Đối với nhiều người, giai đoạn trung niên có thể được xem là giai đoạn thưởng thức, hài lòng với cuộc sống. Vào lúc này, bước vào lứa tuổi 40, nhiều người đã vượt qua thành công những thách đố ở giai đoạn trước và đã đạt được một số mục tiêu giáo dục, nghề nghiệp và tương quan. Qua giai đoạn 60 tuổi, nhiều người vẫn còn sung sức.
Tuy nhiên, đối với một số người, tuổi trung niên có thể là lúc bị stress nặng nề do các vấn đề như bệnh tật, ly dị, và những khó khăn trong công việc gây nên.
I. SỰ PHÁT TRIỂN THỂ CHẤT Ở TUỔI TRUNG NIÊN
- Một trong những thay đổi rõ nét ở tuổi trung niên đó là tình trạng thể chất. Mặc dù ở một số người thì những thay đổi này đến từ từ, đối với nhiều người khác thì do lối sống và do di truyền mà những thay đổi này đến nhanh hơn và đáng lưu ý hơn. Ví
dụ nhiều người bắt đầu có thể nhìn thấy những nếp nhăn trên mặt, tóc bạc hay rụng dần. Nhiều ông hói đầu và nhiều bà mập vòng bụng và ngực chảy xệ. Vì những thay đổi này mà một số người tìm đến thẩm mỹ viện để làm cho mình trông trẻ trung. Nhiều phụ nữ cho rằng ở tuổi trung niên người phụ nữ trông già hơn nam giới và bị đối xử tiêu cực hơn. Nếu như tóc bạc và nếp nhăn ở người đàn ông được xem là “đạo mạo” thì ở phụ nữ bị xem là “nhan sắc về chiều”. Đàn ông cao tuổi được xem là hấp dẫn, thu hút hơn đàn bà lớn tuổi.
- Bên cạnh đó, một số bệnh thường xuất hiện thời trung niên là tiểu đường, cao huyết áp, tim mạch và thấp khớp. Lượng cholesterol tăng lên rõ rệt: trung bình từ 198 ở
tuổi 35 - 40 tăng lên 221 ở tuổi 45 và sau đó tiếp tục tăng theo tuổi. Chức năng hoạt động của thận giảm đi khoảng 10%, dung lượng của phổi cũng bắt đầu giảm. Hoạt động của hệ thần kinh trung ương cũng xuống cấp, nhất là vào giai đoạn cuối, từ 55 đến 60 tuổi.
1. Mãn kinh ở nữ giới
- Mãn kinh là việc chấm dứt chu kỳ kinh nguyệt của phụ nữ và thời điểm mãn kinh thì tùy vào từng người. Tuy nhiên tuổi mãn kinh trung bình là 51. Có
người mãn kinh rất sớm, ngoài 30 nhưng cũng có những người cho đến tuổi 60 mới mãn kinh. Thời kỳ mãn kinh kéo dài khoảng 2 đến 5 năm. Trong suốt thời gian đó, cơ thể phụ nữ có nhiều thay đổi.
- Mãn kinh bắt đầu khi chu kỳ kinh nguyệt của người nữ bất thường: kinh kỳ khi có khi không, máu ra ít hơn, ngừng kinh nguyệt. Trong suốt giai đoạn này buồng trứng ngừng hoạt động, mức độ estrogen và hooc môn nữ giảm, ống dẫn trứng thu ngắn lại và nhỏ hơn, tử cung nhỏ hơn và cứng hơn, âm đạo ngắn hơn và ít đàn hồi hơn. Phụ nữ có thể cảm nhận chất nhờn ở âm đạo giảm đi và làm cho quan hệ tình dục không thoải mái hay gây đau. Những triệu chứng khác có
thể là đau đầu, mất ngủ, ra máu, rụng tóc, lên cân, da dẻ thay đổi, lông mọc ở
những chỗ không mong muốn và lông mặt gia tăng.
- Những phản ứng tâm lý đối với mãn kinh tùy thuộc vào từng phụ nữ, vào cá tính, kỹ năng đối phó, hệ thống hỗ trợ và thái độ đối với cuộc sống và tuổi già của phụ nữ. Một số người đón nhận những thay đổi diễn ra trong thời mãn kinh
một cách hoan hỉ vì được giải thoát những phiền nhiễu và tốn kém do kinh nguyệt gây ra và họ không còn lo sợ phải mang thai nữa. Trái lại cũng có
những phụ nữ cảm nghiệm nỗi lo sợ, trầm cảm, tự khinh thị mình vì đã mãn kinh và không còn sinh nở, hấp dẫn nữa.
2. Khủng hoảng nghiêm trọng ở nam giới
- Bằng chứng cho thấy rằng nam giới cũng gặp thời kỳ khủng hoảng trầm trọng hay một thay đổi trong lối sống tương tự như việc mãn kinh ở nữ giới vậy. Sự thay đổi này được xem là giai đoạn “mãn kinh nơi nam giới” hay “mãn hooc môn nam” với những thay đổi về thể lý. Theo nghiên cứu của các chuyên gia ở
ĐH Y khoa St. Louis (Mỹ), cứ 10 đàn ông trong độ tuổi từ 40-60 có khoảng 10% mắc bệnh tắt dục, trong số này chỉ có 5% tìm cách điều trị. Nguyên nhân chủ yếu là do suy giảm testosteron (nội tiết tố sinh dục nam).
- Thông thường, sau 32 tuổi, nam giới bắt đầu suy giảm testosteron và cứ 10 năm tiếp theo, testoteron lại giảm đi khoảng 10%. Hiện tượng thường thấy là ham muốn tình dục giảm, thay đổi về tâm sinh lý, khối lượng cũng như năng lượng cơ bắp giảm, tăng tích mỡ vùng ngực và bụng, xuất hiện hiện tượng loãng xương, giòn và mỏng xương, đau lưng, dễ mắc bệnh tim mạch cao, trầm cảm và suy giảm trí nhớ.
- Không giống phụ nữ, hội chứng “mãn kinh” ở đàn ông xảy ra với tần suất chậm dần đều. Ngoài suy giảm testosteron dẫn đến hiện tượng “mãn kinh” ở nam giới còn có một số nguyên nhân khác như do tuổi tác, béo phì, do mắc một số loại bệnh nan y như trầm cảm, rối loạn tự miễn, tiểu đường, sa sút trí tuệ...
- Việc khủng hoảng trầm trọng ở nam giới là giai đoạn giữa tuổi 35 và 60 khi nhiều người đàn ông đánh giá lại nghề nghiệp, tương quan gia đình và những chọn lựa chính yếu trong cuộc đời mình. Người thành đạt cảm thấy mãn nguyện, kẻ thất bại thấy chua xót, nuối tiếc một thời tuổi trẻ và những cơ hội đã
bỏ lỡ. Họ muốn làm lại nhưng thấy đã quá muộn và cảm thấy tương lai ảm đạm. Một số người trải nghiệm những triệu chứng thể chất như lo lắng, trầm cảm trong giai đoạn này. Ngoài ra nhiều người cũng nhận ra những triệu chứng của tuổi già như rụng tóc, lên cân, suy giảm năng lượng, suy giảm độ dẻo dai của cơ bắp, và giảm hooc môn nam, suy giảm chức năng tính dục. Những triệu chứng này có thể tạo ra cảm giác lo lắng và trầm cảm, thất vọng, chán chường, thờ ơ, lãnh đạm với cuộc sống.
II. SỰ PHÁT TRIỂN NHẬN THỨC Ở TUỔI TRUNG NIÊN
- Ngược với khía cạnh thể chất thì khả năng nhận thức, trí tuệ của người trung niên không có dấu hiệu đi xuống. Khi người ta không sử dụng những kĩ năng trí tuệ hay khi họ có vấn đề sinh học họ mới có dấu hiệu suy giảm nhận thức. Ví dụ họ sẽ giảm trí nhớ và suy nghĩ chậm chạp hơn. Tuy nhiên có thể nói rằng người ở tuổi trung niên có thể có nhận thức tốt hơn tuổi thanh niên.
- Ví dụ những người làm những công việc đầu óc nếu tiếp tục học tập hay đọc sách thì khả năng trí tuệ (ví dụ như từ vựng) sẽ gia tăng. Lại nữa, những người tuổi trung niên có khuynh hướng ở vào thời kỳ sáng tạo nhất và họ rất giỏi phối hợp những kiến thức mới với những kiến thức sẵn có và có được kinh nghiệm phong phú vì họ
đã trải nghiệm đời lâu hơn tuổi trẻ. Vì lẽ đó, người ở tuổi trung niên cũng là những người giải quyết vấn đề tốt hơn. Họ có khả năng nhận định, phân tích giá trị của thông tin.
- Theo Erikson, tuổi trung niên là lúc con người đầu tư vào công việc, gia đình và cộng đồng. Nhiều người ở tuổi trung niên tỏ ra rất sáng tạo và linh hoạt, họ có
những đóng góp vào những lĩnh vực khác nhau. Tuy nhiên, nếu người ta ngưng học hỏi hoặc nếu họ có vấn đề thể chất ngăn cản họ làm việc và thiết lập những tương quan, họ có thể cảm thấy ù lì, uể oải hoặc ít hữu dụng.
III. MỘT SỐ ĐIỂM CẦN LƯU Ý Ở TUỔI TRUNG NIÊN
1. Hội chứng trống vắng ở tuổi trung niên
Hội chứng này xuất hiện khi con cái của người trung niên đã trưởng thành và rời khỏi gia đình. Gia đình trở nên trống vắng, thiếu tiếng cười của người trẻ. Nhiều bậc cha mẹ tuổi trung niên có thể bị stress vì thấy như mất con và mất vai trò người chăm sóc.
2. Chuẩn bị về hưu tuổi trung niên
Một điểm cần phải quan tâm khi làm việc với người ở độ tuổi trung niên đó là vấn đề chuẩn bị về hưu. Một số người bắt đầu lập kế hoạch tài chánh, tâm lý và những thứ khác ngay từ đầu tuổi trưởng thành trong khi nhiều người lại để cho đến phút cuối cùng. Đặc biệt đối với những người có thu nhập nhập chỉ đủ đắp đổi qua ngày thì rất khó cho họ để dành tiền và tưởng tượng đến chuyện một mai về hưu sẽ ra sao.
Tóm tắt ý chính: GIAI ĐOẠN TRUNG NIÊN
- Sự phát triển thể chất: xuất hiện dấu hiệu lão hóa, mãn kinh ở nức giới và khủng hoảng nghiêm trọng ở nam giới, bệnh tật như tiểu đường, cao huyết áp, tim mạch và thấp khớp - Sự phát triển nhận thức: khả năng trí tuệ không có dấu hiệu đi xuống nếu tiếp tục học
tập và làm việc, có khả năng nhận định và phân tích vấn đề ở chiều sâu, đầu tư nhiều vào công việc, gia đình và cộng đồng
- Một số điểm cần lưu ý: Hội chứng trống vắng – con cái ra riêng sống độc lập, chuẩn bị
về hưu