1.2. HỌC SINH KHÓ KHĂN VỀ ĐỌC
1.2.4. Đặc điểm của học sinh tiểu học có khó khăn về đọc
Trẻ em phát triển theo nhiều cách khác nhau với những mức độ khác nhau trong suốt những năm tiểu học.
Phát triển về mặt nhận thức: Trong năm đầu của tiểu học, trẻ hoạt động trong giai đoạn thao tác tư duy cụ thể (Jean Piaget) [33] thời kỳ mà các tiến trình suy nghĩ của các em dần dần trở nên có tính tổ chức hơn. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu sau này đã cung cấp những chứng cứ cho rằng nhà trường tiểu học có thể trông đợi HS thể hiện khả năng nhận thức ở nhiều mức độ thuộc các giai đoạn khác nhau tùy thuộc vào kinh nghiệm của các em, vào ngữ cảnh và nhiệm vụ học tập.
Phát triển về mặt xã hội: Đây là giai đoạn phát triển, thiết lập mối liên hệ chặt chẽ giữa quá trình phát triển nhận thức và phát triển kỹ năng xã hội. Vào thời kỳ đầu tiểu học, hầu hết trẻ em có những cảm xúc hỗn độn giữa vui vẻ và lo lắng. Trẻ bắt đầu phát triển khả năng đồng cảm, hiểu cảm xúc, ý tưởng và quan điểm của người khác (Bern 1992). Trong đó, khả năng nhận thức về người khác ngày càng gia tăng. Theo Selman (1980) trẻ từ 8 – 10 tuổi nằm trong giai đoạn tự phản ánh (Self reflective stage) vào tuổi này trẻ bắt đầu nhận ra quan điểm của người khác.
Sự phát triển về mặt thể chất: trong những năm đầu tiểu học trẻ có thể tăng khoảng 5 – 7,5 cm chiều cao mỗi năm. Khả năng kiểm soát cơ bắp tiếp tục phát triển trong thời kỳ cuối tiểu học. Việc kiểm soát các cơ bắp lớn tốt hơn các cơ bắp nhỏ. Việc phát triển khả năng phối hợp hoạt động của bàn tay trong quá trình học viết thể hiện ở mức độ kiểm soát ngày càng tăng.
1.2.4.2 Đặc điểm phát triển
Mỗi HS KKVĐ có những đặc điểm riêng. Có thể HS bị hạn chế trong lĩnh vực này nhưng lại có khả năng ở lĩnh vực khác. Khi các đặc điểm đó tác động qua lại với nhau sẽ tạo nên những nét nhân cách riêng của từng HS.
a) Khả năng ghi nhớ
Trong nhiều trường hợp, người ta có thể dựa trên đặc điểm của trí nhớ để nhận diện HS KKVĐ. Các HS KKVĐ thường khó nhớ các thông tin qua kênh thị giác hoặc thính
giác. HS KKVĐ thường hay có những biểu hiện rối loạn trí nhớ. Ví dụ như HS thường quên cách đánh vần các từ, cách làm toán và những lời hướng dẫn dặn dò của thầy/cô mặc dù tiết học trước các em đã có thể thực hiện thành thạo. Trí nhớ của HS KKVĐ thường có những đặc điểm sau:
- Không chủ động sử dụng được những thủ thuật ghi nhớ mà những HS khác hay sử dụng. Ví dụ, để học thuộc các thông tin của một bài học, HS thường chủ động đưa ra các thủ thuật giúp mình nhớ tốt hơn như: xếp chúng vào một nhóm, đặt những điểm mốc quan trọng, gắn kết nó với những đặc điểm riêng. Còn HS có KKVH không sử dụng những thủ thuật này.
- Khiếm khuyết liên quan tới bộ nhớ ngôn ngữ ảnh hưởng tới khả năng giải mã, xếp loại và gợi lại thông tin trước đó đã được truyền tải. HS thường gặp khó khăn trong việc ghi nhớ các sự kiện; không ghi nhớ đầy đủ nếu các thông tin đó được cung cấp chỉ qua kênh lời nói. Tốc độ xử lý âm thanh chậm không cho phép các HS KKVĐ có đủ thời gian để nạp những thông tin đó vào bộ nhớ ngắn hạn. Do đó, hầu hết những gì vừa được nghe trình bày sẽ bị mất đi, không thể truyền và lưu giữ trong bộ nhớ dài hạn.
b) Khả năng tập trung
Hoạt động học tập đòi hỏi mỗi HS vừa phải cố gắng duy trì sự tham gia, nỗ lực hoàn thành một lượng bài tập nhất định vừa phải di chuyển sự tập trung, chú ý từ đối tượng này sang một đối tượng khác khi được yêu cầu. Trong khi đó, HS KKVĐ thường bị chi phối nhiều bởi các kích thích của tác nhân cũ nên rất khó chuyển hướng sự chú ý của mình đến kích thích mới. Sức bền chú ý của các em kém nên HS chỉ tập trung được trong thời gian ngắn, lơ đãng hay bị chi phối với tất cả những hoạt động ở xung quanh… Một số HS quá hiếu động khiến các em khó thích nghi được với môi trường lớp học ở cấp tiểu học.
c) Đặc điểm về xã hội và cảm xúc
Nhà trường, gia đình và bản thân đều mong đợi HS có một kết quả học tập tốt.
Nhiều HS dù đã cố gắng nhưng kết quả học tập không được cải thiện khiến các em thất vọng, không muốn học, xuất hiện hành vi có vấn đề. Một số em còn mất niềm tin vào bản thân và người khác, nảy sinh tâm lý tự ti, coi thất bại của mình là điều đương nhiên. Các em tự lý giải nguyên nhân là do bản thân mình thiếu khả năng về mọi mặt.
HS KKVĐ thường có tâm lý không ổn định từ cấp độ nhẹ tới nghiêm trọng.
Hầu hết HS KKVĐ không đạt được mức độ thích nghi tâm lý. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, không có một đặc điểm hay công thức chung nào cho các biểu hiện về tính cách, sự thích nghi về mặt tâm lý, năng lực xã hội, khả năng tự hiểu mình hoặc các chỉ số thể hiện chức năng tâm lý xã hội khác ở HS KKVĐ.
Các nghiên cứu [21,25,56,68,69] chỉ ra rằng: Khoảng 70% HS KKVH tự đánh giá mình thấp trong nhận thức và học tập. Trong khi đó, hầu hết trẻ KKVĐ có chỉ số trí tuệ bình thường. Các GV đều cho rằng những khó khăn trong học đọc các HS không phải do thiếu nỗ lực hay hạn chế về trí tuệ. Vì thế, xác định sớm và can thiệp kịp thời về tâm lý và GD cho trẻ KKVĐ có thể hạn chế tối đa những khiếm khuyết mang tính xã hội.
Một số HS KKVH sau nhiều lần gặp thất bại trong việc học đọc có thể xuất hiện hành vi gây gổ và mang tâm lý tự ti. Khoảng 30% tổng số HS KKVĐ cấp Tiểu học có vấn đề về hành vi. Thay vì phải cố gắng học và hoàn thành những bài tập thì HS KKVĐ lại thường cố làm những gì mà mình không thể làm nổi. Việc không xác định đúng khả năng của bản thân (quá cao hoặc quá thấp) thường khiến cho HS cảm thấy bi quan, mất niềm tin vào chính mình và đánh mất luôn cả lòng tự trọng. Trên thực tế, nếu được can thiệp đúng cách nhiều HS KKVĐ có kết quả học tập thấp nhưng lại không thua kém bạn bè cùng trang lứa trong các lĩnh vực phát triển khác và các thể hiện trong các mối quan hệ với gia đình và xã hội [21].
d) Những vấn đề học tập
Tất cả các HS KKVĐ cấp tiểu học đều có vấn đề về học tập ở mức độ nhiều hay ít. HS có thể học kém ở một số môn hoặc ở tất cả các môn học. HS đặc biệt khó khăn trong việc thể hiện kỹ năng đọc, có thể hạn chế ở các kỹ năng cơ bản khác như:
viết, làm toán và suy luận toán học.
- Hầu hết những HS KKVĐ ở độ tuổi tiểu học thường có kết quả học tập kém, đặc biệt là điểm số thường rất thấp trong các môn tập đọc, chính tả, tập làm văn và làm toán.
- Các kỹ năng cơ bản ở những HS này ngày càng bị mai một đi, nhất là vào những năm cuối cấp nếu không được học tập và hỗ trợ trong một môi trường phù hợp.
- Phần lớn HS KKVĐ ở độ tuổi này thường không có khả năng học các môn học sử dụng nhiều đến những kỹ năng đọc như viết, giải toán có lời văn, kể chuyện. HS
thường khó khăn khi việc trả lời vấn đáp, ghi chép, nghe hiểu, đọc lướt, phát hiện và chữa lỗi sai.
Khả năng đọc
Các đặc điểm của khó đọc khác nhau phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của khiếm khuyết cũng như độ tuổi của cá nhân. Với HS lớp 1 xuất hiện các đặc điểm sau đây:
- Khó học chữ cái hoặc thứ tự các chữ cái sắp xếp trong bảng.
- Khó khăn trong việc liên kết âm thanh với tự vị tương ứng.
- Khó phân chia âm tiết (phân tách âm vị) thành các thành tố như: phụ âm đầu, vần, thanh điệu và khó kết hợp các thành phần đó để tạo thành tiếng/từ (tổng hợp âm vị).
- Khó khăn với việc nhớ từ đã học hoặc đặt tên đồ vật.
- Khó khăn với đọc thành tiếng (không đọc được/đánh vần hoặc đọc rất chậm; sai nhiều lỗi; không trôi chảy) và không hiểu văn bản vừa đọc.
- Khó phân biệt giữa các âm thanh gần giống nhau (hạn chế thính giác phân biệt).
Khả năng viết
Viết là một hoạt động phức tạp đòi hỏi phải có sự phối, kết hợp nhiều cơ quan để thực hiện một chuỗi các kỹ năng khác nhau. Vì thế, khi HS có KKVĐ thường dẫn đến các khó khăn về viết. Thực tế DH cho thấy nhiều HS KKVĐ yếu trong kỹ năng viết chữ: chữ xấu, thiếu khả năng thực hiện những thao tác di chuyển linh hoạt trong khi viết. HS thể hiện sự yếu kém trong lập dàn bài, sử dụng các loại từ rất hạn chế, viết câu và đoạn văn không đúng hoặc thiếu lôgic. Các em có các biểu hiện cụ thể sau đây:
- Kém hơn hẳn so với các bạn cùng lớp về: tốc độ viết, cách trình bày bài viết, mắc nhiều lỗi chính tả, lỗi sử dụng các dấu chấm câu và các quy tắc ngữ pháp.
- Rất hạn chế trong việc hoàn thành các bài tập làm văn: HS KKVĐ thường sử dụng từ ngữ không linh hoạt, không biết vận dụng các kỹ thuật để diễn đạt bài tập làm văn hiệu quả [56].