Rừng đóng vai trò quan trọng trong việc chống lại biến đổi khí hậu do ảnh hưởng của nó đối với chu trình cacbon toàn cầu. Đối với rừng nhiệt đới, có tới 50% lượng cacbon dự trữ trong thảm thực vật (Dixon et al., 1994;
Brown, 1997; IPCC, 2003; Pregitzer and Euskirchen, 2004). Rừng trao đổi cacbon với môi trường không khí thông qua quá trình quang hợp và hô hấp. Vì vậy, việc đánh giá khả năng hấp thụ CO2 của rừng cũng là đánh giá chất lượng cây rừng và ngược lại.
4.6.1 Khả năng hấp thụ CO2 trên mặt đất của rừng Tràm ở các độ dày than bùn tại VQG U Minh Hạ
Trong điều kiện biến đổi khí hậu đang là vấn đề cấp thiết thì cây có vai trò giảm thiểu tác động thông qua hấp thụ CO2 (IPCC, 2003). Đặc điểm chính của cây Tràm có khả năng chịu đựng được điều kiện ngập nước, hạn hán hay
91 nhiễm mặn ở mức nhẹ, nhiễm phèn (Tran et al, 2013; Sam and Binh, 1999;
Okubo et al., 2003). Rừng Tràm còn là nơi lưu giữ một lượng lớn cacbon hữu cơ trong đất.
Kết quả tính toán khả năng hấp thụ CO2 của rừng Tràm từ số liệu đo đếm được trên các cây cá thể trong ô mẫu có độ dày than bùn khác nhau tại VQG U Minh Hạ được thể hiện ở Hình 4.28.
Hình 4.27 Hấp thụ CO2 của quần thụ ở các độ dày than bùn
Đối với quần thụ ở VQG U Minh Hạ thì lượng CO2 hấp thụ ở các độ dày than bùn khác nhau cũng cho kết quả khác nhau. Khả năng hấp thụ CO2 ở nghiệm thức độ dày than bùn 20 – 40 cm là cao nhất (147 ± 66 tấn/ha) và khác biệt ý nghĩa với hai nghiệm thức còn lại là than bùn 40 – 60 cm (124 ± 56 tấn/ha) và than bùn 60 – 80 cm (110 ± 51 tấn/ha).
Ngô Đình Quế và ctv (2006) nghiên cứu khả năng hấp thụ CO2 của một số loại rừng trồng chủ yếu ở Việt Nam cho rằng, các rừng keo lá Tràm nghiên cứu có độ tuổi dao động từ 5 – 12 với mật độ trung bình từ 1.033 – 1.517 cây/ha, có lượng CO2 hấp thụ trong sinh khối rừng dao động từ 66,20 tấn/ha ở cây 5 tuổi đến 292,39 tấn/ha ở cây 12 tuổi. Rừng ở ở VQG U Minh Hạ, tỉnh Cà Mau có số liệu thấp hơn.
Có nhiều nghiên cứu về khả năng hấp thu CO2 của rừng. Bảo Huy (2009) trong phương pháp nghiên cứu ước tính trữ lượng carbon của rừng tự nhiên làm cơ sở tính toán hàm lượng CO2 phát thải từ suy thoái và mất rừng ở Việt Nam. Kết quả nghiên cứu cho thấy đối với các khu rừng non, nghèo hiện tại về
92 giá trị lâm sản không còn đáng kể, nhưng giá trị môi trường thì có ý nghĩa lớn, lượng carbon lưu giữ khá cao. Rừng ở ở VQG U Minh Hạ, tỉnh Cà Mau là loại rừng đặc dụng phục vụ cho mục đích bảo tồn nên giá trị về môi trường mang ý nghĩa rất lớn đặc biệt là khả năng tích lũy CO2 của rừng như số liệu trên.
Trương Hoàng Đan và ctv (2014) đánh giá lượng cacbon tích lũy của sinh khối rừng Tràm trên nền đất than bùn tại VQG U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang cho kết quả cao hơn số liệu VQG U Minh Hạ, tỉnh Cà Mau do mật độ Tràm cao hơn: Tổng sinh khối khô của rừng Tràm nhỏ hơn 10 tuổi là 58,5 tấn/ha; còn ở rừng Tràm lớn hơn 10 tuổi thì sinh khối khô đạt 58,7 tấn/ha.
Trung bình hàm lượng cacbon tích lũy của rừng Tràm có độ tuổi nhỏ hơn 10 là 26,92 (tấn C/ha) và rừng Tràm có độ tuổi lớn hơn 10 là 26,05 (tấn C/ha).
4.6.2 Khả năng hấp thụ CO2 trên mặt đất của rừng Tràm ở các độ ngập nước khác nhau
Các nghiên cứu để làm cơ sở quản lý rừng, tính năng suất hay tính lượng CO2 hấp thụ đều thông qua việc tính sinh khối. Bảo Huy (2008) đã nghiên cứu ước tính trữ lượng cacbon của rừng tự nhiên làm cơ sở tính toán lượng CO2 phát thải từ mất rừng và suy thoái rừng ở Việt Nam. Ông xác định sinh khối rừng và lượng carbon tích lũy ở các bể chứa trong rừng tự nhiên có mối quan hệ hữu cơ, đồng thời năng lực tích lũy carbon của thực vật, đất rừng có mối quan hệ với các nhân tố sinh thái và thay đổi theo trạng thái. CO2 hấp thụ thông qua các biến số điều tra rừng có thể đo đếm trực tiếp.
Hình 4.28 Khả năng hấp thu CO2 của rừng Tràm ở các mức độ ngập
Hình 4.29 cho thấy khả năng hấp thu CO2 trên mặt đất của rừng Tràm ở các độ sâu ngập không có sự khác biệt giữa các nghiệm thức. Đối với rừng
93 Tràm, khả năng hấp thu CO2 cao nhất ở độ ngập nhỏ hơn 30 cm, có giá trị 143 tấn/ha trong khi ở độ ngập 30 – 60 cm lượng CO2 được giữ lại chỉ 123 tấn/ha và ở độ ngập >60 cm là 136 tấn/ha. Mặc dù lượng CO2 có thể hấp thu ở rừng Tràm VQG U Minh Hạ, tỉnh Cà Mau không cao lắm nhưng chúng cũng mang ý nghĩa lớn về mặt môi trường trong điều kiện đất phèn và ngập nước.
Đã có nhiều nghiên cứu về sự giữ nước phòng cháy trong rừng Tràm.
Do rừng Tràm là loại rừng có khả năng cháy cao nên việc giữ nước trong rừng để phòng cháy chữa cháy là một trong những nhiệm vụ chính trong công tác quản lý rừng. Một số nghiên cứu đã được thực hiện về mức độ giữ nước trong rừng Tràm có ảnh hưởng đến cây Tràm. Takashi et al. (2001) đã nghiên cứu về sự sinh trưởng về chiều cao của cây Tràm trong điều kiện ngập lũ ở vùng đất than bùn nhiệt đới. Mực nước đã được theo dõi trong 14 tháng cho thấy ở các vị trí từ tháng 7 đến tháng 11 mực nước trong rừng đều cao hơn mặt đất. Các tháng còn lại thì mực nước xuống thấp hơn mặt đất và mức độ ngập từ khoảng 65 cm trở xuống và sau khi so sánh giá trị chiều cao ở các lô thí nghiệm ông đã có kết luận là mức độ ngập nước như thế không ảnh hưởng đến sinh trưởng chiều cao của cây. Điều này được giải thích là do cây Tràm có cơ chế để chịu đựng sự thiếu oxy và tránh bị tổn thương trong điều kiện ngập. Cơ chế này cho phép cây sinh trưởng trên vùng đất ngập nước trong thời gian dài. Tuy nhiên, trong nghiên cứu này thì thời gian ngập khoảng 6 tháng/năm và độ ngập từ 40 – 60 cm chỉ kéo dài trong khoảng 2-3 tháng (tháng 11 đến tháng 1) mà theo các tài liệu trước đây thì cây Tràm vẫn sinh trưởng bình thường khi thời gian ngập ít hơn 6 tháng trong năm.
Như vậy, ở các độ dày than bùn khác nhau thì rừng Tràm VQG U Minh Hạ có khả năng hấp thụ 110 - 147 tấn/ha CO2 và đối với các mức ngập khác nhau là 123 - 143 tấn/ha CO2. Kết quả này thấp hơn khi so sánh với nghiên cứu của Viên Ngọc Nam và Lê Hoàng Long (2012) trong Nghiên cứu lượng Cacbon tích tụ của rừng Tràm (Melaleuca cajuputi Powell) tại Vườn quốc gia Tràm chim, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp là 344 tấn/ha và 239 tấn/ha ở xã Gáo Giồng, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp (Viên Ngọc Nam và Lư Ngọc Trâm Anh (2011)).