CHƯƠNG 1: CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ ĐÀO TẠO NGUỒN NHÂN LỰC
1.2. NỘI DUNG CỦA CÔNG TÁC ĐÀO TẠO NGUỒN NHÂN LỰC
1.2.3. Xây dựng chương trình và lực chọn phương pháp đào tạo
Căn cứ vào nhu cầu, đối tượng đào tạo và mục tiêu đào tạo mà xây dựng chương trình đào tạo cho phù hợp. Trong một chương trình đào tạo có thể áp dụng nhiều hình thức đào tạo khác nhau cho những đối tượng khác nhau. Cần lên kế hoạch về nội dung giảng dạy cũng như thời gian biểu, học môn gì, bài gì, do ai dạy và học bao nhiêu tiết. Bời vì, nội dung đào tạo là nền tảng của
chương trình đào tạo. Việc xác định nội dung đào tạo phải căn cứ vào chiến lược phát triển của doanh nghiệp và dựa trên căn cứ đó để xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực, yếu tố đó là cơ sở để xác định cụ thể vị trí công việc nào còn thiếu để đào tạo và vị trí nào đã có người nhưng cần đào tạo lại cho phù hợp, trên có sở nội dung đào tạo được biên soạn và lựa chọn để phù hợp. Từ yêu cầu của công việc cũng như những kiến thức đã có của người lao động, từ đó tìm ra những thiếu sót, trục trặc và những điểm còn yếu kém của nhân viên. Qua đó người quản lý phân loại được những nhân viên nào đã đáp ứng được yêu cầu công việc và những đối tượng nào còn thiếu hụt và họ đang thiếu hụt cái gì để đào tạo cho phù hợp.
Một chương trình đào tạo không thể được triển khai có hiệu quả nếu thiếu đội ngũ giáo viên có khả năng. Điều quan trọng là phải chọn đúng người và cung cấp cho họ những thông tin cần thiết. Để đạt được hiệu quả, họ phải là người có kiến thức và suy nghĩ rộng, biết phối hợp hành động, ham hiểu biết, đồng thời họ phải giỏi về quan hệ với con người, có tinh thần tập thể, có đầy đủ khả năng về quản lý, về kỹ thuật phân tích…
Để chương trình đào tạo có hiệu quả và kinh tế cao thì việc lựa chọn đúng phương pháp đào tạo thích hợp có vai trò hết sức quan trọng. Nếu đúng phương pháp sẽ tiết kiệm được nhiều kinh phí đào tạo, thời gian và nâng cao chất lượng đào tạo.
b. Lựa chọn phương pháp đào tạo
Lựa chọn phương pháp đào tạo là lựa chọn cách thức truyền đạt kiến thức, kỹ năng đến người được đào tạo sao cho đạt đến mục tiêu của doanh nghiệp một cách phù hợp và hiệu quả nhất.
Mỗi phương pháp đào tạo có cách thực hiện khác nhau với những ưu nhược điểm riêng mà doanh nghiệp cần cân nhắc để chọn sao cho phù hợp nhất với điều kiện công việc, đặc điểm về lao động và về nguồn tài chính của
mình. Đồng thời, với các đối tượng đào tạo khác nhau, với mỗi loại kiến thức khác nhau, mỗi vị trí công việc khác nhau đòi hỏi các phương pháp đào tạo cũng phải khác nhau.
Vì vậy cần phải lựa chọn phương pháp đào tạo phù hợp nhằm giúp cho người được đào tạo tiếp thu các kiến thức, kỹ năng tốt hơn, qua đó để nâng cao hiệu quả của công tác đào tạo. Có hai phương pháp đào tạo như sau:
- Đào tạo trong công việc: Là phương pháp đào tạo trực tiếp tại nơi làm việc, trong đó người học sẽ học được những kiến thức, kỹ năng cần thiết cho công việc thông qua thực tế thực hiện công việc và thường là dưới sự hướng dẫn của những người lao động lành nghề hơn. Thông thường bao gồm những phương pháp sau:
+ Phương pháp kèm cặp hướng dẫn tại chỗ: Đây là phương pháp phổ biến dùng để dạy các kỹ năng thực hiện công việc. Thông qua quá trình thực hiện công việc, người học sẽ được quan sát, ghi nhớ, học tập và thực hiện công việc theo sự chỉ bảo của những người quản lý giỏi như người lãnh đạo trực tiếp, các cố vấn, những người có kinh nghiệm hơn.
+ Phương pháp luân chuyển công việc: Là phương pháp chuyển người lao động từ vị trí công việc này sang làm một công việc khác. Phương pháp này giúp học viên được luân chuyển làm những công việc khác nhau nhằm cung cấp cho những kiến thức và kinh nghiệm rộng hơn. Qua đó người học sẽ nắm được những kỹ năng thực hiện công việc khác nhau và hiểu được cách thức phối hợp thực hiện công việc của các bộ phận khác nhau trong doanh nghiệp. Phương pháp này giúp cho việc phân công công việc trong doanh nghiệp linh hoạt hơn, phối hợp hoạt động giữa các phòng, ban hiệu quả hơn và nhân viên có hội thăng tiến cao hơn. Ngoài ra, phương pháp này còn giúp người học kiểm tra, phát hiện ra các điểm mạnh, điểm yếu của mình và có kế hoạch đầu tư, phát triển nghề nghiệp phù hợp, tạo sự hứng thú cho nhân viên,
tránh được sự nhàm chán, giúp họ trở thành người đa năng, đa dụng để đối phó với mọi tình huống thay đổi sau này.
+ Phương pháp đào tạo theo kiểu học nghề: Theo phương pháp này, chương trình đào tạo bắt đầu bằng việc học lý thuyết trên lớp, sau đó học viên được đưa trực tiếp xuống nơi làm việc và thực hành cho tới khi thành thạo tất cả các kỹ năng của nghề, dưới sự hướng dẫn của những người lành nghề, có kinh nghiệm và chuyên môn cao. Phương pháp này dùng để dạy một nghề hoàn chỉnh cho lao động trực tiếp.
- Đào tạo ngoài công việc: Là phương pháp đào tạo mà người học được tách khỏi sự thực hiện các công việc thực tế để tham gia vào các hoạt động học tập. Có những phương pháp chủ yếu sau:
+ Phương pháp cử đi học ở những trường chính quy: Với phương pháp đào tạo này, các doanh nghiệp sẽ cử người lao động đi đào tạo ở các trường chính quy, các trường dạy nghề do các bộ, ngành Trung ương tổ chức hay tham dự các khóa đào tạo nghiệp vụ ở nước ngoài. Đây là một phương pháp có nhiều ưu điểm, được sử dụng nhiều hiện nay những cũng khá tốn kém, doanh nghiệp cần có sự cân nhắc giữa chí phí đào tạo và hiệu quả đạt được.
+ Phương pháp hội nghị, hội thảo: Các buổi giảng bài, hội nghị hay hội thảo có thể được tổ chức tại doanh nghiệp hoặc ở bên ngoài, có thể tổ chức riêng hoặc kết hợp với các chương trình đào tạo khác. Trong hội nghị, hội thảo người học sẽ thảo luận theo từng chủ đề dưới sự hướng dẫn của người lãnh đạo nhóm, qua đó tiếp thu được các kiến thức, kỹ năng cần thiết. Ưu điểm của phương pháp này là đơn giản, dễ tổ chức, không đòi hỏi các trang thiết bị riêng, học viên được học hỏi nhiều kinh nghiệm trong công việc cũng như phong cách bày tỏ, thể hiện ý kiến của mình trước đám đông.
+ Phương pháp tình huống: Phương pháp tình huống dựa trên việc sử dụng bản mô tả một tình huống ra quyết định tại doanh nghiệp hoặc tổ chức
cụ thể. Mỗi học viên được yêu cầu nghiên cứu tình huống để nhận diện, phân tích vấn đề, đề xuất các giải pháp và chọn lựa giải pháp tốt nhất để thực hiện nó. Nếu có sự tương tác giữa học viên và người hướng dẫn thì việc học sẽ có kết quả hơn. Người hướng dẫn như là chất xúc tác giúp học viên nắm bắt được những yêu cầu của công việc, cũng như các thao tác thực hiện công việc. Người hướng dẫn giỏi là người có khả năng dẫn dắt, cuốn hút mọi người tham gia vào việc giải quyết vấn đề. Phương pháp này tạo ra khả năng thu hút mọi người tham gia, phát biểu các quan điểm khác nhau và đề ra quyết định, giúp các học viên làm quen với phân tích, giải quyết các vấn đề thực tiễn.
+ Phương pháp sử dụng chương trình hóa với sự trợ giúp của máy tính:
Đây là phương pháp đào tạo kỹ năng hiện đại ngày nay, mà nhiều doanh nghiệp ở nhiều nước trên thế giới áp dụng rộng rãi. Trong phương pháp này, các chương trình đào tạo được viết sẵn trên đĩa mềm của máy tính, người học chỉ việc thực hiện theo các hướng dẫn của máy tính. Phương pháp này có thể sử dụng để đào tạo rất nhiều kỹ năng mà không cần có người dạy.
Mỗi phương pháp đào tạo đều có ưu điểm và nhược điểm riêng, để đào tạo đạt hiệu quả kinh tế cao thì việc lựa chọn dùng phương pháp đào tạo thích hợp đóng vai trò hết sức quan trọng. Nếu quyết định đúng phương pháp đào tạo sẽ tiết kiệm được nhiều kinh phí, thời gian và chất lượng đào tạo cũng được nâng cao. Chính vì vậy, để đạt hiệu quả cao trong đào tạo doanh nghiệp phải sử dụng hợp lý từng phương pháp một hoặc kết hợp một lúc nhiều phương pháp đào tạo.