Nguyên tắc
- Tận dụng hệ thống giao thông và đường mòn sẵn có, không nâng cấp mà chỉ thực hiện duy tu đảm bảo chất lượng giao thông phục vụ cho hoạt động DLST.
- Khi đã hoàn chỉnh các nghiên cứu về tài nguyên du lịch của VQG, để phù hợp với các tour, tuyến mới của VQG, có thể triển khai thêm một số đường mòn sinh thái.
Các lưu ý khi triển khai các tuyến đường mòn mới
- Hệ thống đường mòn mới phải được thiết lập trên cơ sở tôn trọng nơi ở và sự đi lại của động vật hoang dã.
- Chỉ nên thiết lập đường mòn thiên nhiên với thời gian đi bộ là 30 - 60 phút để khuyến khích tất cả khách tham quan sử dụng và kỹ thuật xây dựng đường mòn phải được các chuyên gia xem xét, có kế hoạch bảo dưỡng.
4.3.3.2 Cơ sở lưu trú
Với nguyên tắc không xây dựng các nhà nghỉ hiện đại trong khu vực bảo tồn nên quy hoạch sẽ không đề cập đến việc xây dựng cơ sở lưu trú chuyên phục vụ cho du khách. Các công trình này sẽ được xây dựng bên ngoài khu vực bảo tồn (đã nêu trong mục 4.3.2). Khi du khách muốn ở lại trong vườn qua đêm, ta có thể bố trí họ ngủ tại các trạm bảo vệ rừng hoặc cho họ cắm trại tại những điểm cắm trại nguyên sơ (không cung cấp bất cứ dịch vụ nào). Điều này yêu cầu phải cải tạo thiết kế các trạm bảo vệ rừng và quy hoạch một số điểm cắm trại cho du khách.
Xây dựng lại các trạm bảo vệ rừng
- Nguyên nhân: nhà ở của cán bộ bảo vệ rừng không phù với cảnh quan, không tạo được cảm giác gần gũi với thiên nhiên cho du khách khi lưu trú tại đây.
- Đề xuất: tất cả trạm bảo vệ rừng sẽ được xây dựng theo một thiết kế duy nhất với hình mẫu các ngôi nhà của các cán bộ cách mạng tại khu di tích lịch sử TW Cục với quy mô lớn hơn.
Quy hoạch các điểm cắm trại
- Quy hoạch một số địa điểm có thể tổ chức cắm trại qua đêm nhằm phục vụ cho nhóm du khách thích cảm giác mạnh, có mong muốn được gần gũi với thiên nhiên.
- Địa điểm hợp lý là những khoảng rừng thưa nằm dọc theo các con đường mòn và vùng sinh sống của động vật hoang dã. Ngoài ra, địa điểm cắm trại cũng nên đặt tại các điểm đặc trưng về cảnh quan như ven suối, tại các bàu, trảng…
- VQG cũng cần đầu tư thêm các túi ngủ, lều nghỉ qua đêm phục vụ cho du khách. Các thiết bị này được bảo quản tại các trạm bảo vệ rừng và được kiểm tra chất lượng định kì. Kinh phí bảo dưỡng được trích từ chính lệ phí du khách chi trả để ngủ qua đêm trong rừng.
Ngoài ra, khi xây dựng hoàn thiện các tuyến DLST, cũng cần phải xây dựng các trạm dừng chân tại các các bàu, trảng để du khách nghỉ ngơi kết hợp với quan sát chim. Kiến trúc phù hợp đối với các công trình này là những nhà sàn như chốt bảo vệ rừng tại trảng Tà Nốt.
4.3.3.3 Trung tâm đón tiếp du khách
- Vị trí: trạm Đaha vì đây là vị trí có cảnh quan đẹp nhất, đồng thời có các tuyến đường mòn xuyên rừng dẫn đến các địa điểm du lịch và các trạm bảo vệ rừng khác.
- Vai trò: cung cấp các thông tin cơ bản cho du khách trước khi đi tham quan theo các đường mòn thiên nhiên, đồng thời thực hiện công tác giáo dục môi trường, tuyên truyền về hoạt động bảo tồn.
- Thiết kế đề xuất: xây dựng một nhà sàn với vật liệu địa phương, bài trí bên trong đơn giản không cầu kì gây phản cảm cho du khách.
Tại trung tâm du khách, không cần cung cấp quá nhiều thông tin, giới thiệu quá nhiều về hệ sinh thái, sinh vật đặc hữu của VQG (hoạt động này được tổ chức tại phân khu lâm viên của khu hành chính – dịch vụ) mà cần tập trung xây dựng một chương trình diễn giải nhằm tạo ra sự thay đổi về thái độ và hành vi của du khách theo hướng tôn trọng hệ sinh thái khi tham gia vào hoạt động DLST. Có thể giới thiệu với du khách về các vấn đề mà VQG đã và đang phải đối mặt như: hiện tượng chặt phá rừng, công tác phục hồi hệ sinh thái tại VQG… Có như vậy mới khiến du khách quan tâm và góp tay vào hoạt động bảo tồn thiên nhiên một cách tự nguyện.
4.3.3.4 Hệ thống quản lý chất thải rắn
- Tại mỗi trạm bảo vệ rừng: bố trí 4 thùng đựng rác 20l chia ra làm 2 loại: rác hữu cơ (3 thùng) và rác vô cơ (1 thùng) nhằm phục vụ cho hoạt động phân loại rác tại nguồn. Rác được thu gom định kì 2 ngày 1 lần và được đưa về trạm xử lí tập trung của khu kinh tế cửa khẩu Xa Mát.
- Đối với các tuyến du lịch, các tuyến đường mòn: không bố trí hệ thống thu gom rác vì việc thu gom dọc tuyến du lịch, đường mòn rất khó thực hiện, đồng thời chi phí cao hơn rất nhiều so với việc thu gom rác đã được tập trung tại các điểm gần trục đường chính.
- Trang bị túi rác cho du khách tham gia vào dịch vụ ngủ qua đêm trong rừng.
Hệ thống quản lý chất thải rắn như trên đòi hỏi phải có một phương pháp tuyên truyền để du khách giảm thiểu phát thải rác sinh hoạt khi nghỉ qua đêm trong khu vực bảo tồn và tuyệt đối không xả rác khi tham gia vào các chương trình dã ngoại trên các đường mòn.
4.3.3.5 Hệ thống cung cấp năng lượng và thông tin liên lạc
Hệ thống cung cấp năng lượng
- Không triển khai mạng lưới điện rộng khắp khu vực bảo tồn để tránh ảnh hưởng đến hệ sinh thái tự nhiên mà chỉ cần đầu tư các bình điện đủ cung cấp cho nhu cầu thắp sáng tại các trạm dừng chân.
- Nghiên cứu khả năng ứng dụng các loại năng lượng thân thiện môi trường như phong điện, thủy điện, năng lượng mặt trời tại từng trạm bảo vệ rừng nhằm phục vụ tốt hơn cho dịch vụ du lịch sinh thái và tạo ra thay đổi tích cực về ý thức của du khách khi tham gia du lịch sinh thái tại VQG.
Hệ thống thông tin liên lạc
- Trang bị thêm các vô tuyến cho lực lượng bảo vệ để hỗ trợ tốt hơn cho việc đảm bảo an toàn cho du khách.
- Thường xuyên kiểm tra, bảo trì và thay thế các thiết bị hư hỏng để đảm bảo hệ thống hoạt động bình thường, tránh các sự cố ảnh hưởng chất lượng dịch vụ.
4.3.3.6 Hệ thống cấp – thoát nước
Hệ thống cấp nước
- Với đặc điểm không phát triển hệ thống nhà nghỉ cũng như lưới điện trong khu vực bảo tồn nên hệ thống cấp nước cũng được xây dựng trên nguyên tắc tận dụng các giếng nước ngầm quay tay hiện có tại các trạm bảo vệ rừng.
- Ngoài ra, nhằm tránh tình trạng nước bị nhiễm bẩn, ảnh hưởng sức khỏe du khách, cần xây dựng hệ thống quan trắc chất lượng nước để có biện pháp xử lí khi cần thiết.
Hệ thống thoát nước
- Phương pháp xử lý: bể tự hoại 3 ngăn đối với nhà vệ sinh tại mỗi trạm dừng chân, nước sau khi qua bể tự hoại được thải ra môi trường còn bùn thải được thu gom định kì.
- Để hỗ trợ thêm cho tính hiệu quả của việc cung cấp nước sinh hoạt và xử lí nước thải sinh hoạt, cần phải bổ sung các biện pháp giáo dục môi trường nhằm giảm thiểu lượng nước sử dụng.