GIAI ĐOẠN NHI ĐỒNG (TUỔI HỌC SINH CẤP I)

Một phần của tài liệu Các Giai Đoạn Phát Triển Của Con Người (Trang 21 - 24)

Tuổi nhi đồng là ở độ tuổi 7 đến 12 tuổi. Đây là lúc sự trưởng thành và phát triển của thể chất, nhận thức và kỹ năng vận động tiếp tục hình thành và ổn định. Trong suốt giai đoạn này, trẻ tham gia vào thế giới bên ngoài với chúng bạn càng lúc càng nhiều và trẻ quan tâm đến sự thành đạt và tự kiểm soát mình.

I. SỰ PHÁT TRIỂN THỂ CHẤT

- Trẻ cấp 1 gia tăng chiều cao, trọng lượng, cơ bắp và các kỹ năng phối hợp. Bộ xương vẫn tiếp tục phát triển, trong đó cột sống có những thay đổi lớn: độ cong ở

cổ, ở ngực, ở thắt lưng hình thành tạo ra độ mềm dẻo, linh hoạt hơn trong cử động.

Các dây chằng, cơ bắp được tăng cường. Các đốt ngón tay được hoàn thiện. Cơ tim phát triển mạnh và được cung cấp đủ máu nên trong não trẻ có sẵn năng lượng hoạt động khá hơn tuổi mẫu giáo. Trọng lượng của não tăng gần bằng người lớn với cấu trúc hoàn thiện, đặc biệt thùy trán rất phát triển, tạo điều kiện cho việc hình thành những chức năng tâm lý bậc cao. Răng cố định và xương trở nên cứng cáp hơn.

Cần lưu ý rằng vệ sinh răng miệng và thói quen dinh dưỡng trong thời gian này sẽ

ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống sau này của trẻ.

- Trẻ tiếp tục phát triển các kỹ năng vận động như chạy, nhảy, leo trèo và các hoạt động khác sử dụng ngón tay và bàn tay. Mặc dù trẻ có thể ngồi yên và tham gia công việc, chúng cần các hoạt động thể chất để tiếp tục phát triển các kỹ năng vận động. Vi tính, ti vi và các phương tiện điện tử khác làm giảm đi sự phát triển các kỹ năng tinh xảo của trẻ và làm cho trẻ béo phì và sinh ra những vấn đề khác sau này.

Đây là lúc trẻ cần có sự quân bình giữa hoạt động thể chất và trí tuệ cũng như có

chế độ dinh dưỡng và những thói quen tích cực để gia tăng sức khỏe về lâu về dài.

II. SỰ PHÁT TRIỂN TÂM LÝ

- Về mặt nhận thức, trẻ tiếp tục phát triển kỹ năng phản hồi và khả năng suy nghĩ linh hoạt và phức tạp hơn trước. Trẻ nhớ lâu, tập trung và có khả năng suy đoán được chi tiết của công việc được giao. Khả năng nối kết thông tin mới với những kiến thức có sẵn có khuynh hướng gia tăng trong giai đoạn này. Trẻ cũng có khả

năng hiểu sự việc ở mức độ sâu xa hơn và so sánh, đánh giá thông tin ở nhiều khía cạnh khác nhau. Tuy nhiên khả năng chú ý ở trẻ còn kém, dễ bị cuốn hút điều mới lạ, dễ phân tán, hay liên tưởng nên hay hỏi chuyện khác trong khi học.

- Đời sống xúc cảm, tình cảm của học sinh nhỏ khá phong phú, đa dạng và cơ bản là mang tính tích cực. Trẻ sống hồn nhiên, hướng thiện. Trẻ rất vui mừng vì có bạn, tự hào vì được gia nhập Đội, hãnh diện vì được giáo viên giao cho những công việc cụ thể. Trẻ tiếp tục phát triển khả năng tự đánh giá bản thân và cảm xúc. Ban đầu, trẻ đánh giá bản thân dựa vào những đặc điểm bên ngoài như tuổi tác, màu mắt, màu tóc. Về sau, trẻ nhìn vào những đặc điểm bên trong để đánh giá bản thân. Ví dụ trẻ mô tả mình là tử tế, thông minh, rộng rãi, hay được yêu mến. Khả năng hiểu và bày tỏ những cảm xúc phức tạp như tự hào, tội lỗi, ganh tị gia tăng không ngừng. Thêm vào đó, những trạng thái cảm xúc này có khuynh hướng trở thành một phần bản thân trẻ. Trẻ cũng nhận ra trách nhiệm của bản thân trong việc tạo ra và kiểm soát những cảm xúc khác nhau. Trẻ hiểu hơn rằng cảm xúc liên quan với sự kiện và

hành động và chúng tìm cách che giấu một số cảm xúc hay bày tỏ cảm xúc theo phương cách được xã hội chấp nhận.

- Sự phát triển nhân cách của học sinh nhỏ chủ yếu diễn ra và bị chi phối bởi hoạt động chủ đạo là hoạt động học tập. Qua học tập, tập dần với việc tự điều khiển mình tuân theo những qui định của trường lớp. Tuy nhiên, ý chí của trẻ còn non nớt. Trẻ thiếu tính độc lập, dễ bắt chước, làm theo người khác, khả năng tự chủ kém, dễ phạm lỗi, kiên trì yếu, dễ bỏ cuộc (chỉ nhìn những gì trước mắt). Trẻ nhận thức bản thân theo ý kiến của người khác (biết nhà mình giàu hay nghèo, biết thân phận), trẻ hình dung bản thân mình theo nhận xét của những người xung quanh.

Đối với trẻ, ý kiến của người lớn, đặc biệt của giáo viên là cơ bản nhất, quan trọng nhất và không thể chống đối lại. Vì thế, trẻ sẽ gặp khó khăn và hoang mang khi đứng trước những ý kiến khác biệt hoặc mâu thuẫn về chính bản thân mình.

III. HOẠT ĐỘNG CHỦ ĐẠO

- Học tập là hoạt động chủ đạo của học sinh nhỏ. So với lứa tuổi mẫu giáo, hoạt động học tập giai đoạn này vừa đòi hỏi trí tuệ tiếp thu những tri thức, kỹ năng, kỹ xảo vừa cần nơi trẻ một năng lực, một ý chí nhất định để tự kiềm chế bản thân, vượt khó khăn, cố gắng thực hiện những yêu cầu của giáo viên. Do những qui định chặt chẽ về mục đích, mục tiêu của giáo dục, trẻ không thể thích thì làm, không thích thì

thôi như thời mẫu giáo nữa. Ngược lại, nó phải biết thích ứng với những tình huống xã hội mới ở lớp học, và trong giao tiếp với thầy cô và bạn bè.

- Qua học tập, trí tuệ của trẻ phát triển, trẻ gia tăng óc quan sát, trí nhớ, tư duy, tưởng tượng. Tuy nhiên, trong năm đầu khả năng trí tuệ này chưa thật tinh tế. Trẻ dễ viết thiếu nét, đọc nuốt chữ, nhầm lẫn những chi tiết gần giống nhau như oa - ao. Cấu trúc lớp học, tương quan với thầy cô cũng đổi khác rất nhiều, do đó, trẻ cần cha mẹ hỗ trợ trong khoảng một học kỳ đến 1 - 5 năm để có thể thích nghi và đáp ứng nhiệm vụ học tập.

IV. NHỮNG YẾU TỐ TÁC ĐỘNG ĐẾN SỰ PHÁT TRIỂN CỦA NHI ĐỒNG

1. Nhóm bạn cùng trang lứa

Đây là một phần của môi trường gần gũi với trẻ có những ảnh hưởng lâu dài đến sự phát triển của trẻ. Qua những tương quan đồng đẳng tích cực, trẻ phát triển những tương quan thân thiết và nảy sinh sự đồng cảm và thuận thảo. Trái lại, những tương quan bạn cùng lứa có thể để lại những hậu quả tiêu cực trên sự phát triển của trẻ.

Cảm giác bị gạt bỏ, thù địch, đơn độc và trầm uất là kết quả của những tương quan xấu với bạn bè có thể ảnh hưởng đến quan hệ sau này của trẻ với người khác.

2. Hình thức kỷ luật của cha me

Khi trẻ càng ngày càng lớn thì cha mẹ càng phải đương đầu với những vấn đề mới xung quanh việc kỷ luật và nuôi dạy con cái. Về mặt thể chất, nhận thức, và cảm xúc, trẻ trở nên có khả năng thực hiện những công việc mới và nhận lãnh những thách đố mới. Theo Piaget, chúng hiểu lý lẽ hơn và biết suy nghĩ đến hành động của mình và của người khác. Erikson thì cho rằng trẻ từ 5 - 6 tuổi trở lên làm việc rất chăm chỉ, chúng tò mò, nhiệt tình và muốn hiểu rõ môi trường. Đối với cha mẹ, kỷ luật ở giai đoạn này xem ra có vẻ dễ dàng hơn giai đoạn trước vì khả năng nhận thức của trẻ cho phép trẻ hiểu được những quy định và hậu quả. Công việc chính của cha mẹ trong giai đoạn này là giúp trẻ phát triển những kỹ năng cần thiết để cư xử có

trách nhiệm và độc lập đồng thời hướng dẫn hỗ trợ trẻ đối phó với hoàn cảnh hiểm

nguy mà trẻ không thể thấy trước. Việc đánh đập trẻ hay những hình phạt thể chất sẽ

để lại những hậu quả xấu. Trẻ có khuynh hướng có những hành vi gây hấn, và bạo lực do học hỏi hành vi của người khác

3. Các phương tiện truyền thông đại chúng

- Những cảnh bạo lực trên tivi và việc sử dụng các phương tiện khác như video games, internet cùng với những nội dung không lành mạnh tác động lên hành vi của trẻ. Nhiều nghiên cứu cho thấy trẻ xem những cảnh bạo lực nhiều sẽ dễ có

những hành vi gây hấn, chống đối xã hội hay cảm giác sợ hãi, bất an. Trẻ có

khuynh hướng cho rằng bạo lực không phải là vấn đề nghiêm trọng. Ở tuổi này, trẻ chưa có khả năng phân biệt giữa thực và ảo nên dễ bắt chước những hành vi trong phim ảnh. Chúng không hiểu rằng diễn viên trên tivi đang sắm vai và những cảnh trong phim là để giải trí mà lại cho rằng những hành vi bạo lực như thế là rất phổ biến và được xã hội chấp nhận.

- Chứng béo phì và tiểu đường có liên quan đến số giờ trẻ xem tivi, chơi video hoặc lướt web. Gia đình và các nhà giáo dục cần giúp trẻ dung hòa giữa việc sử

dụng phương tiện truyền thông và các dạng giải trí khác cùng với các hoạt động thể chất và những tương tác với nhóm bạn cùng trang lứa.

V. PHÂN TÍCH TRƯỜNG HỢP

S là một bé gái 8 tuổi, con nuôi của đôi vợ chồng không có khả năng sinh con. Cha mẹ S đem em đến bạn là nhân viên công tác xã hội vì thấy em có vấn đề về hành vi. Họ

phàn nàn rằng em không chịu làm những gì họ bảo, không theo kịp chúng bạn trong lớp và không chơi với bạn cùng lứa. Cha mẹ S cũng cho biết em không có bạn thân và dành nhiều thời gian chơi một mình. S không quan tâm mấy đến các hoạt động phù hợp với lứa tuổi mình và em thường thu mình lại và không tham gia các gì. Họ lo rằng em sẽ chậm phát triển và sẽ ở lại lớp nếu cứ tiếp tục như thế.

Tóm tắt ý chính: GIAI ĐOẠN NHI ĐỒNG (TUỔI HỌC SINH CẤP 1)

- Sự phát triển thể chất: Não gần bằng người lớn, gia tăng chiều cao, trọng lượng, cơ bắp và các kỹ năng phối hợp  cần các hoạt động thể chất để tiếp tục phát triển các kỹ năng vận động

- Sự phát triển tâm lý: có khả năng suy đoán, hiểu sự việc ở mức độ sâu xa hơn; so sánh, đánh giá thông tin ở nhiều khía cạnh khác nhau. Đời sống xúc cảm, tình cảm khá phong phú, đa dạng và cơ bản là mang tính tích cực

- Học tập là hoạt động chủ đạo, giúp trẻ tiếp thu những tri thức, kỹ năng, kỹ xảo, rèn luyện ý chí nhất định để tự kiềm chế bản thân, vượt khó khăn

- Những yếu tố tác động: nhóm bạn cùng trang lứa, hình thức kỷ luật của cha mẹ, các phương tiện truyền thông đại chúng

Một phần của tài liệu Các Giai Đoạn Phát Triển Của Con Người (Trang 21 - 24)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(64 trang)
w