- Khái niệm hợp đồng:
Theo nghĩa rộng, hợp đồng là sự thống nhất thỏa thuận của hai hay nhiều chủ thể. Khi các chủ thể cùng thống nhất ý chí về một nội dung nào đó nghĩa là một thỏa thuận đã được hình thành và hợp đồng được xác lập. Cách các bên lựa chọn ghi nhận thỏa thuận sẽ quyết định hình thức hợp đồng. Trong cuộc sống sinh hoạt, hợp đồng thường tồn tại dưới dạng thỏa thuận bằng lời nói. Khi cần chắc chắn về khả năng thực hiện hợp đồng hoặc chứng minh nội dung thỏa thuận, các bên sẽ lựa chọn xác lập hợp đồng bằng văn bản, ví dụ khi hợp đồng có giá trị lớn hoặc trong kinh doanh.
Hợp đồng là thỏa thuận về quyền và nghĩa vụ của các bên trong mỗi quan hệ pháp luật. Nội dung thỏa thuận trong hợp đồng tạo ra các hệ quả pháp lý là phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ của các bên liên quan. Trong hợp đồng, quyền của bên này thường tương ứng với quyền của bên kia và ngược lại, nghĩa vụ của bên này cũng tương ứng với nghĩa vụ của bên kia. Thông qua việc thực hiện hợp đồng, các bên đạt được mục đích mình mong muốn. Ví dụ, bên A có nghĩa vụ thực hiện một công việc cho bên B thì tương ứng, bên B có nghĩa vụ trả cho bên A một khoản tiền công. Bên B có quyền nhận kết quả thực hiện công việc từ bên A thì tương ứng bên A có quyền nhận tiền thù lao từ bên B. Như vậy, bản chất hợp đồng là quan hệ về tài sản nên thực hiện đúng hợp đồng góp phần thúc đẩy giao dịch dân sự phát triển, góp phần thúc đẩy kinh tế xã hội phát triển.
Khi thiết lập hợp đồng, các bên có quyền tự do thỏa thuận. Tuy nhiên, để quyền lợi của các bên được bảo vệ thì hợp đồng này phải có hiệu lực, nghĩa là hợp đồng phải được công nhận. Hợp đồng có hiệu lực khi nó đáp ứng được các quy định về nội dung và hình thức hợp đồng. Về nội dung, các bên trong hợp đồng có quyền tự do thỏa thuận nhưng những thỏa thuận này không được trái pháp luật và đạo đức xã hội. Về hình thức, có một số loại hợp đồng phải thực hiện các thủ tục như công chứng, chứng thực, đăng ký, … thì mới có hiệu lực, như các hợp đồng liên quan đến bất động sản hoặc động sản phải đăng ký quyền sở hữu: nhà ở, quyền sử dụng đất, xe ô tô, phần vốn góp trong doanh nghiệp, …
Hoạt động thương mại là hoạt động kinh doanh, nhằm mục đích sinh lợi của các tổ chức, cá nhân. Hợp đồng được xác lập trong hoạt động thương mại được gọi là hợp đồng thương mại. Do hợp đồng gắn liền với hoạt động sản xuất, kinh doanh nên nếu một bên trong hợp đồng thương mại không thực hiện đúng nội dung thỏa thuận thì có thể gây thiệt hại lớn cho bên kia. Vì vậy, khi soạn thảo hợp đồng thương mại, các bên luôn thỏa thuận rất chi tiết về nội dung hợp đồng, đặc biệt là những điều khoản xác định trách nhiệm của các bên khi vi phạm hợp đồng.
- Vi phạm hợp đồng:
Một hợp đồng có hiệu lực có giá trị bắt buộc thi hành đối với các bên tham gia giao kết hợp đồng. Các bên phải thực hiện đúng nghĩa vụ của mình theo đúng đối tượng, số lượng, chất lượng, thời hạn, phương thức, địa điểm … đã thỏa thuận. Khi các bên thực hiện đúng, đầy đủ theo nội dung thỏa thuận nghĩa là các bên đã thực hiện đúng hợp đồng. Trường hợp có bên không thực hiện đúng nội dung thỏa thuận nghĩa là bên đó đã vi phạm hợp đồng và bên vi phạm phải chịu trách nhiệm đối với hành vi vi phạm hợp đồng của mình.
Không thực hiện đúng nội dung thỏa thuận có thể là chậm thực hiện nghĩa vụ, hàng hóa không đạt chất lượng yêu cầu hoặc thiếu hụt về số lượng … nên có thể nói, “không thực hiện đúng hợp đồng” hoặc “không thực hiện nghĩa vụ” là
“vi phạm hợp đồng”.
- Trách nhiệm pháp lý khi vi phạm hợp đồng:
Trách nhiệm thường được dùng với ý nghĩa là phần việc một người phải thực hiện hoặc hậu quả họ phải chịu nếu không thực hiện được công việc. Trách nhiệm pháp lý được hiểu là hậu quả bất lợi một chủ thể phải gánh chịu do có hành vi vi phạm pháp luật. Hợp đồng có hiệu lực thì có giá trị bắt buộc thi hành với các bên tham gia giao kết và được pháp luật bảo vệ. Vì vậy, bên vi phạm hợp đồng được coi là vi phạm pháp luật và phải chịu trách nhiệm pháp lý là trách nhiệm dân sự đối với bên bị vi phạm.
Khi nói về trách nhiệm do vi phạm hợp đồng thì các nhà làm luật thường sử dụng thuật ngữ gần nghĩa như “chế tài”, “trách nhiệm” (trách nhiệm dân sự).
Chẳng hạn như: trách nhiệm do không thực hiện nghĩa vụ giao vật, trách nhiệm do chậm thực hiện nghĩa vụ trả tiền, trách nhiệm do không thực hiện hoặc không được thực hiện một công việc, chế tài buộc thực hiện đúng hợp đồng, chế tài tạm ngừng thực hiện hợp đồng, chế tài đình chỉ thực hiện hợp đồng, chế tài hủy bỏ hợp đồng [3],[6]. Có thể thấy thuật ngữ “chế tài” và “trách nhiệm dân sự” có nội hàm tương đương và được sử dụng thay thế nhau. Trong một số trường hợp, cụm từ “biện pháp” hoặc “phương thức” cũng được sử dụng thay thế cho thuật ngữ “chế tài”.
Mang tính chất của trách nhiệm dân sự là trách nhiệm về tài sản, trách nhiệm pháp lý khi vi phạm hợp đồng là hậu quả bất lợi về vật chất mà bên vi phạm hợp đồng phải chịu đối với bên bị vi phạm. Theo đó, có hai hậu quả pháp lý bất lợi do vi phạm hợp đồng là bên vi phạm đền bù về vật chất tương xứng những thiệt hại mà bên bị vi phạm phải gánh chịu hoặc bên vi phạm chịu thiệt hại vật chất vì đã vi phạm hợp đồng bất kể bên bị vi phạm có bị thiệt hại hay không. Từ đây hình thành hai hình thức trách nhiệm dân sự do vi phạm hợp đồng là bồi thường thiệt hại và phạt vi phạm.
Bồi thường thiệt hại là việc bên vi phạm đền bù về vật chất tương xứng những thiệt hại mà bên bị vi phạm phải chịu. Còn phạt vi phạm là việc bên vi phạm chịu thiệt hại vật chất vì đã vi phạm hợp đồng. Phạt vi phạm không xem
xét đến hậu quả của hành vi vi phạm hợp đồng còn bồi thường thiệt hại phụ thuộc vào hậu quả của hành vi vi phạm hợp đồng (phụ thuộc vào mức độ thiệt hại). Giá trị bồi thường thiệt hại tương đương với giá trị thiệt hại xảy ra.
Hành vi vi phạm hợp đồng của một bên có thể gây ra thiệt hại cho bên kia và bên vi phạm phải bù đắp những thiệt hại đó. Việc bù đắp thiệt hại phải tuân thủ nguyên tắc đền bù tương xứng. Nghĩa là giá trị bồi thường phải tương đương với giá trị thiệt hại xảy ra, bên vi phạm không thể lựa chọn bồi thường số tiền nhỏ hơn giá trị thiệt hại và bên bị vi phạm cũng không thể đòi hỏi số tiền bồi thường lớn hơn giá trị thiệt hại. Bằng việc bồi thường thiệt hại, bên vi phạm đã sửa chữa, khôi phục tình trạng của quan hệ hợp đồng như trước khi có hành vi vi phạm hợp đồng.
Từ những phân tích trên, có thể đưa ra khái niệm trách nhiệm bồi thường thiệt hại khi vi phạm hợp đồng như sau: Trách nhiệm bồi thường thiệt hại khi vi phạm hợp đồng là việc bên vi phạm hợp đồng trả một khoản tiền cho bên bị vi phạm để bù đắp những thiệt hại xảy ra do hành vi vi phạm hợp đồng.