Năng lực tự học và kỹ năng tự học

Một phần của tài liệu Phát triển năng lực tự học của học sinh trong việc ôn tập chương “Dòng điện xoay chiều” Vật lý 12 nâng cao với sự hỗ trợ của bản đồ tư duy (Trang 24 - 27)

Chương 1. CƠ SỞ LÍ LUẬN VÀ THỰC TIỄN CỦA VIỆC PHÁT TRIỂN NĂNG LỰC TỰ HỌC VỚI SỰ HỖ TRỢ BẢN ĐỒ TƯ DUY KHI ÔN TẬP

1.1. Tự học và năng lực tự học

1.1.5. Năng lực tự học và kỹ năng tự học

Có nhiều định nghĩa về năng lực. Xét về cấp độ, định nghĩa về năng lực có thể nhìn từ góc độ hẹp như: “Năng lực là khả năng lựa chọn và vận dụng kiến thức, kỹ năng, thái độ một cách tổng hợp để thực hiện một loại nhiệm vụ học tập cụ thể trong một hoàn cảnh cụ thể hoặc một khâu cụ thể của một năng lực chung, dưới tác động của các yếu tố khác như động cơ học tập, ý chí, sự tự tin...” [7], [8]

Cũng có thể định nghĩa từ góc nhìn rộng hơn: “Năng lực là khả năng vận dụng, chuyển biến các thành phần kiến thức, kỹ năng, thái độ và các yếu tố cá nhân khác theo một cơ chế nào đó để thực hiện đạt chuẩn những nhiệm vụ học tập thiết yếu của một môn học” [7], [8]

Ngoài ra, theo từ điển tiếng Việt thì: “Năng lực là phẩm chất tâm lý và sinh lý tạo cho con người khả năng hoàn thành một loạt hoạt động nào đó với chất lượng cao” [23]

Theo PGS.TS Lê Công Triêm: “Năng lực tự học(NLTH) là khả năng tự mình tìm tòi, nhận thức và vận dụng kiến thức vào tình huống mới hoặc tương tự với chất lượng cao” [21]

Trong tâm lý học, NLTH được xem là những thuộc tính tâm lý riêng của cá nhân, nhờ thuộc tính này mà con người hoàn thành tốt những hoạt động mặc dù bỏ ra ít công sức lao động nhưng vẫn đạt kết quả cao. NLTH vừa là cái tự nhiên bẩm sinh “vốn có”, vừa là sản phẩm vận động, nỗ lực phấn đấu nên ứng với mỗi người và điều kiện khác nhau thì NLTH cũng khác nhau. Vì vậy, NLTH là cái vốn có của mỗi con người nhưng phải được bồi dưỡng trong hoạt động thực tiễn mới trở nên hoàn thiện.

Tuy nhiên, dù cụ thể hay trừu tượng, từ khái niệm rộng hay hẹp thì các định nghĩa điều thống nhất các đặc điểm sau:

- Về cấu trúc, năng lực là một khái niệm tổng hợp, một tổ hợp kiến thức, kỹ năng, thái độ và một số yếu tố cá nhân khác.

- Về tính thực tiễn, năng lực là một cái gì khả hữu, gắn với hành vi, quá trình

- Về tính mục tiêu, hiệu quả giáo dục; năng lực được thử thách qua (và hướng đến) việc thực hiện một chuẩn yêu cầu.

Việc hình thành và phát triển năng lực cần cho việc học suốt đời, gắn với cuộc sống hằng ngày của HS trung học phổ thông (THPT). Vì vậy, chương trình sau năm 2015 tập trung vào phát triển 7 loại năng lực chung, cốt lõi gồm:

- Năng lực tư duy.

- Năng lực tự học.

- Năng lực hợp tác.

- Năng lực tự đánh giá; tự chủ, tự quản lý và phát triển bản thân.

- Năng lực giao tiếp.

- Năng lực tìm kiếm, xử lý thông tin.

- Năng lực phát hiện và giải quyết vấn đề.

1.1.5.2. Năng lực tự học

Hoạt động tự học muốn diễn ra thực sự thì yêu cầu cần thiết là phải hình thành và phát triển ở người học NLTH. Chỉ khi đã có được NLTH trong bản thân mình, người học mới tự mình tiến hành việc học tập một cách tự chủ, độc lập, sáng tạo như đòi hỏi của giáo dục đào tạo ngày nay.

Theo cố GS.Tạ Quang Bửu (nguyên Bộ trưởng Bộ đại học và Chuyên nghiệp) trong một buổi nói chuyện trước sinh viên Bách khoa Hà Nội năm 1970 đã nhấn mạnh:“Tự học là khởi nguồn của phong cách tự đào tạo, đồng thời là cái nôi nuôi dưỡng trí sáng tạo. Ai giỏi tự học khi đang ở trường, người đó sẽ tiến xa”

Giáo dục NLTH của người học là phương thức giáo dục cơ bản, cần thiết, trong đó, nhà trường, gia đình và xã hội tạo ra các nhân tố có tính qui định việc hình thành, phát triển nhân cách, tự chủ, sáng tạo và chịu trách nhiệm của người học đối với mọi hoạt động học tập, nhận thức khoa học, hoạt động sống của mình.

Khi nhấn mạnh yêu cầu tự học, điều đó không có nghĩa coi nhẹ vai trò giáo dục của GV, nhà trường. Trong quá trình tự học của HS, GV đóng vai trò tổ chức, dạy cách tự học từ đó HS có thể tự xác định nhiệm vụ, mục tiêu của việc học, tự kiểm tra, đánh giá, xây dựng kế hoạch phù hợp với bản thân, tự nhận ra và điều chỉnh những sai sót, hạn chế của bản thân trong quá trình học tập.

Như vậy, NLTH có thể hiểu là: “phẩm chất sinh lý và tâm lý tạo cho con người khả năng tự tìm tòi, nhận thức và vận dụng kiến thức vào tình huống mới hoặc tương tự với chất lượng cao”

1.1.5.3. Khái niệm kỹ năng tự học

Theo Từ điển Từ và Ngữ Hán Việt: Kỹ năng là khả năng vận dụng những kiến thức thu nhận được trong một lĩnh vực nào đó vào thực tiễn [15],[23].

Kỹ năng có bản chất tâm lí nhưng có hình thức vật chất là hành vi hoặc hành động. Kỹ năng chính là biểu hiện của năng lực vì dựa vào kỹ năng có thể biết được năng lực của người học một cách cụ thể.

Vậy, KNTH là các khả năng độc lập, tìm tòi, nhận thức, vận dụng kiến thức vào việc giải quyết các vấn đề đặt ra trong học tập cũng như trong cuộc sống.

Những kiến thức và kỹ năng cần thiết cho cuộc sống và lao động của con người trong xã hội hiện đại đang ngày càng tăng lên một cách nhanh chóng. Trong quá trình dạy học, những kiến thức và kỹ năng trong chương trình sách giáo khoa (SGK) đã được chọn lọc cẩn thận, tuy nhiên không thể đầy đủ nhằm đáp ứng nhu cầu cuộc sống. Chính vì vậy, trong quá trình dạy học, GV nên coi trọng việc rèn luyện kỹ năng cho HS bên cạnh việc truyền thụ kiến thức, để các em có cơ hội tự hoàn thiện bản thân mình nhằm đáp ứng những nhu cầu thực tiễn.

Việc học tập của HS gồm các hoạt động cơ bản như: nhận thức nội dung học tập, giao tiếp, quan hệ xã hội trong học tập và các hoạt động hỗ trợ học tập, tổ chức và quản lý việc học cá nhân. Xuất phát từ đặc điểm của hoạt động học tập, xuất phát từ việc xác định các nhiệm vụ học tập cơ bản, có thể liệt kê hệ thống KNTH của HS như sau:

 Dựa vào phương tiện dạy học thì KNTH có thể phân chia - Kỹ năng tự học với sách giáo khoa.

- Kỹ năng tự học qua tranh ảnh, thí nghiệm.

- Kỹ năng tự học với bảng số liệu thống kê và biểu đồ.

- Kỹ năng tự học thông qua internet,…

 Dựa vào nhiệm vụ nhận thức bao gồm - Kỹ năng thu thập thông tin.

- Kỹ năng xử lý thông tin.

- Kỹ năng vận dụng tri thức vào thực tiễn.

- Kỹ năng trao đổi và phổ biến thông tin.

- Kỹ năng tự kiểm tra, đánh giá.

 Dựa vào hình thức và phạm vi của hoạt động tự học bao gồm - Kỹ năng tự học trên lớp.

- Kỹ năng tự học ở nhà.

- Kỹ năng tự học thông qua hoạt động ngoại khóa.

- Kỹ năng xây dựng kế hoạch tự học.

- Kỹ năng lựa chọn tài liệu.

- Kỹ năng lựa chọn hình thức tự học.

Một phần của tài liệu Phát triển năng lực tự học của học sinh trong việc ôn tập chương “Dòng điện xoay chiều” Vật lý 12 nâng cao với sự hỗ trợ của bản đồ tư duy (Trang 24 - 27)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(123 trang)