Chương 2: Cơ sở lí luận cho việc dạy học văn xuôi hiện đại Việt Nam lớp 11(bộ cơ bản) 1. Quan điểm dạy học lấy HS làm trung tâm
1.1. Năm định hướng trong quá trình dạy học của Marzano
Đây là định hướng cơ sở giúp HS thực hiện tốt quá trình dạy học. Hai nhân tố ảnh hưởng đến thái độ và sự nhận thức tích cực về việc học của HS là không khí lớp học và các nhiệm vụ học tập được giao. HS sẽ cảm thấy thoải mái, dễ chịu khi được sự quan tâm, tôn trọng của GV và bạn bè trong lớp, cùng với một trật tự hợp lí khả năng tiếp thu kiến thức của HS sẽ cao. GV cần tạo sự thoải mái trong lớp học với thái độ cởi mở, thân thiện, tạo tinh thần hợp tác trong học tập giữa các HS qua những bài tập thảo luận nhóm, động viên khuyến khích các em trong quá trình học tập.
GV đóng vai trò là người tổ chức, định hướng, điều khiển hướng HS vào bài học. Ngoài ra nhiệm vụ GV giao cho HS phải rõ ràng, hữu ích, có giá trị và nhất là phải phù hợp với khả năng của các em. Từ đó tạo cho HS một thái độ và sự nhận thức tích cực về nhiệm vụ học tập của mình. Đây là định hướng cơ sở, nền tảng trong quá trình dạy học. Nếu thực hiện tốt sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho GV vận dụng những định hướng sau.
1.1.2. Định hướng 2: Thu nhận và tổng hợp kiến thức
Mục đích chính của định hướng 2 là cung cấp kiến thức cho HS tìm ra phương pháp giúp HS thu nhận và tổng hợp kiến thức một cách có hiệu quả. Marzano phân chia kiến thức nội dung làm 2 kiểu: kiến thức thông báo và kiến thức quy trình. Cụ thể, kiến thức thông báo chính là những sự kiện, khái niệm, định nghĩa,… là loại kiến thức mang tính lí thuyết, ở mức độ nhớ - hiểu. GV phải giúp HS xây dựng ý nghĩa bằng cách đưa ra những câu hỏi liên quan đến nội dung bài học, định hướng, dẫn dắt, hệ thống những kiến thức đã học vào nội dung của bài học để HS có thể nhớ và khắc sâu kiến thức. Còn kiến thức quy trình lại là cách làm thí nghiệm, cách giải một bài toán, cách đặt câu,… là loại kiến thức mang tính kĩ năng, ở mức độ vận dụng. GV phải làm mẫu cho HS theo dõi, nhớ, tái hiện lại tiến trình ấy. Đây được xem như giai đoạn định hình kiến thức.
1.1.3. Định hướng 3: Mở rộng và tinh lọc kiến thức
Trước sự biến đổi của cuộc cách mạng khoa học kĩ thuật xã hội ngày một phát triển những kiến thức, kĩ năng mà HS thu nhận nhanh chóng trở nên lạc hậu, không còn phù hợp với thời đại. Vì vậy HS không thể tiếp thu kiến thức một cách rập khuôn, máy móc mà phải phát huy khả năng mở rộng và tinh lọc những kiến thức và kĩ năng cần thiết. Nghĩa là HS phải trang bị cho mình khả năng tư duy sáng tạo nhằm đáp ứng nhu cầu tự học - tự nghiên cứu suốt đời.
Có 2 phương pháp giúp HS mở rộng và tinh lọc kiến thức: phương pháp sử dụng các loại câu hỏi (so sánh,phân loại, quy nạp, …) và phương pháp hướng dẫn HS mở rộng và tinh lọc kiến thức bằng các hoạt động (so sánh, phân loại, quy nạp,… ).
Điều này buộc HS phải tư duy để giải quyết các câu hỏi có vấn đề mà GV đưa ra, HS sẽ nắm và hiểu kiến thức vững hơn, quan trọng là HS sẽ biết cách sử dụng những kiến thức ấy như thế nào là phù hợp. Ở đây, GV sẽ là người rèn luyện cho HS khả năng tư duy, sáng tạo, tự học. Những hoạt động mà GV lựa chọn phải giúp HS hiểu bài tốt và sâu sắc hơn.
1.1.4. Định hướng 4: Sử dụng kiến thức có hiệu quả
Trong quá trình dạy học, GV không chỉ giúp HS lĩnh hội kiến thức mà điều quan trọng hơn là giúp HS vận dụng những kiến thức đó một cách có hiệu quả. GV có thể đưa ra các dạng bài tập đảm bảo về độ khó, gắn với thực tế hay các dạng bài tập thực hành đòi hỏi HS phải tư duy sáng tạo mới có thể giải quyết được. Qua việc giải quyết các bài tập, HS sẽ tiến hành các hoạt động điều tra, kiểm chứng bằng thực nghiệm, giải quyết vấn đề và phát minh. Trong năm định hướng thì định hướng bốn là yếu tố then chốt. Mục đích cũng là rèn luyện cho HS vận dụng kiến thức để xem xét - giải quyết vấn đề, hiệu quả hay không còn tùy thuộc vào sự cẩn thận của GV trong việc xây dựng kế hoạch cùng với sự hợp tác, tham gia một cách tự nguyện, tích cực của HS.
1.1.5. Định hướng 5: Rèn luyện thói quen tư duy
Rèn luyện thói quen tư duy cho HS không phải là vấn đề chỉ diễn ra một sớm một chiều, một ngày một buổi trong một môn học hay một cấp học mà đó là cả một quá trình rèn luyện lâu dài. Thói quen này sẽ giúp HS có thể tự học bất cứ cái gì họ muốn ở bất cứ nơi nào, bất cứ khi nào. Vì thế, trên thực tế GV phải rèn luyện cho HS ba thói quen tư duy: tự điều chỉnh, phê phán, sáng tạo.
Tư duy tự điều chỉnh: có khả năng nhận thức, biết lập kế hoạch cho công việc, nhạy bén với sự phản hồi của mọi người, tự đánh giá hiệu quả các hành động của bản thân.
Tư duy phê phán: nhận biết sự chính xác và tìm kiếm sự chính xác, không bảo thủ, không bốc đồng, biết bảo vệ những quan điểm đúng, nhạy bén với những suy nghĩ của người khác.
Tư duy sáng tạo: tiến hành công việc một cách mạnh bạo ngay cả khi chưa có câu trả lời, biết mở rộng giới hạn kiến thức và khả năng của bản thân, biết tạo ra, tin tưởng và duy trì tiêu chuẩn đánh giá riêng của bản thân, biết tạo ra cách thức mới để xem xét những tình huống mới nằm ngoài quy đinh chuẩn.
Năm định hướng trong quá trình dạy học của Marzano có một vị trí, ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc hỗ trợ về mặt phương pháp cho HS. Năm định hướng được sử dụng một cách đan xen, tùy theo từng phân môn, từng tiết học trong những điều kiện cho phép mà GV có thể sử dụng linh hoạt các định hướng khác nhau.