Kịch Đram (Kịch lãng mạn) là một sáng tạo độc đáo về loại hình kịch của thế kỉ Ánh sáng. Thể loại này ra đời đã xóa nhòa ranh giới giữa bi kịch và hài kịch. Cơ sở thẩm mỹ của nó là mối quan tâm đến tính chất hiện thực của cuộc sống. Nhà soạn kịch Mecier đã nói “Kịch Đram viết ra là để diễn chứ không phải để đọc” nên các nhà soạn kịch quan tâm tới cả việc đổi mới ở khâu dàn dựng theo hướng hiện thực.
Một trong những nguyên nhân chủ yếu tạo nên sức hấp dẫn của kịch Đram đối với các nhà lãng mạn là “Nghệ thuật tự do”. Mọi thứ dây rợ ràng buộc đôi cánh của ngòi bút và tâm hồn của tác giả đều bị đập phá. Mọi kiểu lồng giam hãm nghệ thuật đều bị bẻ nát dù cho đó là lồng sơn son thiếp vàng.
Kịch Đram không có quy tắc cứng nhắc như trong kịch cổ điển.
Huygô là đại diện xuất sắc của thể loại kịch Đram. Ông viết không nhiều nhưng những vở kịch của ông lại được đánh giá cao cả về nội dung và hình thức. Việc thay đổi lối dàn dựng sân khấu đi vào những chủ đề, đề tài khác nhau, đưa kiểu nhân vật mới lên sân khấu, Huygô đã đem lại một luồng gió mới cho kịch trường Pháp. Với quan điểm nghệ thuật phải phục vụ chân lý, phản ánh thực tế, những nhân vật kịch của V.Huygô bước lên sân khấu với những diện mạo khác nhau nhưng đều mang tính chân thực. Đó có thể là một vị lãnh tụ cách mạng (Crômoen), một tên tướng cướp (Hecnani), một anh đầy tớ (Ruy Blas), một cô gái giang hồ (Mariông Đơlormơ)…Tuy xuất thân từ những giai cấp khác nhau nhưng ở họ luôn toát lên một phẩm chất cao đẹp, một tính cách mạnh mẽ, một vẻ đẹp tâm hồn lương thiện đáng được trân trọng ngợi ca. Những nhân vật đó mang những nét tính cách của con người đời
thường. Những mặt khác nhau, thậm chí tương phản nhau đều có thể dung hòa trong một con người. Trong Lời tựa kịch Crômoen, Huygô chỉ ra rằng
“Kịch Đram nhào lẫn cái thô kệch và cái trác tuyệt, cái khủng khiếp và cái hài hước, bi kịch và hài kịch…Đram là đặc tính của văn chương hiện nay”. Vì vậy, tính bình dị, chân thực đã khiến cho những nhân vật trong kịch Huygô không còn xa cách với quần chúng như nhân vật trong kịch cổ điển.
Đó chỉ là những giới thiệu ban đầu về thể loại kịch Đram và nhân vật trong kịch Đram của Huygô. Qua việc tìm hiểu khám phá về “Nghệ thuật xây dựng nhân vật trong tác phẩm kịch của Victo Huygô”, chúng tôi sẽ đi “giải mã” những đặc trưng của kịch lãng mạn và lý giải tại sao Huygô được coi là
“chủ soái của chủ nghĩa lãng mạn” và là “hiện thân của chủ nghĩa lãng mạn”.
Ở chương 1, chúng tôi đã đưa ra và phân tích hệ thống lí luận cần thiết có vai trò làm cơ sở vững chắc cho việc nghiên cứu đề tài “Nghệ thuật xây dựng nhân vật trong tác phẩm kịch của Victo Huygô”. Tới chương 2, chúng tôi sẽ làm rõ thêm những vấn đề lý thuyết để thấy được tài năng sáng tạo trong việc xây dựng nhân vật trong tác phẩm kịch của Victo Huygô.
2.1.Nghệ thuật đối thoại.
Trong kịch, biện pháp thể hiện nghệ thuật này được coi là chủ đạo và cũng có thể coi là quan trọng nhất “Hành động mâu thuẫn, tóm lại kịch tính bật ra đối đáp” [12, 262]. Lời đối thoại trong kịch còn “có khả năng kể chuyện, thông báo sự kiện”, “thể hiện tâm hồn sâu kín”, “bộc lộ tư tưởng của tác giả, ý nghĩa của kịch bản”, “diễn đạt tính trữ tình, tính thơ ca, tính anh hùng ca... của tác phẩm” [2, 42] đối thoại cho thấy rõ nhất tiếng nói của nhân vật, qua đối thoại ta thấy được tính cách, cá tính, quan niệm sống…và những đặc điểm khác như nghề nghiệp, lứa tuổi, giới tính, giai cấp, thời đại, dân tộc… của nhân vật.
Trong các tác phẩm kịch của Victo Huygô, kiểu nhân vật đối thoại xuất hiện nhiều, xuyên suốt các vở kịch là các nhân vật đối thoại với nhau. Chính nhờ sự đối thoại của nhân vật mà ta nhận ra tính cách của từng nhân vật một cách cụ thể và sâu sắc hơn. Đồng thời, qua đối thoại của các nhân vật chúng ta còn thấy được ngoại hình, tính cách, tâm tình của nhân vật dù cho chúng ta chỉ đọc kịch bản mà không xem kịch diễn trên sân khấu.
Bảng khảo sát sau đây sẽ thống kê số lần đối thoại của các nhân vật trong tác phẩm kịch của V.Huygô. Qua đó chúng ta sẽ thấy được vai trò của đối thoại trong việc miêu tả ngoại hình, tính cách, tâm tình, triết lý của nhân vật kịch.
BẢNG KHẢO SÁT VỀ BIỆN PHÁP ĐỐI THOẠI TRONG TÁC PHẨM KỊCH CỦA V.HUYGÔ.
Tác phẩm Nhân vật
Đối thoại nhằm miêu tả ngoại
hình (số lần)
Đối thoại nhằm khắc họa tính
cách (số lần)
Đối thoại nhằm triết lý tâm tình
(số lần)
Hecnani
Hecnani 3 10 3
Đônha Xon 2 8 1
Đôn Carlox 1 5 1
Mariông Đơlormơ
Mariông 4 10 3
Điđiê 0 3 0
Ruy Blas
Ruy Blas 5 9 2
Hoàng hậu 1 2 1
Đôn Xaluyxt 1 3 0
Qua bảng khảo sát trên, chúng tôi nhận thấy đối thoại là đặc trưng cơ bản của kịch và nó chiếm một phần rất lớn trong các vở kịch của V.Huygô.
Những đoạn đối thoại thể hiện ngoại hình, tính cách, triết lý, tâm tình tập trung chủ yếu ở những nhân vật chính. Do vậy, khi đi phân tích biện pháp đối
thoại ở ba vở kịch trên, chúng tôi sẽ tập trung vào đối thoại của những nhân vật chính như Hecnani, Mariông Đơlormơ, Ruy Blas.
2.1.1. Đối thoại nhằm miêu tả ngoại hình nhân vật
Khi xây dựng nhân vật, hầu hết các nhà văn đều chú ý tạo cho nhân vật của mình một ngoại hình, một diện mạo góp phần thể hiện tính cách. Ngoại hình có thể chỉ giúp người đọc hiểu được phần nào tính cách của nhân vật, nhưng đó là con đường quan trọng, bước đầu nắm bắt được nhân vật. Đặc biệt, ở thể loại kịch, ngoại hình nhân vật lại càng được các tác giả chú ý khắc họa vì nó tác động trực tiếp lên thị giác của người xem, người đọc, dẫn họ đến những liên tưởng và đánh giá về nhân vật.
Các nhân vật trong tác phẩm kịch của V.Huygô hầu như ngoại hình đều được khắc họa qua lời đối thoại của nhân vật, một số ít được khắc họa qua lời miêu tả của tác giả. Ngoại hình ấy như tấm gương phản chiếu tâm hồn, tính cách, đời sống, nghề nghiệp, thân phận của nhân vật. Trong ba vở kịch Hecnani, Mariông Đơlormơ, Ruy Blas, chúng ta sẽ thấy được chân dung ngoại hình của một tên tướng cướp, một tiểu thư quý tộc, một cô gái giang hồ và một anh đầy tớ. Ở mỗi nhân vật sẽ có một nét riêng độc đáo thể hiện tài năng viết kịch của V.Huygô.
Trong vở Hecnani, ngoại hình của “tên tướng cướp Hecnani” được khắc họa ở ngay những hồi đầu, qua đối thoại của Jôdepha với Đôn Carlox, của Đônha Xon với Hecnani và qua lời chỉ dẫn của tác giả.
Đầu tiên, qua lời chỉ dẫn của tác giả ở hồi I, lớp 2, ta có thể thấy Hecnani tuy là một tướng cướp nhưng chàng lại mang phong thái đường hoàng của một tráng sĩ lục lâm, giọng nói trong và cao quý “Chàng mặc một chiếc áo khoác rộng, đội mũ rộng vành, bên trong là bộ quần áo tráng sĩ lục lâm xứ Aragông màu xám, một bộ áo giáp bằng da, một thanh kiếm, một con dao găm và một chiếc tù và ở thắt lưng”.
Lời chỉ dẫn của tác giả là một định hướng quan trọng giúp chúng ta bước đầu nắm bắt được về trang phục, vẻ ngoài của nhân vật Hecnani. Nhưng ngoại hình của nhân vật chủ yếu được thể hiện thông qua đối thoại của các nhân vật.
Ở hồi I lớp 1, qua đối thoại của Jôdepha với Đôn Carlox (khi Đôn Carlox lẻn vào nhà Đônha Xon để tìm gặp nàng, trong khi nàng và người hầu Jôdepha đang đợi Hecnani tới) đã thể hiện điều đó.
Jôdepha : (ra mở cửa đón Hecnani) Xin kính chào tráng sĩ đẹp trai. Ơ kìa, không phải ngài Hecnani sao?
Đôn Carlox : (Nắm lấy cánh tay u) Kêu lên hai tiếng nữa thì mụ sẽ chết đó. Nói đi, có phải cô nàng Đônha Xon yêu thương một gã kị sĩ trẻ tuổi, râu ria chưa có, tối nào cũng bất chấp những kẻ ghen tỵ, tiếp anh chàng tình nhân trẻ tuổi đúng không?
Trong đoạn đối thoại trên, tuy tên nhân vật chính không được nhắc đến nhưng người đọc vẫn biết rằng “ tráng sĩ đẹp trai” kia là Hecnani, và “gã kị sĩ trẻ tuổi, râu ria chưa có” cũng chính là Hecnani. Hecnani - chàng trai trẻ tuổi, tài ba. Mặc dù, chàng chưa xuất hiện nhưng qua lời nhận xét của các nhân vật khác, người đọc cũng phần nào hình dung ra dáng vẻ, ngoại hình của chàng. Ở chàng, ta nhận thấy chàng có tố chất của một người anh hùng dũng cảm, gan dạ, chính trực. Từng chi tiết về áo giáp bằng da, thanh kiếm, chiếc tù và và qua lời nhận xét của các nhân vật khác, chúng ta cũng thấy được điều đó.
Ở những đoạn đối thoại giữa Hecnani và Đôn Carlox (hồi II, lớp 3) giữa Hecnani và Đôn Ruy Gômê (hồi III, lớp 7) còn thể hiện Hecnani là một người có tài đấu kiếm và đấu kiếm rất giỏi. Trong cuộc chạm trán với vua Đôn Carlox - kẻ thù giết hại cha mình (hồi II, lớp 3) Hecnani có thừa khả
năng để báo thù trong cuộc đấu kiếm nhưng với tấm lòng nghĩa hiệp, nhân hậu, chàng đã tha chết cho nhà vua.
Chính vẻ đẹp bề ngoài đầy dũng cảm, tài năng của Hecnani đã để lại cho người đọc nhiều ấn tượng tốt đẹp. Nét đẹp ấy của chàng thật xứng đôi với nàng Đônha Xon xinh đẹp, thủy chung.
Ở những hồi kịch tiếp theo, Huygô đã dành những lời đẹp nhất để nói về vẻ đẹp của nàng Đônha Xon thông qua đối thoại giữa Hecnani và Đônha Xon, Đôn Ruy Gômê với Đônha Xon, giữa Đôn Carlox và Đông Xăngsơ .
Ở hồi III, lớp 3, đối thoại giữa Hecnani và Đônha Xon đã nói lên được vẻ đẹp ngoại hình của Đônha Xon.
Đônha Xon : Anh yêu của em.
Hecnani : Không, em khinh ghét anh mới đúng. Em thanh cao và trong trắng (…) Ai là người tin được rằng đầu kẻ biệt xứ này xứng đôi với vầng trán trong trắng của em ? Ai là người nhìn thấy hai đứa chúng ta, em thùy mị xinh tươi, anh hung bạo, liều lĩnh, em hiền hòa và lớn lên như một bông hoa trong bóng rợp.
Mặc dù rất yêu Đônha Xon nhưng Hecnani luôn tự cảm thấy mình không xứng đáng với vẻ đẹp trong trắng, sự cao quý của nàng. Đônha Xon vốn là một tiểu thư đại quý tộc, ở nàng hội tụ đầy đủ sự cao quý, thanh khiết, và nàng cũng là mơ ước của nhà vua Đôn Carlox, của quận công Đôn Ruy Gômê. Cả hai đều si tình, say mê trước vẻ đẹp của nàng. Đối thoại giữa Đôn Ruy Gômê với Đônha Xon (hồi III, lớp 1) đã nói lên điều đó.
Đôn Ruy Gômê : Ta yêu nàng, được trông thấy nàng hàng ngày, dáng đi uyển chuyển của nàng, vầng trán thanh khiết của nàng, tia sáng long lanh trong ánh mắt tự hào của nàng, ta hân hoan vô cùng và tâm hồn ta vui như mở hội. Nàng trong trắng như nàng tiên, ngây thơ như chim bồ câu. Ôi! Đối với ta, nàng sẽ là thiên thần đem lại niềm vui cho ông già tội nghiệp này.
Ở hồi II, lớp 1, vẻ đẹp ngoại hình của Đônha Xon được thể hiện qua đối thoại giữa Đôn Carlox và Đông Xăngsơ. Nhà vua si tình Đôn Carlox cũng phải ngây ngất trước vẻ đẹp của nàng, đặc biệt là đôi mắt.
Đôn Carlox : Ta mê nàng đến phát điên lên mất. Đôi mắt huyền đẹp nhất trần đời. Hỡi ôi cửa kính đáng nguyền rủa kia! Bao giờ mi mới sáng lên? Đêm nay trời tối mù mịt. Đônha Xon ơi, hãy đến ngời sáng như một ngôi sao trong bóng tối đi !
Vẻ đẹp của Đônha Xon khiến hai kẻ si tình Đôn Carlox, Đôn Ruy Gômê đều muốn có được nàng và tìm mọi cách để có được nàng. Điều đó lý giải cho mối tình chông gai, nhiều bão tố của đôi trẻ Hecnani và Đônha Xon.
Qua những đoạn đối thoại trên, ta có thể thấy Huygô đã tập trung miêu tả ngoại hình của hai nhân vật chính Hecnani và Đônha Xon. Qua ngoại hình của nhân vật, người đọc phần nào nắm bắt được tính cách của nhân vật. Ở Hecnani là sự dũng cảm, gan dạ, ở Đônha Xon là sự son sắc, thủy chung. Có thể nói, Huygô đã dành sự yêu mến, trân trọng nhân vật qua cách miêu tả ngoại hình của họ.
Nếu như, trong vở Hecnani, nhân vật Hecnani chủ yếu được miêu tả ngoại hình ở những hồi kịch đầu tiên thì đến vở Mariông Đơlormơ, ngoại hình của nhân vật chính Mariông Đơlormơ lại được miêu tả rải rác ở từng hồi, cảnh. Tuy xuất thân là một cô gái giang hồ nhưng Mariông được trời phú cho ngoại hình vô cùng xinh đẹp. Vẻ đẹp ấy được thể hiện qua đối thoại của Điđiê và Mariông, của Laphơma và Mariông, của Gaxê với Brisăngtô.
Ở hồi I, lớp 1 và hồi I, lớp 2, đối thoại giữa Điđiê và Mariông đều thể hiện nét đẹp ngoại hình của Mariông.
Điđiê : Lúc nãy, đứng dưới chân bức tường này, anh bỗng thấy xúc động tận đáy lòng. Phải, vì anh thương em (…) trên kia, trong trinh khiết, trong nhan sắc đầu xuân, một thiên thần chan hòa ánh sáng đang thức, chưa
gợn vết nhơ, một con người trinh bạch dịu hiền mà những kẻ qua đường phải chắp tay quỳ xuống. Nàng thơ ngây, hồn nhiên tin vào lòng trung thực của ta, khiến ta phải tôn thờ…
Mariông : Kìa hình như chàng đang thuyết lý về thần học. Hay chàng là tín đồ của tân giáo.
Điđiê : Nhưng ma thuật dịu hiền của tiếng em nói bay qua đêm tối, đến với anh đã làm anh hết do dự và đưa anh đến bên em.
Nếu như người xưa nói “ Yêu nhau yêu cả đường đi lối về” có nghĩa là khi người ta yêu nhau thật lòng, họ có thể bỏ qua tất cả những khuyết điểm của nhau, hoặc thậm chí những khuyết điểm đó cũng trở thành nét đáng yêu trong con mắt của kẻ si tình. Điđiê có lẽ là một kẻ si tình, vì yêu Mariông mà thấy nàng xinh đẹp, kiều diễm? Nhưng không, vẻ đẹp của Mariông là có thật.
Vẻ đẹp ấy toát lên cả những khi Điđiê giận dữ khi chàng phát hiện ra thân phận thật sự của Mariông và kết tội nàng (Đối thoại ở hồi I, lớp 2)
Điđiê : Con mắt bà trong sáng như thế, vầng trán bà dịu hiền như thế, bà có biết Mariông Đơlormơ là ai không? Một người đàn bà thân hình diễm lệ nhưng tâm hồn gớm ghiếc. Một Phrinê, bạ ai và bất cứ ở đâu cũng bán cái tình yêu ô nhục và khủng khiếp.
Mariông : (Hai tay ôm đầu đau khổ) Trời đất ơi!
Và khi Điđiê hối hận nhận ra tấm chân tình của Mariông, trong hối hận và xót xa, chàng cũng cảm nhận được vẻ đẹp trong đôi mắt đẫm lệ của nàng (Đối thoại ở hồi V, lớp 3)
Điđiê : Lại đây, lại đây! Nhìn anh đi. Đấy! Mắt em trong mắt anh. Đấy thế! Nàng đẹp quá, kiều diễm lạ lùng! Có bảo đấy là một phụ nữ không? Ồ!
Không, một vầng trán thiên thần. Ngay cả thượng đế khi phú cho con mắt nàng vẻ thơ ngây, nếu có tăng thêm ánh lửa thì cũng tăng thêm vẻ e lệ cái miệng trẻ thơ, hé ra chút nũng nịu, lẫn đầy vẻ vô tội.
Qua đối thoại của Điđiê và Mariông ở các hồi, ta có thể thấy được vẻ kiều diễm của Mariông. Ngay cả lúc Điđiê yêu hoặc ghen tuông, giận hờn, oán trách nàng nhưng chàng vẫn nhận ra vẻ đẹp rực rỡ, thuần khiết của nàng.
Chính vẻ đẹp ấy mà biết bao chàng trai si tình trong thành phố Pari say mê Mariông và làm thơ tặng nàng, si mê nàng. Đối thoại giữa Mariông và Xavecni ở hồi I, lớp 1 đã nói lên điều đó.
Xavecni : Tự do ư? Thế cô nương thử nói những người say mê cô nương thì có tự do không? Tôi và Gôngđi ngày nọ, ngay trước mắt chúng ta, bỏ dở nửa cuộc lễ mixa để quyết chiến vì cô nương, Nexmônglơ Prexinhi, Đackieng, hai anh em Cơxađơ, tất cả đều tức giận, cáu kỉnh vì cô nương bỏ đi, đến mức các chàng cũng như vợ các chàng đều muốn cô nương ở lại Pari để dẫu sao, cũng làm cho những anh chồng đỡ rầu rĩ.
Mariông : (mỉm cười) Còn Bơlivanh?
Xavecni : Anh chàng vẫn yêu cô.
Mariông : Còn Xerextơ?
Xavecni : Chàng ta tôn thờ cô.
Hay đối thoại giữa Laphơma và Mariông ở hồi III, lớp 10 khi Mariông và Điđiê đang chạy trốn trước sự truy lùng của Đức hồng y giáo chủ, đôi trẻ phải đóng giả làm con hát trong đoàn kịch thôn quê để che giấu thân phận của mình.
Laphơma : Cô nương kể chuyện cho chúng tôi nghe đi.
Mariông : (Đóng vai Simen và hát).
Laphơma : Quả vậy, chẳng có giọng nào bằng giọng của cô nương, làm chúng tôi rung động tận đáy lòng. Cô nương thật đáng tôn thờ, tài hoa ấy ai bằng? Đôi mắt tuyệt đẹp!
Qua đối thoại của các nhân vật, ta đã thấy được vẻ đẹp của nhân vật chính Mariông. Phải nói rằng, Huygô đã thật táo bạo khi đưa Mariông - một