CHƯƠNG 2 PHÁP LUẬT VỀ LY HÔN CÓ YẾU TỐ NƯỚC NGOÀI VÀ
2.1.2. Thực trạng của việc ly hôn có yếu tố nước ngoài
Theo thống kê của Tòa án nhân dân thành phố Cần Thơ về án ly hôn có yếu tố nước ngoài trong ba năm (từ năm 2007 đến năm 2010) được thể hiện qua biểu đồ sau:
0 5 10 15 20 25 30 35 40 45
2007- 2008 2008- 2009 2009- 2010
Ly hôn Đình chỉ Tồn
Tình hình án ly hôn có yếu tố nước ngoài tại Tòa án nhân dân thành phố Cần Thơ
Từ ngày 01/10/2007 đến ngày 30/09/2008 thì Tòa án thụ lý 42 vụ trong đó cho ly hôn 33 vụ, đình chỉ 02 vụ, tồn 07 vụ; Từ ngày 01/10/2008 đến ngày 30/09/2009, Tòa án thụ lý 36 vụ ly hôn trong đó cho ly hôn 24 vụ, đình chỉ 06 vụ, công nhận sự thỏa thuận của đương sự 02 vụ, tồn 04 vụ; Từ ngày 01/10/2009 đến ngày 30/09/2010 Tòa án thụ lý 43 vụ ly hôn, giải quyết 42 vụ, tồn 01 vụ.
Có tới hơn 65% các vụ xin ly hôn với một bên là người Hàn Quốc và Đài Loan.
Nguyên đơn đứng đơn xin ly hôn có tới 99% là phụ nữ Việt Nam.
Thống kê của Tòa án nhân dân tỉnh An Giang trong hai năm (từ năm 2009 đến năm 2010) số vụ án ly hôn có yếu tố nước ngoài như sau: Năm 2009 có 28 vụ ly hôn trên tổng số 121 vụ án ly hôn Tòa đã thụ lý; Năm 2010 có 38 vụ trên tổng số 123 vụ án ly hôn mà Tòa án thụ lý.
Qua các thống kê trên, ta thấy rằng số lượng án ly hôn có yếu tố nước ngoài mỗi năm chiếm tỷ lệ không cao so với tổng số lượng án ly hôn mà các Tòa đã thụ lý; sở dĩ, diễn ra tình trạng trên không phải là do đương sự không có nhu cầu, mà do việc ly hôn có yếu tố nước ngoài hiện nay đang gặp nhiều vướng mắc. Chính vì thế, mà số lượng án được thụ lý cũng như được giải quyết không cao.
Hiện nay, do không đáp ứng được về phần thủ tục nên có rất nhiều trường hợp Tòa án không thể thụ lý được, điển hình như: Trường hợp nguyên đơn là người Việt Nam xin ly hôn theo thủ tục xét xử vắng mặt với người nước ngoài, thì phải có bản thỏa thuận ly hôn hoặc ý kiến của bị đơn được hợp pháp hóa lãnh sự, nhưng đa số đương sự không biết điều này, đến khi biết được thì không thể trở qua nước ngoài để xác nhận được. Do đó, dù đương sự có muốn ly hôn thì Tòa cũng không thể thụ lý cho đến khi hồ sơ đã hoàn chỉnh. Thêm vào đó, trình tự để tiến hành hợp pháp hóa lãnh sự ở mỗi nước đều khác nhau điều này tạo nên nhiều khó khăn cho đương sự (chủ yếu là những người có trình độ học vấn không cao, tiếp cận với pháp luật còn ít) do không có một khuôn mẫu chung46; thủ tục hợp pháp hóa lãnh sự đối với các việc mà Tòa án Việt Nam yêu cầu thì Tòa án nước ngoài chưa đáp ứng kịp thời cũng gây khó khăn cho việc xét xử.
Nhiều trường hợp công dân Việt Nam xin ly hôn với người nước ngoài chỉ cung cấp cho Tòa án bản đăng ký kết hôn hoặc giấy ghi chú kết hôn và địa chỉ của bị đơn được ghi trong giấy tờ đó, song thực tế có thể bị đơn đã thay đổi địa chỉ dẫn đến việc yêu cầu họ cho ý kiến là rất khó thực hiện được. Ngoài ra, có rất nhiều trường hợp các cô gái Việt Nam sau khi lấy chồng Đài Loan, Hàn Quốc bị đánh đập, ngược đãi tự ý bỏ về Việt Nam mà không đem theo bất cứ giấy tờ gì chứng minh quan hệ hôn nhân của mình với chồng ở nước ngoài. Do đó, Tòa án cũng không thể xem xét và giải quyết theo dạng người vắng mặt tại nơi cư trú hay theo dạng mất tích được vì các trường hợp này đều được quy định giải quyết theo trường hợp là người có nơi cư trú ở Việt Nam.
Các đương sự không thể ly hôn dẫn đến: Thứ nhất, quyền lợi của đương sự bị ảnh hưởng rất nhiều, điển hình như: họ không thể kết hôn lại, vì sẽ vi phạm chế độ một vợ một chồng do chưa chấm dứt quan hệ hôn nhân cũ dù trên thực tế cuộc hôn nhân đó đã không còn tồn tại; nếu họ đã lập gia đình lại thì con sinh ra không thể làm khai sinh, và sẽ không thể đi học được. Thứ hai, đối với tài sản, do không có khái niệm về tài sản thay thế nên nếu xác lập giao dịch mang tính tài sản thì nó sẽ rơi vào khối tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân; ngoài ra, việc quản lý, định đoạt tài sản trong thời kỳ hôn nhân là bất động sản đòi hỏi phải có sự đồng ý của cả hai vợ chồng, nếu thiếu điều này việc giao dịch liên quan đến tài sản đó sẽ khó có thể xảy ra.
46 Xem Phụ lục từ A1 đến A9.
Bên cạnh đó, dù mỗi năm án ly hôn có yếu tố nước ngoài không nhiều nhưng vẫn xuất hiện tình trạng án tồn, nguyên nhân là do quá trình giải quyết vụ án mất nhiều thời gian, đặc biệt là việc ủy thác tư pháp.Theo quy trình ủy thác, đầu tiên Tòa án Việt Nam phải chuyển hồ sơ qua Bộ Tư pháp. Bộ này chuyển đến Bộ Ngoại giao. Bộ Ngoại giao chuyển đến đại sứ quán Việt Nam tại nước sở tại. Từ đây hồ sơ mới được chuyển đến các cơ quan tư pháp nước bạn để nhờ thu thập, xác minh chứng cứ. Nếu quá trình xác minh thuận lợi hồ sơ sẽ lần lượt ngược hành trình trên, quay về Tòa án Việt Nam. Ủy thác thành công đã vậy, nếu thất bại hoặc bị ách lại ở một cơ quan nào đó thì Tòa chỉ có cách ngồi chờ. Và chưa kể đến việc các cơ quan ở nước bạn không nhiệt tình, không hào hứng giúp đỡ thì coi như án chôn chân tại chổ. Hiện nay, ủy thác tư pháp ở nước ta được thực hiện chủ yếu thông qua hai con đường: Thứ nhất, là các Hiệp định tương trợ tư pháp ký giữa Việt Nam với các nước (Nước ta đã ký kết Hiệp định tương trợ tư pháp về dân sự với khoảng 15 nước47 nhưng chưa có một danh sách cụ thể số nước tương trợ tư pháp trong lĩnh vực ly hôn; hơn nữa, trong khi một số nước có công dân Việt Nam sinh sống đông thì chưa ký kết Hiệp định tương trợ như Mỹ, Úc, Canada, Đài Loan…
nên ủy thác tư pháp gặp nhiều khó khăn và thường không có kết quả). Thứ hai, dựa trên nguyên tắc có đi có lại, tuy nhiên, hiện nay chưa có một hướng dẫn cụ thể về việc nước nào sẽ được áp dụng nguyên tắc có đi có lại nước nào không được áp dụng, điều này đã gây khó khăn cho việc thực hiện.
Việc công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định ly hôn của Tòa án nước ngoài, cũng có nhiều vướng mắc, yêu cầu về điều kiện áp dụng tương đối khắt khe gây khó khăn cho đương sự, dẫn đến quy định này trên thực tế phạm vi áp dụng hẹp, thiếu khả thi, không phát huy được vai trò của mình.
Nhiều trường hợp, sau khi thấy đời sống chung không thể kéo dài, họ chấm dứt quan hệ hôn nhân bằng cách trở về nước mà không ly hôn, mãi đến sau này khi muốn kết hôn lại, hoặc tiến hành các giao dịch liên quan đến bất động sản, họ mới tiến hành thủ tục ly hôn dẫn đến tình trạng hôn nhân hình thức rất nhiều.
Hiện nay, sau khi tuyên án thì việc tống đạt bản án cho đương sự ở nước ngoài rất khó có kết quả, dẫn đến án tuyên xong không có hiệu lực. Ngoài ra, việc yêu cầu bị đơn đang ở nước ngoài thi hành cấp dưỡng là rất khó, chủ yếu là dựa vào ý thức của đương sự, nếu bên cấp dưỡng không thi hành thì cũng không thể cưỡng chế được vì họ đang cư trú ở nước ngoài hoặc giữa nước ta với nước của đương sự chưa có Hiệp định tương trợ được ký về vấn đề này. Tương tự như vấn đề cấp dưỡng, để xác định tình trạng tài chính của bên cấp dưỡng cũng khó được thực hiện. Do vậy, việc thi hành án cấp dưỡng là vô chừng.
Đa số các trường hợp ly hôn có yếu tố nước ngoài (đặc biệt là giữa công dân Việt Nam với công dân các nước Đài Loan, Hàn Quốc…) để quá trình xét xử được diễn ra
nhanh hầu hết các đương sự thường không đề cập đến tài sản chung (mặc dù khối tài sản trong thời kỳ hôn nhân vẫn có sự đóng góp của mình), và con chung. Nhưng nếu đương sự có yêu cầu về quyền trực tiếp nuôi con hay chia tài sản chung thì đến khi thi hành án cũng khó có thể thực hiện được do phải phụ thuộc vào Việt Nam đã ký kết Hiệp định tương trợ tư pháp với nước đó về lĩnh vực này hay không. Điều này dẫn đến quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ và con không được bảo đảm.
Trình độ thẩm phán cũng còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu hiện nay.
Do không được đào tạo, bồi dưỡng kiến thức thường xuyên nên nhiều thẩm phán không nắm vững, không thường xuyên cập nhật được chuyên môn của tư pháp quốc tế. Mặt khác, nhìn chung trình độ ngoại ngữ của đội ngũ thẩm phán còn hạn chế, rất khó khăn trong việc tiếp cận với pháp luật nước ngoài cũng như khi tiến hành tố tụng trong những vụ án có công dân nước ngoài. Hơn nữa, việc mời phiên dịch trong những vụ án này cũng gặp nhiều khó khăn phiền toái khi chúng ta chưa có quy định rõ cơ quan nào có trách nhiệm làm phiên dịch cũng như chi phí của việc mời phiên dịch sẽ được tính dựa trên tiêu chí nào48.