trù triết học, được đúc rút từ toàn bộ các hoạt động của con người ở mọi mặt, như một thực thể thống nhất giữa kiến thức, kĩ năng, tình cảm và ý chí.
- Trải nghiệm là kiến thức mà ngay lập tức cho chủ thể ý thức được và có cảm giác tiếp xúc trực tiếp với thực tế, cho dù đó là một thực tế bên ngoài của các đối tượng và tình huống (nhận thức) hoặc các thực tại của trạng thái ý thức (quan niệm, những kỉ niệm, xúc động…).
* Trải nghiệm dưới góc nhìn sư phạm được hiểu theo một vài ý nghĩa như sau:
- Trải nghiệm là kiến thức, kĩ năng mà trẻ nhận được bên ngoài các cơ sở giáo dục thông qua sự giao tiếp với nhau, với người lớn, hay qua những tài liệu tham khảo không được giảng dạy trong nhà trường.
- Trải nghiệm (qua thực nghiệm, thử nghiệm) là một trong những phương pháp đào tạo, trong điều kiện thực tế hay lí thuyết nhất định, để thiết lập hoặc minh họa cho một quan điểm lí luận cụ thể.
*Theo Wikipedia: “Trải” là trải qua, từng qua; “Nghiệm” là ngẫm, suy xét hay chứng thực. Vì vậy, trải nghiệm là những suy ngẫm, chứng thực, nghiệm lại những gì từng sống, từng trải qua.
* Theo T.S Ngô Thị Tuyên: Trải nghiệm là khái niệm triết học, mà nội hàm của nó thể hiện ở hai phương diện. Một là phạm trù của nhận thức được đúc kết từ sự thống nhất của hoạt động tình cảm- nhận thức. Hai là loại kiến thức ngay lập tức tạo cho chủ thể ý thức được và có cảm giác tiếp xúc trực tiếp với thực tế. Nội dung căn bản: “Kiến thức thực tiễn gắn bó với đời sống địa phương, cộng đồng, đất nước mang tính tổng hợp nhiều lĩnh vực giáo dục, nhiều môn học để vận dụng vào thực tế. Nội dung hoạt động được thiết kế thành các chủ điểm (chủ đề trưng bày) mang tính mở, không yêu cầu mối liên hệ chặt chẽ giữa các chủ điểm”
Từ những quan điểm trên, chúng ta có thể hiểu: “Trải nghiệm” (hay kinh nghiệm) là một khái niệm mang tính tổng quan được sử dụng để mô tả kiến thức, kĩ năng có được thông qua việc tham gia vào hoặc tiếp xúc đến các sự vật, hiện tượng đó để thu thập kinh nghiệm.
1.1.5.2. Học tập qua trải nghiệm
Có rất nhiều cách hiểu về “Học tập trải nghiệm”, dưới đây là một số quan điểm về học tập trải nghiệm như sau:
*Quan điểm về học tập trải nghiệm của UNESCO
Học tập qua trải nghiệm khuyến khích người học phát triển tư duy phê phán, tự định hướng cách thức giải quyết vấn đề và đưa ra quyết định trong hoàn cảnh có liên quan đến bản thân. Phương pháp học tập này bao gồm phỏng vấn, tổng hợp các kĩ năng, sau đó phản hồi thông tin, áp dụng những ý tưởng và kĩ năng ấy cho tình huống mới.
Học tập qua trải nghiệm là một quá trình phát triển kiến thức, kĩ năng và thái độ dựa trên một ý thức về trải nghiệm nào đó đã có từ trước, do đó, học tập
qua trải nghiệm liên quan trực tiếp đến cá nhân và hoạt động có tính phản ánh.
Học tập qua trải nghiệm là một chu trình gồm bốn giai đoạn:
Trải nghiệm: Bản thân tự trải nghiệm một tình huống cụ thể, sau đó quan sát ảnh hưởng của trải nghiệm.
Tái tạo: Hiểu những gì bạn đã làm, suy nghĩ và cảm nhận về những điều đã trải nghiệm.
Tổng quát: Tìm ra nguyên tắc đằng sau mối quan hệ giữa hành động và những ảnh hưởng của trải nghiệm.
Áp dụng: Vận dụng nguyên tắc tổng quát vào một tình huống mới [11]
* Quan điểm về học tập trải nghiệm của John Dewey (1859- 1952) cho trẻ em:
“Theo John Dewey, sự tiếp thu máy móc và thụ động là hoàn toàn trái với bản tính của trẻ. Việc học của trẻ em phải đi từ trải nghiệm của chúng. Trải nghiệm vừa là nội dung vừa là phương pháp. Không có nội dung hoặc giá trị giáo dục nào hoặc giá trị bản thân mang tính tuyệt đối, bất biến được áp đặt từ bên ngoài cho trẻ. Mọi thứ đều phải do từng cá nhân trẻ tự tìm ra. Khi trẻ em tự mình trải nghiệm thì chúng mới tìm ra được giá trị của điều chúng trải nghiệm, bởi vì giá trị tức là điều được thấy trong khi cảm thấy trong khi cảm thụ, đánh giá cao hoặc đánh giá thấp một sự vật chứ không phải tự thân giá trị nằm bên trong sự vật” [8]
* Thuyết học tập trải nghiệm của Jond Dewey được David Kolb (1939) lấy làm
“điểm tựa” khi nghiên cứu về học tập trải nghiệm. Năm 1984, David Kolb đã công bố công trình nghiên cứu của mình về học tập dựa vào trải nghiệm. Ông đã xây dựng nên mô hình trải nghiệm dành cho người học bao gồm bốn giai đoạn khác nhau:
- Giai đoạn 1: Kinh nghiệm
Chính là giai đoạn học tập nhờ vào cảm nhận từ những kinh nghiệm đã có của người học. Ví dụ: học từ những kinh nghiệm đặc biệt hoặc tham gia vào các nhiệm vụ gắn liền với thực tiễn.
- Giai đoạn 2: Quan sát, đối chiếu, phản hồi
Là giai đoạn học tập dựa trên sự xem xét kĩ lưỡng một vấn đề nào đó. Ví dụ:
quan sát phản ánh nhằm kích thích học tập, xem xét vấn đề từ những khía cạnh và hoàn cảnh khác nhau.
Người học cần có sự quan sát, phân tích, đánh giá các sự kiện và kinh nghiệm đã có. Sự đánh giá này cần mang yếu tố “phản tỉnh” tức là tự mình suy tưởng về các kinh nghiệm đó, xem mình cảm thấy thế nào, có hiếu được hay không, có thấy nó hợp lý hay không, có thấy nó đúng hay là không, có quan điểm thực tế nào đi ngược lại với các kinh nghiệm mình vừa trải qua không. Khi suy tưởng người học sẽ tham gia sâu hơn vào quá trình học tập.
* Giai đoạn 3: Khái quát trừu tượng
Là giai đoạn học tập nhờ vào tư duy, bao gồm: phân tích những ý tưởng một cách hợp lí, khái quát công việc để tìm ra ý tưởng một cách hợp lí, khái quát công việc để tìm ra ý tưởng hoặc lí thuyết mới.
Sau khi có được quan sát chi tiết cộng với suy tưởng sâu sắc người học tiến hành khái niệm hóa các kinh nghiệm đã nhận được. Từ kinh nghiệm ta có các khái niệm,
“lý thuyết mới”. Bước này chính là bước quan trọng để các kinh nghiệm được chuyển đổi thành “tri thức” . Hệ thống khái niệm bắt đầu được lưu giữ lại trong não bộ. Nếu không có bước này, các kinh nghiệm sẽ không thể được nâng cấp và phát triển lên một tầm cao mới hữu ích hơn mà chỉ là các trải nghiệm vụn vặt nhặt được trong tiến trình hoạt động hay thực hành.
* Giai đoạn 4: Thực hành chủ động
Là giai đoạn học tập thông qua thực hành tích cực để chuyển hóa nội dung học tập thành kinh nghiệm của bản thân, bao gồm: kiểm nghiệm các ý tưởng mới thông qua thực hành và ứng dụng cho những vấn đề khác, giải quyết vấn đề thông qua hành động.
Chu kì học tập dựa vào trải nghiệm diễn ra từ giai đoạn 1 đến giai đoạn 4 và bắt đầu trở lại ở giai đoạn 1, tạo thành một vòng tròn khép kín như sau:
Tùy thuộc vào trình độ của từng cá nhân mà tiến trình học tập của người học có thể được bắt đầu từ Khái quát hóa trừu tượng và kết thúc ở Thử nghiệm chủ động.
Qua các giai đoạn trải nghiệm đó, người học có một quá trình suy tư, phản tỉnh để có được cảm xúc tích cực cá nhân và hình thành giá trị mới từ kinh nghiệm cụ thể đã có. Kết quả học tập của chu kì này là kinh nghiệm ban đầu cho chu kì học tập tiếp theo.
Về bản chất học tập trải nghiệm mang tính chất cá nhân và có tính hiệu quả, tác động cả tới tình cảm và cảm xúc cũng như nâng cao kiến thức và kĩ năng.
Từ các khái niệm trên chúng ta có thể hiểu, “Học tập qua trải nghiệm” là hình thức dạy học, trong đó GV là người thiết kế, tổ chức, hướng dẫn các hoạt động để HS bằng vốn kinh nghiệm của cá nhân kết hợp tiếp xúc trực tiếp với MT học tập, MT tự nhiên và xã hội, sử dụng các giác quan, hình thành các kiến thức, kĩ năng và thái độ, hành vi.
1.1.5.3. Dạy học theo hướng trải nghiệm
Có rất nhiều các quan điểm khác nhau về dạy học theo hướng trải nghiệm. Có nhiều quan điểm cho rằng, dạy học cho trẻ là một hình thức dạy học nhưng có quan điểm lại cho rằng dạy học theo hướng trải nghiệm được coi là một chiến lược dạy học. Và trong phạm vi nghiên cứu đề tài thì chúng tôi quan điểm dạy học theo
Kinh nghiệm
Quan sát, đối chiếu, phản hồi
Khái quát hóa trừu
tượng nghiệm Thử
chủ động
hướng trải nghiệm là một phương pháp dạy học mới. Ngoài ra, dạy học trải nghiệm có sự khác biệt rõ rệt với các cách dạy học truyền thống khác.
Như vậy, có thể hiểu, dạy học theo hướng trải nghiệm là một phương pháp dạy học trong đó GV hướng dẫn, tổ chức các hoạt động cho người học tham gia vào các sự kiện, tiếp xúc trực tiếp, hoạt động cụ thể với các sự vật, hiện tượng nhằm thu thập tri thức, kĩ năng về các đối tượng.
Trong dạy học trải nghiệm, GV phải thiết kế, tạo ra được các tình huống, phương án để người học hoạt động, trải nghiệm và được diễn ra thường xuyên, liên tục theo các nội dung dạy học. Người học với kinh nghiệm cũ và mới (có được qua hoạt động trải nghiệm) sẽ đưa ra được cách giải quyết vấn đề, qua đó họ có thể điều chỉnh kinh nghiệm chưa phù hợp, đồng thời khái quát được kinh nghiệm mới cần lĩnh hội. Điều này không những giúp họ gắn kết được giữa nội dung học tập với giải quyết vấn đề trong thực tế mà còn học được cách học, phát triển khả năng tự học và khả năng học tập suốt đời.
1.1.5.3. Vai trò của hoạt động trải nghiệm trong khám phá khoa học của trẻ 5- 6 tuổi Hoạt động trải nghiệm có vai trò vô cùng quan trọng trong việc tổ chức cho trẻ 5- 6 tuổi KPKH. Nhờ có hoạt động trải nghiệm mà trẻ được đến gần hơn với thiên nhiên kì thú, được tiếp xúc trực tiếp và trải nghiệm mình với môi trường diệu kì xung quanh trẻ, đồng thời nó còn kích thích tính tò mò, khả năng tư duy của trẻ, trẻ được trải nghiệm thực tế nên trẻ nhớ lâu, trẻ tri giác tốt và nhận thức kiến thức một cách dễ dàng, khoa học và logic hơn. Thông qua việc được trải nghiệm, khám phá thực tế trẻ được phát triển các giác quan, hỗ trợ, kích thích hứng thú, khả năng sáng tạo của trẻ, tạo điều kiện cho trẻ chơi mà học học mà chơi. Hơn nữa, hoạt động trải nghiệm có thể coi là một phương pháp mang tính khoa học, cụ thể, rõ ràng trên vật thật, môi trường thật nên sẽ càng tạo cho trẻ sự hứng thú khi tham gia vào các hoạt động, đồng thời, hoạt động trải nghiệm trong KPKH còn tạo điều kiện hình thành vá phát triển ở trẻ tâm hồn trong sáng, hồn nhiên, lòng nhân ái, tình cảm yêu thương với người thân, với cuộc sống xung quanh trẻ, biết yêu quý bảo vệ thiên nhiên, bảo
vệ những truyền thống của quê hương đất nước, trân trọng và giữ gìn sản phẩm lao dộng tự làm ra qua các tình huống, hoạt động thực tiến do GV tổ chức.
Mặt khác, môi trường hoạt động trải nghiệm lí tưởng cũng góp phần to lớn tạo hứng thú cho trẻ KPKH với các góc/ khu vực khác nhau được quy hoạch phù hợp và thân thiện với trẻ. Môi trường trải nghiệm có ảnh hưởng đến sự thành công của trẻ và ảnh hưởng đến nội dung và kết quả mong đợi có đạt được hay không vì thông qua khám phá, lấy trẻ làm trung tâm và đánh giá trên trẻ.
Suy cho cùng thì cho trẻ trải nghiệm khám phá khoa học có vai trò vô cùng quan trọng trong việc cung cấp cho trẻ nhiều cơ hội học tập và vui chơi khác nhau, giúp trẻ phát huy tối đa năng lực của mình.
1.1.5.4. Điều kiện để giáo dục khoa học cho trẻ theo hướng trải nghiệm
* Đối với giáo viên
- Thứ nhất, giáo viên cần có lòng say mê khám phá khoa học, mong muốn tìm hiểu về các sự vật, hiện tượng. Lòng say mê, ham hiểu biết của giáo viên phải được thể hiện trong mọi hành động để làm gương cho trẻ, lôi cuốn trẻ vào các hoạt động khám phá, tìm hiểu MTXQ.
- Thứ hai là cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa giáo viên và gia đình trong việc tổ chức cho trẻ thực hiện các hoạt động “Giáo dục khoa học cho trẻ theo hướng trải nghiệm”.
- Thứ ba, GV có những kiến thức cơ bản, khoa học về môi trường tự nhiên và môi trường xã hội, nắm vững nội dung chương trình, phương pháp, hình thức tổ chức cho trẻ khám phá khoa học.
- Thứ tư, GV có kĩ năng sử dụng linh hoạt các phương pháp, kĩ năng tổ chức các hình thức cho trẻ khám phá các sự vật, hiện tượng xung quanh.
- Thứ năm, GV luôn ý thức trong việc đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức khám phá khoa học theo hướng tích cực hóa hoạt động nhận thức của trẻ.
*Đối với Ban Giám hiệu trường mầm non
- Cần tạo điều kiện về cơ sở vật chất, môi trường để giáo viên có thể tổ chức các hoạt động khám phá khoa học cho trẻ.
- Cần có những biện pháp hữu hiệu khuyến khích, động viên, tạo cơ hội cho giáo viên được sáng tạo trong việc tổ chức các hoạt động giáo dục trẻ, trong đó có hoạt động khám phá khoa học.
- Cần tạo cơ hội, điều kiện cho giáo viên cập nhật những tài liệu mới về GDMN nói chung và về tổ chức hoạt động khám phá khoa học nói riêng,tạo cơ hội để GV được bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, sử dụng các phương tiện dạy học hiện đại.
*Môi trường giáo dục, cơ sở vật chất
Môi trường giáo dục trong trường mầm non là tổ hợp những điều kiện tự nhiên - xã hội cần thiết, trực tiếp ảnh hưởng đến hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ. Môi trường giáo dục mầm non cần phải cung ứng các điều kiện cần thiết để kích thích và phục vụ trẻ hoạt động một cách tích cực, chăm sóc trẻ tốt... qua đó, nhân cách trẻ sẽ được phát triển tốt và thuận lợi”.
Đối với trẻ nhỏ, môi trường ngoài lớp học là yếu tố góp phần tích cực trong các hoạt động nâng cao chất lượng chăm sóc giáo dục toàn diện trẻ. Trường mầm non cần tập trung xây dựng môi trường an toàn, đẹp, hấp dẫn trẻ. Cần có một diện tích đất đủ rộng để bố trí các khu vực cho trẻ hoạt động vui chơi, sinh hoạt, học tập ngoài trời một cách khoa học và phù hợp để trẻ có thể thực hành trải nghiệm. Cần bố trí hợp lý thành các khu chơi thể thao, khu đồ chơi ngoài trời, khu vực chơi giao thông, khu vực chơi với đất cát, khu vực trẻ trồng cây, trồng rau và chăm sóc cây cối,…rõ ràng để các em được vui chơi, hoạt động thoải mái nhất. Ngoài ra nhà trường nên xây dựng sân chơi của trẻ có cây xanh bóng mát, hệ thống mái tôn và hàng rào xung quanh vừa góp phần tạo bóng mát cho sân chơi mà vẫn đem lại sự an toàn cho trẻ khi tham gia các hoạt động vui chơi hàng ngày.
Đối với môi trường trong lớp học không thể thiếu những góc chơi của trẻ nhỏ.
Để lớp học thêm lôi cuốn trẻ, các cô giáo cần tạo nên một môi trường lớp học với những màu sắc sinh động, những nhân vật và ngộ nghĩnh. Môi trường cần có không gian, cách sắp xếp phù hợp, gần gũi, quen thuộc với cuộc sống thực hàng ngày của trẻ; luôn thay đổi để tạo ra sự hấp dẫn mới lạ đối với trẻ.
“Học liệu và phương tiện trong góc hoạt động học đóng vai trò không nhỏ trong quá trình học và chơi của trẻ. Vì vậy các đồ dùng và học liệu mà giáo viên cung cấp cho các góc hoạt động cần được lên kế hoạch thật cẩn thận để hỗ trợ giáo viên lên kế hoạch cho việc học của trẻ và để thu hút trẻ tham gia, cũng như tạo ra các cơ hội học tập khá”.
Một môi trường sạch sẽ, an toàn, có sự bố trí khu vực chơi và học trong lớp và ngoài trời phù hợp, thuận tiện có ý nghĩa to lớn không chỉ đối với sự phát triển thể chất của trẻ, mà còn thỏa mãn nhu cầu nhận thức, mở rộng hiểu biết của trẻ, kích thích trẻ hoạt động tích cực, sáng tạo. Môi trường giao tiếp cởi mở, thân thiện giữa cô với trẻ, giữa trẻ với trẻ và giữa trẻ với môi trường xung quanh sẽ tạo cơ hội cho trẻ được chia sẻ, giãi bày tâm sự, nguyện vọng, mong ước của trẻ với cô, với bạn bè, nhờ vậy mà cô hiểu trẻ hơn, trẻ hiểu nhau hơn, hoạt động phối hợp nhịp nhàng hơn nên hiệu quả hoạt động cũng cao hơn, trẻ yêu trường, yêu lớp, yêu cô giáo và bạn bè hơn.