Trong nghiên cứu của mình, chúng tôi không thực hiện chụp cộng hưởng từ toàn thân tầm soát ung thư vòm họng có di căn xa hay không. Do đó, bước đầu chúng tôi đánh giá giai đoạn di căn xa của ung thư vòm họng trên CHT là Mx.
Tuy nhiên, trong nghiên cứu chúng tôi ghi nhận toàn bộ 81 BN ung thư vòm họng đều được chụp SPECT, X quang ngực và siêu âm bụng tổng quát tầm soát, đánh giá di căn xa. Tất cả đều cho kết quả chưa thấy dấu hiệu hình ảnh gợi ý di căn đến các cơ quan khảo sát. Từ đó, chúng tôi đánh giá giai đoạn M của 81 BN ung thư vòm họng là M0.
4.7. Đánh giá giai đoạn bệnh ung thư vòm họng trên cộng hưởng từ
Trong nghiên cứu của chúng tôi, 81 BN ung thư vòm họng đều hiện diện và phân bố ở cả 4 giai đoạn bệnh từ giai đoạn I đến giai đoạn IVA.
Trong đó, BN ung thư vòm họng ở giai đoạn muộn (nhóm III và IVA) chiếm tỷ lệ 69,1%, còn BN ở giai đoạn I (thuộc giai đoạn sớm) chỉ có 6,2%. Điều này cho thấy BN ung thư vòm họng đến cơ sở y tế để được thăm khám và chẩn đoán bệnh ở giai đoạn muộn.
Sau khi xác định giai đoạn UTVH các chuyên gia lâm sàng sẽ lập kế hoạch điều trị cho từng bệnh nhân. Kế hoạch điều trị cho bệnh nhân UTVH phụ thuộc vào nhiều yếu tố: giai đoạn bệnh, tuổi tác và thể trạng chung của bệnh nhân, tổn thương tại chỗ cũng như quan điểm điều trị của thầy thuốc, trong đó giai đoạn bệnh là căn cứ quan trọng nhất. Tại bệnh viện Ung bướu TP. Hồ Chí Minh hiện đang sử dụng kế hoạch điều trị ung thư vòm họng căn bản như sau:
- Ung thư giai đoạn I, II: thực hiện phác đồ xạ trị đơn thuần, tổng liều 65- 70 Gy đối với ung thư biểu mô vảy, tại hạch cổ dự phòng liều 50 Gy. Phân liều 2Gy/ngày; 10Gy/tuần.
- Ung thư giai đoạn III, IV: thực hiện phác đồ hóa xạ trị đồng thời với các tình huống:
* Bệnh nhân có sức khỏe tốt, trẻ tuổi, có nguy cơ di căn mạnh: phối hợp đồng thời 4 đợt đa hóa chất chu kỳ 21 ngày (phác đồ CF; PC; DC; PP.). Sau xạ trị kết thúc, xét khả năng bổ trợ thêm 2 đợt hóa chất như trên nếu sức khỏe cho phép.
* Bệnh nhân nhiều tuổi, sức khỏe yếu: Phối hợp đồng thời 6 đợt đơn hóa chất (Cisplatin, Palitaxel…), 1 tuần truyền 1 đợt xem kẽ với xạ trị gia tốc trải liều.
Trong nghiên cứu của chúng tôi có 19 (23,5%) BN ung thư vòm họng được xạ trị đơn thuần và 62 (76,5%) BN ung thư vòm họng được hóa xạ trị kết
hợp. Hơn nữa, chúng tôi nhận thấy 100% BN ung thư vòm họng ở giai đoạn I được xạ trị đơn thuần. Tương tự, cũng có100% BN ung thư vòm họng ở các giai đoạn III, IVA được điều trị theo phương thức hóa xạ trị kết hợp. Riêng BN ung thư vòm họng giai đoạn II, có 70% trường hợp được xạ trị đơn thuần và 30% trường hợp còn lại được điều trị hóa xạ kết hợp. Như vậy, toàn bộ BN ở 2 nhóm III và IVA được điều trị theo đúng phác đồ hóa xạ trị kết hợp và có 6 BN (30%) ung thư vòm họng ở nhóm II điều trị hóa xạ kết hợp, không theo phác đồ xạ trị đơn thuần. Quan sát 6 BN này, chúng tôi nhận thấy 6 BN đều được phân loại giai đoạn TNM phân nhóm là T2N1. Theo đó, giai đoạn T2 (u xâm lấn khoang cạnh họng và/ hoặc thâm nhiễm cơ chân bướm trong-ngoài và/hoặc cơ trước sống) và giai đoạn N1 là hai yếu tố yếu tố nguy cơ di căn xa ở bệnh nhân UTVH giai đoạn sớm.
Sự quan trọng của việc u xâm lấn khoang cạnh họng nằm ở chỗ khoang cạnh họng rất giàu mạch máu, và trong đó là tổ chức mỡ lỏng lẻo. Tổn thương UTVH có thể lan rộng và xâm lấn sang khoang cạnh họng. Khi tổn thương lan về phía nền sọ và cấu trúc lỏng lẻo của khoang cạnh họng thì tỷ lệ di căn xa sẽ tăng lên một cách có ý nghĩa. Mức độ xâm lấn khoang cạnh họng càng nhiều thì nguy cơ xâm lấn xung quanh xa hơn càng cao. Từ phía trước bên của khoang cạnh họng về phía khe chân bướm hàm, khối u có thể xâm lấn vào khoang cơ nhai và gây khít hàm; lan tràn phía sau bên vào khoang cảnh có thể xâm lấn đến phần trước các đốt sống 134.
Xâm lấn khoang cạnh họng là nguy cơ của di căn xa đã được nhiều tác giả khẳng định, ngay cả khi kết hợp với di căn hạch cổ hay không. Theo một số nghiên cứu 135,136, thời gian 5 năm sống thêm không di căn xa của các BN có khoang cạnh họng thấp hơn khoảng 12,6%-19% so với những BN không có xâm lấn đến khu vực này. Còn đối với các trường hợp N1 có tỷ lệ 3 năm sống
thêm không di căn xa thấp hơn 18% so với các trường hợp không có di căn hạch cổ trong phân nhóm có xâm lấn khoang cạnh họng.
Xạ trị đơn thuần là một sự lựa chọn đầu tiên cho UTVMH, đây là phương pháp chuẩn và truyền thống cho giai đoạn sớm (giai đoạn I, II). Tuy nhiên, khi phân tích kỹ hơn phân nhóm, các tác giả Hong MH và cộng sự (2000) 138, Lee AW và cộng sự (2005) 139, Xiao WW và cộng sự (2009) 140 đều nhận định xạ trị mang lại một kết quả rất tốt cho UTVH giai đoạn sớm, nhưng kết quả khác nhau theo mỗi phân nhóm và thất bại chính của xạ trị là di căn xa, đặc biệt là ở giai đoạn II. Tác giả Xiao WW và cộng sự (2009) 140 tiến hành xạ trị cho 362 BN ung thư vòm họng giai đoạn sớm (T1-T2N0-N1M0) nhận thấy xạ trị đơn thuần mang lại kết quả tốt cho bệnh nhân giai đoạn T1N0, T2N0, T1N1 nhưng xấu hơn ở giai đoạn T2N1. Lý do chính của thất bại là di căn xa. Tác giả này khuyến cáo BN ở nhóm T2N1 nên được điều trị hóa xạ thay vì xạ trị đơn thuần.
Như vậy xác định chính xác giai đoạn ung thư vòm họng giúp lâm sàng có cơ sở để lập kế hoạch điều trị hiệu quả nhất, lựa chọn xạ trị đơn thuần hay hóa xạ trị cho từng nhóm và phân nhóm xếp loại giai đoạn bệnh ung thư vòm họng.