CHƯƠNG 2. NHỮNG BẤT CẬP VÀ HƯỚNG HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT VỀ THỜI HẠN GIAO ĐẤT NÔNG NGHIỆP
2.1 Những bất cập trong các quy định của pháp luật về thời hạn giao đất nông nghiệp đối với hộ gia đình, cá nhân
2.2.1 Các đề xuất về thời hạn sử dụng đất nông nghiệp đối với hộ gia đình, cá nhân
Với thời hạn sử dụng đất nông nghiệp trồng cây hằng năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối hai mươi năm đã hạn chế người sử dụng đất đầu tư lâu dài, mở rộng quy mô sản xuất. Do đó đã đặt ra vấn đề cấp thiết là phải sửa đổi những rào cản về thời hạn giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân cùng với hoàn thiện công cụ gia hạn quyền sử dụng đất.
Chính vì vậy trước khi dự thảo Luật đất đai năm 2013 được đưa ra lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân, đã có hai luồng quan điểm lớn được các nhà làm luật, nhân dân đồng tình. Một là, nới rộng thời hạn giao đất nông nghiệp trồng cây hằng năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối cho hộ gia đình, cá nhân lên năm mươi năm ngang bằng với thời hạn giao đất trồng cây lâu năm, đất rừng sản xuất. Hai là, bỏ quy định thời hạn giao đất đối với đất trồng cây hằng năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối để người dân yên tâm đầu tư sản xuất lâu dài.
Trước hết cần phải khẳng định quan điểm của Nhà nước ta đến ngày 15 tháng 10 năm 2013 – thời điểm mà hơn 70 triệu thửa đất sản xuất nông nghiệp trồng cây hằng năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối của khoảng 14 triệu nông dân hết thời hạn sử dụng là vẫn giữ nguyên hiện trạng sử dụng mà không tiến hành chia lại ruộng đất để tránh những biến động lớn về đất đai gây hoang mang cho người dân và ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế.
Với quan điểm thứ nhất hiện đã được đưa vào Dự thảo và sắp sửa được thông qua ở kỳ họp Quốc hội cuối năm nay. Những người đồng tình với quan điểm này cho rằng với thời hạn giao đất hai mươi năm như hiện nay là quá ngắn, do đó cần tăng thời hạn này lên nhưng tại sao phải là thời hạn năm mươi năm mà không phải là một con số khác. Theo lời Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang “Giao đất trồng cây lâu năm trong 50 năm là tính cho 2 chu kỳ trồng và khai thác; còn cây hàng năm thì ngắn ngày, không tính theo chu kỳ được. Có thể nói, giao đất 50 năm là ổn định cho một chu kỳ đời người”. Ngoài ra cơ sở của thời hạn này là dựa vào thời hạn giao đất trồng cây lâu năm, đất rừng sản xuất để nhằm đảm bảo sự cân bằng, hài hòa giữa quyền và lợi ích của người sử dụng hai nhóm đất này. Tuy nhiên cần phải cân nhắc rằng ở Dự thảo lần này quy định về gia hạn thời hạn sử dụng đất vẫn được kế thừa ở Luật đất đai 2003 và nếu được thông qua trong thời gian tới các Nghị định của
Chính phủ chưa giải quyết được những vướng mắc trong việc xác nhận sử dụng đất hiệu quả, đúng pháp luật, vướng mắc về trình tự thủ tục xin gia hạn quyền sử dụng đất thì khi những thửa đất được gia hạn vào tháng 10 năm 2013 hết hạn, tức là năm mươi năm sau vấn đề thời hạn sử dụng đất lại một lần nữa trở thành những vướng mắc và các thực trạng vừa nêu lại tiếp tục xảy ra. Cho dù thời hạn có kéo dài hơn đi chăng nữa thì theo lý thuyết đến một thời điểm nào đó quyền sử dụng đất sẽ hết hạn, chính khi đó người sử dụng đất phải đối mặt với những thủ tục hành chính gia hạn thời hạn sử dụng đất, chưa kể ở những năm về cuối thời hạn liệu người sử dụng đất có dám mạnh dạn đầu tư, sản xuất khi chưa biết được tương lai của mảnh đất mình sử dụng hay lại phải cầu cạnh chính quyền để được xác nhận sử dụng đất đúng pháp luật. Với quá trình công nghiệp hóa hiện đại hóa hiện nay, nhiều thửa đất nông nghiệp nằm trong quy hoạch các khu công nghiệp, khu công nghệ cao, nhà máy, công trường, thủy điện khiến bao hộ gia đình, cá nhân phải mất cả nhà cửa, đất đai làm cho vốn đất sản xuất nông nghiệp càng bị thu hẹp.
Quan điểm thứ hai cũng là quan điểm được người viết ủng hộ khi cho rằng cần phải xóa bỏ thời hạn giao đất nông nghiệp trồng cây hằng năm đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối cho hộ gia đình, cá nhân mà nên chuyển sang giao đất lâu dài để người sử dụng đất mạnh dạn đầu tư lâu dài vào sản xuất. Nhưng quan điểm này cũng vấp phải nhiều sự phản đối cho rằng nếu giao đất lâu dài thì bản chất của chế độ sở hữu toàn dân sẽ bị thay đổi và tương tự tình trạng tư hữu về đất đai xuất hiện. Nhưng với cơ chế quản lý đất đai hiện nay nếu giao đất lâu dài thì cơ bản chế độ sở hữu toàn dân vẫn còn đó, người sử dụng đất chỉ có “quyền sử dụng” và “quyền chiếm hữu” đối với đất đai còn quyền quan trọng nhất
“quyền định đoạt” vẫn còn nằm trong tay của đại diện chủ sở hữu là Nhà nước khi cần đất đai cho nhiệm vụ kinh tế, quốc phòng, an ninh thì Nhà nước vẫn có thể thu hồi. Nếu trong thời gian tới những chế định về thu hồi đất đai được quy định một cách chặt chẽ thì xóa bỏ thời hạn giao đất nông nghiệp trồng cây hằng năm, đất làm muối đất nuôi trồng thủy sản vẫn là một giải pháp hữu hiệu nhất giúp cho người sử dụng đất an tâm gắn bó lâu dài với đất đai, dám mạnh dạn đầu tư với quy mô lớn.
Quan điểm của người viết cho rằng nên bỏ thời hạn giao đất cho cả hai loại đất trồng cây hằng năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối và đất trồng cây lâu năm, đất rừng sản xuất. Bởi vì theo những phân tích ở trên tăng thời hạn giao
đất nông nghiệp trồng cây hằng năm cũng chỉ là giải pháp tình thế trước những diễn biến của pháp luật đất đai hiện nay, chủ yếu giải quyết vướng mắc về thời hạn giao đất ở thời điểm rất nhiều thửa đất hết hạn sử dụng vào ngày 15 tháng 10 năm 2013. Áp dụng thời hạn năm mươi năm giao đất, sau đợt gia hạn cuối năm 2013 thì phải đến năm 2063 những diện tích đất được gia hạn trên mới hết thời hạn sử dụng. Chuyện năm mươi năm sau tình hình kinh tế, chính trị - xã hội nước ta sẽ rất khác hiện nay, tuy nhiên đất hết thời hạn sử dụng vẫn phải gia hạn thời hạn sử dụng đất đó là quy luật mà người sử dụng đất vẫn có nhu cầu sản xuất quy mô, đầu tư lâu dài nếu luôn bị ảnh hưởng bởi thời hạn như thế liệu người sử dụng đất nào sẽ yên tâm sản xuất, người sử dụng đất nào lại dám mạnh dạn đầu tư khi trong khi luôn có những rủi ro mà vụ án Cưỡng chế đất đai ở Tiên Lãng là bài học còn đó. Khi đó chính cơ quan quản lý đất đai, người sử dụng đất lại rơi vào tình trạng tương tự như hiện nay, có nghĩa thời hạn được tăng thêm năm mươi năm về cơ bản sẽ chẳng giải quyết được những vướng mắc do thời hạn giao đất gây nên, nó chỉ giúp đẩy những vướng mắc đó ra một tương lai xa hơn nhằm cho những nhà làm luật, người sử dụng đất có một cái nhìn lạc quan hơn về giải pháp gọi là “sửa đổi theo hướng tăng thời hạn sử dụng đất” của Dự thảo Luật đất đai năm 2013.
Cuối cùng người viết nhấn mạnh rằng chỉ có bỏ thời hạn sử dụng đất thì mới giải quyết dứt điểm được những hạn chế, những vướng mắc hiện nay. Nói như thế không có nghĩa là phủ nhận vai trò của quy định thời hạn giao đất, nhưng mỗi quy định sẽ thích hợp cho từng hoàn cảnh, khi quy luật xã hội thay đổi thì cần phải có những quy định, những chính sách mới tiến bộ hơn, đó chẳng phải là mục đích của nhà làm luật là luật pháp luôn theo sát những diễn biến xã hội, quản lý xã hội, quản lý nền kinh tế. Vấn đề tại sao lại phải xóa bỏ thời hạn giao đất ở cả loại đất của nhóm đất nông nghiệp? Người viết thấy rằng mỗi loại đất đều có vai trò của nó. Đối với đất nông nghiệp trồng cây hằng năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối là loại đất gần gũi trong đời sống con người, những sản phẩm từ sản xuất trên loại đất này mang đến những sản phẩm thiết yếu nhất trong đời sống mà không gì có thể thay thế được. Tuy nhiên với loại đất trồng cây lâu năm, đất rừng sản xuất cũng có những vai trò rất lớn đến nền kinh tế, vì vậy bãi bỏ thời hạn giao loại đất này sẽ tạo điều kiện để kinh tế trang trại, kinh tế rừng phát triển góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao kinh tế cá thể, kinh tế hộ gia đình không chỉ ở các vùng đồng bằng mà còn ở cả trung du và miền núi.
Theo quan điểm của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang quy định “giao đất với thời hạn năm mươi năm đối với đất trồng cây lâu năm là tính cho 2 chu kỳ khai thác” là chưa thỏa đáng, bởi lẽ người dân được Nhà nước giao đất sản xuất lâm nghiệp tâm lý là đầu tư lâu dài, đâu thể tính một vài chu kỳ khai thác là được, các loại cây ăn quả lâu năm, cây rừng sàn xuất cần vốn, trình độ kỹ thuật cao cùng thời gian dài do đó cần phải có những chính sách thỏa đáng với sự “đầu vào” của người sử dụng đất.
Tóm lại, cùng với xóa bỏ thời hạn giao đất nông nghiệp trồng cây hằng năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối thì thời hạn giao đất nông nghiệp trồng cây lâu năm, đất rừng sản xuất cũng nên được xóa bỏ nhằm giúp người sử dụng đất yên tâm đầu tư lâu dài vào đất. Mặt khác khi cần đất đai cho mục tiêu phát triển kinh tế, quốc phòng, an ninh thì Nhà nước vẫn còn những quy định như thu hồi, trưng dụng có thời hạn theo quy định của pháp luật.