Phân loại cho vay khách hàng cá nhân

Một phần của tài liệu Khóa luận tốt nghiệp Ngân hàng: Phát triển cho vay khách hàng cá nhân tại Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (Trang 21 - 24)

CHƯƠNG 1: CƠ SỞ LÍ LUẬN VỀ PHÁT TRIỂN CHO VAY KHÁCH HÀNG CÁ NHÂN TẠI NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI

1.1 Hoạt động cho vay khách hàng cá nhân tại ngân hàng thương mại

1.1.3 Phân loại cho vay khách hàng cá nhân

Việc phân loại các hình thức trong cho vay khách hàng cá nhân thường được phân loại theo một số tiêu chí nhất định. Căn cứ vào kết quả phân loại ngân hàng sẽ xây dựng được quy trình cho vay phù hợp, giúp nâng cao chất lượng tín dụng và kiểm soát RRTD có thể xảy ra.

a. Phân loại căn cứ vào mục đích vay

- Cho vay KHCN nhằm phục vụ mục đích cư trú: cho vay nhằm phục vụ nhu cầu xây dựng, mua sắm hoặc cải tạo nhà ở của cá nhân, hộ gia đình. Đặc điểm của khoản vay này là thời gian dài và quy mô vay là lớn.

- Cho vay KHCN nhằm phục vụ mục đích tiêu dùng: cho vay phục vụ nhu cầu cải thiện đời sống như mua sắm phương tiện, đồ dùng sinh hoạt, du lịch, học hành, giải trí, chữa bệnh, … Đặc điểm của khoản vay này là quy mô nhỏ, thời gian ngắn, rủi ro thấp hơn cho vay phục vụ mục đích cư trú.

- Cho vay KHCN nhằm phục vụ mục đích sản xuất kinh doanh: cho vay để thực hiện các phương án sản xuất kinh doanh nhỏ ở từng cá nhân, hộ gia đình vay để buôn bán sản xuất kinh doanh, … Đặc điểm của các khoản cho vay này là thời hạn vay phụ thuộc vào mặt hàng kinh doanh, quy mô khoản vay tuỳ thuộc vào phương án kinh doanh của khách hàng, rủi ro của khoản cho vay này rất cao, và có khả năng xảy ra rủi ro đạo đức. Tuy nhiêu nếu ngân hàng quản lý thường xuyên hoạt động kinh doanh của khách hàng thì rủi ro sẽ hạn chế.

b. Phân loại căn cứ vào phương thức hoàn trả

- Cho vay KHCN trả một lần khi đáo hạn: Là các khoản vay ngắn hạn của cá nhân và hộ gia đình để đáp ứng nhu cầu tiền mặt tức thời và được thanh toán một lần khi khoản vay đáo hạn. Qui mô của món vay là tương đối nhỏ, các khoản vay trả một lần thường ngắn hạn và được dùng để chi trả cho các chuyến đi nghỉ, mua các dụng cụ gia đình hoặc sửa chữa ô tô, nhà ở… Rủi ro các món vay này là không lớn.

Nếu quy mô khoản vay lớn sẽ có rủi ro cao, do đặc điểm của khoản vay này là trả cuối kỳ, nguồn trả chủ yếu từ việc bán tài sản khác hoặc nguồn trả nợ khác gặp khó khăn khi đó kế hoạch trả nợ thay đổi, điển hình khi thị trương BĐS biến

động, hoặc nền kinh tế gặp khó khăn.

- Cho vay KHCN trả góp: Là khoản cho vay ngắn hạn hoặc trung hạn được thanh toán làm hai hoặc nhiều lần liên tiếp (thường theo tháng hoặc quý). Khoản cho vay được trả làm nhiều lần theo thỏa thuận giữa ngân hàng và khách hàng, phương thức này được dùng để tài trợ cho việc mua sắm các vật dụng đắt tiền như mua ô tô, mua nhà,… hoặc để tài trợ cho các phương án sản xuất kinh doanh, thuê cửa hàng, mua sắm các tài sản khác… Hình thức cho vay này được chia nhỏ thành:

cho vay trả gốc và lãi hàng tháng đều nhau (niên kim cố định), trả gốc hàng tháng bằng nhau, lãi trả theo số dư gốc (niên kim không cố định), hoặc trả lãi hàng kì, gốc trả cuối kì.

- Cho vay KHCN theo thẻ tín dụng: thẻ tín dụng cung cấp một dòng tín dụng thường xuyên và quay vòng mà khách hàng có thể sử dụng bất cứ khi nào họ có nhu cầu. Những người sử dụng thẻ tín dụng có thể vay trả dần hoặc trả một lần vì họ có thể tính tiền mua hàng vào tài khoản thẻ tín dụng của mình. Trong tương lai thẻ tín dụng sẽ rất phát triển bởi công nghệ tiên tiến sẽ giúp cho những người sở hữu thẻ tín dụng có thể tiếp cận đến một số lượng lớn các dịch vụ tài chính, bao gồm cả tài khoản tiết kiệm và tài khoản thanh toán cũng như hạn mức tín dụng.

- Cho vay KHCN thấu chi tài khoản tiền gửi: Khi khách hàng có một tài khoản tiền gửi ở ngân hàng, khách hàng có thể chi vượt một giới hạn nhất định so với số tiền có trên tài khoản của mình trong một khoản thời gian xác định. Khi khách hàng có tiền gửi vào tài khoản, ngân hàng sẽ thu nợ gốc và lãi của khách hàng. Vì hoạt động kinh doanh, hay nhu cầu mua sắm của khách hàng không phải bao giờ cũng được dự đoán trước nên hình thức thấu chi tạo ra sự thuận lợi và linh hoạt hơn cho khách hàng trong quá trình thanh toán. Tuy nhiên không phải khách hàng nào cũng được sử dụng dịch vụ này của ngân hàng, đó phải là những khách hàng độ tin cậy cao, thu nhập ổn định, kì thu nhập ngắn để ngân hàng đảm bảo khoản thấu chi được thu hồi.

c. Căn cứ vào hình thức cho vay

- Cho vay KHCN trực tiếp: Là hình thức cho vay cá nhân mà ngân hàng trực tiếp tiếp xúc với khách hàng thông qua các cán bộ tín dụng., từ giai đoạn cho vay

ban đầu đến giai đoạn thu nợ. Hình thức vay vốn này giúp cán bộ tín dụng có thể thu thập được nhiều thông tin từ khách hàng thông qua tiếp xúc trực tiếp, từ đó có thể nâng cao tính chính xác của việc đánh giá khách hàng. Đồng thời cũng có thể trực tiếp giải quyết các vấn đề phát sinh với khách hàng, tăng mức độ thỏa mãn của khách hàng với dịch vụ ngân hàng, nâng cao hình ảnh ngân hàng,...

- Cho vay KHCN gián tiếp: là hình thức cho vay cá nhân mà ngân hàng mua lại các khoản nợ phát sinh từ khách hàng của các công ty bán lẻ, hay chính là hình thức tài trợ bán hàng trả góp của các NH. Hình thức này giúp mang lại lợi ích cho cả phía ngân hàng, công ty bán lẻ và khách hàng. Các công ty bán lẻ có thể tăng doanh thu nhanh chóng thông qua chính sách tài chính nới lỏng cho khách hàng.

Các cá nhân thay vì phải thanh toán toàn bộ giá trị hàng hóa thì nay có thể chỉ trả trước một phần, phần còn lại sẽ được chia đều thành nhiều kỳ để thanh toán. Các ngân hàng có thể mở rộng phạm vi khách hàng, tăng doanh số cho vay mà vẫn có thể tiết kiệm được chi phí cho vay cá nhân, từ đó góp phần gia tăng lợi nhuận cho ngân hàng.

Tuy nhiên do không được tiếp xúc trực tiếp với khách hàng nên ngân hàng sẽ gặp khó khăn trong vấn đề thẩm định tính chính xác của thông tin. Đồng thời, quy trình và kỹ thuật nghiệp vụ cho vay cá nhân gián tiếp cũng phức tạp và dễ xảy ra sai sót nhiều hơn với cho vay trực tiếp.

d. Phân loại căn cứ vào biện pháp bảo đảm tiền vay

- Cho vay KHCN có tài sản bảo đảm: Là hình thức cho vay mà nghĩa vụ trả nợ của khách hàng được ngân hàng yêu cầu đảm bảo bằng tài sản cầm cố, thế chấp, tài sản hình thành từ vốn vay hoặc bảo lãnh từ bên thứ ba. Tài sản bảo đảm làm tăng tính an toàn cho khoản vay do ngân hàng có thể tạo áp lực để buộc khách hàng phải trả nợ hoặc trong tình huống xấu nhất khách hàng không trả được nợ thì việc phát mại tài sản bảo đảm cũng giúp giảm bớt tổn thất cho ngân hàng.

- Cho vay KHCN không có tài sản bảo đảm: Là hình thức cho vay dựa trên uy tín (tín chấp) của người đi vay hoặc bảo lãnh của bên thứ ba, không có tài sản bảo đảm. Ngân hàng lựa chọn các khách hàng có uy tín và khả năng trả nợ tốt để cho vay. Ngân hàng cho khách hàng vay tiền để đáp ứng nhu cầu của khách hàng

trên cơ sở tín chấp lương, chủ yếu được áp dụng đối với khách hàng có thu nhập ổn định, thu nhập ngoài việc trang trải các chi tiêu thường xuyên còn có một phần tích luỹ để trả nợ vay (công chức, viên chức trong biên chế nhà nước, nhân viên có hợp đồng lao động dài hạn,…), ngoài ra thu nhập hình thành từ sản xuất kinh doanh cũng có thể được xem xét dùng làm nguồn trả nợ. Hình thức này phù hợp với những khoản vay giá trị không lớn, thời hạn vay ngắn.

e. Phân loại căn cứ vào thời hạn khoản vay

- Cho vay KHCN ngắn hạn: cho vay ngắn hạn là các khoản cho vay có thời hạn từ 12 tháng trở xuống, chủ yếu nhằm mục đích tài trợ cho tài sản lưu động hoặc nhu cầu sử dụng vốn ngắn hạn của cá nhân, hộ sản xuất.

- Cho vay KHCN trung và dài hạn: cho vay có thời hạn từ 1 đến 5 năm thì được xếp vào danh mục khoản vay trung hạn và từ 5 năm trở nên là các khoản cho vay dài hạn. Các khoản vay này thường chiếm một tỷ trọng rất lớn trong tổng dư nợ cho vay của các NHTM, chiếm phần lớn lợi nhuận mà hoạt động cho vay đem lại.

Một phần của tài liệu Khóa luận tốt nghiệp Ngân hàng: Phát triển cho vay khách hàng cá nhân tại Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (Trang 21 - 24)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(109 trang)