II. QUẢN LÝ GIÁO DỤC
5. Một số mô hình giáo dục và quản lý giáo dục
- Mô hình giáo dục tượng trưng (giáo dục tinh hoa);
- Mô hình giáo dục cạnh tranh (giáo dục vì nhân lực);
- Mô hình giáo dục phục vụ (giáo dục đại chúng);
- Mô hình giáo dục dịch vụ (giáo dục trong xã hội học tập).
5.2. Quản lý giáo dục ở một số nước
Không thể nói hết giáo dục và quản lý giáo dục của tất cả các nước, mà chỉ chọn một số nước có liên quan ít nhiều đến giáo dục của nước ta xem như tài liệu tham khảo.
5.2.1. Giáo dục của Pháp
Nhiều năm nay Pháp chú ý mở rộng giáo dục sơ học để mọi người biết chữ để có thể tư duy thực sự và mở rộng hiểu biết cơ bản về cuộc sống. Thứ hai là chú trọng giáo dục trung học có sự ganh đua ở mức độ cao, tạo điều kiện cho những người thực sự có tài năng có cơ hội thăng tiến trong cuộc sống.
Hệ thống giáo dục song hành gồm giáo dục tiểu học phổ cập và trung học cũng như đại học chọn lọc tiếp tục phát triển ở nước Pháp. Các départements là đơn vị hành chính của Pháp (tương đương với tỉnh) được tổ chức thành 16 khu giáo dục gọi là académies, mỗi khu có một trường đại học do một hiệu trưởng điều hành mọi công tác giáo dục từ trường đại học cho tới trường tiểu học thuộc đơn vị hành chính đó.
Những yêu cầu đối với việc tuyển sinh vào các loại trường trung học đã có sự thay đổi quan trọng: các kiến nghị của giáo viên đã trở nên quan trọng hơn những kỳ thi bên ngoài. Hệ thống bằng tú tài baccalauréat đã thay đổi để cho học sinh đang theo học các chuyên ban nhất định có thể chuyển sang các chuyên ban khác và các kì thi cũng được chuyên ban hoá. Giáo dục trung học và đại học vẫn còn được mở rộng quá ít, nhưng người Pháp đã tăng ngân sách cho giáo dục để mở rộng hơn nữa.
Giáo dục phổ thông và giáo dục chuyên nghiệp trình độ trung học có sự liên thông theo chiều ngang. Giáo dục phổ thông phân luồng sớm: ngay ở lớp 4 (đệ tứ) của trường collège (trung học cơ sở), tương đương lớp 8 của ta, học sinh đã chia theo hai hướng: phổ thông và công nghệ và khi học hết trường này, tương đương lớp 9 của ta, học sinh vào học một trong mấy loại trường sau đây:
- Trường trung học phổ thông, khi tốt nghiệp lấy bằng tú tài phổ thông, sau đó chủ yếu lên học cao đẳng hoặc đại học;
- Trường trung học theo con đường công nghệ, khi tốt nghiệp lấy bằng tú tài công nghệ hay bằng kỹ thuật viên, sau đó có thể học tiếp lên cao đẳng hoặc đại học;
- Trường trung học nghề theo con đường chuyên nghiệp: nếu học xong 2 năm có thể lấy bằng học nghề để ra làm việc hoặc học tiếp 2 năm nữa để lấy bằng tú tài nghề, hoặc chuyển sang lớp 1 (đệ nhất) thích nghi của trường trung học theo con đường công nghệ rồi sau đó học hết lớp cuối để lấy bằng tú tài công nghệ hoặc kỹ thuật viên. Bằng tú tài nghề cho phép học tiếp lên đại học và cao đẳng trong các ngành kỹ thuật. Ngoài ra còn có hệ đào tạo 3 năm để lấy chứng chỉ năng lực nghề để ra làm thợ. Nếu muốn học tiếp có thể chuyển tiếp sang học 2 năm cuối để lấy bằng tú tài nghề.
- Trường chuyên nghiệp dành cho các nghề không thuộc về kỹ thuật. Các trường này đào tạo cả trình độ trung học và đại học.
Từ năm 1968 giáo dục đại học đã đổi mới tổ chức một cách sâu sắc: tạo nên sự liên kết giữa giảng dạy và nghiên cứu, các trường đại học trở nên đại học đa ngành và tự trị, mở rộng cửa cho tất cả mọi người ở bên ngoài.
Hầu hết các trường đại học công lập đặt dưới sự bảo trợ của Bộ Quốc gia Giáo dục. Tất cả các trường đại học đều chịu sự quản lý của Tổng vụ Giáo dục đại học phụ thuộc nhiều bộ khác nhau: Bộ Đại học và Nghiên cứu, Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp, Bộ Văn hoá và Thông tin,... Hội đồng quốc gia giáo dục đại học bao gồm cả đại biểu giáo viên và sinh viên các trường và các nhân vật bên ngoài. Hội đồng tư vấn cho bộ trưởng tất cả các vấn đề liên quan đến giáo dục đại học.
Đặc trưng của giáo dục đại học Pháp là: khu vực công lập chiếm ưu thế, giáo dục miễn phí đối với các trường công lập và việc tuyển sinh được mở rộng bằng các kỳ thi tuyển.
5.2.2. Giáo dục của Nga
Tháng 6 năm 1992, Luật Giáo dục của Liên bang Nga ra đời. Nội dung chính của Luật gồm: các nguyên tắc của chính sách giáo dục, hệ thống giáo dục, quản lý hệ thống giáo dục, kinh tế của hệ thống giáo dục, sự bảo đảm xã hội trong việc thực hiện quyền công dân về giáo dục và hợp tác quốc tế về giáo dục.
Nguyên tắc giáo dục của Nga là: nêu cao tính nhân văn của giáo dục, đề cao giá trị, cuộc sống và sức khoẻ con người, phát triển tự do nhân cách, giáo dục tinh thần công dân và tinh thần yêu nước, thống nhất không gian văn hoá và giáo dục, bảo vệ hệ thống giáo dục văn hoá dân tộc và truyền thống văn hoá địa phương trong điều kiện một nhà nước đa dân tộc, tính phổ cập của giáo dục, tính thích nghi của hệ thống giáo dục với trình độ và đặc điểm phát triển của việc giáo dục và đào tạo học sinh, tính chất phi tôn giáo của các cơ sở giáo dục và đào tạo trung ương cũng như địa phương, tự do và đa nguyên trong giáo dục, quản lý giáo dục có tính dân chủ, nhà nước và xã hội, sự tự trị của các cơ sở giáo dục và đào tạo.
Hệ thống giáo dục của Nga coi trọng tự học trong các hình thức giáo dục đào tạo, nhưng nhấn mạnh chuẩn giáo dục thống nhất của nhà nước đối với mọi hình thức. Trong hệ thống giáo dục, ngoài trường công lập còn có trường tư thục và trường của các tổ chức xã hội và tôn giáo. Hệ thống giáo dục gồm: tiểu học 4 năm, trung học cơ sở 5 năm và trung học phổ thông 2 đến 3 năm. Trong cải cách giáo dục lần này, ba vấn đề được quan tâm giải quyết: kinh tế - tài chính, tư tưởng và chính trị - luật pháp.
Mục tiêu chủ yếu của giáo dục Nga là:
- Cung cấp sự bảo đảm của Nhà nước về khả năng tiếp cận giáo dục của tất cả mọi người;
- Đạt được chất lượng mới hiện đại của mẫu giáo, giáo dục trung học và giáo dục nghề nghiệp;
- Hình thành các cơ chế pháp lý và quản lý kinh tế trong phạm vi hệ thống giáo dục để có thể tăng quỹ ngân sách bên ngoài;
- Nâng cao địa vị xã hội và năng lực chuyên môn của cán bộ giáo dục tăng cường sự hỗ trợ của Chính phủ và xã hội;
- Phát triển giáo dục thành một hệ thống nhà nước và xã hội mở.
Giáo dục nghề nghiệp đại học có các mục tiêu sau:
- Bảo tồn và phát huy đặc điểm cơ bản và nhân văn của giáo dục đại học;
- Tăng hiệu quả của hệ thống giáo dục đại học xét về mặt giảm tỉ lệ bỏ học kéo dài thời gian học;
- Làm cho hệ thống giáo dục đại học hài hoà với các xu hướng của châu Âu, đặc biệt là bằng cách vận dụng các cơ chế kiểm tra chất lượng;
- Tạo tính uyển chuyển trong quỹ đạo học tập của sinh viên theo đặc điểm riêng của việc đào tạo, sự phù hợp của chương trình đào tạo, có xét đến đòi hỏi của quốc gia và nhu cầu thị trường, xúc tiến các chương trình đào tạo liên môn hướng về phía các nghề nghiệp mới tạo ra trong thời đại công nghệ;
- Nâng cao nhận thức về học tập ứng dụng cung cấp kỹ năng và kỹ xảo thực hành mà thị trường lao động yêu cầu;
- Kết hợp chặt chẽ với sinh viên, coi họ là đối tác từ quá trình đào tạo.
Các mục tiêu của giáo dục đại học bao gồm:
- Đóng góp vào sự phát triển dân chủ của đất nước;
- Hỗ trợ phục hồi nền kinh tế;
- Nâng cao giá trị của sự hoà nhập với châu Âu;
- Tạo nên các bước đi tích cực dẫn tới hoà nhập vào cộng đồng giáo dục châu Âu đang được hình thành từ kết quả của quá trình Sorbone – Bologna1.
Các cơ sở đào tạo đại học được quyền tự trị. Điều khác biệt giữa cơ sở công lập và tư thục là nguồn tài chính và sở hữu.
Năm 1996, trong Luật Liên bang Nga đã nêu "Về giáo dục nghề nghiệp đại học và sau đại học". Theo tinh thần đó, đào tạo đại học là 4 năm. Sau đại học ở các trường đại học thực hiện hai chương trình: chương trình cán bộ lấy bằng chuyên môn và chương trình lấy bằng thạc sĩ. Chương trình thứ nhất được đào tạo 5 năm gồm các môn khoa học cơ bản, các môn nghề nghiệp chung và chuyên môn và sau đó là chuyên môn hoá và làm việc thực hành. Chương trình này kết thúc bằng một luận văn và được cấp bằng ghi rõ ngành học. Chương trình đào tạo ngành y thông thường kéo dài 6 năm.
Chương trình thứ hai được đào tạo trong 2 năm sau khi có bằng cử nhân bao gồm cả thực hành, chứng chỉ nghiên cứu khoa học, hoạt động sư phạm và thực hành.
Chương trình đào tạo phó tiến sĩ khoa học kéo dài 3 năm. Thời gian đào tạo tiến sĩ khoa học không quy định.
5.2.3. Giáo dục Hoa Kỳ
Hoa Kỳ, tên gọi đầy đủ là Hợp chủng quốc Hoa Kỳ (The United of America), gọi tắt là Mỹ. Hoa Kỳ có 50 bang và Washington D.C. là Thủ đô của Liên bang. Hiến pháp quy định bộ máy, quyền lực và các hoạt động của Chính phủ. Các hoạt động chính quyền khác là trách nhiệm của từng bang.
1
Người Hoa Kỳ có gốc rễ văn hoá ở châu Âu, châu Á, châu Phi và châu Mỹ Latinh. Nhưng họ cũng phát triển những nét đặc trưng bản địa mới lạ. Ba nét đặc trưng nổi bật là: lý tưởng, năng động và năng suất cao. Bản chất giáo dục ở Hoa Kỳ có cơ sở trong những nét đặc trưng này.
Bộ Giáo dục Hoa Kỳ đưa ra định hướng phát triển giáo dục như sau:
- Nâng cao kết quả học tập của học sinh, sinh viên để đáp ứng những yêu cầu của xã hội và của mọi người;
- Tăng cường sự tham gia của cha mẹ học sinh và cộng đồng vào giáo dục;
- Bảo đảm cho nhà trường được an toàn, không được sử dụng chất kích thích và tuân thủ quy định, kỷ luật của nhà trường;
- Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và phát triển chuyên môn, nghiệp vụ;
- Đưa công nghệ đến với nhà trường;
- Hỗ trợ những nỗ lực dài hạn và hệ thống cho giáo dục;
- Cộng đồng, các tiểu bang và các địa phương cần đáp ứng các yêu cầu của giáo dục.
Quản lý giáo dục ở Hoa Kỳ có một số đặc điểm nổi bật sau đây:
- Giáo dục là đại chúng suốt cả tiểu học, trung học và đại học;
- Mỗi bang trong 50 bang kiểm soát hệ thống giáo dục của mình, không có sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ Giáo dục Liên bang. Trách nhiệm của cộng đồng địa phương thuộc về các Hội đồng nhà trường do dân bầu ra.
- Trong hệ thống giáo dục, thời gian quy định chung cho tất cả các bang là 12 năm, nhưng mỗi bang có cơ cấu hệ thống riêng của mình. Phần lớn các bang có ba cấp theo mô hình: 6 + 3 + 3 hay 6 + 2 + 4, nhưng có bang theo cơ cấu 4 + 4 + 4; một số bang lại có hai cấp học theo cơ cấu 6 + 6 hay 8 + 4…
Ở Hoa Kỳ, đại học có 2 loại trường: trường công và trường tư. Một số trường tư thuộc về các tôn giáo. Khoảng 30% học sinh học tại các trường tư.
Hiện nay Hoa Kỳ có khoảng hơn 4.000 trường đại học và cao đẳng cộng đồng, trong đó có nhiều trường nổi tiếng và có uy tín lớn trên thế giới. Nhiệm vụ chính của trường đại học là đào tạo và nghiên cứu khoa học. Nhưng việc nghiên cứu khoa học thường tập trung ở các trường có chương trình đào tạo tiến sĩ. Các trường đại học này không chỉ đào tạo ở trình độ cử nhân (Bachelor), thạc sỹ (Master), tiến sỹ (Ph.D), mà còn có các chương trình học tập và nghiên cứu có tính chất chuyên ngành ở trình độ sau tiến sĩ (post doctoral study and research).
Các trường đại học này đã đóng góp rất nhiều trong thành quả nghiên cứu khoa học cơ bản ở Hoa Kỳ.
Một đặc điểm của quy chế đại hoc Hoa Kỳ về mặt hiệu quả đào tạo là kiểm định chất lượng (accreditation). Có 6 tổ chức lớn của các vùng thực hiện việc kiểm định chất lượng đào tạo do bản thân các trường lập nên. Mặt khác có khoảng 50 tổ chức quốc gia làm công tác kiểm định chất lượng đào tạo. Các tổ
chức này lập ra trong các phạm vi nghề nghiệp khác nhau, làm việc song song, mỗi tổ chức có lĩnh vực chuyên môn riêng của mình, thiết lập nên các tiêu chuẩn để công nhận chất lượng của các chương trình đào tạo trong các trường, các khoa và các bộ môn. Ngoài các cơ quan có mục đích đã định, còn có một số lớn các tổ chức khác phối hợp với các trường đại học như: Hội đồng giáo dục Hoa Kỳ ACE và các hiệp hội khác nhau (Hội các trường đại học Hoa Kỳ, Hội các trường đại học Nhà nước và các trường Cao đẳng địa phương, Hội các trường đại học Đô thị...).
Có thể chia đại học Hoa Kỳ thành bốn loại chủ yếu sau:
- Trường kỹ thuật nghiệp vụ đào tạo 2 đến 3 năm để lấy bằng Associate degree cử nhân cao đẳng) và đào tạo sinh viên trở thành các kỹ thuật viên và nhân viên nghiệp vụ trong các lĩnh vực y tế, nha khoa, kỹ thuật công nghiệp hoặc thương nghiệp, kế toán...
- Trường cao đẳng (Junior college) hoặc trường cao đẳng cộng đồng (communiti college) tổ chức đào tạo ngắn hạn 2 năm và có thể kéo dài tiếp ở một trong hai loại trường dưới đây (trường đại học và trường đại học tổng hợp).
- Trường đại học nói chung, tuy nhiên nhiều khi vẫn mang tên là cao đẳng, các trường chuyên ngành độc lập bao gồm trường đại học sư phạm, trường đại học công nghệ, trường đại học thần học, đại học nghệ thuật...
- Trường đại học tổng hợp (universiti) có thể cấp văn bằng đại học cao nhất là tiến sĩ (doctor’s degree). Mỗi bang có ít nhất một trường cao đẳng (college) hay đại học (universiti) được bảo trợ bởi địa phương (land - grant), khởi đầu được lập nên chỉ nhằm đào tạo riêng các kỹ thuật viên và kỹ sư nông nghiệp. Trong một trường đại học tổng hợp, có thể phân chia ra trường cao đẳng (colleges) tổ chức đào tạo để lấy bằng đại học đầu tiên, và các trường sau đại học (graduate schools) cấp văn bằng sau đại học. Tuy nhiên cần chú ý rằng các chương trình khác nhau bao gồm một phạn vi rất rộng của nhiều cấp bậc, trình độ. Ví dụ một trường đại học tổng hợp thông thường bao gồm cả các trường kỹ thuật và nghiệp vụ thuộc loại 1 (trường kỹ thuật nghiệp vụ) để đào tạo kỹ thuật viên và nhân viên nghiệp vụ.
Các trường đại học ở Hoa Kỳ kể cả công và tư hoạt động theo nguyên tắc tự quản và tự do về học thuật. Bộ phận quản lý cao nhất của một college hay một universiti là Ban Quản trị (Board of Directors hoặc Board of Regents hoặc Board of Trustees) mà các thành viên ở bên ngoài nhà trường và trước hết thuộc các giới chuyên môn đề tài chính và công nghiệp.
Về các trường đào tạo giáo viên ( teacher colleges), người ta thấy rằng các trường sư phạm ban đầu thường phát triển lên từ các trường cao đẳng khoa học xã hội và nhân văn (liberal an collegers) hay trường cao đẳng của bang (state college), thậm chí từ các trường đại học đa ngành.
Tháng 12 năm 2007, Trung tâm Nghiên cứu Chính sách giáo dục của Hoa Kỳ đã tiến hành khảo sát 200 trường đại học đứng đầu của 50 bang và đã xác định một số vấn đề mà giáo dục đại học phải đương đầu, đó là:
- Sự tham gia của các nhóm dân tộc thiểu số trong giáo dục đại học;
- Chi phí cho chất lượng giáo dục đại học;
- Phát triển giáo dục đại học tương xứng với thời đại hiện đại;
- Thay thế giáo viên cũ và phát triển đội ngũ giáo viên có chất lượng;
- Hỗ trợ của Hoa Kỹ giữ vai trò cạnh tranh trên phạm vi toàn cầu;
- Nâng cao và hoàn thiện các trường công.
Giáo dục đại học Hoa Kỳ thu hút sinh viên từ nhiều nước trên thế giới vì có những ưu điểm sau đây:
- Một nền giáo dục đa dạng, phong phú, mềm dẻo, có tính thích nghi cao và gắn chặt với thực tiễn sản xuất và xã hội,
- Giáo dục đại học Hoa Kỳ chịu ảnh hưởng của thị trường lao động nhiều hơn là việc lập kế hoạch;
- Các trường đại học Hoa Kỳ có nhiều điểm tương đồng với các trường đại học Anh về các ngành khoa học xã hội và nhân văn và các trường đại học Đức về nghiên cứu, đào tạo sau đại học và đào tạo chuyên ngành;
- Giáo dục đại học Hoa Kỳ có hệ thống tín chỉ (credit system) xuyên suốt chương trình đào tạo gồm các môn học bắt buộc cho phép sinh viên có thể chủ động và linh hoạt chuyển đổi trong các chương trình và cơ sở đào tạo.
5.2.4. Giáo dục của Trung Quốc
Năm 1949 , nước CHND Trung Hoa được thành lập. Trong đường lối của Đảng Cộng sản về giáo dục rất chú ý đặc điểm “dân tộc, khoa học và đại chúng”, nâng cao trình độ cho tất cả mọi người, đặc biệt là nông dân và công nhân trở thành những công dân xây dựng nhà nước mới xã hội chủ nghĩa. Tháng 2 năm 1956, một bộ 30 chữ cái dùng để phiên âm chữ Trung Quốc được chấp nhận. Các kế hoạch 1953 - 1957 và 1958 - 1962 đặt ra các mục tiêu về giáo dục bao gồm xoá mù chữ, thiết lập giáo dục sơ học phổ cập, đẩy mạnh giáo dục trung học và đại học, đồng thời nhấn mạnh sự kết hợp chặt chẽ giữa lao động sản xuất và học tập.
Ngày 27 tháng 5 năm 1985, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc ra Nghị quyết về cải cách giáo dục, khởi đầu công cuộc hiện đại hoá toàn bộ hệ thống giáo dục. Phương hướng chủ yếu của cải cách giáo dục là:
- Nâng cao trình độ văn hoá của toàn thể nhân dân và đào tạo cán bộ trình độ cao với số lượng lớn;
- Chuyển giao phạm vi trách nhiệm phát triển giáo dục mầm non cho chính quyền địa phương;
- Thực hiện dần phổ cập giáo dục đến lớp 9;
- Sắp xếp lại cơ cấu giáo dục trung học và phát triển toàn diện giáo dục kỹ thuật và nghề nghiệp;