CHƯƠNG 1 MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ ĐĂNG KÍ KINH DOANH VÀ HÀNH NGHỀ Y, DƯỢC TƯ NHÂN
1.1 Một số khái niệm về hành nghề y, dược tư nhân
1.1.3 Đăng kí kinh doanh và hành nghề y, dược tư nhân
Đăng kí kinh doanh hành nghề y, dược tư nhân:
Đăng kí kinh doanh là sự ghi nhận về mặt pháp lý sự ra đời của một doanh nghiệp vì vậy sau khi được cấp giấy chứng nhận đăng kí doanh nghiệp thì doanh nghiệp mới có được tư cách chủ thể để có thể tham gia hoạt động trên thị trường.
Đăng ký doanh nghiệp bao gồm đăng ký thành lập mới doanh nghiệp và đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp.
Đăng kí kinh doanh là nghĩa vụ bắt buộc nhằm đảm bảo sự quản lý của Nhà nước đối với cá nhân, tổ chức. Pháp luật Việt Nam không công nhận hình thức doanh nghiệp kinh doanh mà không có đăng kí kinh doanh. Theo pháp luật hiện hành, muốn kinh doanh và hành nghề y, dược tư nhân phải đăng kí doanh nghiệp.
Hiện nay, việc đăng kí doanh nghiệp có thể qua mạng điện tử. Việc đăng ký doanh nghiệp ghi lại những thông tin về đăng ký kinh doanh và đăng ký thuế do doanh nghiệp đăng ký. Cũng như những ngành nghề buộc đăng kí kinh doanh khác, các cơ sở hành nghề y, dược tư nhân phải đăng kí kinh doanh theo quy định của Luật Dược, Luật Khám, chữa bệnh và Luật doanh nghiệp.
Theo Điều 27 Nghị định 43/2010/NĐ-CP về đăng kí doanh nghiệp, đăng ký doanh nghiệp qua mạng điện tử là việc người thành lập doanh nghiệp thực hiện việc đăng ký doanh nghiệp thông qua Cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia.
Quản lý đăng kí kinh doanh:
Nhà nước có vai trò quản lý về đăng kí kinh doanh và hành nghề lĩnh vực y, dược tư nhân trong việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, cấp các loại giấy phép, thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh này.
Theo đó, Chính phủ thống nhất quản lý Nhà nước về đăng kí kinh doanh và ban hành văn bản quy phạm pháp luật về đăng kí kinh doanh, chỉ định một cơ quan chịu trách nhiệm trước Chính phủ chủ trì phối hợp với các bộ, ngành khác thực hiện quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp.
Các bộ, cơ quan ngang bộ chịu trách nhiệm trước Chính phủ về việc thực hiện nhiệm vụ được phân công trong quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp;
trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn được phân công có trách nhiệm:
- Đánh giá lại theo định kỳ hoặc theo yêu cầu của hiệp hội doanh nghiệp các điều kiện kinh doanh thuộc quyền quản lý nhà nước; kiến nghị bãi bỏ các điều kiện kinh doanh không còn cần thiết; sửa đổi các điều kiện kinh doanh bất hợp lý; trình Chính phủ ban hành điều kiện kinh doanh mới bảo đảm yêu cầu thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước được phân công;
- Hướng dẫn thực hiện pháp luật về điều kiện kinh doanh; kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm việc chấp hành các điều kiện kinh doanh thuộc thẩm quyền quản lý nhà nước;
- Tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật;
- Tổ chức quản lý hoạt động kinh doanh các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện; kiểm tra, kiểm soát và xử lý ô nhiễm môi trường, bảo vệ môi trường;
bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, an toàn vệ sinh lao động;
- Xây dựng hệ thống Tiêu chuẩn Việt Nam; kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm việc thực hiện tiêu chuẩn chất lượng hàng hoá và dịch vụ theo hệ thống Tiêu chuẩn chất lượng Việt Nam;
- Thực hiện các quyền và trách nhiệm khác theo quy định của pháp luật. Bộ Y tế chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về hành nghề y, dược tư nhân.
Các bộ, cơ quan ngang bộ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình thực hiện quản lý nhà nước về hành nghề y, dược tư nhân.
Uỷ ban nhân dân các cấp có trách nhiệm thực hiện quản lý nhà nước về hành nghề y, dược tư nhân trong phạm vi địa phương theo sự phân cấp của Chính phủ. Sở Y tế có trách nhiệm giúp Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện quản lý nhà nước về hành nghề y, dược tư nhân.
Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, giấy chứng nhận đăng kí doanh nghiệp và chứng chỉ hành nghề y, dược tư nhân:
* Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh: Còn gọi là giấy phép hoạt động, là văn bản do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho cơ sở hành nghề y dược tư nhân có đủ điều kiện hoạt động theo quy định của luật về hành nghề y, dược tư nhân. Các hình thức tổ chức hành nghề có đủ điều kiện quy định. Giấy phép hành nghề được quy định chi tiết với các điều kiện, tiêu chuẩn, hình thức và thời hạn hoạt động trong từng lĩnh vực khác nhau.
Theo khoản 5 Điều 2 Luật khám chữa bệnh năm 2009, Giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh “là văn bản do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có đủ điều kiện hoạt động theo quy định của Luật này”. Điều kiện hoạt động là cơ sở phải có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy phép đầu tư. Các hình thức tổ chức của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân bao gồm:
- Bệnh viện. Như vậy bệnh viện ở đây có thể là bệnh viện công lập và bệnh viện tư nhân. Nhưng ở đây sinh viên chỉ nghiên cứu lĩnh vực tư nhân nên chỉ đề cập tới bệnh viện tư nhân.
- Cơ sở giám định y khoa;
- Phòng khám đa khoa;
- Phòng khám chuyên khoa, bác sỹ gia đình;
- Phòng chẩn trị y học cổ truyền;
- Nhà hộ sinh;
- Cơ sở chẩn đoán;
- Cơ sở dịch vụ y tế;
- Các hình thức tổ chức khám bệnh, chữa bệnh khác.
Chính phủ quy định chi tiết khoản 1 Điều này và các hình thức tổ chức cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong quân đội.
Giấy phép hành nghề dược: Luật Dược không có quy định về Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược mà chỉ quy định về Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc. Nghị định 79 Điều 20 quy định “Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc được cấp cho các cơ sở kinh doanh thuốc đáp ứng các điều kiện đối với từng hình thức kinh doanh thuốc”. Các cơ sở sản xuất thuốc quy định tại Điều 3 của nghị định 79 , bao gồm các hình thức tổ chức kinh doanh sau:
+ Cơ sở sản xuất thuốc bao gồm các hình thức tổ chức kinh doanh sau:
- Doanh nghiệp sản xuất thuốc;
- Hợp tác xã, hộ kinh doanh xuất dược liệu, thuốc đông y và thuốc từ dược liệu.
+ Cơ sở bán buôn thuốc bao gồm các hình thức tổ chức kinh doanh sau:
- Doanh nghiệp bán buôn thuốc;
- Hợp tác xã, hộ kinh doanh bán buôn dược liệu, thuốc đông y và thuốc từ dược liệu;
- Đại lý bán buôn vắc xin, sinh phẩm y tế.
- Cơ sở bán lẻ thuốc bao gồm các hình thức tổ chức kinh doanh quy định tại khoản 1 Điều 24 của Luật Dược.
+ Doanh nghiệp xuất khẩu, nhập khẩu thuốc.
+ Doanh nghiệp làm dịch vụ bảo quản thuốc.
+ Doanh nghiệp làm dịch vụ kiểm nghiệm thuốc.
* Giấy chứng nhận đăng kí doanh nghiệp: Theo Điều 3 khoản 2 Nghị định 43 ngày 15.4.2010 của Chính phủ về đăng kí doanh nghiệp, Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp là văn bản hoặc bản điện tử mà cơ quan đăng ký kinh doanh cấp cho doanh nghiệp ghi lại những thông tin về đăng ký kinh doanh và đăng ký thuế do doanh nghiệp đăng ký. Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp đồng thời là Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và Giấy chứng nhận đăng ký thuế của doanh nghiệp. Giấy chứng nhận đăng kí hộ kinh doanh cũng được quy
định cụ thể tại Nghị định 43 của Chính phủ về đăng kí doanh nghiệp.
Thẩm quyền cấp do Phòng Đăng kí kinh doanh cấp tỉnh và phòng Đăng kí kinh doanh cấp huyện. Mẫu Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh do Bộ Kế hoạch và Đầu tư quy định và được áp dụng thống nhất trên phạm vi toàn quốc.
Bên cạnh Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và Giấy chứng nhận đủ điều kiện hành nghề y, dược tư nhân, để được hoạt động kinh doanh y, dược tư nhân còn phải có các loại giấy tờ:
* Chứng chỉ hành nghề y, dược tư nhân:
Theo Pháp lệnh hành nghề y dược tư nhân, Chứng chỉ hành nghề y, dược tư nhân là văn bản do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp cho cá nhân có đủ điều kiện hành nghề theo quy định của Pháp lệnh hành nghề y, dược tư nhân năm 2003.
Chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh: Chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh6 là văn bản do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho người có đủ điều kiện hành nghề theo quy định của Luật Khám chữa bệnh.
Chứng chỉ hành nghề dược được quy định ở Khoản 1 Điều 14 Nghị định 79/2006/NĐ-CP quy định chi tiết về Luật Dược: Chứng chỉ hành nghề dược được cấp cho người quản lý chuyên môn về dược của cơ sở kinh doanh thuốc phù hợp với từng hình thức tổ chức kinh doanh. Người được cấp Chứng chỉ hành nghề dược phải đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 13 của Luật Dược và các quy định của Nghị định 79 quy định chi tiết về Luật Dược.