CHƯƠNG 1. NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN CƠ BẢN VỀ QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC NGÀNH THƯƠNG MẠI
2.3. THỰC TRẠNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ THƯƠNG MẠI TẠI QUẬN THANH KHÊ TRONG GIAI ĐOẠN 2012-2017
2.3.1. Thực trạng thực hiện các nội dung quy hoạch, triển khai các chương trình, đề án phát triển thương mại
Thực hiện chủ trương đường lối đổi mới kinh tế của Đảng, Nhà nước, trong những năm qua dưới sự chỉ đạo của UBND thành phố. Quận Thanh Khê đã triền khai các nội dung công tác QLNN về thương mại thông qua chỉ đạo cho các cơ quan tham mưu xây dựng thực hiện các chương trình kế hoạch của ngành thương mại phù hợp với tình hình kinh tế- xã hội của quận. Triển khai việc thực hiện các nội dung quy hoạch, chương trình, đề án phát triển thương mại được biểu hiện qua những văn bản ở các cấp khác nhau từ Trung ương đến địa phương, với phạm vi, thời gian khác nhau. Duy trì chế độ báo cáo
định kỳ thường xuyên theo quy định.
Ở giai đoạn 2012-2017, quận Thanh Khê trên cơ sở Thông báo số 148/TB-TU ngày 14/11/2016 của Thành ủy Đà Nẵng về Kết luận của Ban Thường vụ Thành uỷ tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Quận uỷ Thanh Khê về tổng kết 10 năm thực hiện Kết luận số 04-KL/TU của Ban Thường vụ Thành ủy, Quận ủy Thanh Khê xây dựng chuyên đề “Phát triển ngành thương mại dịch vụ quận Thanh Khê trở thành ngành kinh tế mũi nhọn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” nhằm nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách cho quận trên một số lĩnh vực QLNN về kinh tế - xã hội và đô thị để quận Thanh Khê phát triển nhanh và bền vững hơn trong những năm kế tiếp, là thật sự cần thiết. Bên cạnh đó, thực hiện các nội dung theo từng năm đã xây dựng trong:
- Kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội 10 năm ( giai đoạn 2011 - 2020);
- Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội quận đến năm 2020;
- Kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm; phát triển trung hạn (2016-2020).
Nghiên cứu về tìm hiểu công tác này tại địa phương, tác giả nhận thấy:
- Việc tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch phát triển KT - XH, quy hoạch ngành, quy hoạch sản phẩm chủ yếu được tham mưu tổ chức thực hiện đảm bảo chất lượng và theo đúng quy định tại Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 và Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11/01/2008 của Chính phủ, các quy định hiện hành về lập và quản lý quy hoạch.
- Đối với từng nội dung cụ thể, UBND quận căn cứ vào định hướng và quy hoạch để phê duyệt chủ trương đầu tư các hạng mục thực hiện QLNN về hoạt động thương mại. Những đề xuất phù hợp với định hướng và nằm trong kế hoạch sẽ được cho phép thực hiện về mặt chủ trương và được sắp xếp trong danh mục chuẩn bị đầu tư và chờ cân đối ngân sách.
- Các quy hoạch, đề án đã được tập trung xây dựng, đảm bảo chất lượng,
đáp ứng yêu cầu công tác QLNN lĩnh vực thương mại tại Thanh Khê; có sự phù hợp, thống nhất với các quy hoạch của thành phố, sở đã phê duyệt trong giai đoạn 2012-2017. Các quy hoạch này đã góp phần quan trọng trong việc định hướng phát triển ngành thương mại cũng như quá trình phát triển kinh tế của quận. Các quy hoạch luôn tuân thủ các yêu cầu về chất lượng, đảm bảo về mặt cơ sở pháp lý để xây dựng, phát triển và quản lý thương mại. Các quy hoạch, đề án, chương trình hành động là căn cứ quan trọng để UBND quận Thanh Khê kết hợp triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao thuộc ngành Công Thương như đầu tư phát triển các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, các công trình điện, nước, sữa chữa, nâng cấp hạ tầng thương mại v.v…
- Khi triển khai thực hiện các nội dung quy hoạch. Đề án, Kế hoạch, Phòng Kinh tế quận đã phối hợp cùng các phòng ban sở, ngành có liên quan xem xét và trao đổi những phương án thực hiện sao cho một cách hiệu quả mang lại lợi ích cao nhất đồng thời báo cáo những vướng mắc cho UBND khắc phục và chỉ đạo xử lý kịp thời tuân thủ theo chức năng quản lý nhà nước. Đến nay, việc triển khai các quy hoạch, kế hoạch, đề án lĩnh vực thương mại tại quận đã đạt một số kết quả khả quan, cụ thể:
- Triển khai tốt các chương trình như bình ổn thị trường, chống suy giảm kinh tế để ổn định sản xuất và xuất khẩu, chương trình hoạt động xúc tiến thương mại, khuyến công, chương trình nâng cao năng lực cạnh tranh các sản phẩm xuất khẩu... đã tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình phát triển thương mại của quận. Nhiều chợ, siêu thị và trung tâm thương mại tại các phường và khu đô thị đã được đầu tư, nâng cấp do thực hiện tốt chủ trương xã hội hóa, huy động được nhiều nguồn lực của xã hội để đầu tư phát triển cơ cấu hạ tầng thương mại quận, trong giai đoạn 2012-2017, toàn quận đã đầu tư sữa chữa xây dựng 05 chợ (xây dựng mới 01 chợ và xây dựng lại 4 chợ) và 01 siêu thị (trong đó có 01 siêu thị thuộc Nguyễn Kim cải tạo lại), 02 trung tâm thương mại. Đồng thời, các ngành thương mại – dịch vụ chất lượng cao, thương mại
điện tử cũng được coi trọng đầu tư, phát triển; kim ngạch xuất, nhập khẩu giai đoạn 2012 - 2017 luôn giữ mức tăng trưởng khá, đóng góp đáng kể vào sự phát triển chung ngành thương mại của thành phố Đà Nẵng.
- Tuy nhiên, bên cạnh các mặt đã đạt được, vẫn tồn tại một số nội dung trong quy hoạch, đề án, phương án, kế hoạch như: Việc rà soát điều chỉnh các quy hoạch còn cảm tính; phần lớn điều chỉnh để giải quyết những bức xúc cho người dân nhưng chưa có cơ sở đánh giá việc triển khai, thực thi các nội dung quy hoạch một cách khoa học, đảm bảo đủ điều kiện điều chỉnh hoặc sửa đổi để mang tính khả thi hơn, nguyên nhân do sự tham gia của cộng đồng người dân và các thành phần kinh tế còn hạn chế nên chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế phát triển của quận v.v…Việc kiểm tra, giám sát chưa thường xuyên, còn mang tính định kỳ, chưa chủ động tham mưu UBND thành phố điều chỉnh, bổ sung những vấn đề phát sinh, những vấn đề không còn phù hợp trong nội dung các quy hoạch đã được phê duyệt.
Trong quá trình lập quy hoạch còn cứng nhắc, rập khuôn, áp dụng quy chuẩn, tiêu chuẩn chưa hợp lý; không ít các đơn vị tư vấn lập quy hoạch nghiên cứu khảo sát chưa kỹ, chưa thấu đáo với điều kiện tự nhiên, tình hình thực tế, cũng như khả năng, tiềm năng nguồn lực địa phương, nếp sống, ngành nghề cũng như thu nhập của các hộ dân để có những giải pháp đề xuất phù hợp, nên chất lượng của các quy hoạch, đề án còn hạn chế.