Chương 3. BIỆN PHÁP TĂNG CƯỜNG HOẠT ĐỘNG ĐÀO TẠO BỒI DƯỠNG CÁN BỘ TẠI TRƯỜNG QUẢN TRỊ KINH DOANH VINACOMIN
3.2. BIỆN PHÁP QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG ĐÀO TẠO BỒI DƯỠNG CÁN BỘ TẠI TRƯỜNG QUẢN TRỊ KINH DOANH - VINACOMIN
3.2.1. Biện pháp 1: Kế hoạch hoá công tác quản lý chất lượng đào tạo bồi dưỡng cán bộ tại trường Quản trị kinh doanh - Vinacomin
* Mục tiêu của biện pháp:
Xây dựng kế hoạch là một chức năng rất quan trọng trong các chức năng của quản lý nói chung, quản lý chất lượng đào tạo nói riêng. Trong trường học, muốn thực hiện tốt mục tiêu giáo dục - đào tạo thì quản lý không thể không có kế hoạch. Kế hoạch quản lý nói chung và kế hoạch quản lý chất lượng đào tạo bồi dưỡng cán bộ nói riêng nhằm mục đích thực hiện các mục tiêu về kiến thức, kỹ năng, thái độ của người học đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp. Việc xây dựng kế hoạch để phối hợp các hoạt động trong tổ chức trường học khẳng định sự phát triển của một tổ chức trong tương lai, đảm bảo cơ sở hợp lý cho hoạt động của tổ chức, kế hoạch được xem là một công cụ quản lý. Chính bản kế hoạch là quyết định đầu tiên của người quản lý
để thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ giáo dục - đào tạo. Kế hoạch giúp người quản lý hạn chế sự bất ổn định trong hệ thống trước những thay đổi của mục tiêu, tạo khả năng thực hiện công việc một cách kinh tế, tập trung sự cố gắng của mọi người vào mục tiêu và tạo điều kiện tối đa cho người quản lý kiểm tra, đánh giá hoạt động của mọi người.
* Nội dung biện pháp:
+ Hiệu trưởng cần xác định các căn cứ để xây dựng kế hoạch quản lý chất lượng đào tạo như:
- Thứ nhất, căn cứ vào tình hình đội ngũ giảng dạy đáp ứng được yêu cầu của đào tạo bồi dưỡng cán bộ theo tiêu chuẩn, kiến thức kỹ năng đào tạo đã được các cấp ban hành. Đây là lực lượng lao động chính của trường do đó ta phải điều tra kỹ lưỡng về số lượng, chất lượng: trình độ kiến thức và tay nghề thực hành, kinh nghiệm thực tế, phân tích, cân đối kỹ các kết quả điều tra để lấy đó làm căn cứ cho công tác xây dựng kế hoạch.
- Thứ hai, căn cứ vào nhu cầu của học viên. Trong nhà trường, học viên là trung tâm của mọi hoạt động dạy học, rèn luyện kỹ năng ngành nghề và giáo dục tác phong công nghiệp. Vì vậy mà ta cũng cần phải điều tra kỹ, phân tích, cân đối kỹ càng, chính xác để lấy đó làm căn cứ cho xây dựng kế hoạch.
- Thứ ba, căn cứ vào cơ sở vật chất, thiết bị dạy học phục vụ cho công tác quản lý chất lượng đào tạo. Đây là điều kiện quan trọng để nhà trường tổ chức các hoạt động giảng dạy. Do đó phải thống kê đầy đủ, cụ thể để có kế hoạch sử dụng những cơ sở vật chất, thiết bị hiện có và có kế hoạch mua sắm hoặc xây dựng thêm những cơ sở vật chất còn thiếu.
- Thứ tư, căn cứ vào nguồn tài chính của trường. Điều tra nguồn tài chính của trường là phải tính toán về tiềm lực tài chính của trường, tính toán
lượng chi tiêu các khoản, các công việc cần thiết đúng theo chế độ tài chính.
Lấy kết quả điều tra đó để làm căn cứ cho xây dựng kế hoạch.
- Thứ năm, căn cứ vào kết quả thực hiện kế hoạch quản lý chất lượng đào tạo của nhà trường những năm trước. Như chúng ta đã biết, nguyên tắc của kế hoạch có tính kế thừa và phát triển. Kế hoạch cũng như mọi cái khác, đều bắt đầu từ cái đã có trước. Do đó khi điều tra vấn đề này cần phân tích kỹ những thành công, thất bại, phân tích các nguyên nhân của nó để thấy được kế hoạch năm sau cần có thêm những điều kiện nào, cách thực hiện như thế nào cho thành công.
Thứ sáu, căn cứ vào mục tiêu chất lượng, chiến lược chính sách, tầm nhìn của Nhà trường trong những năm tiếp theo. Đây là kế hoạch của cả một giai đoạn của nhà trường, do đó cần điều tra kỹ để nắm được trong từng năm học cần làm những gì để thực hiện mục tiêu mà kế hoạch đề ra. Đây cũng là căn cứ cần thiết cho kế hoạch quản lý chất lượng đào tạo được đề ra trong từng năm học cho phù hợp với tiến độ.
+ Quy trình xây dựng kế hoạch:
- Hiệu trưởng phổ biến cho các Phòng ban, trung tâm, trong toàn trường về việc xây dựng kế hoạch quản lý chất lượng đào tạo về nhiệm vụ, các định hướng chính của kế hoạch, các mục tiêu, chỉ tiêu có tính chất gợi ý.
- Các Phân hiệu, phòng ban căn cứ vào thực tế của đơn vị xây dựng kế hoạch tiếp nhận, tính toán và cân đối. Dự thảo các hệ thống mục tiêu, chỉ tiêu của kế hoạch. Báo cáo lên hiệu trưởng. Cùng Hiệu trưởng vạch ra kế hoạch sơ bộ.
- Hiệu trưởng giao kế hoạch sơ bộ cho các phòng ban, trên cơ sở đó các đơn vị tiến hành xây dựng kế hoạch riêng cho mình.
- Các đơn vị báo cáo lên hiệu trưởng. Hiệu trưởng tập hợp kế hoạch của các đơn vị, cùng tổ chức xây dựng kế hoạch năm học của trường. Thông qua
bản kế hoạch đã được xây dựng cho toàn bộ cán bộ giáo viên, công nhân viên biết để họ thảo luận thêm.
- Với bản kế hoạch chính thức đã được duyệt, Hiệu trưởng công bố kế hoạch chính thức cho toàn trường thực hiện.
+ Vì quản lý chất lượng đào tạo là một hoạt động rộng liên qua đến các hoạt động khác như: giảng dạy, phục vụ… nên mỗi đơn vị, cần căn cứ vào nhiệm vụ chuyên môn của đơn vị mình để từ đó cụ thể hoá trong từng hoạt động quản lý chuyên môn của nhân viên, giáo viên, cán bộ trong Nhà trường.
+ Quản lý chất lượng đào tạo không chỉ bó hẹp trong phạm vi giờ lên lớp hằng ngày mà còn phản ánh bằng các hoạt động ngoại khoá, hoạt động khu nội trú, thực tập sản xuất… do vậy trong kế hoạch của nhà trường cũng cần nêu rõ được các hình thức tổ chức sao cho phù hợp với điều kiện thực tế của đơn vị. Các lực lượng được huy động hỗ trợ cho công tác quản lý chất lượng đào tạo cũng cần được phân công cụ thể để chủ động trong khi tiến hành tổ chức thực hiện.
* Cách thức tiến hành :
+ Chi ủy, công đoàn, đoàn thanh niên cần tuyên truyền nâng cao ý thức, trách nhiệm của mỗi cán bộ giáo viên công nhân viên trong toàn trường về công tác xây dựng kế hoạch quản lý chất lượng đào tạo bồi dưỡng cán bộ. Coi xây dựng kế hoạch là việc chung cần làm của toàn thể đội ngũ cán bộ giáo viên công nhân viên để tìm ra biện pháp tốt nhất thực hiện nhiệm vụ quản lý chất lượng đào tạo bồi dưỡng cán bộ.
+ Cần thực hiện tốt vấn đề dân chủ hoá trong nhà trường để huy động được trí tuệ và tinh thần chung của tập thể. Ban giám hiệu cần phối hợp cân đối quản lý dân chủ để tạo ra tinh thần thống nhất cao trong hội đồng. Tạo thói quen tự quản lý công việc của mọi người.
+ Trong công tác xây dựng kế hoạch Hiệu trưởng phải tuyệt đối tuân thủ các nguyên tắc và thực hiện đúng theo trình tự của nó.