Chương 2: Tìm hiểu hiệu quả của từ láy trong các tác phẩm thơ thuộc SGK Tiếng Việt ở Tiểu học
2.3. Hiệu quả của từ láy trong các tác phẩm thơ ở SGK Tiếng Việt ở Tiểu học
2.3.2. Từ láy có tác dụng tạo tính nhạc tăng giá trị thẩm mĩ cho lời thơ
Nhà thơ, nhà phê bình Nguyễn Đình Thi đã khẳng định:
“Nhạc của thơ không giới hạn ở thứ nhạc ngoài tai ấy. Thơ có một thứ nhạc nữa, một thứ nhạc điệu bên trong, một thứ nhạc điệu của hình ảnh, tình ý, nói chung là của tâm hồn”. (SGK Ngữ văn 12, tập một )
Hoàng Văn Hành đã từng nói:
“Ngay cả những từ láy hoàn toàn (láy âm, láy thanh) thì sắc điệu của tiếng thứ hai trong từ khác hẳn với tiếng thứ nhất ở độ nhấn giọng, kéo dài giọng. Sự láy lại các phụ âm đầu trong các từ láy bộ phận có tác dụng tạo âm hưởng riêng cho từ. Còn việc láy lại bộ phận vần trong các từ láy vần lại góp phần tạo ra âm điệu”.
Nắm được đặc điểm ưu việt trên của từ láy các nhà thơ đã sử dụng kiểu từ này trong sáng tác của mình để tạo ra nhạc điệu cho lời. Sự đắp đổi về thanh điệu giữa các tiếng của từ láy, sự cộng hưởng về âm điệu, vần điệu kết hợp với cách tổ chức nhịp điệu trong thơ góp phần tạo ra một vẻ đẹp riêng cho thơ. Chính vẻ đẹp và sự hấp dẫn đó khiến cho nhiều bài thơ, đoạn thơ khi đọc lên thấy hay và quyến rũ.
VD69:
Bạn bè ríu rít tìm nhau
Qua con đường đất rực màu rơm phơi Bóng tre mát rợp vai người
Vầng trăng như lá thuyền trôi êm đềm.
(Về quê ngoại, SGK Tiếng Việt 3, tập một) Bốn câu thơ trên được trích trong bài thơ “Về quê ngoại” của nhà thơ Hà Sơn. Trong đoạn thơ trên tác giả đã sử dụng từ láy “ríu rít” – một từ có tác dụng tạo âm hưởng vui tươi khi diễn tả tiếng gọi của bạn bè trong cuộc sống, lao động khẩn trương nhiệt huyết.
VD70:
Mênh mông bốn mặt sương mù Đất trời ta cả chiến khu một lòng.
(Nhớ Việt Bắc, SGK Tiếng Việt 3, tập một) Đây là hai câu thơ cuối trong bài thơ “Việt Bắc”. Một bài thơ rất nổi tiếng của nhà thơ Tố Hữu, trong SGK Tiếng Việt 3, tập một, khi trích một đoạn trong tác phẩm đó, các nhà biên soạn sách đã đặt cho nó một cái tên “Nhớ Việt Bắc”. Ở câu thơ thứ nhất tác giả đã sử dụng từ láy “mênh mông” từ láy phụ âm đầu góp phần tạo ra một âm hưởng độc đáo, hỗ trợ cho lời làm nổi bật đặc trưng nhiều sương mù, một đặc trưng nổi bật của thời tiết Việt Bắc.
VD71:
Nghìn con sóng khỏe Lon ta lon ton
Biển to lớn thế Vẫn là trẻ con.
(Bé nhìn biển, SGK Tiếng Việt 2, tập hai)
"Bé nhìn biển" là một bài thơ của tác giả Trần Mạnh Hảo thuộc SGK Tiếng Việt 2, tập hai. Đây chính là hình ảnh của biển hiện lên trong đôi mắt
của em bé và tình cảm của em đối với biển. Bốn câu thơ trên là khổ thơ cuối của bài. Đọc lên ta thấy trong đó tác giả sử dụng từ láy "lon ton", một từ láy vần. Nó góp phần tạo ra vần điệu cho thơ. Hình ảnh của những con sóng hiện lên giống như một đứa trẻ đang chạy nhảy, nô đùa, hồn nhiên, ngây thơ và ngộ nghĩnh.
VD72 :
Cuồn cuộn máy bay Ào ào cơn lốc
Quay vòng, quay vòng Bay lên cao tít.
(Bé thành phi công, SGK Tiếng Việt 3, tập hai) Bốn câu thơ trên được trích trong bài thơ " Bé thành phi công" của tác giả Vũ Huy Thông, trong SGK Tiếng Việt 3, tập hai. Bài thơ viết về một em bé đang tập làm phi công. Trong đoạn thơ hai từ láy hoàn toàn "cuồn cuộn" và "ào ào" đã tạo lên vang âm trong thơ. Những vang âm ấy kích thích liên tưởng để chúng ta hình dung hình ảnh máy bay hoạt động với tốc độ nhanh, mạnh. Cùng với hoạt động xoay vòng của máy bay là tiếng gió như cũng cuấn theo. Hòa cùng những vang âm đó là tiếng lòng náo nức của một chú bé dũng cảm tham gia trò chơi tập làm phi công. Từ láy trong những câu thơ tái hiện âm thanh sự vật và cũng tái hiện nhạc điệu trong tâm hồn của em bé.
KẾT LUẬN
Thông qua việc khảo sát, thống kê, phân loại và tìm hiểu hiệu quả của từ láy trong các tác phẩm thơ thuộc SGK Tiếng Việt ở Tiểu học. Chúng tôi nhận thấy rằng đây là một việc làm hữu ích.
Trong các bài tập đọc ở Tiểu học thì thơ chiếm tỉ lệ tương đối. Hầu hết trong các tác phẩm thơ đều được tác giả sử dụng từ láy nhằm nâng cao giá trị nội dung và giá trị nghệ thuật cho các tác phẩm.
Việc nghiên cứu đề tài: "Tìm hiểu hiệu hiệu quả của từ láy trong các tác phẩm thơ thuộc SGK Tiếng Việt ở Tiểu học" đã giúp cho chúng tôi có điều kiện để củng cố và nâng cao những hiểu biết của mình về từ trong tiếng Việt và cách dùng từ để mang lại hiệu quả cao nhất. Ngoài ra còn giúp cho những sinh viên, những giáo viên tự trau dồi kiến thức và phương pháp giảng dạy để dạy học tốt hơn, mang lại hiệu quả cao hơn.
Từ láy trong tiếng Việt được phân chia thành nhiều loại khác nhau, dựa vào những tiêu chí khác nhau: từ láy đôi, từ láy ba, từ láy tư, từ láy toàn bộ và từ láy bộ phận. Những từ láy khi được sử dụng đúng lúc, đúng chỗ, mức độ phù hợp sẽ mang lại giá trị nội dung và giá trị nghệ thuật cao hơn cho tác phẩm. Từ láy có tác dụng tạo hình, biểu cảm, góp phần tái hiện hình ảnh, sự việc hoặc cảm xúc của con người. Ngoài khả năng tạo hình thì từ láy còn có tác dụng tạo tính nhạc làm tăng giá trị thẩm mĩ cho lời thơ.
Nghiên cứu và tìm hiểu về từ láy là một vấn đề đã, đang và sẽ được nhiều người quan tâm và không bao giờ là cũ.
Khi nghiên cứu về để tài này chúng tôi đã rất nỗ lực và cố gắng để hoàn thành những nhiệm vụ và mục đích nghiên cứu đã đề ra, nhưng do là năm cuối, cùng một lúc phải hoàn thành nhiều công việc mà thời gian nghiên cứu có hạn và đây cũng là lần đầu tiên chúng tôi làm quen với công việc nghiên
cứu khoa học, cho nên khóa luận cũng không tránh khỏi những thiếu sót.
Chúng tôi rất mong muốn nhận được sự đóng góp chân thành của các thầy cô giáo, các bạn sinh viên để khóa luận của chúng tôi được hoàn thiện hơn.