Trình tự thủ tục áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời

Một phần của tài liệu LUẬN văn LUẬT THƯƠNG mại BIỆN PHÁP KHẨN cấp tạm THỜI TRONG tố TỤNG TRỌNG tài (Trang 35 - 40)

CHƯƠNG 2: ĐÁNH GIÁ NHỮNG ĐIỂM MỚI TRONG VIỆC ÁP DỤNG BIỆN PHÁP KHẨN CẤP TẠM THỜI THEO LUẬT TRỌNG TÀI THƯƠNG MẠI 2010

2.2 Những quy định về việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trong Luật Trọng tài thương mại 2010

2.2.3 Trình tự thủ tục áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời

Trong quá trình Hội đồng trọng tài giải quyết tranh chấp, nếu thấy quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị xâm hại các bên có thể yêu cầu Tòa án ra quyết định áp dụng một hoặc một số BPKCTT nhằm bảo vệ mình. Việc yêu cầu áp dụng BPKCTT của các bên bắt buộc phải tuân theo một trình tự thủ tục nhất định.

Đầu tiên bên yêu cầu áp dụng BPKCTT phải làm đơn gửi đến Tòa án cấp tỉnh nơi Hội đồng trọng tài thụ lý vụ tranh chấp. Đơn yêu cầu phải gửi kèm theo bản sao đơn khởi kiện và bản sao thỏa thuận trọng tài, các bản sao này phải được chứng thực hợp lệ30. Tùy theo yêu cầu BPKCTT cụ thể mà bên yêu cầu phải cung cấp thêm các chứng cứ cần thiết cho Tòa án, ví dụ: chứng cứ cần được bảo toàn, các chứng cứ về việc bị đơn tẩu tán, cất giấu tài sản có thể làm cho việc thi hành quyết định trọng tài không thể thực hiện được.

Bên yêu cầu áp dụng BPKCTT phải nộp một khoản tiền bảo đảm do Tòa án ấn định. Khoản tiền này có giá trị không vượt quá nghĩa vụ tài sản mà người có nghĩa vụ phải thực hiện. Quy định thực hiện biện pháp bảo đảm này là nhằm bảo vệ lợi ích hợp pháp của người bị áp dụng BPKCTT, đồng thời cũng có tác dụng ngăn ngừa tình trạng lạm dụng quyền yêu cầu áp dụng BPKCTT một cách bừa bãi của các bên trong tranh chấp. Khoản tiền này được gửi giữ tại ngân hàng nơi có trụ sở của Tòa án quyết định áp dụng BPKCTT.

Sau khi nhận được đơn yêu cầu áp dụng BPKCTT và các tài liệu cần thiết, cũng như người yêu cầu đã thực hiện việc nộp tiền bảo đảm, Chánh án Tòa án nơi nhận đơn yêu cầu sẽ giao cho một Thẩm phán xem xét, giải quyết đơn yêu cầu.

Trong thời hạn năm ngày làm việc, kể từ ngày được giao nhiệm vụ, Thẩm phán sẽ xem xét đơn yêu cầu và các tài liệu bên yêu cầu đã nộp để ra quyết định áp dụng hoặc không áp dụng BPKCTT theo như yêu cầu. Trong trường hợp chấp nhận việc yêu cầu áp dụng BPKCTT thì sẽ ra quyết định áp dụng BPKCTT trong phạm vi yêu cầu của nguyên đơn, tài sản bị áp dụng BPKCTT có giá trị không quá nghĩa vụ tài sản mà người có nghĩa vụ phải thực hiện. Quyết định áp dụng BPKCTT phải được gửi ngay cho Hội đồng Trọng tài, các bên tranh chấp và Viện Kiểm sát cùng cấp.

Quyết định áp dụng BPKCTT được thi hành ngay và việc thi hành tuân theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự.

29 Xem Điều 34 PLTTTM 2003.

Trong thời hạn ba ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quyết định áp dụng BPKCTT, Viện trưởng Viện Kiểm sát cùng cấp có quyền kiến nghị, bị đơn có quyền yêu cầu Chánh án Toà án đã ra quyết định áp dụng BPKCTT xem xét, giải quyết việc thay đổi, huỷ bỏ hoặc giữ nguyên các biện pháp đó. Trong thời hạn ba ngày làm việc, kể từ ngày nhận được kiến nghị của Viện Kiểm sát hoặc yêu cầu của bị đơn, Chánh án Toà án phải có quyết định và trả lời cho Viện Kiểm sát hoặc bị đơn.

2.2.3.2 Luật Trọng tài thương mại 2010

Theo quy định của LTTTM 2010, khi thấy quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị xâm hại các bên trong tranh chấp có thể làm đơn để yêu cầu Hội đồng trọng tài hoặc Tòa án áp dụng một hoặc một số BPKCTT.

Việc yêu cầu áp dụng các BPKCTT của các bên phải tuân theo những trình tự luật định. Để yêu cầu Hội đồng trọng tài áp dụng các BPKCTT, các bên trong tranh chấp phải làm đơn gửi đến Hội đồng trọng tài giải quyết vụ tranh chấp. Các bên trong tranh chấp muốn yêu cầu Tòa án ra quyết định áp dụng các BPKCTT thì bắt buộc phải làm đơn khởi kiện đi kèm với đơn yêu cầu áp dụng BPKCTT, đây là điều bắt buộc nếu muốn yêu cầu Tòa án ra quyết định áp dụng các BPKCTT31. Đơn yêu cầu áp dụng áp dụng BPKCTT phải có các nội dung chính sau:

 Ngày, tháng, năm làm đơn;

 Tên, địa chỉ của bên có yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời;

 Tên, địa chỉ của bên bị yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời;

 Tóm tắt nội dung tranh chấp;

 Lý do cần phải áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời;

 Biện pháp khẩn cấp tạm thời cần được áp dụng và các yêu cầu cụ thể.

Kèm theo đơn yêu cầu áp dụng BPKCTT, bên yêu cầu phải cung cấp cho Hội đồng trọng tài, Tòa án chứng cứ để chứng minh cho sự cần thiết phải áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đó.

Hội đồng trọng tài

Đơn yêu cầu phải gửi trực tiếp đến Hội đồng trọng tài giải quyết vụ việc.

Bên cạnh đó theo quyết định của Hội đồng trọng tài, bên yêu cầu áp dụng BPKCTT phải gửi một khoản tiền, kim khí quý, đá quý hoặc giấy tờ có giá do Hội đồng trọng tài ấn định tương ứng với giá trị thiệt hại có thể phát sinh do áp dụng BPKCTT không đúng gây ra. Khoản tiền, kim khí quý, đá quý hoặc giấy tờ có giá được gửi vào tài khoản phong tỏa tại ngân hàng do Hội đồng trọng tài quyết định.

30 Xem thêm quy định về Đơn khởi kiện ở Điều 20 và quy định về Thỏa thuận trọng tài Điều 9 PLTTTM 2003.

31 Xem thêm Điều 164 Bộ luật Tố tụng dân sự 2004 về nội dung và hình thức đơn khởi kiện.

Sau khi Hội đồng trọng tài đã nhận đơn yêu cầu áp dụng BPKCTT và ngay khi bên yêu cầu đã thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ bảo đảm tài chính, trong thời hạn ba ngày làm việc Hội đồng trọng tài xem xét ra quyết định áp dụng BPKCTT.

Nếu xét thấy yêu cầu của đương sự là không hợp lý, không thể chấp nhận được thì Hội đồng trọng tài phải thông báo bằng văn bản cho bên yêu cầu biết và phải nêu rõ lý do không chấp nhận cho bên yêu cầu được biết rõ. Việc yêu cầu áp dụng BPKCTT là nhằm đáp ứng yêu cầu cấp thiết của bên yêu cầu, bảo đảm quyền và lợi ích của họ không bị xâm phạm. Do đó trong những trường hợp xét thấy các yêu cầu trên là chưa cần thiết và lý do của việc áp dụng không chính đáng thì Hội đồng trọng tài sẽ không thực hiện theo yêu cầu.

Ngược lại trong trường hợp nếu xét thấy yêu cầu áp dụng BPKCTT của đương sự là phù hợp và đầy đủ thì Hội đồng trọng tài sẽ ra quyết định áp dụng BPKCTT theo yêu cầu của đương sự. Quyết định này sẽ được gửi đến cho các bên trong tranh chấp và cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền. Việc thi hành quyết định này của Hội đồng trọng tài sẽ được thi hành theo những quy định của pháp luật về thi hành án dân sự.

Tòa án

Đơn yêu cầu áp dụng BPKCTT của bên yêu cầu phải gửi đúng đến Tòa án có thẩm quyền. Cùng với việc gửi đơn yêu cầu, bên yêu cầu phải thực hiện biện pháp bảo đảm trong thời hạn 48 tiếng kể từ lúc nộp đơn yêu cầu. Theo đó người yêu cầu Toà án áp dụng BPKCTT một khoản tiền, kim khí quý, đá quý hoặc giấy tờ có giá do Toà án ấn định tương đương với nghĩa vụ tài sản mà người có nghĩa vụ phải thực hiện. Khoản tiền, kim khí quý, đá quý hoặc giấy tờ có giá này được gửi vào tài khoản phong toả tại ngân hàng nơi có trụ sở của Toà án.

Trong thời hạn ba ngày làm việc, kể từ ngày nhận đơn yêu cầu áp dụng BPKCTT, chánh án Tòa án có thẩm quyền phân công một thẩm phán xem xét, giải quyết đơn yêu cầu. Trong thời hạn ba ngày làm việc, kể từ ngày được phân công, thẩm phán phải xem xét, quyết định áp dụng hoặc không áp dụng BPKCTT.

Đối với những trường hợp thẩm phán không chấp nhận yêu cầu áp dụng BPKCTT thì phải thông báo bằng văn bản cho người yêu cầu biết và trong đó phải nêu rõ lý do của việc không chấp nhận.

Nếu chấp thuận tòa án sẽ ra quyết định áp dụng BPKCTT theo yêu cầu của đương sự. Quyết định áp dụng BPKCTT của tòa án phải gửi cho người bị áp dụng BPKCTT, cơ quan, tổ chức có liên quan và cơ quan thi hành án dân sụ có thẩm quyền. Quyết dịnh áp dụng BPKCTT của tòa án có hiệu lực thi hành ngay và thi hành theo pháp luật về thi hành án dân sự.

Việc mở rộng phạm vi tài sản đảm bảo phải nộp là một điểm mới đáng kể của LTTTM 2010, quy định mới này phù hợp hơn với mọi điều kiện về tài sản của bên yêu cầu. Bên yêu cầu áp dụng BPKCTT có thể lựa chọn loại tài sản nào là phù hợp và thuận tiện để thực hiện biện pháp bảo đảm, không phụ thuộc duy nhất vào tài sản là tiền mặt như PLTTTM 2003. Bên cạnh đó vị trí của Viện kiểm soát cũng không còn trong việc áp dụng BPKCTT trong tố tụng trọng tài như trước đây nữa, đưa tố tụng trọng tài trở lại bản chất vốn có là sự tự do thỏa thuận của các bên không mang tính quyền lực nhà nước nên sự có mặt của Viện kiểm sát là không cần thiết. Tuy vậy bên cạnh điểm những điểm tích cực thì thủ tục áp dụng BPKCTT theo quy định của LTTTM 2010 vẫn còn những điểm chưa thỏa đáng và cần được chỉnh sửa cho phù hợp hơn.

Trong trường hợp yêu cầu Hội đồng trọng tài áp dụng BPKCTT phải được gửi trực tiếp đến Hội đồng trọng tài giải quyết tranh chấp, đây là điểm còn vướng mắc của luật. Hội đồng trọng tài chỉ có một trọng tài thì còn có thể dễ dàng gặp được, còn trường hợp Hội đồng trọng tài gồm nhiều trọng tài thì việc gặp trực tiếp là rất khó khăn. Dẫu biết chỉ có Hội đồng trọng tài trực tiếp giải quyết vụ tranh chấp là biết rõ vụ việc và chỉ có như vậy mới giải quyết được nhu cầu cấp bách, khẩn cấp của việc áp dụng BPKCTT nhưng quy định trên là rất khó có thể thực hiện. Hội đồng trọng tài không thể ở mãi một nơi nào đó cố định để các bên biết mà nộp đơn yêu cầu, trong khi đó trung tâm trọng tài mà các bên lựa chọn thì có thể khắc phục điều đó, nên chăng quy định việc nộp đơn yêu cầu áp dụng BPKCTT có thể nộp tại trung tâm trọng tài giải quyết vụ việc tranh chấp rồi sau đó trung tâm sẽ chuyển lại cho Hội đồng trọng tài vừa tiết kiệm được thời gian công sức của đôi bên vừa nhanh chóng, gọn gàng.

Bên cạnh đó theo quy định trong thời hạn chỉ ba ngày làm việc kể từ lúc nhận đơn, Hội đồng trọng tài phải ra quyết định áp dụng hay không áp dụng BPKCTT.

Luật chỉ quy định như vậy chớ không giải thích nào thêm về cơ chế xem xét, trao đổi thống nhất của Hội đồng trọng tài như thế nào, quy chuẩn ra sao, như thế nào là hợp lý.

Tiếp đó, trong việc yêu cầu thực hiện biện pháp bảo đảm khi yêu cầu áp dụng BPKCTT là nhằm bảo vệ lợi ích hợp pháp của bên bị áp dụng BPKCTT, đồng thời cũng có tác dụng ngăn ngừa tình trạng lạm dụng quyền yêu cầu áp dụng BPKCTT một cách bừa bãi của các bên trong tranh chấp. Việc áp dụng BPKCTT có thể giải quyết được nhu cầu cấp bách của đương sự, bảo đảm được việc giải quyết vụ án và thi hành án nhưng có thể dẫn đến việc gây ra những thiệt hại cho chủ thể bị áp dụng và bên thứ ba. Do vậy, pháp luật đã quy định buộc người yêu cầu áp dụng BPKCTT phải thực hiện biện pháp bảo đảm. Nghĩa vụ này là việc phải bồi thường thiệt hại

thực tế có thể xảy ra cho người bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời hoặc cho người thứ ba do việc yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không đúng gây ra32. Tuy vậy việc ấn định giá trị tài sản bảo đảm là bao nhiêu lại tùy thuộc vào quyết định của Hội đồng trọng tài và một Thẩm phán, chỉ là nhận định cảm tính của chủ thể có thẩm quyền chứ không có quy định rõ ràng cụ thể. Sẽ giải thích như thế nào trong trường hợp các tài sản cần áp dụng BPKCTT có giá trị lớn, ví dụ: tranh chấp một lô hàng có tài sản 5 tỉ, hay tàu biển có giá trị 7 tỉ, trong các trường hợp này người yêu cầu phải nộp tài sản bảo đảm có giá trị 5 hay 7 tỉ là không thật sự phù hợp. Giải thích như vậy là rất bất lợi cho bên yêu cầu áp dụng BPKCTT, trong trường hợp người yêu cầu không thực hiện được sẽ không bảo đảm được quyền lợi của mình. Quyền và lợi ích của người yêu cầu sẽ bị xâm hại một cách nghiêm trọng.

Trong vấn đề này đòi hỏi có một chuẩn chung nhất về việc ước lượng những thiệt hại có thể gây ra nhằm bảo đảm cho việc áp dụng được chính xác và có hệ thống.

Điều khó khăn khi xác định giá trị bảo đảm có thể dự báo trên thực tế sẽ làm cho các Hội đồng trọng tài cơ quan không mang tính quyền lực nhà nước sẽ khá lưỡng lự trước các lệnh tạm thời, đặc biệt khi lệnh áp dụng liên quan đến những khối tài sản ngày càng lớn. Nếu như việc áp dụng BPKCTT được gửi đến cho tòa án, mà việc xem xét áp dụng được phân công cho một thẩm phán hay Hội đồng trọng tài chỉ có một trọng tài viên thì gánh nặng cho việc quyết định những giá trị thiệt hại do việc áp dụng các BPKCTT đối với những tài sản có giá trị lớn là vô cùng nặng nề.

Việc thực hiện biện pháp bảo đảm là cơ chế bảo vệ quyền lợi cho người bị áp dụng BPKCTT, tuy vậy LTTTM không có quy định nào để bảo đảm quyền lợi cho người yêu cầu áp dụng BPKCTT được xác định là đúng và cần thiết trong vụ tranh chấp. Cụ thể: Nếu doanh nghiệp A yêu cầu áp dụng biện pháp bảo tồn tài sản của doanh nghiệp B, mức yêu cầu là 10 tỷ thì doanh nghiệp A sẽ phải thực hiện nghĩa vụ bảo đảm là 10 tỷ mới được Tòa án, Hội đồng trọng tài áp dụng BPKCTT đối với doanh nghiệp B. Để có tài sản tương đương 10 tỷ thực hiện nghĩa vụ bảo đảm có thể doanh nghiệp A phải vay mượn, chịu những thiệt hại phát sinh để duy trì 10 tỷ này trong suốt quá trình giải quyết vụ tranh chấp. Thiệt hại này nhiều trường hợp là rất lớn. Thế nhưng nếu Tòa án, Hội đồng trọng tài tuyên doanh nghiệp B phải trả tiền cho doanh nghiệp A thì doanh nghiệp B không chịu bất kỳ trách nhiệm nào đối với doanh nghiệp A đối với khoản tiền hoặc tài sản mà A đã phải bỏ ra để thực hiện nghĩa vụ bảo đảm nhằm làm cơ sở cho việc áp dụng BPKCTT đối với doanh nghiệp B. Ngược lại, nếu doanh nghiệp A yêu cầu không đúng hoặc chủ thể ra quyết định áp dụng không đúng gây thiệt hại cho doanh nghiệp B thì các chủ thể này phải bồi thường cho doanh nghiệp B. Quy định như vậy không đảm bảo được sự bình đẳng

32 Xem thêm nghị quyết số 02/2005/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao

giữa các đương sự trong việc giải quyết tranh chấp. Thiết nghĩ cần có sự giải thích quy định rõ của luật trong các trường hợp này. Nhằm vừa đáp ứng được nhu cầu cấp thiết của bên yêu cầu vừa tránh những khó khăn về nghĩa vụ tài sản bảo đảm của người yêu cầu và cả người có trách nhiệm xem xét. Thêm vào đó, chế định tài sản bảo đảm không phải là phù hợp hết với các BPKCTT áp dụng, có những biện pháp cơ chế bảo đảm là không thật cần thiết, ví dụ: BPKCTT “yêu cầu tạm thời về việc trả tiền cho các bên”, trong khi các bên tạm thời trả tiền thì chắc chắn sẽ có chứng từ về việc giao nhận tiền, đó là cơ sở đủ để đảm bảo trong trường hợp BPKCTT gây thiệt hại do áp dụng không đúng không cần phải thực hiện việc bảo đảm tài sản thêm nữa vừa phiền hà vừa khong xác đáng. Cần có cơ chế quy định cụ thể, rõ ràng BPKCTT nào là cần thiết, bắt buộc thực hiện biện pháp bảo đảm và BPKCTT nào việc thực hiện biện pháp bảo đảm là không phù hợp, không mang nhiều ý nghĩa thực tế.

Mặt khác, trong việc yêu cầu Tòa án áp dụng BPKCTT của đương sự có sự mâu thuẫn giữa LTTTM 2010 và Bộ luật Tố tụng dân sự 2004, trong Bộ luật Tố tụng dân sự 2004 trường hợp yêu cầu áp dụng BPKCTT thực hiện cùng lúc với khởi kiện thì sau khi nhận đơn chánh án tòa án chỉ định ngay một thẩm phán thụ lý giải quyết đơn yêu cầu. Trong thời hạn 48 giờ kể từ thời điểm nhận được đơn yêu cầu, thẩm phán phải xem xét và ra quyết định áp dụng BPKCTT. Đây là sự mâu thuẫn của hai luật cùng quy định chung về một vấn đề khiến cho người yêu cầu lẫn người có thẩm quyền áp dụng không biết tuân thủ theo đâu. Thiết nghĩ cần có văn bản hướng dẫn cụ thể hơn về vấn đề này tránh những chồng chéo không đáng có.

Trên đây là những điểm còn chưa rõ của LTTTM 2010, cần có văn bản hướng dẫn cụ thể để phù hợp hơn trong thời gian sắp tới.

Một phần của tài liệu LUẬN văn LUẬT THƯƠNG mại BIỆN PHÁP KHẨN cấp tạm THỜI TRONG tố TỤNG TRỌNG tài (Trang 35 - 40)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(49 trang)