CHƯƠNG 1 LƯỢC KHẢO TÀI LIỆU
1.4 SƠ LƯỢC MỘT SỐ LOÀI CÔN TRÙNG GÂY HẠI QUAN TRỌNG .1 Sơ lược về côn trùng gây hại trên cây có múi
Cam quýt bị nhiều sâu bệnh phá hoại, nhiều loài nguy hiểm vì cam quýt đã được thuần dưỡng rất lâu, là nguồn thức ăn cho nhiều loại côn trùng. Khi thuần dưỡng thì cam quýt được sống trong môi trường thuận lợi hơn khi còn là cây hoang dại, số sinh vật sống trên cây cam quýt rất nhiều và phong phú về chủng loại: 12 loại nhện, 352 loại côn trùng và 186 loại tuyến trùng (Vũ Công Hậu, 1996).
Trích dẫn Lê Văn Vàng (1997) có 823 loài côn trùng và nhiều loài nhện tấn công cây cam quýt trên khắp thế giới (Ebeling, 1959) tuy nhiên chỉ có 26 loài gây hại quan trọng nhất.
Theo kết quả điều tra của Viện Bảo Vệ Thực Vật (1967-1968) có 67 loài côn trùng thuộc 6 bộ gây hại trên cam quýt, trong đó bộ Homoptera có 30 loài bộ Coleoptera có 11 loài, bộ Hemiptera có 10 loài, bộ Lepidoptera có 1 loài, bộ Orthoptera có 4 loài và bộ Diptera có 1 loài.
Hồ Khắc Tín (1982) cho rằng trên cam quýt có 11 loài thuộc 4 bộ trong đó bộ Lepidoptera có 4 loài: sâu vẽ bùa (Phyllocnistis citrella) và 3 loài sâu ăn lá gồm bướm phượng lớn (Papilio demoleus). Bộ Hemiptera có một loài là bọ xít xanh (Rhynchocoris poseidon Kirkaldy); Bộ Homoptera có 2 loài rệp vảy ốc
(Chrysomphalus Fla) và rệp sáp nâu mềm (Pulvinaria aurantii); Bộ Coleoptera có 3 loài thuộc họ xén tóc (Cerambycidae); Bộ Diptera có 1 loài Dacus dorsalis.
Theo kết quả điều tra cơ bản côn trùng 1967-1968 (NXBHN, 1976) và năm 1977-1978 (NXBNN, 1999) trên cây cam quýt ở nước ta phát hiện được hơn 100 loài sâu hại (Trích dẫn Đinh Công Huỳnh, 2008).
Ở Đồng Bằng Sông Cửu Long theo kết quả điều tra cây ăn trái (1991-1992) thì sâu hại cam quýt tại ba tỉnh Cần Thơ, Đồng Tháp, Vĩnh Long có tất cả 11 loài nhưng chỉ có 4 loài gây hại quan trọng là sâu vẽ bùa, sâu đục cành, sâu ăn lá và ngài đục trái.
1.4.2 Rầy chổng cánh (Diaphorina citri Kuwayana)
Đây là loại rầy rất nhỏ, có cánh dài, màu nâu sậm với vết trắng lớn chạy từ đầu đến cuối cánh sau, lúc đậu cuối cánh nhô cao hơn đầu. Chúng ít khi bay hoặc chỉ bay gần, thường thấy đậu cấm trên đọt non chưa nở lá. Chúng gây hại làm chồi ngọn bị chết và các lá phía dưới bị vàng và quăn queo. Quan trọng hơn nữa chúng là tác nhân truyền bệnh vi khuẩn gây bệnh vàng lá gân xanh cho cây cam quýt (Nguyễn Văn Huỳnh và Võ Thanh Hoàng, 1997).
Kiến vàng và nhiều loài thiên địch như bọ rùa, nhện… thường tấn công loại rầy này. Tuy nhiên, nếu mật số rầy cao thì có thể phun một hoặc hai lần bằng các loại thuốc trừ rầy trên các đọt non. Nên điều khiển cho cây ra lá non và ra hoa đồng loạt. Đối với các vườn mới trồng với cây con ra lá non thường xuyên thì nên theo dõi kỹ để trừ rầy khi mật số còn thấp, ít có khả năng truyền bệnh vàng lá gân xanh (Nguyễn Văn Huỳnh và Võ Thành Hoàng, 1997).
1.4.3 Rầy mềm
Có kích thước rất nhỏ, thường tấn công phần non của cây để hút nhựa. Một số có màu đen bóng, nhưng đa số có màu xanh lá cây và không có cánh. Ở vùng nhiệt đới rầy thường là con cái, đẻ con, khi còn nhỏ vẫn sinh sản được (sinh sản đơn tính) do đó mật số tăng rất nhanh. Rầy tiết ra mật hấp dẫn kiến, do kiến mang đi lan truyền và bảo vệ. Mật do rầy tiết ra còn là môi trường tốt cho nấm bồ hóng phát triển, làm giảm quang hợp ở lá. Có hai loài phổ biến tấn công trên cam quýt là
Toxoptera citricidus da màu xanh và Toxoptera aurantii màu đen (Nguyễn Bảo Vệ và Lê Thanh Phong, 2003).
Quan trọng chúng còn tác nhân truyền bệnh Tristeza trên cam quýt, bệnh do virus (CTV - Citrus Tristeza Virus) gây ra và do rầy mềm làm tác nhân lan truyền chủ yếu lá 3 loại rầy: Toxoptera citricidus; T. aurantii; Aphis gossypii (Dickson et al., 1951). Trong đó, loài Toxoptera citricidus là vectơ truyền virus CTV hiệu quả nhất (Mooney và Harty, 1962).
Rầy mềm Toxoptera citricidus thành trùng có 2 dạng có cánh cơ thể nâu đến đỏ đen, nhưng ngực đậm hơn và dạng không cánh màu nâu đỏ, lớn hơn dạng có cánh. Thường đẻ con, vòng đời khoảng 3 tuần nếu điều kiện thuận lợi có thể có 12 thế hệ trong một năm ( Nguyễn Văn Huỳnh và Lê Thị Sen, 2004)
Khi chích hút cây bệnh, rầy chỉ cần khoảng một phút để chích hút virus vào cơ thể và chỉ cần khoảng ba phút là có thể truyền bệnh sang cho cây mạnh. Tuy nhiên virus này không có khả năng lưu tồn lâu trong cơ thể rầy và có thể mất khả năng truyền bệnh sau 24 giờ ( Nguyễn Văn Huỳnh và Lê Thị Sen, 2004).
1.4.4 Sâu đục vỏ trái (Prays citri Milliire)
Trích dẫn Đinh Công Huỳnh (2008) thì Sâu đục vỏ trái thuộc họ Yponomeutidae, bộ Lepidoptera. Có tất cả 3 loài Prays: Prays citri (Milliire), Prays nephelomima Meyrick, Prays oleae Benard. Ngoài ra sâu đục vỏ trái còn có tên khoa học khác như: Acrolepida citri Milliire (Nguyễn Thị Thu Cúc và Phạm Hoàng Oanh, 2002); Prays endolemmae Moore, Prays endocarpa Meyric (Nguyễn Văn Huỳnh và Lê Thị Sen, 2004; Nguyễn Văn Huỳnh và Võ Thành Hoàng, 1997).
Sâu tấn công trên trái làm trái bị biến dạng với những chổ sưng phòng, lồi lên trên vỏ, thường gặp ở những loại cam quýt vỏ dày như bưởi. Bướm có kích thước nhỏ, màu trắng với sải cánh rộng khoảng 8mm. Sâu non màu xanh nhạt, đục lòn trong vỏ trái tạo những vết phòng lên. Trứng được đẻ vào ban đêm trên vỏ trái, sâu non nở ra thì đào hầm ăn mô bên trong vỏ. Khi phát triển đầy đủ thì rời khỏi trái. Trái có thể bị rụng nhiều (Nguyễn Bảo Vệ và Lê Thanh Phong, 2003). Sâu đục vỏ trái tấn công trên cam sành, cam mật, chanh sảnh và bưởi (Nguyễn Thị Thu Cúc, 2000).
Theo Nguyễn Thị Thu Cúc (2002) nên theo dõi phát hiện triệu chứng sâu mới gây hại trên trái khi trái mới hình thành, thu gom trái bị nhiễm chôn xuống đất để diệt sâu còn hiện diện trong trái. Theo dõi sự hiện diện của nhộng trên lá, khi thấy nhộng xuất hiện rộ thì 5-7 ngày sau có thể xử lý thuốc để ngăn chặn sự bộc phát của thế hệ kế tiếp (Trích dẫn Đinh Công Huỳnh, 2008).
Pheromone đã được sử dụng để dự tính, dự báo Prays citri rất có hiệu quả.
Nên bẻ bỏ các trái non còn sót lại vào cuối vụ để tránh sự lây lan của sâu trong mùa kế tiếp (Nguyễn Văn Huỳnh và Võ Thành Hoàng, 1997).
1.4.5 Bọ xít xanh (Rhynchocoris humeralis Thunberg)
Xuất hiện khắp nơi, tấn công trích hút trái của cam, quýt, chanh, bưởi vào giai đoạn trái còn non, thường gây hại nặng cho các vườn đã già, có nhiều bóng mát. Có thể nhận biết có bọ xít khi đi vào vườn nhờ mùi hôi đặc biệt của chúng tiết ra (khi bị động) do hai tuyến chất hôi nằm ở phía dưới ngực nơi đôi chân giữa (Nguyễn Văn Huỳnh và Võ Thành Hoàng, 1997).
Trứng hình bầu dục, màu trắng, đẻ từng trứng trên bề mặt lá thành từng cụm có từ 10-14 trứng. Ấu trùng màu xanh da cam, đen và nâu, ở một số loài có 5 gạch đen ngang bụng. Thành trùng màu xanh da chanh nhạt, dài 2,5-3cm, có gai nhọn ở vai. Bọ xít chích hút dịch trái, vết chích thường nhỏ làm trái rụng nhiều (Nguyễn Bảo Vệ và Lê Thanh Phong, 2003).
Trong điều kiện tự nhiên, trứng của bọ xít xanh thường bị nhiều loài ong ký sinh như Trissolcus latisulcus, Anastatus spp. Nhiều công trình nghiên cứu tại Trung Quốc và Việt Nam cũng đã ghi nhận kiến vàng Oecophylla smaragdina có khả năng khống chế sự gây hại của bọ xít xanh một cách rất có hiệu quả. Vì vậy, có thể nuôi kiến vàng trong các vườn cam quýt.Dùng vợt bắt bọ xít xanh vào lúc sáng sớm hay chiều mát, loại bỏ ổ trứng. Do bọ xít chỉ gây hại chủ yếu trong những vườn um tùm, rậm rạp nên biện pháp xén tỉa cành, dọn dẹp vườn cho thông thoáng rất cần thiết để hạn chế sự gây hại. Hàng tuần, vào giai đoạn vừa tượng trái cho đến một tháng sau đó nếu mật số bọ xít xanh đạt ngưỡng 1 con/cây, sử dụng thuốc hóa học để phòng trị, có thể phun thuốc từ 1-2 lần. Vườn có bọ xít rất dễ phát hiện do bọ xít tiết ra một mùi rất đặc trưng (Nguyễn Văn Huỳnh và Lê Thị Sen, 2004).