CHƯƠNG 2: THỰC TRẠNG CHẤT LƯỢNG PHÂN TÍCH TÍN DỤNG
2.3. Phân tích các nhân tố ảnh hưởng tới chất lượng tín dụng doanh nghiệp tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển BIDV – Chi nhánh Hà Thành
2.3.2. Sử dụng mô hình Logit đánh giá các nhân tố ảnh hưởng đến chất lượng tín dụng doanh nghiệp tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển BIDV – Chi nhánh Hà Thành
Đánh giá các nhân tố ảnh hưởng đến chất lượng tín dụng doanh nghiệp đo lường rủi ro tiềm tàng của khách hàng bằng cách phân tích các nhân tố để tìm ra khả năng vỡ nợ của họ với các khoản vay trong tương lai. Sau khi tham khảo một số bài viết liên quan đến chấm điểm tín dụng, đánh giá nhân tố ảnh hưởng đến chất lượng tín dụng bằng các kỹ thuật khác nhau ( Phân tích phân biệt (DA), Logit, K láng giềng gần nhất, mạng thần kinh nhân tạo (ANN),…) nhằm đánh giá hiệu quả, chính xác để có thể dự báo khả năng trả nợ của khách hàng trong tương lai. Tác giả nhận thấy mô
hình Logit tương thích tốt với các bộ số liệu đa dạng từ các quốc gia và tổ chức tài chính, do vậy bài nghiên cứu sẽ sử dụng mô hình Logit để đánh giá các nhân tố ảnh hưởng đến chất lượng tín dụng doanh nghiệp tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển BIDV – Chi nhánh Hà Thành.
Mô hình Logit là mô hình hồi quy với biến phụ thuộc (Y) là biến nhị phân, chỉ nhận hai giá trị 0 và 1; các biến độc lập có thể là biến nhị phân, biến rời rạc hoặc biến liên tục. Trong mô hình đánh giá nhân tố ảnh hưởng đến chất lượng tín dụng doanh nghiệp, biến phụ thuộc Y nhận giá trị 0 khi doanh nghiệp không trả được nợ hoặc có nợ quá hạn, nợ xấu và 1 khi doanh nghiệp trả được nợ. Các biến độc lập đại diện cho các thông tin định tính và định lượng của doanh nghiệp như kỳ hạn, lãi suất, hạn mức tín dụng, lĩnh vực hoạt động sản xuất kinh doanh,… Sau khi hồi quy mô hình Logit, thu được 𝛾 = 𝛼 + 𝛽1𝑋1+ ⋯ + 𝛽𝑘 𝑋𝑘 là giá trị ước lượng của Y.
Mô hình Logit đánh giá nhân tố ảnh hưởng đến chất lượng tín dụng tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển BIDV – Chi nhánh Hà Thành
𝛾 = 𝛼 + 𝛽1𝑋1+ 𝛽2𝑋2+ 𝛽3𝑋3+ 𝛽4𝑋4 Với các biến độc lâp: 𝑋1: Kì hạn khoản vay
𝑋2: Lãi xuất 𝑋3: Hạn mức tín dụng
𝑋4: Lĩnh vực hoạt động sản xuất kinh doanh.
Kết quả của mô hình:
𝛾 = 1.4 − 1.43 𝑋1− 0.51𝑋2− 0.86𝑋3+ 3.2𝑋4
Sau khi chạy bộ dữ liệu đã thu thập được bằng mô hình Logit, kết quả đã chỉ ra mức độ ảnh hưởng khác nhau của các nhân tố đến khả năng không thể trả nợ của các doanh nghiệp. Trong đó, theo kết quả nhận được, các nhân tố liên quan đến lĩnh vực sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp gây ảnh hưởng trực tiếp và lớn nhất đến rủi ro tín dụng của khách hàng doanh nghiệp. Nguyên nhân tại sao lĩnh vực sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp lại làm tăng cao rủi ro tín dụng có thể được hiểu là do sự thay đổi liên tục của thị trường và nền kinh tế thế giới nói chung hay của Việt Nam nói riêng. Sự thay đổi trong các lĩnh vực mũi nhọn, tập trung sản xuất hay các lĩnh vực nhận được sự hỗ trợ đặc biệt chính là nguyên nhân khiến cho các doanh nghiệp
phải đối mặt với những khó khăn để có thể thực hiện phương án kinh doanh ban đầu.
Khi sự thay đổi này diễn ra liên tục, các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực không còn phát triển của thị trường sẽ gặp khó khăn trong việc tìm kiếm các nguồn thu để trả nợ cho ngân hàng, trực tiếp dẫn đến những rủi ro tín dụng mà ngân hàng phải chịu. Đặc biệt, ngành công nghiệp đang là một ngành tập trung nhiều doanh nghiệp có nợ quá hạn, nợ xấu bởi sự chuyển biến của nền kinh tế trong những năm gần đây chú trọng phát triển các ngành dịch vụ mặc dù các khoản vay đó có điều kiện về kỳ han, lãi suất, hạn mức tín dụng gần như tương đồng. Bên cạnh đó, trong thực tế có thể thấy có nhiều khoản tín dụng không được đầu tư đúng lĩnh vực khi xin cấp tín dụng, dẫn đến những rủi ro đối với ngân hàng khi khách hàng không sử dụng đúng mục đích của nguồn vốn vay. Điều này thêm một lần nữa chứng minh rằng lĩnh vực sản xuất kinh doanh ảnh hưởng mạnh mẽ nhất đến chất lượng tín dụng của doanh nghiệp so với các nhân tố khác.
Nhân tố có ảnh hưởng lớn thứ 2 đến chất lượng tín dụng doanh nghiệp tại BIDV Hà Thành được thể hiện qua kết quả mô hình Logit là kỳ hạn vay. Kỳ hạn vay đóng vai trò quan trọng trong việc đánh giá chất lượng tín dụng bởi nhân tố này có ảnh hưởng đến rủi ro tín dụng chỉ sau nhân tố lĩnh vực sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Có thể thấy việc ngân hàng cho doanh nghiệp vay với kỳ hạn dài hay ngắn có tác động lớn đến việc doanh nghiệp khi hết kỳ hạn có thể hoàn trả nợ vay cho ngân hàng hay không. Trong một nền kinh tế ngày càng phát triển và có biến động liên tục thì các khoản vay với kỳ hạn không hợp lý sẽ làm tăng cao rủi ro về nợ xấu. Khi không dự đoán được chính xác xu hướng phát triển của thị trường trong tương lai, các khoản vay có thể sẽ không đạt được hiệu quả như mong đợi cũng như các doanh nghiệp sẽ không thể phát triển để có nguồn thu trả nợ cho ngân hàng. Kỳ hạn là nhân tố chịu sự tác động lớn của nền kinh tế nên đối với ngân hàng, nếu không thể xét duyệt một kỳ hạn cho vay hợp lý sẽ dẫn đến nguy cơ khách hàng không đảm bảo việc kinh doanh, không có nguồn trả nợ làm cho các khoản vay đó trở thành nợ xấu.
Hạn mức tín dụng dành cho các khách hàng đang được BIDV Hà Thành đánh giá một cách khá chính xác, khiến cho nhân tố này ít ảnh hưởng đến chất lượng tín dụng doanh nghiệp. Các hạn mức tín dụng được đưa ra trên nhiều cơ sở khác nhau, góp phần đáp ứng nhu cầu vay của doanh nghiệp cũng như nhu cầu kinh doanh của
ngân hàng. Hạn mức tín dụng của các doanh nghiệp không quá chênh lệch cũng như có sự phân bố vào từng nhóm doanh nghiệp khác nhau, phù hợp với mục tiêu của doanh nghiệp và ngân hàng. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn có các doanh nghiệp được cấp tín dụng với hạn mức không hợp lý dẫn đến khả năng vỡ nợ tăng cao khi hoạt động kinh doanh sản xuất không thể đủ để tạo ra nguồn tiền trả cho khoản vay đó.
Mặc dù vậy, nhân tố này cũng ảnh hưởng không quá nhiều đến rủi ro tín dụng của doanh nghiệp.
Tác nhân có sự ảnh hưởng thấp nhất đến chất lượng tín dụng doanh nghiệp chính là nhân tố lãi suất. Lãi suất của các khoản vay không có sự khác biệt quá nhiều bởi vậy yếu tố này không gây ảnh hưởng lớn đến khả năng vỡ nợ của khách hàng. Có thể thấy mức lãi suất dành cho các khoản vay của doanh nghiệp thường dao động trong một khoảng không đáng kể nên việc chênh lệch lãi suất các khoản vay tuy có thể khiến cho các doanh nghiệp đối diện với những áp lực về tài chính nhưng lại không tác động rõ rệt đến khả năng trả nợ của khách hàng như các nhân tố về lĩnh vực sản xuất kinh doanh, kỳ hạn vay, hạn mức tín dụng. Chính điều này khiến cho nhân tố về lãi suất có mức độ ảnh hưởng ít nhất đến chất lượng tín dụng doanh nghiệp tại BIDV chi nhánh Hà Thành.