CHƯƠNG II: PHÂN TÍCH THỰC TRẠNG
1. Giới thiệu tình hình thực trạng của ngành bảo hiểm hiện nay
1.1. Tình hình ngành bảo hiểm Việt Nam năm 2016
Theo cục quản lý giám sát bảo hiểm, năm 2016, cùng với sự khởi sắc của nền kinh tế Việt Nam, thị trường bảo hiểm tiếp tục tăng trưởng tích cực.
Tính đến 31/12/2016, thị trường bảo hiểm có 62 doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm (trong đó có 29 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, 18 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, 02 doanh nghiệp tái bảo hiểm và 13 doanh nghiệp môi giới bảo hiểm (DNMGBH)) và 01 chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài.
Theo số liệu mới cập nhật, tổng tài sản toàn thị trường năm 2016 ước đạt 239.413 tỷ đồng (tăng 18,20% so với năm 2015). Trong đó, các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ có tổng tài sản ước đạt 67.585 tỷ đồng (tăng 13,94% so với năm 2015), các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ có tổng tài sản ước đạt 171.828 tỷ đồng (tăng 19,96%
so với năm 2015).
Tổng số tiền đầu tư trở lại nền kinh tế của các doanh nghiệp bảo hiểm năm 2016 ước đạt 186.572 tỷ đồng, tăng 16,49% so với năm 2015. Trong đó, các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ đạt khoảng 34.449 tỷ đồng, tăng 6,48% so với năm 2015, các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ đạt khoảng 152.123 tỷ đồng, tăng 19,02%
so với cùng kỳ năm 2015.
Tổng dự phòng nghiệp vụ của các doanh nghiệp bảo hiểm năm 2016 ước đạt 144.817 tỷ đồng, tăng 21,14% so với năm 2015. Trong đó, dự phòng nghiệp vụ các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 18.959 tỷ đồng, tăng 20,91% so với năm 2015, các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ năm 2016 ước đạt 125.858 tỷ đồng, tăng 21,18% so với năm 2015.
Tổng nguồn vốn chủ sở hữu toàn thị trường năm 2016 ước đạt 52.720 tỷ đồng (tăng 16,24% so với năm 2015). Các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ có tổng vốn chủ sở hữu ước đạt 23.567 tỷ đồng, tăng 8,94% so với năm 2015, các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ có tổng vốn chủ sở hữu ước đạt 29.153 tỷ đồng, tăng 22,9% so với năm 2015.
Tổng doanh thu bảo hiểm năm 2016 ước đạt 101.767 tỷ đồng, trong đó tổng doanh thu phí bảo hiểm ước 86.049 tỷ đồng (tăng 22,64% trong đó các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ ước 36.372 tỷ đồng, các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ ước 49.677 tỷ đồng), doanh thu hoạt động đầu tư ước đạt 15.718 tỷ đồng.
Tổng số tiền thực bồi thường và trả tiền bảo hiểm của các doanh nghiệp bảo hiểm năm 2016 ước đạt 25.872 tỷ đồng. Trong đó, các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 12.571 tỷ đồng, các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ ước đạt 13.301 tỷ đồng.
Tổng số phí bảo hiểm thu xếp qua môi giới năm 2016 ước đạt 7.170 tỷ đồng. Tổng doanh thu hoa hồng môi giới bảo hiểm năm 2016 ước đạt 579 tỷ đồng.
Nhìn chung thị trưởng bảo hiểm Việt Nam lại có một năm tăng trưởng đột phá kể cả bảo hiểm nhân thọ và phi nhân thọ. Đặc biệt, nói riêng về bảo hiểm nhân thọ, ngành cũng có những bước tiến đáng kể.
Năm 2016, thị trường bảo hiểm nhân thọ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng, tổng doanh thu phí bảo hiểm ước đạt 49.677 tỷ đồng, tăng trưởng 29,8% so với năm 2015, doanh thu khai thác mới ước đạt 16.753 tỷ đồng, tăng trưởng 26,3% so với cùng kỳ năm 2015. Kết quả cụ thể như sau:
Về số lượng hợp đồng bảo hiểm khai thác mới: số lượng hợp đồng khai thác mới (hợp đồng bảo hiểm chính) ước đạt 1.617.402 hợp đồng, tăng 14,46% so với cùng kỳ năm 2015. Trong đó, sản phẩm bảo hiểm hỗn hợp chiếm tỷ trọng lớn nhất (ước đạt 40%), tiếp theo là sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư (ước đạt 36,8%) và bảo hiểm tử kỳ (ước đạt 12,6%), số lượng hợp đồng khai thác mới của sản phẩm bảo hiểm trả tiền
định kỳ và sản phẩm bảo hiểm trọn đời chiếm tỷ trọng không đáng kể 0,4% (trong đó Bảo Việt Nhân thọ triển khai nghiệp vụ bảo hiểm trả tiền định kỳ, Prudential triển khai sản phẩm bảo hiểm trọn đời).
Tính đến hết năm 2016, toàn thị trường có 6 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ triển khai nghiệp vụ bảo hiểm hưu trí là Manulife, AIA, Dai-ichi, Sun Life, Bảo Việt Nhân thọ và Prudential. Kết quả khai thác trong năm 2016 ước đạt 6.948 hợp đồng, chiếm tỷ trọng 0,4% tổng số hợp đồng khai thác mới.
Về doanh thu phí khai thác mới: Năm 2016, doanh thu phí khai thác mới ước đạt 16.753 tỷ đồng (bao gồm cả sản phẩm chính và bổ trợ), tăng 26,3% so với cùng kỳ năm 2015. Nghiệp vụ chiếm tỷ trọng lớn là bảo hiểm liên kết đầu tư, với doanh thu phí khai thác mới ước đạt 7.604 tỷ đồng (chiếm tỷ trọng 50%) và bảo hiểm hỗn hợp với doanh thu phí khai thác mới ước đạt 6.806 tỷ đồng (chiếm tỷ trọng 45%), riêng nghiệp vụ bảo hiểm hưu trí, doanh thu phí khai thác mới ước đạt 87 tỷ đồng (chiếm tỷ trọng 0,6%).
Các doanh nghiệp tập trung khai thác sản phẩm bảo hiểm hỗn hợp có Prudential, Dai-ichi, Cathay, Fubon, Aviva, Prévoir, Generali, Phú Hưng, FWD và BIDV Metlife.
Một số doanh nghiệp sử dụng kênh phân phối bưu điện và ngân hàng như Prévoir, VCLI có tỷ trọng doanh thu phí khai thác mới đối với sản phẩm bảo hiểm tử kỳ chiếm tỷ trọng cao.
Tính đến thời điểm hiện tại, đã có 16 trên tổng số 18 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ triển khai nghiệp vụ bảo hiểm liên kết chung, các doanh nghiệp như Bảo Việt, Mamulife, Chubb, Dai-ichi, AIA, Hanwha và Sun Life có tỷ trọng doanh thu phí bảo hiểm liên kết chung lớn trên tổng doanh thu phí khai thác mới. 03 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ triển khai sản phẩm bảo hiểm liên kết đơn vị là Manulife, Prudential và Dai-ichi.
Chất lượng hợp đồng khai thác mới: Phí bảo hiểm bình quân hợp đồng khai thác mới ước đạt 10,4 triệu/hợp đồng, tăng 8,3% so với cùng kỳ năm 2015. Phí bảo hiểm bình quân của một hợp đồng bảo hiểm hỗn hợp là 10,5 triệu/hợp đồng, một hợp đồng liên kết đầu tư là 12,8 triệu/hợp đồng, hợp đồng tử kỳ là 2,7 triệu/hợp đồng.
Các doanh nghiệp có phí bảo hiểm bình quân khai thác mới cao gồm Sun Life (ước khoảng 42 triệu/hợp đồng), Generali (ước khoảng 21,83 triệu/hợp đồng), AIA (ước khoảng 15,82 triệu/hợp đồng), Dai-ichi (ước khoảng 13,45 triệu/hợp đồng), Manulife (ước khoảng 12,66 triệu/hợp đồng), Chubb Life (ước khoảng 11,5 triệu/hợp đồng), Prudential và Bảo Việt (ước khoảng 10,6 triệu/hợp đồng). Các doanh nghiệp còn lại có phí bảo hiểm bình quân khai thác mới nằm trong khoảng từ 6 đến 10 triệu/hợp đồng.
Về thị phần doanh thu khai thác mới: Nhóm dẫn đầu thị phần doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới bao gồm: Prudential (ước đạt 21,97%), Bảo Việt Nhân thọ (ước đạt 20,29%), tiếp đến là Manulife (ước đạt 13,7%), Dai-ichi (ước đạt 12,68%), AIA (ước đạt 11,07%), Generali (ước đạt 5,14%), Chubb Life (ước đạt 4,46%), Sun Life (ước đạt 2,9%), Hanwha (ước đạt 2,6%), Aviva (ước đạt 1,49%) và BIDV Metlife (ước đạt 1,21%). Các doanh nghiệp chiếm thị phần nhỏ như: Prevoir (ước đạt 0,77%), Cathay (ước đạt 0,71%), VCLI (ước đạt 0,4%), Phú Hưng (ước đạt 0,39%), FWD và Fubon (ước đạt 0,1%).
Tổng doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ năm 2016 ước đạt 49.677 tỷ đồng (tăng 29,8% so với năm 2015), trong đó tỷ trọng doanh thu phí bảo hiểm hỗn hợp vẫn chiếm tỷ trọng cao nhất với khoảng 49%, tiếp đến là bảo hiểm liên kết đầu tư với 40%, bảo hiểm tử kỳ 0,7%, bảo hiểm hưu trí 0,6%, các nghiệp vụ còn lại chiếm tỷ trọng không đáng kể.
Số lượng hợp đồng có hiệu lực (theo hợp đồng chính) ước đạt 6.833.677 hợp đồng, tăng 17,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, sản phẩm bảo hiểm hỗn hợp chiếm tỷ trọng đa số (58,3%), tiếp đến là sản phẩm liên kết đầu tư (32,9%), sản phẩm tử kỳ (7,2%), sản phẩm hưu trí (0,4%), các sản phẩm còn lại chiếm 1,1%. Các doanh nghiệp
có tốc độ tăng trưởng cao về số lượng hợp đồng có hiệu lực bao gồm Dai-ichi, Generali, Hanwha, Aviva, Phú Hưng.
Về thị phần doanh thu phí: Thị phần tổng doanh thu phí bảo hiểm nhìn chung không có sự thay đổi đáng kể so với cùng kỳ năm 2015. Thứ tự cụ thể như sau:
Prudential 27,11%, Bảo Việt Nhân thọ 26,02%, Manulife 11,91%, AIA 10,34%, Dai- ichi 10,27%, Chubb Life 3,99%, Generali 2,63%, Hanwha 1,89%, Sun Life 1,64% và Aviva 1,52%, các doanh nghiệp còn lại chiếm thị phần nhỏ dưới 1%.
Về chi trả quyền lợi bảo hiểm: Trong năm 2016, tổng số tiền chi trả quyền lợi bảo hiểm ước đạt 13.301 tỷ đồng (bao gồm chi trả giá trị hoàn lại, chi đáo hạn, sự kiện bảo hiểm), tăng 41,5% so với cùng kỳ năm 2015.
Về tình hình tài chính: Trong năm 2016, tất cả các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ đều có tình hình tài chính lành mạnh, đáp ứng yêu cầu về khả năng thanh toán theo quy định của pháp luật.
Về tổng tài sản và nguồn vốn chủ sở hữu: Tổng tài sản của các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ năm 2016 ước đạt 171.828 tỷ đồng tăng 19,96% so với cùng kỳ năm 2015. Biên khả năng thanh toán (KNTT) của các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ đều cao hơn nhiều so với biên KNTT tối thiểu theo quy định của pháp luật.
Tính đến hết năm 2016, tổng nguồn vốn chủ sở hữu của các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ ước đạt 29.153 tỷ đồng, tăng 22,9% so với cùng kỳ năm 2015 (vốn chủ sở hữu chưa tính đến tác động của điều chỉnh lãi suất trích lập dự phòng nghiệp vụ vào tháng 12/2016 theo quy định).
Năm 2016, đã có 08 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ hoàn tất việc tăng vốn điều lệ tương ứng với số tiền 4.074 tỷ đồng (Manulife tăng từ 975 tỷ lên 1.820 tỷ; Dai-ichi tăng từ 1.141 tỷ lên 1.767 tỷ; Chubb Life tăng từ 1.019 tỷ lên 1.165 tỷ; Prévoir tăng từ 800 tỷ lên 1.079 tỷ; FWD tăng từ 1.080 tỷ lên 1.130 tỷ; Cathay tăng từ 2.007 tỷ lên 3.343 tỷ; Generali tăng từ 1.651 tỷ lên 2.182 tỷ và Phú Hưng tăng từ 633 tỷ lên 683 tỷ).
Ngoài ra, Dai-ichi, Bảo Việt, FWD và Sun Life đang trong quá trình bổ sung thêm vốn (Dai-ichi tăng thêm 1.268 tỷ đồng; Bảo Việt tăng thêm 500 tỷ đồng; FWD tăng thêm 265 tỷ đồng và Sun Life tăng thêm 150 tỷ đồng).
Về hoạt động đầu tư: Tổng số tiền đầu tư năm 2016 ước đạt 152.123 tỷ đồng, tăng 19,02% so với cùng kỳ năm 2015. Doanh thu từ hoạt động đầu tư ước đạt 13.268 tỷ đồng, tăng 10% so cùng kỳ năm 2015. Cơ cấu đầu tư của các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ mang tính an toàn với khoảng 65,1% đầu tư vào trái phiếu chính phủ, 17%
đầu tư vào tiền gửi ngân hàng và 5,4% đầu tư vào trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh.
Ngoài ra, các danh mục đầu tư khác như sau: tạm ứng từ giá trị tài khoản 4,4%, trái phiếu doanh nghiệp không có bảo lãnh 3,4%, trái phiếu doanh nghiệp có bảo lãnh 1,7%, cổ phiếu 1,3%, trái phiếu chính quyền địa phương 0,6%.
Về dự phòng nghiệp vụ: Tổng dự phòng nghiệp vụ năm 2016 ước đạt 125.858 tỷ đồng (chưa tính đến tác động của điều chỉnh lãi suất trích lập dự phòng nghiệp vụ vào tháng 12/2016 theo quy định), tăng 21,18% so với năm 2015, chiếm khoảng 75% tổng tài sản của thị trường. Nhìn chung các doanh nghiệp đều tuân thủ việc trích lập dự phòng nghiệp vụ theo quy định của pháp luật.