Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện QCDC ở cơ sở trong những năm qua tại tỉnh Hưng yên còn một số tồn tại, hạn chế sau:
Vai trò lãnh đạo của tổ chức cơ sở Đảng tại một số địa phương có lúc chưa phát huy hết. Sự lãnh đạo, chỉ đạo còn chưa kịp thời, sát sao, chưa kiên quyết. Một số đảng viên còn chưa nắm được nội dung của Pháp lệnh Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn; còn thờ ơ, bàng quan và coi đó là nhiệm vụ riêng của chính quyền.
Công tác tuyên truyền, triển khai, quán triệt các văn bản của Đảng, Nhà nước về thực hiện QCDC nhất là tuyên truyền nội dung Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn tại một số địa phương còn mang tính hình thức, chưa thường xuyên, chưa sâu rộng, chưa thực sự hiệu quả, chưa tạo ra sự chuyển
biến mạnh mẽ trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Vì vậy, tại nhiều địa phương có tới 60% người dân không biết mình có những quyền gì, cách thức thực hiện quyền làm chủ tại cơ sở của mình như thế nào. Trong tuyên truyền, giáo dục chưa tập trung làm rõ trách nhiệm của cán bộ cơ sở, của công dân đối với việc thực hiện Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn. Việc biểu dương các địa phương thực hiện tốt cũng như phê phán những biểu hiện vi phạm Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở cơ sở chưa thực hiện thường xuyên.
Công tác dân vận của các cấp chính quyền còn nhiều mặt hạn chế. Việc thực hiện Chỉ thị số 18/2000/CT/TTg ngày 21/9/2000 của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị số 09/CT-UB ngày 11/5/2009 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh "Về tăng cường công tác dân vận của chính quyền" ở một số đơn vị hiệu quả chưa cao. Cá biệt có cấp ủy, chính quyền vừa được biểu dương về công tác lãnh đạo và thực hiện QCDC ở cơ sở nhưng sau đó lại là địa phương phức tạp về công tác quản lý đất đai, đơn thư khiếu nại, tố cáo vượt cấp, cán bộ xã bị xử lý theo pháp luật.
Ban Chỉ đạo thực hiện QCDC ở xã, phường, thị trấn chưa chủ động tham mưu tốt cho cấp ủy, chính quyền trong quá trình lãnh đạo và tổ chức thực hiện.
Sự phối hợp giữa chính quyền với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân trong tổ chức thực hiện QCDC nay là Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn còn thiếu thường xuyên, chưa chặt chẽ, chưa có quy định phối hợp về việc thực hiện QCDC ở cơ sở; nếu có thì sự phối hợp còn mang tính hình thức, hiệu quả chưa cao. Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân thiếu chủ động tuyên truyền, vận động, tổ chức cho nhân dân tham gia xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở, còn lúng túng trong việc đại diện cho đoàn viên, hội viên thực hiện chức năng giám sát.
Một số địa phương, chính quyền chưa thực hiện tốt những nội dung mà Pháp lệnh Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn trong việc phát huy quyền làm chủ của nhân dân tại cơ sở như:
- Về những nội dung phải công khai để nhân dân biết:
Theo quy định tại điều 5, Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn gồm có 11 nội dung chính quyền xã, phường, thị trấn phải công khai để nhân dân biết. Chính quyền cấp xã có thể áp dụng đồng thời nhiều hình thức công khai như:
niêm yết công khai tại trụ sở Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân cấp xã; công khai trên hệ thống truyền thanh của xã hoặc công khai thông qua trưởng thôn, Tổ
trưởng tổ dân phố để thông báo tới nhân dân. Trong đó có 4 nội dung bắt buộc chính quyền xã phải thực hiện bằng hình thức niêm yết công khai tại trụ sở Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp xã là: 2. Dự án, công trình đầu tư và thứ tự ưu tiên, tiến độ thực hiện, phương án đền bù, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, tái định cư liên quan tới dự án, công trình trên địa bàn cấp xã; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chi tiết và phương án điều chỉnh, quy hoạch khu dân cư trên địa bàn cấp xã; 3.
Nhiệm vụ, quyền hạn của công chức cấp xã trực tiếp giải quyết các công việc của nhân dân; 9. Đối tượng, mức thu các loại phí, lệ phí và nghĩa vụ tài chính khác do chính quyền cấp xã trực tiếp thu; 10. Các quy dịnh của pháp luật về thủ tục hành chính, giải quyết các công việc liên quan tới nhân dân do chính quyền xã trực tiếp thực hiện. Trong đó, nội dung 3 và 10 phải niêm yết thường xuyên tại trụ sở Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân xã. Nhưng trên thực tế, còn gần 50% xã, phường, thị trấn không thực hiện bằng hình thức niêm yết hoặc có nhưng không thường xuyên. Một số nơi chính quyền thực hiện công khai bằng hình thức thông báo qua loa truyền thanh hoặc qua trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố. Việc công khai còn mang tính chiếu lệ, làm lướt, chưa đa dạng hoá các hình thức tuyên truyền; còn không ít các chương trình, dự án chưa được thông tin đầy đủ cho dân biết, kiểm tra, giám sát. Vì vậy, chất lượng "biết" của người dân còn thấp, khi giao dịch công việc tại chính quyền xã, người dân còn gặp khó khăn. Hiện trên địa bàn toàn tỉnh có 21% cử tri (hoặc hộ gia đình) biết một số nội dung và hiểu chưa đầy đủ, trong đó có 16 xã (=9,93%) có dưới 50% cử tri (hộ gia đình) biết một số nội dung và hiểu chưa đầy đủ nội dung mà chính quyền xã công khai; 154 xã (=95,65%) có dưới 50% cử tri (hộ gia đình) không quan tâm hoặc không biết một số nội dung mà chính quyền cơ sở đã công khai. Một số việc tại một số địa phương thực hiện thiếu công khai, dân chủ dẫn đến đơn thư khiếu nại, tố cáo nhiều. Việc giải quyết lại chưa dứt điểm, gây bức xúc, khiếu kiện kéo dài, khiếu kiện đông người, vượt cấp, làm mất ổn định tại cơ sở. Tính từ năm 2007 đến nay, toàn tỉnh có 4.321 đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị trong đó khiếu nại, tố cáo là 2.125 đơn.
- Về những nội dung nhân dân tham gia ý kiến:
Những nội dung cần lấy ý kiến của nhân dân được quy định tại điều 16, Pháp lệnh Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn. Việc thực hiện nội dung này của Chính quyền cấp xã tại nhiều địa phương còn mang tính hình thức và hiệu quả chưa cao, chưa thực sự động viên, phát huy cao nhất trí tuệ và sự đồng thuận của nhân dân địa phương. Đa số Chính quyền cơ sở trong toàn tỉnh tổ chức cho nhân
dân tham gia ý kiến bằng hình thức họp cử tri hoặc cử tri đại diện hộ gia đình (trên 90%); chỉ có dưới 10% xã, phường, thị trấn tổ chức cho nhân dân bàn hoặc tham gia ý kiến bằng hình thức phát phiếu lấy ý kiến tới các cử tri. Vì vậy, số lượng và chất lượng các ý kiến còn thấp.
Về phía nhân dân, tỷ lệ cử tri hoặc cử tri đại diện hộ gia đình đến họp hiện nay còn thấp. Khi được lấy ý kiến, đa số nhân dân thường "bằng lòng". Ý kiến đóng góp rất ít. Tỷ lệ cử tri có ý kiến góp ý khi được lấy ý kiến chỉ đạt 21,8%. Toàn tỉnh còn 5 xã (=3,1%) chỉ có dưới 50% cử tri (hộ gia đình) tham gia bàn khi được Chính quyền xã hoặc thôn, khu dân cư triệu tập; có 16 xã (=9,93%) có dưới 50% cử tri (hộ gia đình) tham gia ý kiến khi được lấy ý kiến và còn 7 xã (=4,345) có dưới 50% cử tri (hộ gia đình) tham gia bàn có ý kiến tán thành.
- Về những nội dung nhân dân giám sát:
Hiệu quả giám sát của nhân dân hiện nay còn rất thấp. Theo số liệu khảo sát, có gần 40% cử tri (hộ gia đình) chưa khi nào tham gia giám sát; còn 14 xã (=8,7%) có trên 70% cử tri (hộ gia đình) chưa khi nào tham gia giám sát. Phần lớn các cuộc giám sát của nhân dân được thông qua các tổ chức như: Hội đồng nhân dân, MTTQ, đoàn thể, Ban Thanh tra Nhân dân, Ban giám sát đầu tư của cộng đồng... Tỷ lệ cử tri thực hiện giám sát thông qua việc thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo đạt 28,75% đúng pháp luật.
Tại một số địa phương, còn có tình trạng lợi dụng quyền dân chủ để thực hiện những mục đích khác. tình trạng cố tình tố cáo sai sự thật gây ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của người khác; kích động, lôi kéo, xúi giục người khác tố cáo sai sự thật còn nhiều.
2.2. Nguyên nhân của những khuyết điểm, hạn chế
- Một số cấp ủy, Chính quyền nhất là người đứng đầu địa phương chưa nhận thức, quán triệt và thực hiện đầy đủ các quan điểm, tư tưởng chỉ đạo của trung ương và quy định của Nhà nước về xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở
- Phương thức lãnh đạo của một số cấp uỷ còn hạn chế: trình độ, năng lực, kỹ năng của một bộ phận cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn nhất là trưởng thôn (người có vai trò rất quan trọng trong việc truyền đạt nội dung Pháp lệnh tới nhân dân) còn hạn chế, chưa đáp ứng được công việc đảm nhiệm.
- Thành viên Ban Chỉ đạo thực hiện QCDC ở cơ sở chủ yếu là kiêm nhiệm và thường xuyên thay đổi, kinh phí hoạt động của ban Chỉ đạo cũng như kinh phí cho hoạt động triển khai thực hiện Pháp lệnh Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn hiện nay còn rất hạn chế.
- Công tác tuyên truyền còn mang tính hình thức, hiệu quả chưa cao.
- Trình độ và ý thức pháp luật của một bộ phận không nhỏ của người dân còn thấp.
- Đời sống của nhân dân tại các địa phương còn khó khăn. Do vậy, họ còn dành nhiều thời gian cho công việc mưu sinh của mình, vì vậy không quan tâm tới các vấn đề chính trị, quan tâm tới các quyền làm chủ tại cơ sở của mình.
- Công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn tại một số địa phương chưa được cấp uỷ quan tâm đúng mức. Ban Thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư cộng đồng ở xã, phường, thị trấn hoạt động còn hình thức, hiệu quả chưa cao.
- Công tác tổng kết việc thực hiện Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn hiện nay chưa được chú trọng và thực hiện thường xuyên.
- Chưa có quy định về cấp cao hơn theo dõi, đánh giá việc cấp xã thực hiện dân chủ cơ sở. đồng thời thiêu chế tài xử lý các tập thể, người đứng đầu các tổ chức vầ công dân khi vi phạm về thực hiện QCDC ở cơ sở.