Chương II: Thực trạng thu ngân sách Việt Nam hiện nay (giai đoạn 2020 - 2024)
2.5. Những hạn chế và thách thức trong việc thu ngân sách nhà nước giai đoạn từ năm 2020 đến tháng 9/2024
2.5.1. Hạn chế
Bên cạnh những thành công đã đạt được, thực trạng thu Ngân sách Nhà nước vẫn còn tiềm ẩn những hạn chế nhất định do sự kém bền vững của thu Ngân sách Nhà nước Việt Nam như:
Công tác lập dự toán thu tiền sử dụng đất của các đia phương nhiều năm không sát so với kế hoạch thu, giảm rất nhiều so với những năm trước.
Cơ cấu thu NSNN từ thuế giảm đáng kể do chịu sự tác động của dịch Covid.
Cơ cấu thu NSNN từ thuế chưa đạt yêu cầu so với việc thu NSNN theo hướng bền vững.
Các doanh nghiệp bị phá sản, tạm dừng kinh doanh vẫn còn ở mức cao dẫn đến tình trạng nợ đọng thuế.
Thu từ các loại thuế xuất nhập khẩu giảm do các Hiệp định thương mại tự do (FTA).
Kim ngạch xuất nhập khẩu của những mặt hàng có thuế giảm đặc biệt ở những mặt hàng có thu thuế lớn như ô tô nguyên thiếc, sắt thép, máy móc,...
2.5.2. Thách thức Covid-19
Đối với thu nội địa từ hoạt động kinh doanh, một số ngành, lĩnh vực như du lịch, kinh doanh vận tải, dịch vụ thương mại, xuất - nhập khẩu hàng hóa,… bị tác động mạnh nhất do chịu ảnh hưởng trực tiếp từ dịch Covid- 19. Sự sụt giảm lượng khách du lịch kéo theo sự sụt giảm các dịch vụ hỗ trợ vận tải, đặc biệt là dịch vụ hỗ trợ vận tải ngành hàng không (dịch vụ quản lý bay, dịch vụ cảng hàng không bị ảnh hưởng…).
Khi một số ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch bệnh thì các khu vực sản xuất cũng chịu tác động bất lợi, hoạt động đầu tư giảm đi trong cả ngắn hạn và dài hạn, đặc biệt là đầu tư của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và khu vực doanh nghiệp ngoài quốc doanh. Đối với các dự án đã đầu tư có thể bị hoãn lại việc tăng vốn đầu tư, qua đó làm cho sự tăng trưởng của khu vực FDI trở nên đáng lo ngại, gián tiếp làm giảm số thu NSNN từ khu vực này.
Nổi bật là thu NSNN 4 tháng đầu năm 2021 đạt khá nhưng diễn biến thu qua các tháng có xu hướng giảm dần do và đặc biệt giảm nhanh từ khi dịch bệnh bùng phát trở lại từ cuối tháng 4 đến nay, thu thuế, phí nội địa từ mức tăng 15,9% ở thời điểm tháng 4, đến tháng 6 chỉ còn tăng 5,6%. Và do dịch Covid-19 còn có tác động xấu đến nền kinh tế, khiến nợ thuế năm 2022 tăng cao làm giảm nguồn thu Ngân sách Nhà nước. Tổng số nợ đến ngày 31/12/2022 là 158.914,7 tỷ đồng, tăng 36%
so với năm 2021 (116.961,7 tỷ đồng).
Đối với thu từ dầu thô, tăng trưởng nhu cầu về dầu trên toàn cầu trong năm 2020 giảm do diễn biến dịch bệnh phức tạp, qua đó giá dầu có xu hướng giảm và gây ảnh hưởng đến số thu từ dầu thô.
Đối với thu từ hoạt động xuất - nhập khẩu, do thực hiện các biện pháp để ngăn dịch bệnh lây lan như hạn chế xuất nhập cảnh, tạm ngừng hoạt động trao đổi cư dân qua biên giới, cách ly các thành phố, hạn chế lưu thông…
nên hoạt động xuất khẩu của Việt Nam gặp nhiều khó khăn. Kim ngạch xuất - nhập khẩu với các nước nói chung và với Trung Quốc nói riêng giảm dẫn đến số thu thuế xuất - nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường đối với hàng nhập khẩu đều giảm.
Nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam cũng có dấu hiệu ngưng trệ do hoạt động sản xuất tại Trung Quốc giảm, đặc biệt là các sản phẩm thiết bị, linh kiện điện tử, điện thoại, công nghệ cao, phụ tùng ô tô,…
Tình trạng thất thu thuế
Nhiều doanh nghiệp gặp khó về tài chính; thông tin kết nối chưa đồng bộ;
dịch vụ và kết cấu hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu ảnh hưởng đến hoạt động sản
xuất, kinh doanh cũng như giảm số nộp ngân sách nhà nước. Hành vi trốn thuế, gian lận thuế diễn ra phức tạp với những hành vi khó phát hiện, gây thất thoát không nhỏ Ngân sách Nhà nước. Đáng nói, hiện nay vẫn có tình trạng doanh nghiệp chây ỳ trong việc đóng thuế, chiếm dụng thuế để lấy vốn sản xuất, kinh doanh. Nguyên nhân do gặp khó khăn trong việc quay vòng vốn để sản xuất, kinh doanh dẫn đến khất nợ thuế để có vốn tiếp tục hoạt động; doanh nghiệp tự ý bỏ hoạt động kinh doanh tại địa chỉ đã đăng ký với cơ quan thuế khi đang nợ thuế nhưng không làm thủ tục khai báo lại cho cơ quan thuế, gây khó khăn cho công tác đôn đốc thu hồi nợ thuế,...
Theo kết quả thanh tra chuyên đề về chuyển giá của ngành thuế cho thấy, có tới hàng trăm doanh nghiệp FDI (vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài) trên cả nước liên tục khai lỗ để trốn thuế với số tiền truy thu, truy hoàn lên tới cả nghìn tỷ đồng, làm ảnh hưởng đến môi trường đầu tư của nước ta, đồng thời thất thoát nguồn thu đáng kể cho ngân sách. Hiện tượng chuyển giá không phải chỉ ở khâu sản xuất, mà xảy ra ngay từ khâu đầu tư. Chẳng hạn, thiết bị cũ nhưng khai là mới, mua thiết bị giá thấp nhưng khai giá cao để trích khấu hao được nhiều nhằm trốn thuế. Vì vậy, sự kiểm soát của ngành thuế chỉ là “phần ngọn”.
Năm 2021, toàn ngành Thuế khi tiến hành thanh, kiểm tra được 300 doanh nghiệp có hoạt động giao dịch liên kết; truy thu, truy hoàn và phạt 793 tỷ đồng.
Năm 2022, thu hồi vốn NSNN đầu tư tại các tổ chức kinh tế chỉ đạt 3.848 tỷ đồng (dự toán là 30.000 tỷ đồng) do tiến độ sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp chậm so với kế hoạch. Tuy quy mô thu Ngân sách Nhà nước không ngừng tăng lên, nhưng tỷ lệ huy động ngân sách so với GDP lại giảm (19% GDP). Nợ thuế năm 2022 có xu hướng tăng cao làm giảm nguồn thu Ngân sách Nhà nước. Tổng số nợ thuế đến ngày 31/12/2022 là 158.914,7 tỷ đồng, tăng 36% so với năm 2021 (116.961,7 tỷ đồng). Nguyên nhân nợ thuế tăng cao của người dân và các doanh nghiệp là do dịch Covid-19 còn có tác động xấu đến nền kinh tế. Mặt khác, giá dầu, nguyên vật liệu đầu vào có nhiều biến động ảnh hưởng đến hầu hết các linh vực, ngành kinh tế, sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn.
Cùng với đó, vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề về công tác quản lý nợ thuế ở các tỉnh, thành phố và các cơ quan Nhà nước. Cụ thể 13/63 địa phương chênh lệch giữa báo cáo nợ thuế đến ngày 31/12/2022 với báo cáo nợ thuế do Cục Thuế nộp bản giấy số tiền 2.768,6 tỷ đồng; một số địa phương không đạt chỉ tiêu thu nợ do Tổng cục Thuế giao. Tại nhiều địa phương một số cơ quan thuế áp dụng biện pháp cưỡng chế nợ thuế chưa đầy đủ, chưa kịp thời đối với một số người nộp thuế; phân loại nợ chưa đúng quy định. Qua kiểm toán tổng hợp tại Tổng cục Hải quan cho thấy, 18/27 Cục Hải quan thực hiện thu nợ đọng thuế đạt dưới 10% chỉ tiêu thu nợ được Tổng cục giao, trong đó có 6 Cục Hải quan được giao chỉ tiêu nhưng không thực hiện được.
Năm 2023, tình hình nợ thuế có xu hướng tăng và ngày càng cao, tác động bất lợi đến việc xử lý thu hồi nợ thuế, đến ngày 31/12/2023, số nợ thuế là 163.591 tỷ đồng, tăng 10,7% so với năm 2022. Tiền thuế nợ tăng so với cuối năm 2022 do doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, tài sản đã thế chấp nên khi cưỡng chế thì chưa thu hồi được. Tình hình thực hiện quản lý nợ thuế còn hạn chế, còn 20 Cục Thuế không hoàn thành kế hoạch. Công tác hoàn thiện thể chế còn có những tồn tại, hạn chế chưa được khắc phục, một số Bộ, ngành chưa thực hiện kế hoạch lập pháp, còn tình trạng chậm đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh; tình trạng chậm ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật, Pháp lệnh tiếp tục diễn ra gây ảnh hưởng tiêu cực đến công tác quản lý nợ thuế, thu Ngân sách Nhà nước năm 2023.
9 tháng đầu năm 2024, cơ quan thuế đã ban hành 23.747 thông báo tạm hoãn xuất cảnh với số tiền thuế nợ là 50.665 tỷ đồng. Tuy nhiên, chỉ mới thu được 1.844 tỷ đồng của 2.873 người nộp thuế đang bị tạm hoãn xuất cảnh. Có nhiều nguyên nhân khiến số tiền thuế nợ tăng, như phát sinh tiền chậm nộp tính 0,03%/ngày trên tổng số tiền thuế nợ; một số người nộp thuế (NNT) thuộc ngành nghề được gia hạn nộp thuế nhưng chưa nộp giấy đề nghị gia hạn nên vẫn phải theo dõi nợ thuế, làm tổng số tiền thuế nợ tăng lên; một số NNT đang gặp khó khăn về tài chính, hoạt động kinh doanh không hiệu quả dẫn đến chưa nộp kịp thời tiền thuế,...
Như vậy, những hạn chế và thách thức trên đã làm ảnh hưởng rất lớn đến tổng thu NSNN, từ đó ảnh hưởng đến nền kinh tế trong nước, ảnh hưởng đến các chính sách an sinh xã hội, an ninh, quốc phòng.