CHƯƠNG 1: NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG VỀ VỐN LƯU ĐỘNG VÀ HIỆU QUẢ SỬ DỤNG VỐN LƯU ĐỘNG TRONG DOANH NGHIỆP
1.2. Hiệu quả sử dụng vốn lưu động
1.2.3. Những nhân tố ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng vốn lưu động
Bất kì doanh nghiệp nào cũng đều hi vọng có thể quản lý và sử dụng vốn lưu động hiệu quả để có thể nâng cao lợi nhuận. Tuy nhiên hiệu quả sử dụng vốn lưu động phụ thuộc vào nhiều nhân tố khách quan, chủ quan. Do đó để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn lưu động, doanh nghiệp cần xác định chính xác, cụ thể các nhân tố để từ đó có thể phát huy mặt mạnh, hạn chế điểm yếu.
1.2.3.1. Nhân tố khách quan
Nhân tố khách quan là những nhân tố thuộc về vĩ mô, tác động đến doanh nghiệp mà doanh nghiệp không thể can thiệp ngược lại được mà chỉ có thể dùng các biện pháp để hạn chế tác động. Do đó, doanh nghiệp cần sự linh hoạt và nhanh nhạy để tiếp cận và thích ứng với các nhân tố đó.
- Đặc điểm ngành, sản phẩm kinh doanh
Các doanh nghiệp hoạt động trong những ngành riêng, do đó có sự khác nhau về đặc trưng vốn, như khác nhau về cơ cấu đầu tư, cơ cấu vốn lưu động, vòng quay vốn lưu động… Ví dụ: vòng quay vốn lưu động của doanh nghiệp sản xuất nhanh hơn của doanh nghiệp xây lắp nhưng chậm hơn của doanh nghiệp thương mại. Vì vậy, các nhà quản trị tài chính cần phải quan tâm đến đặc thù của ngành.
- Thị trường và khả năng tiêu thụ sản phẩm
Doanh nghiệp hoạt động trong thị trường nên thị trường là một nhân tố ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng vốn lưu động của doanh nghiệp. Sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trong thị trường, dẫn đến doanh nghiệp nào không có các kế hoạch đúng đắn, không xác định chính xác nhu cầu của người tiêu dùng, làm ăn không hiệu quả thì doanh nghiệp đó có thể bị dư cung, tồn kho hàng hóa, có thể thua lỗ. Điều đó đòi hỏi, các doanh nghiệp phải luôn phân tích thị trường, xác định đúng nhu cầu về sản phẩm, xem xét các yếu tố cạnh tranh, căn cứ vào tình hình hiện tại để đề ra các phương án kinh doanh thích hợp tạo lợi thế kinh doanh.
- Chính sách kinh tế của nhà nước
Việt Nam là một nền kinh tế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước, do đó các doanh nghiệp từ khi đi vào hoạt động đến khi chấm dứt hoạt động, đều chịu sự quản lý của Nhà nước. Các chính sách của nhà nước như quy định đóng thuế, quy
định về trích lập các quỹ trong doanh nghiệp…đều nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, tăng thu nhập, nâng cao phúc lợi xã hội, định hướng cạnh tranh hiệu quả, tạo hành lang pháp lý cho doanh nghiệp hoạt động, hướng các hoạt động của doanh nghiệp đi theo một quỹ đạo của kế hoạch kinh tế vĩ mô. Tuy nhiên các chính sách này trong từng thời kì cụ thể có thể là hỗ trợ hoạt động doanh nghiệp này nhưng có thể là cản trở doanh nghiệp khác. Vì vậy, các doanh nghiệp cần có chiến lược cụ thể trong từng thời kì để có thể tận dụng những ưu đãi hoặc giảm thiểu những cản trở từ phía Nhà nước.
- Môi trường tự nhiên xã hội
Doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh chịu ảnh hưởng của điều kiện tự nhiên xã hội.Nếu điều kiện tự nhiên ôn hòa, thuận lợi sẽ tạo thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh bình thường. Nếu điều kiện tự nhiên bất lợi, như xảy ra thiên tai có thể làm gián đoạn hoạt động của doanh nghiệp, có thể thiệt hại về người và của. Do đó cần nâng cao công tác bảo quản hàng tồn kho, công tác dự báo trong doanh nghiệp để có thể chủ động đối phó với tình hình, hạn chế thấp nhất thiệt hại.
Doanh nghiệp là một bộ phận của xã hội, nên doanh nghiệp cũng bị chi phối bởi môi trường xã hội. Nếu như xã hội ổn định, doanh nghiệp có thể thực hiện sản xuất kinh doanh bình thường, có điều kiện thuận lợi thực hiện các mục tiêu đề ra.
Nếu như xã hội bất ổn, ví dụ xảy ra chiến tranh thì chắc chắn doanh nghiệp không thể phát triển tốt như bình thường (trừ một số ngành đặc biệt, như sản xuất vũ khí).
- Lạm phát
Lạm phát là hiện tượng đồng tiền bị mất giá theo thời gian, ảnh hưởng đến sức mua, giá cả hàng hóa vật tư tăng cao…dẫn đến những khó khăn trong việc sử dụng các nguồn chi phí đầu vào cũng như những khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm, ảnh hưởng đến việc quản lý và sử dụng vốn lưu động của doanh nghiệp. Do đó doanh nghiệp cần nâng cao công tác dự báo, bổ sung vốn thích hợp để giảm tác động của lạm phát.
- Rủi ro trong kinh doanh
Rủi ro là những sự kiện xảy ra trái với mong muốn của doanh nghiệp. Bất kì doanh nghiệp nào hoạt động kinh doanh đều khó tránh khỏi rủi ro. Rủi ro là nhân tố
khách quan, không thể loại bỏ mà chỉ có thể hạn chế thiệt hại. Rủi ro và lợi nhuận có quan hệ thuận, rủi ro càng cao thì lợi nhuận càng lớn. Do đó trước khi tiến hành sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp cần xác định mục tiêu lợi nhuận của mình như thế nào, đề ra các biện pháp phòng ngừa rủi ro, thực hiện quản trị tài chính thường xuyên để giảm thiểu rủi ro, khi rủi ro xảy ra phải nhanh chóng khắc phục để giảm tới mức thấp nhất thiệt hại.
- Uy tín doanh nghiệp
Uy tín là điều quan trọng đối với mỗi doanh nghiệp, giúp cho doanh nghiệp tạo chỗ đứng trong lòng người tiêu dùng. Doanh nghiệp nào có uy tín, điều kiện vật chất đầy đủ thì có thể sản xuất kinh doanh bình thường trong điều kiện thiếu vốn, do có thể được vay từ nhiều nguồn. Đồng thời khi doanh nghiệp có uy tín, thì doanh nghiệp đã tạo cho mình một lượng khách hàng quen thuộc, thường xuyên mua hàng, giúp cho khối lượng tiêu thụ tăng. Ngược lại khi doanh nghiệp chưa có uy tín, hoặc mất uy tín thì khi phát sinh nhu cầu vốn lưu động, doanh nghiệp khó có thể vay được hoặc có thể vay nhưng chịu những điều kiện khắt khe, hạn chế lợi nhuận của doanh nghiệp. Uy tín không cao khiến cho người tiêu dùng băn khoăn về chất lượng sản phẩm, làm cho sản phẩm tiêu thụ ít, hiệu quả kinh doanh thấp. Do đó một yêu cầu đặt ra là doanh nghiệp phải nâng cao uy tín của mình để đảm bảo cho sự tồn tại và phát triển.
- Các nhân tố khác
Ngoài những nhân tố trên, hiệu quả sử dụng vốn lưu động còn chịu ảnh hưởng của nhiều nhân tố khác như: các hoạt động của khoa học kỹ thuật, hoạt động tài chính ngày càng đa dạng…Những nhân tố này đều có ảnh hưởng nhất định đến hoạt động sản xuất kinh doanh và việc tổ chức sử dụng vốn lưu động của doanh nghiệp, do đó để đạt hiệu quả cao trong việc sử dụng vốn lưu động thì doanh nghiệp cần xem xét kỹ những nhân tố trên.
1.2.3.2. Nhân tố chủ quan
Nhân tố chủ quan là các nhân tố nằm trong nội tại doanh nghiệp, có tác động trực tiếp đến hiệu quả sử dụng vốn lưu động nói riêng và hiệu quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp nói chung.
- Chất lượng nguồn lao động
Chất lượng lao động ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả sử dụng vốn lưu động, hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp. Nếu người lao động có trình độ chuyên môn tốt, không ngừng học hỏi, nâng cao tay nghề, biết cách sử dụng thành thạo các trang thiết bị, máy móc sẽ giúp tiết kiệm được thời gian, chi phí, tạo ra các sản phẩm có chất lượng tốt, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng làm cho sản phẩm tiêu thụ được dễ dàng hơn, hiệu quả sử dụng vốn lưu động tốt hơn.
- Trình độ quản lý sản xuất, tổ chức lao động
Hệ thống sản xuất khoa học, gọn nhẹ giúp hoạt động kinh doanh diễn ra liên tục, không trì trệ, tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn của doanh nghiệp và ngược lại.
Con người luôn là yếu tố quyết định của quá trình sản xuất. Tổ chức lao động đúng người, đúng việc phù hợp với năng lực của người lao động giúp khuyến khích cán bộ, công nhân viên phát huy hết khả năng, cống hiến cho doanh nghiệp. Cùng với đó là chế độ lương thưởng, chính sách khuyến khích lao động sẽ khai thác và tối đa nguồn lực cho doanh nghiệp.
- Trình độ quản lý tài chính của ban lãnh đạo
Doanh nghiệp thành lập, hoạt động, phát triển là do sự chỉ đạo của ban lãnh đạo doanh nghiệp. Do đó trình độ, định hướng của những người đứng đầu sẽ tác động trực tiếp đến sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp nói chung và việc quản lý, sử dụng vốn nói riêng. Nếu ban lãnh đạo có tư chất tốt thì sẽ có các biện pháp tích cực, như xác định chính xác nhu cầu vốn lưu động, lựa chọn phương án đầu tư hợp lý, lựa chọn phương thức huy động vốn với chi phí thấp nhất…Các biện pháp này sẽ giúp cho vốn được sử dụng đúng mục đích, không ngừng làm tăng lên quy mô vốn, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn lưu động. Tuy nhiên nếu đội ngũ lãnh đạo tư chất kém, khả năng quản lý yếu dễ dẫn đến quản lý không chặt vốn lưu động, sử dụng vốn không đúng mục đích, lãng phí làm ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh.
- Trình độ áp dụng tiến bộ khoa học, công nghệ của doanh nghiệp
Ngày nay, khoa học công nghệ ngày càng phát triển, góp phần tạo điều kiện nâng cao năng suất, chất lượng, giảm chi phí, hạ giá thành sản phẩm, giảm tiêu hao
vật chất, tăng tỉ lệ chất xám trong doanh nghiệp. Áp dụng tiến bộ khoa học kĩ thuật có thể giúp cho doanh nghiệp tạo ra nhiều sản phẩm mới, mẫu mã đẹp, phong phú, chất lượng được nâng cao, đáp ứng được nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng. Tuy nhiên nếu doanh nghiệp không chịu khó cải tiến, đầu tư đổi mới trang thiết bị, thì chính doanh nghiệp đã cản trở sự phát triển của mình. Các sản phẩm doanh nghiệp làm ra không thể có chất lượng cao, đa dạng hình thức, không đáp ứng được yêu cầu người tiêu dùng làm cho sản phẩm bị ứ đọng, làm giảm hiệu quả sử dụng vốn lưu động, làm giảm hiệu quả kinh doanh, đồng thời trong sự cạnh tranh khốc liệt, doanh nghiệp có thể bị phá sản. Vì vậy, doanh nghiệp cần phải cố gắng đầu tư, đổi mới kĩ thuật, thiết bị phù hợp với yêu cầu sản xuất kinh doanh.
- Các nhân tố khác
Ngoài những nhân tố trên thì việc sử dụng vốn lưu động cũng chịu ảnh hưởng của một số nhân tố chủ quan khác như: việc lựa chọn nhà cung cấp, các chính sách bán hàng và tiêu thụ sản phẩm, chính sách tín dụng và thanh toán của doanh nghiệp…
Như vậy, doanh nghiệp cần xem xét, đánh giá chính xác các nhân tố có ảnh hưởng đến tình hình quản lý và sử dụng vốn lưu động để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn lưu động nói riêng và hiệu quả kinh doanh nói chung.