Thẩm quyền, thủ tục thay đổi, bổ sung, huỷ bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời

Một phần của tài liệu LUẬN văn LUẬT THƯƠNG mại BIỆN PHÁP KHẨN cấp tạm THỜI TRONG tố TỤNG TRỌNG tài (Trang 40 - 43)

CHƯƠNG 2: ĐÁNH GIÁ NHỮNG ĐIỂM MỚI TRONG VIỆC ÁP DỤNG BIỆN PHÁP KHẨN CẤP TẠM THỜI THEO LUẬT TRỌNG TÀI THƯƠNG MẠI 2010

2.2 Những quy định về việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trong Luật Trọng tài thương mại 2010

2.2.4 Thẩm quyền, thủ tục thay đổi, bổ sung, huỷ bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời

2.2.4.1 Pháp lệnh trọng tài thương mại 2003

Theo quy định của pháp lệnh, trong trường hợp các bên thấy việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời là không còn phù hợp hoặc mục đích của việc áp dụng là không cần thiết nữa thì có quyền yêu cầu tòa án thay dổi hoặc hủy bỏ việc áp dụng BPKCTT. Điều 35 PLTTTM 2003: “Bên yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời có thể làm đơn yêu cầu thay đổi hoặc huỷ bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời khi không còn phù hợp hoặc không còn cần thiết”.

Trong thời hạn ba ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu thay đổi hoặc huỷ bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời thì Chánh án Toà án cấp tỉnh nơi đã ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời giao cho một Thẩm phán xem xét, quyết định thay đổi hoặc huỷ bỏ áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.

Quyết định này được gửi ngay cho các bên tranh chấp, Hội đồng trọng tài và Viện kiểm sát cùng cấp.

Trường hợp hủy bỏ BPKCTT, Thẩm phán được phân công sẽ xem xét ra quyết định để người yêu cầu nhận lại số tiền bảo đảm đã nộp.

2.2.4.2 Luật trọng tài thương mại 2010

Như đã phân tích, việc áp dụng BPKCTT không phải lúc nào cũng chính xác và phù hợp với hoàn cảnh diễn biến của vụ tranh chấp, có những BPKCTT là hợp lý với lúc yêu cầu nhưng nay lại mất ý nghĩa với diễn biến giải quyết của vụ tranh chấp. Chính nguyên nhân đó cần có một cơ chế quy định về việc bổ sung, thay đổi cũng như hủy bỏ những yêu cầu áp dụng BPKCTT đã không còn phù hợp và mất đi mục đích của việc áp dụng cần thiết phải sửa đổi bổ sung. Giống như PLTTTM 2003, LTTTM 2010 cũng có quy định về việc này. Khoản 1 Điều 51 LTT 2010 quy định: “Trong quá trình giải quyết tranh chấp, theo yêu cầu của một bên vào bất kì thời điểm nào Hội đồng trọng tài có quyền thay đổi, bổ sung hủy bỏ BPKCTT”.

Việc yêu cầu áp dụng BPKCTT là dựa trên cơ sở đương sự có yêu cầu. Đơn yêu cầu của đương sự là căn cứ để Hội đồng trọng tài ra quyết định áp dụng các BPKCTT, phạm vi áp dụng BPKCTT cũng do đương sự lựa chọn...do đó sau khi Hội đồng trọng tài ra quyết định áp dụng các BPKCTT đương sự cũng có quyền sửa đổi hoặc bổ sung. Hội đồng trọng tài tuy là chủ thể có thẩm quyền quyết định áp dụng hay không áp dụng BPKCTT, tuy nhiên quyền này phụ thuộc hoàn toàn vào sự chủ động và quyền tự quyết của đương sự. Việc bên yêu cầu có thêm quyền bổ sung BPKCTT là điểm tiến bộ hơn của LTTTM 2010 so với trước đây. Nếu như theo quy định của PLTTTM 2003 thì bên yêu cầu chỉ có thể lựa chọn giữa hủy bỏ hoặc thay đổi, trong trường hợp bên yêu cầu muốn yêu cầu thêm BPKCTT để đạt được tối đa mục đích áp dụng thì không biết chọn thế nào. Bên cạnh đó LTTTM 2010 cũng quy định rõ ràng về trình tự thủ tục của việc yêu cầu này, không còn chung chung, mập mờ như pháp lệnh. Khi yêu cầu Hội đồng trọng tài, Tòa án thay đổi, bổ sung, hủy bỏ BPKCTT thì bên yêu cầu bắt buộc phải tuân theo các quy định này. Thẩm quyền, thủ tục thay đổi, bổ sung, huỷ bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời tuân theo Điều 51 LTTTM 2010 trong trường hợp Hội đồng trọng tài ra quyết định và tuân theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự 2004 trong trường hợp Tòa án ra quyết định.

Để yêu cầu Hội đồng trọng tài, Tòa án sửa đổi hay bổ sung các BPKCTT thì bên yêu cầu cũng phải thực hiện các thủ tục tương tự như yêu cầu áp dụng BPKCTT lần đầu và phải trình bày được nguyên nhân dẫn đến việc thay đổi bổ

sung như trên. Bên cạnh việc sửa đổi, bổ sung các BPKCTT luật còn quy định về cơ chế cho việc huỷ bỏ các BPKCTT đã áp dụng.

Hội đồng trọng tài, Tòa án huỷ bỏ việc áp dụng BPKCTT đã được áp dụng trong các trường hợp sau:

Bên yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đề nghị hủy bỏ;

Bên phải thi hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đã nộp tài sản hoặc có người khác thực hiện biện pháp bảo đảm thi hành nghĩa vụ đối với bên có yêu cầu;

Nghĩa vụ của bên có nghĩa vụ chấm dứt theo quy định của pháp luật.33 Trường hợp thứ 1: Bên yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đề nghị hủy bỏ. Mục đích chính của việc áp dụng các BPKCTT là nhằm giải quyết yêu cầu cấp thiết của bên yêu cầu nhằm bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của họ không bị xâm phạm. Việc ra quyết định áp dụng BPKCTT của Hội đồng trọng tài cũng là xuất phát từ yêu cầu của đương sự, việc yêu cầu đặt ra cho đương sự trách nhiệm trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Do đó khi thấy quyền và lợi ích của mình đã được bảo vệ mà không cần áp dụng BPKCTT thì bên yêu cầu có quyền đề nghị hủy bỏ quyết định áp dụng BPKCTT, đây là sự đàm bảo cho quyền tự định đoạt của cá nhân trong việc áp dụng các BPKCTT.

Trường hợp thứ 2: Bên phải thi hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đã nộp tài sản hoặc có người khác thực hiện biện pháp bảo đảm thi hành nghĩa vụ đối với bên có yêu cầu. Việc áp dụng BPKCTT bên cạnh bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của bên yêu cầu còn nhằm bảo toàn hiện trạng hiện có, tránh gây thiệt hại không thể khắc phục được. Mục đích chính trong việc áp dụng BPKCTT là như vậy nên khi các yêu cầu đó đã được người bị áp dụng BPKCTT hoặc người khác thực hiện việc bảo đảm giải quyết thì việc phải áp dụng BPKCTT đã không còn mục tiêu và ý nghĩa áp dụng nữa, do đó trong trường hợp này BPKCTT bị hủy bỏ cũng là hợp lý. Tuy vậy quy định trên có nghĩa Hội đồng trọng tài không có quyền xem xét mà mặc nhiên phải hủy bỏ BPKCTT đang áp dụng, người yêu cầu áp dụng BPKCTT cũng không có quyền có ý kiến về việc hủy bỏ này. Điều này có thể dẫn đến việc gây thiệt hại cho người đã yêu cầu áp dụng BPKCTT nhưng họ cũng sẽ không bao giờ được bồi thường. Trong trường hợp các tài sản thay thế là tài sản rất khó bán để thi hành án sau này thì sẽ gây thiệt hại cho bên yêu cầu áp dụng BPKCTT bị thiệt hại khi việc thi hành án bị kéo dài, khó có khả năng thu hồi nợ cho bên yêu cầu, và lúc này bên yêu cầu cũng không thể yêu cầu Hội đồng trọng tài bồi thường được. Cần có sự quy định thêm về việc cho phép người yêu cầu áp

33 Xem thêm Điều 121, 122 Bộ luật Tố tụng dân sự 2004 về thay đổi, bổ sung, hủy bỏ BPKCTT.

dụng BPKCTT được quyền có ý kiến và đồng thời cho thêm Hội đồng trọng tài quyền xem xét có chấp nhận hoặc không chấp nhận.

Trường hợp 3: Nghĩa vụ của bên có nghĩa vụ chấm dứt theo quy định của pháp luật. Khi nghĩa vụ phải thực hiện đã kết thúc theo quy định của pháp luật thì không thể nào có thể bắt buộc thực hiện được. Do đó quyết định áp dụng BPKCTT không còn hữu dụng nữa, do đó nên được hủy bỏ.

Sau đó Hội đồng trọng tài, Thẩm phán được phân công sẽ xem xét ra quyết định hủy bỏ việc áp dụng BPKCTT và xem xét quyết định để bên yêu cầu áp dụng BPKCTT được nhận lại tài sản bảo đảm đã nộp khi yêu cầu Hội đồng trọng tài áp dụng BPKCTT. Trừ trường hợp bên yêu cầu Hội đồng trọng tài, Tòa án áp dụng BPKCTT phải chịu trách nhiệm bồi thường cho việc yêu cầu không đúng gây thiệt hại cho bên bị áp dụng BPKCTT hoặc người thứ ba.

Quyết định hủy bỏ BPKCTT phải được gửi ngay cho các bên tranh chấp và cơ quan thi hành án dân sự. Quyết định này được thi hành theo pháp luật về thi hành án dân sự.

Một phần của tài liệu LUẬN văn LUẬT THƯƠNG mại BIỆN PHÁP KHẨN cấp tạm THỜI TRONG tố TỤNG TRỌNG tài (Trang 40 - 43)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(49 trang)