Bồi thường thiệt hại khi vi phạm hợp đồng và bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng

Một phần của tài liệu Trách nhiệm bồi thường thiệt hại khi vi phạm hợp đồng thương mại (Trang 26 - 30)

Trách nhiệm bồi thường thiệt hại được phân chia thành nhiều loại, trong đó cách phân chia cơ bản nhất là gồm có trách nhiệm bồi thường thiệt hại do vi

phạm hợp đồng (theo hợp đồng) và trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.

Vì cùng là trách nhiệm dân sự nên trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo hợp đồng và trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng đều có những đặc điểm chung là:

+ Chỉ áp dụng với người thực hiện hành vi vi phạm;

+ Là hậu quả pháp lý bất lợi mang tính tài sản mà người gây thiệt hại phải chịu;

+ Được đảm bảo thi hành bởi pháp luật và các cơ quan cưỡng chế.

Sự phân chia trách nhiệm bồi thường thiệt hại thành trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo hợp đồng và trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là căn cứ vào nguồn gốc phát sinh: Trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo hợp đồng phát sinh khi một bên có hành vi vi phạm hợp đồng gây thiệt hại cho bên kia; còn trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng phát sinh khi một người có hành vi vi phạm pháp luật gây thiệt hại cho người khác. Do sự khác biệt từ khi hình thành nên trách nhiệm bồi thường theo hợp đồng và trách nhiệm bồi thường ngoài hợp đồng có nhiều điểm khác nhau như:

- Về nguồn gốc phát sinh:

Trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo hợp đồng phát sinh trên cơ sở một hợp đồng đã có hiệu lực: hành vi vi phạm phải xảy ra khi hai bên (bên vi phạm và bên bị vi phạm) đang tồn tại một quan hệ hợp đồng và hành vi gây thiệt hại phải là hành vi vi phạm hợp đồng. Trong khi trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng phát sinh trên cơ sở hành vi vi phạm pháp luật ngoài hợp đồng xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác.

Nghĩa là nếu giữa bên vi phạm và bên bị vi phạm không tồn tại hợp đồng nào; hoặc giữa hai bên có lập hợp đồng nhưng hợp đồng đó chưa có hiệu lực pháp luật; hoặc giữa hai bên đang tồn tại hợp đồng có hiệu lực nhưng hành vi gây thiệt hại không phải hành vi vi phạm hợp đồng đó thì trách nhiệm bồi thường thiệt hại nếu có sẽ là trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng,

không phải là trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo hợp đồng. Nói cách khác, phân biệt điều kiện phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo hợp đồng và ngoài hợp đồng có thể dùng phương pháp loại trừ là: hành vi vi phạm hợp đồng gây ra gây thiệt hại cho một bên trong hợp đồng làm phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo hợp đồng; còn các hành vi vi phạm pháp luật gây thiệt hại còn lại làm phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.

Như vậy, trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng thường là trách nhiệm dân sự đối với hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, uy tín, tài sản của cá nhân, tổ chức khác. Đặc biệt, những trường hợp hợp đồng vô hiệu, hủy bỏ hợp đồng, hoặc vi phạm đề nghị giao kết hợp đồng mà phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại thì đây là trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng bởi lẽ hợp đồng giữa các bên chưa được thiết lập hoặc được coi là chưa có hiệu lực.

- Về điều kiện phát sinh:

Trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo hợp đồng có thể được các bên thỏa thuận trước khi xảy ra hành vi gây thiệt hại nên điều kiện phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo hợp đồng có thể được các bên thỏa thuận như bên vi phạm không có lỗi vẫn phải bồi thường.

Trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng không thể thỏa thuận trước khi xảy ra hành vi gây thiệt hại, các bên chỉ có thể thỏa thuận sau khi đã xảy ra hành vi gây thiệt hại để giải quyết hậu quả. Điều kiện phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng đã được pháp luật quy định phải đầy đủ là: có hành vi trái pháp luật, có thiệt hại xảy ra, có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi trái pháp luật và thiệt hại xảy ra, có lỗi của bên gây thiệt hại.

- Về chủ thể chịu trách nhiệm:

+ Chủ thể chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng có thể là người gây thiệt hại, hoặc là người khác như cha mẹ của người chưa thành niên gây thiệt hại, người giám hộ, pháp nhân nếu người của pháp nhân gây thiệt hại,

+ Chủ thể chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo hợp đồng là một bên trong quan hệ hợp đồng. Trường hợp hành vi vi phạm hợp đồng gây thiệt hại cho người thứ ba thì nếu có phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại giữa bên vi phạm và người thứ ba thì đây là trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Nếu hợp đồng bị vi phạm là hợp đồng vì lợi ích của người thứ ba thì trách nhiệm bồi thường thiệt hại là trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo hợp đồng vì khi đó người thứ ba cũng là một bên liên quan trong hợp đồng. Điểm khác biệt là chủ thể chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo hợp đồng không thể nhờ người khác chịu trách nhiệm thay mình, trừ khi được người đó và bên bị vi phạm cùng đồng ý.

- Về mức bồi thường:

+ Mức bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng được xác định theo nguyên tắc bồi thường toàn bộ thiệt hại, trừ trường hợp người gây thiệt hại có lỗi vô ý và thiệt hại xảy ra quá lớn so với khả năng kinh tế trước mắt và lâu dài của họ.

+ Mức bồi thường thiệt hại theo hợp đồng có thể được các bên thỏa thuận từ trước khi xảy ra hành vi vi phạm, trước khi có thiệt hại. Và mức bồi thường thiệt hại được thỏa thuận có thể cao hơn hoặc thấp hơn giá trị thiệt hại xảy ra.

- Hậu quả sau khi bồi thường thiệt hại:

+ Sau khi bên vi phạm bồi thường toàn bộ trách nhiệm theo hợp đồng thì không làm chấm dứt quan hệ nghĩa vụ giữa bên vi phạm với bên bị vi phạm vì lúc đó hợp đồng được coi là đã khôi phục tình trạng quan hệ hợp đồng như trước khi có hành vi vi phạm và bên vi phạm phải tiếp tục thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng.

+ Sau khi bên gây thiệt hại bồi thường toàn bộ trách nhiệm ngoài hợp đồng thì làm chấm dứt quan hệ nghĩa vụ giữa bên gây thiệt hại và bên bị thiệt hại.

Sự khác biệt từ nguồn gốc, điều kiện phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo hợp đồng và trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng dẫn đến nghĩa vụ chứng minh thiệt hại của mỗi loại trách nhiệm khác nhau. Sự phân biệt trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo hợp đồng và trách nhiệm bồi thường

thiệt hại ngoài hợp đồng có ý nghĩa quyết định trong nghĩa vụ chứng minh của các bên, nhất là trong những trường hợp hợp đồng giữa hai bên có thỏa thuận về hành vi vi phạm và quy định pháp luật cũng quy định về hành vi này.

Một phần của tài liệu Trách nhiệm bồi thường thiệt hại khi vi phạm hợp đồng thương mại (Trang 26 - 30)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(128 trang)