Thiệt hại thực tế

Một phần của tài liệu Trách nhiệm bồi thường thiệt hại khi vi phạm hợp đồng thương mại (Trang 32 - 36)

1.2. Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại

1.2.2. Thiệt hại thực tế

Căn cứ thứ hai để phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại là hành vi vi phạm hợp đồng gây thiệt hại thực tế cho bên bị vi phạm. Nếu không có thiệt hại thực tế thì bên vi phạm không phải bồi thường, trừ trường hợp các bên thỏa thuận khác.

Thiệt hại thực tế là thiệt hại đã xảy ra. Có hai loại thiệt hại là thiệt hại về vật chất và thiệt hại về tinh thần. Khi nhắc đến thiệt hại do hành vi vi phạm hợp đồng gây ra thì thông thường mọi người đều nghĩ đến thiệt hại vật chất vì hợp đồng mang bản chất là quan hệ tài sản, tuy nhiên, thiệt hại về tinh thần do vi phạm hợp đồng đang dần trở nên phổ biến.

Thiệt hại vật chất gồm những tổn thất trực quan mà các bên có thể nhìn thấy được như hàng hóa hư hỏng do chậm tiếp nhận nghĩa vụ; chi phí hợp lý để hạn chế thiệt hại như chi phí thuê kho lạnh bảo quản hàng hóa trong thời gian chậm tiếp nhận nghĩa vụ; và những tổn thất không trực quan như thu nhập thực tế bị mất (hoặc bị giảm sút) như việc bên bán giao hàng muộn nên thời điểm bên mua giao hàng hóa cho bên thứ ba thì giá hàng hóa giảm so với thời điểm bên bán giao hàng đúng hạn. Ngoài ra, trong một số trường hợp, thiệt hại còn bao gồm lợi ích mà bên bị vi phạm đáng lẽ được hưởng do hợp đồng mang lại.

Thiệt hại về tinh thần là những tổn thất về sức khỏe, tâm lý, ... do hành vi vi phạm hợp đồng. Thiệt hại về tinh thần không phải là tổn thất trực quan nên việc chứng minh thiệt hại tinh thần, xác định mức độ thiệt hại khá khó khăn. Không phải mọi hành vi vi phạm hợp đồng đều gây ra thiệt hại về tinh thần. Thiệt hại về

tinh thần chỉ xảy ra trong những hợp đồng mà đối tượng của hợp đồng là sức khỏe, hoặc mục đích giao kết hợp đồng nhằm hướng tới lợi ích tinh thần.

Ngoài ra, thiệt hại thực tế còn được phân loại thành hai loại là thiệt hại trực tiếp và thiệt hại gián tiếp. Thiệt hại trực tiếp là những thiệt hại đã xảy ra mà hành vi vi phạm là nguyên nhân duy nhất gây ra thiệt hại đó và thường xác định được rất rõ ràng, chính xác. Thiệt hại trực tiếp là tài sản bị mất mát, hư hỏng, bị giảm sút về số lượng và chất lượng, chi phí để ngăn chặn và hạn chế thiệt hại … Thiệt hại gián tiếp là những thiệt hại suy đoán (dựa trên tài liệu, chứng cứ) như thu nhập thực tế bị mất, bị giảm sút, phần lợi ích mà đáng lẽ bên bị vi phạm có được từ hợp đồng, thiệt hại về tài sản vô hình, tiền phạt hợp đồng và bồi thường thiệt hại bên bị vi phạm phải trả cho bên thứ ba do hậu quả trực tiếp của hành vi vi phạm hợp đồng.

Trường hợp vi phạm hợp đồng trước hạn thì toàn bộ thiệt hại chưa xảy ra nhưng đã có căn cứ rõ ràng để xác định thiệt hại nên thiệt hại vẫn là thiệt hại thực tế. Bên bị vi phạm có thể yêu cầu bên vi phạm trước hạn bồi thường những tổn thất hợp lý như khoản lợi mà bên bị vi phạm đáng lẽ được hưởng. Nếu bên vi phạm thông báo về vi phạm hợp đồng trước hạn có thể làm giảm khoản bồi thường cho bên vi phạm và có thể làm giảm hoặc tránh được thiệt hại giữa bên bị vi phạm với bên thứ ba. Như vậy thì cả bên vi phạm và bên bị vi phạm đều có lợi. Khi một bên không thể thực hiện nghĩa vụ thì thông báo vi phạm hợp đồng trước hạn là giải pháp để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại xảy ra. Ngoài ra, nếu bên vi phạm biết rõ rằng mình không có khả năng thực hiện nghĩa vụ mà không thông báo cho bên kia biết trước thì bên vi phạm còn vi phạm nghĩa vụ ngăn chặn, hạn chế tổn thất.

1.2.3. Mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm và thiệt hại thực tế xảy ra Trong quá trình thực hiện hợp đồng, không phải bất kỳ trường hợp nào có hành vi vi phạm hợp đồng và có thiệt hại cũng làm phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại của bên vi phạm. Bên vi phạm chỉ phải chịu trách nhiệm đối với những thiệt hại trực tiếp do hành vi vi phạm của mình gây ra. Nghĩa là giữa hành vi

vi phạm và thiệt hại xảy ra phải có mối quan hệ nhân quả. Trường hợp không có mối quan hệ nhân quả thì bên vi phạm không phải chịu trách nhiệm đối với thiệt hại xảy ra. Để yêu cầu bên vi phạm bồi thường thiệt hại, bên bị vi phạm phải chứng minh được hành vi vi phạm hợp đồng, thiệt hại, xác định được giá trị thiệt hại và mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm với thiệt hại đó. Mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm hợp đồng với thiệt hại xảy ra là điều kiện thứ ba làm phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại khi vi phạm hợp đồng.

Mối quan hệ nhân quả thể hiện ở chỗ: hành vi vi phạm hợp đồng là nguyên nhân trực tiếp gây ra thiệt hại và thiệt hại đó xảy ra vì duy nhất hành vi vi phạm này. Hành vi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp gây ra thiệt hại khi hành vi vi phạm luôn hàm chứa khả năng dẫn đến thiệt hại và thiệt hại xảy ra là hậu quả tất yếu, là sự hiện thực hóa khả năng này trong điều kiện phù hợp và ngoài hành vi vi phạm, không còn nguyên nhân nào khác gây ra thiệt hại.

Tuy nhiên trên thực tế, một hành vi vi phạm là nguyên nhân gây ra nhiều thiệt hại và một thiệt hại có thể do nhiều nguyên nhân tác động gây ra cho nên việc xác định ngoài hành vi vi phạm này còn nguyên nhân nào khác gây ra thiệt hại hay không hoặc hành vi vi phạm này gây ra bao nhiêu % thiệt hại là việc khá khó khăn. Để xác định đúng mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm với thiệt hại xảy ra, mức thiệt hại cần sự phối hợp giữa bên vi phạm – bên bị vi phạm với cơ quan giải quyết tranh chấp. Hai bên cần đưa ra những căn cứ rõ ràng, xác thực và cơ quan giải quyết tranh chấp cần xem xét, đánh giá khách quan sự việc thì mới xác định được chính xác mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm hợp đồng và thiệt hại xảy ra, từ đó có thể tính toán đúng mức bồi thường thiệt hại. Trường hợp thiệt hại xảy ra không phải do duy nhất hành vi vi phạm hợp đồng thì bên vi phạm chỉ phải bồi thường phần thiệt hại do hành vi của mình gây ra.

Việc xác định mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm và thiệt hại gián tiếp nhiều khi thực sự là nút thắt trong quá trình giải quyết tranh chấp.

Trong trường hợp này, bên bị thiệt hại phải chứng minh được thiệt hại gián tiếp

mà họ yêu cầu bồi thường là hậu quả nối tiếp của hành vi vi phạm và hành vi vi phạm là nguyên nhân duy nhất gây ra thiệt hại. Ví dụ: A yêu cầu B bồi thường thiệt hại vì B vi phạm hợp đồng mua bán hàng hóa với A. Trong những thiệt hại A yêu cầu bồi thường có số tiền A phải bồi thường thiệt hại cho C vì A vi phạm hợp đồng với C. A giải thích rằng do hành vi vi phạm hợp đồng của B khiến A không có hàng để cung cấp cho C dẫn đến vi phạm hợp đồng với C. Trường hợp này nếu B chứng minh được rằng khoảng thời gian từ thời điểm B vi phạm hợp đồng đến thời hạn A thực hiện hợp đồng đủ dài và A có khả năng mua được hàng hóa khác cung cấp cho C thì những thiệt hại do A vi phạm hợp đồng với C không được tính là thiệt hại gián tiếp do hành vi vi phạm hợp đồng của B và B không phải chịu trách nhiệm bồi thường những thiệt hại này.

Ngoài ra, còn có trường hợp bên vi phạm không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại mặc dù chứng minh được có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm hợp đồng và thiệt hại xảy ra đó là vi phạm hợp đồng trong trường hợp bất khả kháng. Có thể coi đây là một ngoại lệ trong mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm hợp đồng và thiệt hại.

1.2.4. Yếu tố lỗi của bên vi phạm hợp đồng

Lỗi là một căn cứ làm phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng. Lỗi là trạng thái ý thức của con người đối với hậu quả của hành vi vi phạm hợp đồng. Lỗi bao gồm lỗi cố ý và lỗi vô ý. Lỗi cố ý là trường hợp một người nhận thức rõ hành vi của mình sẽ gây thiệt hại cho người khác mà vẫn thực hiện và mong muốn hoặc tuy không mong muốn nhưng để mặc cho thiệt hại xảy ra. Lỗi vô ý là trường hợp một người không thấy trước hành vi của mình có khả năng gây thiệt hại, mặc dù phải biết hoặc có thể biết trước thiệt hại sẽ xảy ra hoặc thấy trước hành vi của mình có khả năng gây thiệt hại, nhưng cho rằng thiệt hại sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn chặn được.[6, Điều 364].

Luật Thương mại năm 2005 và Bộ luật Dân sự năm 2015 không quy định lỗi là căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại không có nghĩa là yếu tố lỗi bị loại trừ khi xem xét trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Mà bởi vì trong

những trường hợp vi phạm hợp đồng, bên vi phạm luôn bị suy đoán là có lỗi cho đến khi họ chứng minh được là họ không có lỗi. Đây là nguyên tắc "suy đoán lỗi", nguyên tắc này giúp bên bị vi phạm hợp đồng bảo vệ quyền lợi của mình vì không phải chứng minh lỗi của bên vi phạm. Trách nhiệm chứng minh thuộc về bên vi phạm nếu họ xác đinh họ không có lỗi hoặc chỉ có một phần lỗi khi vi phạm hợp đồng.

Trường hợp hành vi vi phạm hợp đồng chỉ gây ra một phần thiệt hại thì cần xác định mức độ lỗi để từ đó các bên xác định được phần thiệt hại do hành vi vi phạm hợp đồng gây nên và tính toán số tiền bồi thường thiệt hại cho phù hợp. Bên vi phạm hợp đồng chỉ phải chịu trách nhiệm đối với phần thiệt hại do hành vi vi phạm hợp đồng của mình gây ra.

Một phần của tài liệu Trách nhiệm bồi thường thiệt hại khi vi phạm hợp đồng thương mại (Trang 32 - 36)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(128 trang)