CHƯƠNG 1: CƠ SỞ LUẬN VỀ ĐÁNH GIÁ HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG KINH
1.1. Tổng quan về hiệu quả hoạt động kinh doanh của NHTM
1.1.4. Các nhân tố ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động kinh doanh của NHTM
a. Nhân tố khách quan
* Môi trường kinh tế, chính trị và xã hội trong và ngoài nước
Nếu môi trường kinh tế, chính trị và xã hội ổn định sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của các NHTM, vì đây cũng là điều kiện làm cho quá trình sản xuất của nền kinh tế được diễn ra bình thường, đảm bảo khả năng hấp thụ vốn và hoàn trả vốn của các doanh nghiệp trong nền kinh tế. Khi nền kinh tế có tăng trưởng cao và ổn định, các khu vực trong nền kinh tế đều có nhu cầu mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh do dó nhu cầu vay vốn tăng làm cho các NHTM dễ dàng mở rộng hoạt động tín dụng của mình đồng thời khả năng nợ xấu có thể giảm vì năng lực tài chính của các doanh nghiệp cũng được nâng cao. Ngược lại, khi môi trường kinh tế, chính trị và xã hội trở nên bất ổn thì lại là những nhân tố bất lợi cho hoạt động của các NHTM như nhu cầu vay vốn giảm; nguy cơ nợ quá hạn, nợ xấu gia tăng làm giảm hiệu quả hoạt động của các NHTM.
* Tăng trưởng GDP
Lĩnh vực kinh doanh của ngân hàng là tiền tệ, tín dụng và dịch vụ ngân hàng.
Đây là lĩnh vực đặc biệt vì trước hết nó liên quan trực tiếp đến tất cả các ngành, liên quan đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội. Vì vậy sự biến động của nền kinh tế
sẽ có ảnh hưởng đáng kể đến hiệu quả hoạt động của ngân hàng, và sự biến động đó thể hiện ở mức độ tăng trưởng GDP. Sự tác động của tăng trưởng GDP lên hiệu quả hoạt động của ngành ngân hàng là tác động hai chiều, trước tiên hệ thống ngân hàng đóng một vai trò quan trọng trong việc làm gia tăng GDP của nền kinh tế, sau đó sự gia tăng này sẽ tác động ngược lại, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống ngân hàng.
* Lạm phát
Đối với các ngân hàng thương mại cổ phần hoạt động trong lĩnh vực tiền tệ, lạm phát tăng cao, sức mua đồng tiền giảm xuống, đã ảnh hưởng xấu đến hoạt động huy động vốn, cho vay, đầu tư và thực hiện các dịch vụ ngân hàng. Bên cạnh đó lạm phát tăng cao tạo áp lực cho NHNN thực hiện thắt chặt tiền tệ để giảm khối lượng tiền trong lưu thông, tuy nhiên nhu cầu vay vốn của các doanh nghiệp và cá nhân kinh doanh vẫn rất lớn, các ngân hàng chỉ có thể đáp ứng cho một số ít KH với những hợp đồng đã ký hoặc những dự án thực sự có hiệu quả với mức độ rủi ro cho phép. Mặt khác do lãi suất huy động tăng cao thì lãi suất cho vay cũng tăng cao theo, điều này làm xấu đi môi trường đầu tư của ngân hàng và rủi ro đạo đức sẽ xuất hiện. Do lạm phát tăng cao sức mua của đồng tiền nội địa giảm, giá vàng và ngoại tệ tăng cao, việc huy động vốn trung và dài hạn trở nên thật sự khó khăn đối với mỗi ngân hàng, trong khi nhu cầu vay vốn trung và dài hạn đối với KH rất lớn, vì vậy việc dùng vốn ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn xảy ra với mức độ thường xuyên hơn. Điều này đã ảnh hưởng đến tính thanh khoản của các ngân hàng đồng thời kéo theo rủi ro kỳ hạn và rủi ro tỷ giá.
* Môi trường pháp lý
Môi trường pháp lý đóng một vai trò rất quan trọng trong việc điều hành hoạt động của nền kinh tế, do đó nó cũng có ảnh hưởng nhất định đến hiệu quả hoạt động của NHTM. Nếu một hệ thống luật pháp được xây dựng phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế và được chấp hành nghiêm chỉnh sẽ kích thích nền kinh tế vận hành ổn định, tác động tích cực lên quá trình sản xuất kinh doanh và qua đó làm gia tăng hiệu quả hoạt động của NHTM. Ngược lại, khi môi trường pháp lý chưa hoàn
thiện, thường xuyên thay đổi thất thường sẽ khiến ngân hàng và các chủ thể khác không kịp thay đổi để thích nghi, do đó gây rủi ro, trở ngại cho các hoạt động của ngân hàng. Chính vì vậy, hệ thống pháp luật phải đảm bảo yêu cầu đầy đủ, nghiêm minh, cập nhật nhưng phải ổn định trong một khoảng thời gian nhất định thì mới kích thích nền kinh tế nói chung và hệ thống tài chính-ngân hàng nói riêng hoạt động hiệu quả và phát triển bền vững.
b. Nhân tố chủ quan
* Năng lực tài chính
Khi nói về năng lực tài chính của một NHTM trước tiên phải nhắc đến quy mô vốn. Để đảm bảo hoạt động, ngân hàng sử dụng đồng thời nhiều nguồn vốn khác nhau như vốn huy động, vốn vay, vốn chủ sở hữu…Trong đó, vốn chủ sở hữu tuy chiếm tỷ trọng nhỏ nhưng lại đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong hoạt động ngân hàng. Đây là nguồn vốn ổn định nhất và có xu hướng tăng trong quá trình hoạt động, có thể sử dụng với kỳ hạn dài mà không phải hoàn trả, do đó nó chính là nền tảng cho sự tăng trưởng bền vững của ngân hàng. Hơn nữa, vốn chủ sở hữu còn quyết định quy mô hoạt động của ngân hàng, bởi đây là căn cứ để xác định các giới hạn hoạt động như giới hạn huy động vốn, giới hạn cho vay, giới hạn đầu tư vào TS cố định… Đồng thời, vốn chủ sở hữu sẽ tạo uy tín và duy trì niềm tin của công chúng đối với ngân hàng. Một ngân hàng có vốn chủ sở hữu lớn sẽ có khả năng cao hơn trong việc mở rộng quy mô hoạt động, đảm bảo bù đắp được những thiệt hại phát sinh khi xảy ra rủi ro, phát huy được lợi thế kinh tế nhờ quy mô, do đó ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả hoạt động của NHTM.
Năng lực tài chính còn được thể hiện qua quy mô và chất lượng TS có của ngân hàng. Để đảm bảo an toàn hoạt động, một ngân hàng thương mại phải cân đối giữa giá trị của TS có có thanh khoản cao với giá trị TS nợ để tránh mất khả năng thanh toán dẫn đến nguy cơ phá sản. Tuy nhiên những TS có thanh khoản cao thường mang lại lợi nhuận thấp, do đó nếu một ngân hàng quá chú trọng đến dự trữ thanh khoản sẽ làm giảm khả năng sinh lời, ngược lại nếu chấp nhận rủi ro cao, thanh khoản thấp để đầu tư vào các TS có tỷ suất sinh lợi cao sẽ dễ khiến ngân hàng
mất khả năng thanh toán. Tất cả những điều này ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả hoạt động của ngân hàng. Một khía cạnh khác của năng lực tài chính cần được nhắc đến là khả năng ngân hàng có thể chủ động ứng phó với các rủi ro xảy ra, được thể hiện qua các quỹ dự phòng của ngân hàng. Một ngân hàng trích lập dự phòng đầy đủ sẽ có khả năng ứng phó linh hoạt trước những rủi ro, có đủ khả năng bù đắp những tổn thất do rủi ro gây ra mà không làm tổn hại đến các hoạt động kinh doanh khác của ngân hàng.
* Năng lực quản trị điều hành
Công tác quản trị, điều hành đóng vai trò quan trọng trong việc định hướng hoạt động kinh doanh ngân hàng theo đúng chiến lược đã đặt ra. Năng lực quản trị điều hành thể hiện ở trình độ của ban quản trị và khả năng của họ trong việc chỉ đạo, thực hiện thành công những kế hoạch kinh doanh của ngân hàng , cũng như khả năng ứng phó tốt trước những diễn biến của thị trường. Bên cạnh đó, một bộ máy quản trị được đánh giá là có năng lực cao khi họ có thể sử dụng những yếu tố đầu vào một cách tiết kiệm nhất để tạo ra nhiều yếu tố đầu ra nhất. Một ngân hàng được điều hành bởi những nhà quản trị giỏi sẽ giảm thiểu được chi phí nhưng vẫn có thể mang lại lợi nhuận cao, tăng khả năng cạnh tranh và đảm bảo hoạt động an toàn.
* Cơ sở hạ tầng
Cơ sở hạ tầng bao gồm các trụ sở, máy móc, trang thiết bị, hệ thống công nghệ thông tin. Cơ sở hạ tầng đầy đủ, hiện đại sẽ tạo điều kiện thuận lợi để ngân hàng phát triển ổn định. Việc ứng dụng những thành tựu khoa học công nghệ hiện đại sẽ giúp ngân hàng tiết kiệm được thời gian và chi phí, tạo cảm giác thoải mái, an tâm và tin tưởng cho KH khi giao dịch tại ngân hàng, nhờ đó gia tăng hiệu quả hoạt động và khả năng cạnh tranh. Đặc biệt, hệ thống công nghệ thông tin là điều mà các ngân hàng trong thời gian gần đây chú trọng đầu tư.
* Chất lượng nguồn nhân lực
Nhân tố con người đóng một vai trò cực kỳ quan trọng trong việc quyết định hiệu quả hoạt động của ngân hàng thương mại. Nguồn nhân lực có trình độ chuyên
môn, đạo đức nghề nghiệp tốt sẽ giúp ngân hàng thu hút được những KH trung thành, giảm thiểu rủi ro trong quá trình kinh doanh. Một ngân hàng có đội ngũ nhân viên giỏi sẽ giúp tăng khả năng thực hiện thành công các mục tiêu, chiến lược, kế hoạch kinh doanh cũng như có khả năng ứng phó tốt với biến động thị trường, nâng cao lợi thế cạnh tranh, đảm bảo an toàn, lành mạnh và hiệu quả trong hoạt động ngân hàng. Tuy nhiên, khi nguồn nhân lực chất lượng cao khan hiếm, các ngân hàng buộc phải tăng chi phí để tìm kiếm nguồn nhân lực phù hợp hoặc giữ lại những lao động có thâm niên kinh nghiệm, do đó làm chi phí hoạt động tăng lên nhưng chất lượng, năng suất hoạt động có thể không tăng tương ứng, chính vì vậy ảnh hưởng tiêu cực đến hiệu quả hoạt động của ngân hàng.