CHƯƠNG 1. CƠ SỞ LÝ THUYẾT VÀ THỰC NGHIỆM VỀ TÁC ĐỘNG CỦA CẤU TRÚC SỞ HỮU ĐẾN HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG CỦA CÔNG TY
1.3. TỔNG QUAN NGHIÊN CỨU
1.3.1. Sở hữu nhà nước và hiệu quả hoạt động công ty
Capobianco và Christiansen (2011) cho rằng tác động bất lợi của sở hữu nhà nước cho hoạt động công ty là bởi vì sở hữu nhà nước có các mục tiêu khác nhau so với những người chủ sở hữu khác. Mục tiêu của cổ đông phổ thông là tối đa hóa giá trị công ty. Tuy nhiên, sở hữu nhà nước có thể có những mục tiêu về xã hội (ví dụ để tăng việc làm) hoặc về chính trị (ví dụ để ngăn chặn sự xâm nhập của các nhà đầu tư nước ngoài và bảo vệ sản xuất trong nước). Shleifer (1998) cũng cho rằng sở hữu nhà nước có chi phí đại diện cao, thường từ quản trị công ty yếu kém, và do đó mà sở hữu nhà nước có ảnh hưởng tiêu cực đến hiệu quả hoạt động của công ty.
Bằng phương pháp hồi quy sử dụng sở hữu nhà nước là một trong nhiều biến độc lập, bao gồm sở hữu của ngân hàng, các công ty phi tài chính, gia đình, nhà đầu tư nước ngoài, chính phủ, nhà đầu tư có tổ chức, sử dụng dữ liệu chuỗi thời gian 6 năm (1990-1995) với 2.610 công ty lớn nhất ở 12 nước châu Âu, Thomsen và Pedersen’s (2000) cho thấy rằng, quyền sở hữu của chính phủ có tác động tiêu cực đến hiệu quả hoạt động của công ty (được đo lường bằng Q-Tobin và ROA). Đồng thời, các tác giả cũng cho thấy rằng nếu cổ đông lớn nhất trong công ty là một gia đình, một công ty, hoặc chính phủ thì tất cả các phần vốn này đều có tác động ngược đối với hiệu quả công ty (ví dụ, vốn chính phủ tăng một đơn vị tương đương với hiệu quả tài chính giảm một số đơn vị nhất định). Một ý nghĩa thực tế của nghiên cứu này là việc tái cấu trúc cơ cấu sở hữu các công ty lớn nhất châu Âu là cần thiết nhằm tạo ra sự phù hợp hơn giữa cấu trúc sở hữu và chiến lược công ty tại châu Âu nơi có
tỷ lệ tập trung sở hữu cao.
Ngoài tác động tiêu cực của sở hữu nhà nước bắt nguồn từ các vấn đề đại diện, sở hữu nhà nước có thể được coi là một yếu tố đáng được cân nhắc trong việc nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty. Firth và cộng sự (2008) nhận thấy rằng sở hữu nhà nước giúp một công ty huy động vốn dễ dàng từ các khoản vay ngân hàng. Việc kết nối với nhà nước có thể giúp các công ty đối phó với những yêu cầu quan liêu và có được sự ủng hộ từ chính phủ. Le và Buck (2011) đã sử dụng các nhân tố trung gian trong mô hình phân tích, thu thập dữ liệu chuỗi thời gian 3 năm đối với hơn 1.000 công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán Trung Quốc và chỉ ra rằng các công ty có thể có được các lợi ích từ quyền sở hữu nhà nước thông qua quản lý giám sát hoặc các cổ đông cá nhân lớn.
Một số nghiên cứu cho thấy hiệu ứng phi tuyến tính của sở hữu nhà nước lên hiệu quả hoạt động công ty. Wei và Varela (2003) đã chỉ ra một mối quan hệ hình chữ U giữa sở hữu nhà nước và hiệu quả hoạt động công ty trong các công ty tư nhân Trung Quốc vào năm 1994, 1995, và 1996. Điều này ngụ ý rằng các công ty với sở hữu nhà nước đáng kể nhận được lợi ích từ sự hỗ trợ của nhà nước và liên kết về chính trị và cho rằng một mức độ cao của sở hữu nhà nước sẽ cải thiện hiệu quả hoạt động vì chính phủ đặt nhiều nỗ lực hơn vào các công ty này.
Tại Việt Nam, có một số nghiên cứu về mối quan hệ giữa sở hữu nhà nước và hiệu quả hoạt động công ty như nghiên cứu của Lê Đức Hoàng (2015) được thực hiện với 101 công ty xây dựng niêm yết trên 2 Sàn Giao dịch chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh (HOSE) và Hà Nội (HNX) trong giai đoạn từ 2008 – 2013. Luận án tiếp cận 2 sở hữu thành phần quan trọng là sở hữu Nhà nước và sở hữu nước ngoài trong các công ty xây dựng niêm yết và xét hiệu quả hoạt động theo các tiêu chí là Tobin’s Q, ROA và ROE. Tác
giả sử dụng kiểm định Hausman để kiểm tra dữ liệu thu được sẽ theo mô hình nào giữa mô hình tác động cố định FEM và mô hình tác động ngẫu nhiên REM. Thông qua kết quả kiểm định, cho thấy sở hữu Nhà nước có tác động tiêu cực đến hiệu quả hoạt động của công ty, trong khi đó sở hữu nước ngoài có tác động tích cực tới hiệu quả hoạt động của công ty xây dựng niêm yết.
Kết quả kiểm chứng cũng cho thấy sở hữu Nhà nước và sở hữu nước ngoài có mối quan hệ phi tuyến tính với hiệu quả hoạt động của công ty. Ngoài biến cấu trúc sở hữu, tác giả sử dụng các biến kiểm soát sau cũng có tác động tới hiệu quả hoạt động của công ty: quy mô công ty, đòn bẩy, thanh khoản của công ty, tuổi niêm yết, lợi nhuận gộp biên, tăng trưởng.
Võ Thị Hồng Diễm (2013) cũng có kết quả tương tự về mối quan hệ giữa cấu trúc sở hữu và hiệu quả hoạt động của các công ty phi tài chính niêm yết trên HOSE trong giai đoạn 2008-2012, tác giả đã sử dụng dữ liệu bảng được hồi quy theo ba phương pháp: phương pháp bình phương nhỏ nhất, phương pháp ảnh hưởng cố định và phương pháp ảnh hưởng ngẫu nhiên. Kết quả nghiên cứu cho thấy sở hữu Nhà nước tác động ngược chiều lên hiệu quả hoạt động của công ty trên cả ROA và Tobin’s Q.
Đỗ và Wu (2014) đã phân tích dữ liệu của 134 công ty phi tài chính niêm yết trên thị trường chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh trong giai đoạn 2009 - 2012 và tìm thấy một mối quan hệ tích cực giữa sở hữu nhà nước và hiệu quả hoạt động của công ty (được đo lường bằng ROA và ROE ).
Nhìn chung, quan điểm chi phối trong các nghiên cứu là các công ty cổ phần hoạt động tốt hơn công ty nhà nước và quá trình cổ phần hóa công ty nhà nước sẽ nâng cao hiệu quả hoạt động của các công ty. Một số kết quả nghiên cứu tương tự củng cố lập luận trên như Gunasekarage et al. (2007), Alfaraih et al. (2012), Megginson et al. (1994), Sun et al. (2002) và Le, Chizema (2011) đều cho thấy một ảnh hưởng tiêu cực của sở hữu nhà nước
lên hiệu quả hoạt động công ty.