1.3. LÝ LUẬN VỀ DẠY HỌC HỖ TRỢ KỸ NĂNG ĐỌC THÀNH TIẾNG
1.3.5. Môi trường tổ chức dạy học hỗ trợ cho học sinh có khó khăn về đọc
Phần trên đã bàn đến các yếu tố DHHT cho HS KKVĐ. Trong phần này luận án sẽ tiếp tục bàn luận về môi trường GD nào sẽ tiến hành hiệu quả hoạt động DH đó.
Hiện nay, ở phần lớn các quốc gia HS có KKVĐ đang học tại các trường phổ thông (GDHN) nhưng vẫn nhận được các dịch vụ HT khác nhau. Ở các nước phát
triển, cha mẹ và HS có nhiều loại dịch vụ để lựa chọn như: đến các phòng khám của bệnh viện; phòng HT GD đặc biệt của Trường Đại học, Trung tâm Giáo dục Đặc biệt chuyên cung cấp dịch vụ HT dành cho trẻ có KKVĐ... Theo Singleton, C.H (2009), ở Anh có tới 77 cơ sở độc lập chuyên cung cấp các dịch vụ dành cho trẻ có KKVĐ [107]. Trong đó, Trung tâm Hành động vì Chứng khó đọc cung cấp 250 GV, chuyên gia đến giảng dạy tại 25 cơ sở hỗ trợ cho trẻ có KKVĐ trên 160 địa điểm giảng dạy, và nhiều trường phổ thông trên toàn nước Anh. Bang Taxat – Hoa Kỳ quan niệm GDHN phải tạo ra được môi trường ít hạn chế nhất cho mọi HS. Điều đó có nghĩa là khi HS có KKVĐ tham gia GDHN các em không chỉ được học với các bạn cùng tuổi mà điều quan trọng là nhà trường cần đáp ứng tốt nhất nhu cầu và khả năng hiện tại của chúng.
Vì thế, mọi HS có KKVĐ ngay khi nhập trường sẽ được đánh giá đặc điểm kỹ năng học đường, tùy theo trình độ mà sẽ được xếp vào 1 trong các loại lớp sau đây: 1) Nếu HS có khả năng theo kịp chương trình phổ thông chỉ cần thêm một chút sự trợ giúp, em đó sẽ theo học chương trình giống như các bạn khác. 2) Nếu HS có KKVĐ nghiêm trọng, ngoài nhận sự trợ giúp đặc biệt trong các tiết cá nhân hoặc nhóm HS còn được học nhóm (lớp) với các bạn có cùng trình độ trong môn Tiếng Anh và một số các môn học khác [11].
Bên cạnh đó, trên thế giới vẫn tồn tại một số ít các trường chuyên biệt dành riêng cho các HS có KKVĐ. Ví dụ như trường East Court là một trường chuyên biệt tư thục dành cho HS KKVĐ ở Ramsgate. Trung bình, mỗi HS có KKVĐ học ở đó hai năm rưỡi, thường là khi đến 11 - 13 tuổi em đó sẽ trở về học tại trường HN [107].
Tổng hợp các nghiên cứu hiện tìm được cho thấy, có rất ít công trình công bố bằng chứng về tính hiệu quả của DHHT cho HS có KKVĐ trong môi trường chuyên biệt. Vì thế, nên chưa có đủ bằng chứng khoa học để khẳng định dạy đọc cho HS KKVĐ trong môi trường chuyên biệt hay môi trường HN hiệu quả hơn.
Tại Việt Nam, phần lớn HS có KKVĐ hiện đang học trong các trường phổ thông [6,13,14,23,25]. Tuy nhiên, không giống như nhóm các khuyết tật truyền thống như: khuyết tật trí tuệ, khiếm thị, khiếm thính, khuyết tật vận động, KKVĐ không phải ai cũng biết và cũng công nhận. Vì thế, chỉ ở những nơi có điều kiện HS có KKVĐ mới nhận được sự HT từ: GV chủ nhiệm, GV dạy môn Tiếng Việt, gia sư hay các chuyên gia GD đặc biệt tại các trung tâm HT GDHN... Một số HS được DH thêm ngoài giờ học. Thực tế cho thấy, HS phải học nhiều hơn các bạn cùng lớp và địa điểm
DH thường bị tách rời khỏi môi trường GDHN (học cá nhân tại bệnh viên, trung tâm HT GDHN, tại gia đình...). Kết quả là HS dễ nảy sinh tâm lý tự ti mặc cảm về sự khác biệt hạn chế của mình so với các bạn khác. Vì thế, thiết nghĩ nếu hoạt động HT cho HS KKVĐ được tiến hành ngay tại trường, vào giờ học chính khóa và HS được học cùng với các bạn khác cùng trình độ sẽ tạo ra tâm lý thoải mái, tâm thế sẵn sàng học tập hơn cho HS khi phải tham gia các giờ học cá nhân tại nhà hoặc tại các Trung tâm HT phát triển GDHN.
TIỂU KẾT CHƯƠNG 1
Sau khi phân tích cơ sở lý luận của việc dạy đọc cho HS KKVĐ có thể tóm lược và rút ra các kết luận sau:
1). KKVĐ được thế giới biết đến, quan tâm và nghiên cứu hơn 100 năm, nhưng chủ đề này hiện còn khá mới mẻ ở Việt Nam. Xu hướng tiếp cận KKVĐ hiện nay đa ngành, với sự tham gia của các chuyên gia từ nhiều lĩnh vực: Y học, Tâm lí học, Ngôn ngữ học và GD học. Trong số đó, các nhà GD ngày càng có vai trò quan trọng trong việc cung cấp các HT đặc biệt cho HS có KKVĐ.
2). Đọc là quá trình giải mã kép: (1) giải mã chữ thành âm (ứng với đọc thành tiếng), và (2) giải mã chữ thành nghĩa (ứng với đọc hiểu). HS có KKVĐ bị hạn chế trong khả năng giải mã kép này. Trong giai đoạn đầu cấp tiểu học, mối quan tâm của HS có KKVĐ tập trung vào kỹ năng giải mã chữ - âm (kỹ năng đọc thành tiếng). HS có KKVĐ là những trẻ gặp khó khăn trong kỹ năng đọc thành tiếng, mà nguyên nhân không phải do: thiếu cơ hội, điều kiện học tập; hay khuyết tật trí tuệ và khuyết tật giác quan.
3). Cho đến nay, nguyên nhân thực sự của KKVĐ vẫn là điều gây nhiều tranh cãi và tồn tại nhiều giả thuyết khác nhau. Tựu chung lại, các giả thuyết trên thuộc về hai nhóm: 1) Nhóm nguyên nhân về sinh học; 2) Nhóm nguyên nhân về nhận thức: Sự hạn chế trong xử lí thông tin; Sự khiếm khuyết về trí nhớ; và sự khiếm khuyết về nhận thức âm vị.
4). Đã có nhiều nghiên cứu về DH cho trẻ có KKVĐ trên thế giới và Việt Nam. Mặc dù, tổ chức DH cho trẻ có KKVĐ thường không phụ thuộc vào một cách tiếp cận dạy đọc duy nhất mà sử dụng phối hợp nhiều cách khác nhau dựa trên loại khó đọc và đặc điểm đọc của từng em, nhưng chúng đều nhằm vào mục tiêu cốt lỗi là: nâng cao kỹ
năng nhận thức âm vị, nhờ sự kích hoạt tốt đa hoạt động của tất cả các giác giác và thực hiện trong môi trường học đọc giàu ý nghĩa với trẻ.
5). Phần lớn trẻ KKVĐ ở Việt Nam đang học trong môi trường GDHN. Học chung với các bạn theo chương trình giáo dục phổ thông, các em rất cần nhận được những HT đặc biệt về đọc. Thiết nghĩ, nếu hoạt động DHHT cho HS có KKVĐ được tiến hành ngay tại trường, vào giờ học chính khóa, các em được học cùng với bạn bè cùng trình độ thì sẽ tạo ra tâm lý thoải mái, tâm thế sẵn sàng học tập hơn khi phải tham gia các giờ học đặc biệt trong môi trường khác.