CHƯƠNG 2: CƠ SỞ LÝ THUYẾT
2.2. Tổng quan về minh bạch thông tin kế toán trong khu vực công
2.2.3. Minh bạch TTKT của đơn vị SNCL tại Việt Nam
2.2.3.2. Quan điểm tiếp cận minh bạch TTKT của đơn vị SNCL trong các quy định pháp lý Việt Nam hiện nay
Như trình bày mục 2.2.1, tính triết lý về minh bạch ở Việt Nam cũng tương đồng với các nước trên thế giới, là một khái niệm tương đối, trừu tượng nên không thể định nghĩa một cách trực tiếp mà phải xác định thông qua các yêu cầu để hướng đến minh bạch TTKT. Cho đến nay, minh bạch TTKT vẫn chưa được quy định rõ ràng và thống nhất trong bất kỳ văn bản pháp lý nào tại Việt Nam. Dựa trên 03 khía cạnh bao hàm trong minh bạch TTKT được nhận diện từ tổng quan lý thuyết (công bố thông tin; chất lượng thông tin; và trách nhiệm giải trình), tác giả sẽ phân tích các văn bản pháp lý liên quan của Việt Nam quy định các yêu cầu về 03 khía cạnh này để xác định các yêu cầu hướng đến minh bạch TTKT của đơn vị SNCL Việt Nam.
(1) Chất lượng thông tin kế toán Luật NSNN số 83/2015/QH13
Luật NSNN số 83/2015/QH13, quản lý NSNN minh bạch giúp kiểm soát hoạt động ngân sách tránh được các rủi ro và hạn chế sự biến tướng của sử dụng NSNN. Luật NSNN quy định nội dung TTKT mà đơn vị SNCL phải công khai là: số liệu và báo cáo thuyết minh dự toán NSNN trình Quốc hội, Hội đồng nhân dân, dự toán đã được cấp có thẩm quyền quyết định, tình hình thực hiện và quyết toán NSNN, và kết quả thực hiện các kiến nghị của Kiểm toán nhà nước. Các thông tin này phải đầy đủ và có thể so sánh được. Cụ thể:
- Đầy đủ: là nguyên tắc quan trọng hàng đầu trong công tác quản lý NSNN. Theo yêu cầu này, tất cả các nghiệp vụ thu, chi liên quan đến NSNN đều phải hạch toán, quyết toán NSNN.
Tình hình thu, chi NSNN được phản ánh đầy đủ thì NSNN sẽ được tổng hợp đầy đủ để nhà nước có thể quản lý và cân đối cán cân thanh toán quốc gia.
- Có thể so sánh được: các nguyên tắc kế toán áp dụng trong kỳ hạch toán cần có sự thống nhất. Hệ thống báo cáo được áp dụng thống nhất trong các đơn vị sử dụng NSNN. Nguyên tắc có thể so sánh được giúp nhà nước có thể so sánh số liệu ngân sách giữa các kỳ trong một đơn vị sử dụng ngân sách hay giữa các đơn vị với nhau.
Luật kế toán số 88/2015/QH13: Luật kế toán số 88/2015/QH13 quy định các nội dung mà các đơn vị công phải công khai, minh bạch TTKT như sau:
- Đơn vị kế toán sử dụng NSNN: công khai thông tin thu, chi NSNN theo quy định của Luật NSNN.
- Đơn vị kế toán không sử dụng NSNN: công khai quyết toán thu, chi tài chính năm.
- Đơn vị kế toán sử dụng các khoản đóng góp của nhân dân: công khai mục đích huy động và sử dụng các khoản đóng góp, đối tượng đóng góp, mức huy động, kết quả sử dụng và quyết toán thu, chi từng khoản đóng góp.
- Đơn vị kế toán thuộc hoạt động kinh doanh: công khai các nội dung liên quan đến tình hình tài sản, nợ phải trả và vốn chủ sở hữu; kết quả hoạt động kinh doanh; trích lập và sử dụng các quỹ; thu nhập của người lao động; các nội dung khác theo quy định của pháp luật; BCTC của đơn vị kế toán mà pháp luật quy định phải kiểm toán khi công khai phải kèm theo BCTC được kiểm toán.
Để thông tin BCTC trở nên hữu ích, Luật kế toán số 88/2015/QH13 quy định khi lập và cung cấp thông tin BCKT phải đảm bảo các yêu cầu và nguyên tắc kế toán:
- Phản ánh đầy đủ nghiệp vụ kinh tế, tài chính phát sinh vào chứng từ kế toán, sổ kế toán và BCKT.
- Phản ánh kịp thời, đúng thời gian quy định thông tin, số liệu kế toán.
- Phản ánh rõ ràng, dễ hiểu, và chính xác thông tin, số liệu kế toán.
- Phản ánh trung thực, khách quan hiện trạng, bản chất sự việc, nội dung và giá trị của nghiệp vụ kinh tế, tài chính.
- Thông tin, số liệu kế toán phải được phản ánh liên tục từ khi phát sinh đến khi kết thúc hoạt động kinh tế, tài chính, từ khi thành lập đến khi chấm dứt hoạt động của đơn vị kế toán; số liệu kế toán kỳ này phải kế tiếp số liệu kế toán của kỳ trước.
- Phân loại, sắp xếp thông tin, số liệu kế toán theo trình tự, có hệ thống và có thể so sánh, kiểm chứng được.
- Giá trị của các tài sản phải xác định một cách đáng tin cậy.
- Áp dụng nhất quán các quy định và phương pháp kế toán đã chọn trong kỳ kế toán năm.
Trường hợp thay đổi các quy định và phương pháp kế toán đã chọn thì đơn vị kế toán phải giải trình trong BCKT.
- Đơn vị kế toán phải sử dụng phương pháp đánh giá tài sản và phân bổ các khoản thu, chi thận trọng, không được làm sai lệch kết quả hoạt động kinh tế, tài chính của đơn vị.
Chế độ kế toán HCSN: Chế độ kế toán HCSN theo Thông tư 107/2017/TT-BTC không quy định rõ đặc điểm chất lượng của thông tin như trong CMKT của khu vực tư hay IPSAS. Chế độ chỉ quy định một số nguyên tắc phải đảm bảo khi lập BCKT là:
- Khi lập báo cáo quyết toán phải đảm bảo trung thực, khách quan, đầy đủ, kịp thời, phản ánh đúng tình hình thu, chi đối với từng nguồn kinh phí của đơn vị SNCL. Báo cáo quyết toán phải được lập đúng nội dung, phương pháp theo quy định và được trình bày nhất quán giữa các kỳ báo cáo. Hệ thống chỉ tiêu của báo cáo quyết toán NSNN phải phù hợp và thống nhất với mục lục NSNN, đảm bảo khả năng so sánh được giữa số thực tế với số dự toán và giữa các kỳ kế toán với nhau.
- BCTC phải phản ánh một cách trung thực, khách quan về nội dung, kịp thời, đúng thời gian quy định đối với từng loại hình đơn vị, trình bày một cách rõ ràng, dễ hiểu, chính xác thông tin và số liệu kế toán.
Luật phòng, chống tham nhũng: Luật Phòng chống tham nhũng số 55/2005/QH11 được ban hành ngày 29/11/2005 quy định về phòng ngừa, phát hiện, xử lý người có hành vi tham nhũng và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân trong phòng, chống tham nhũng.
Để phù hợp với từng giai đoạn phát triển của kinh tế- xã hội, Luật phòng chống, tham nhũng đã từng bước được sửa đổi, bổ sung hoàn thiện theo Luật số 01/2007/QH12 ngày 04/8/2007 và Luật số 27/2012/QH13 được ban hành ngày 23/11/2012.
Nguyên tắc và nội dung công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, đơn vị gồm 02 vấn đề chính: (1) Chính sách, pháp luật và việc tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật phải được công khai, minh bạch, bảo đảm công bằng, dân chủ; và (2) Cơ quan, tổ chức, đơn vị phải công khai hoạt động của mình, trừ nội dung thuộc bí mật nhà nước và những nội dung khác theo quy định của Chính phủ (Luật số 55/2005/QH11). Các nội dung yêu cầu phải công khai, minh bạch như tài chính và NSNN; Việc huy động và sử dụng các khoản đóng góp của nhân dân; Việc quản lý, sử dụng các khoản hỗ trợ, viện trợ; Quản lý dự án đầu tư xây dựng…
Riêng đối với công khai hoạt động của các đơn vị nói chung và TTKT nói riêng, nội dung yêu cầu công khai được quy định khá chi tiết cho từng lĩnh vực. Tuy nhiên, Luật này không đề cập đến các yêu cầu về các nội dung của thông tin công khai.
(2) Công bố thông tin
Hình thức công khai theo quy định của Luật NSNN số 83/2015/QH13, Luật phòng chống tham nhũng số 55/2005/QH11, NĐ 192/2004/QĐ-TTg, Luật kế toán số 88/2015/QH13, Chế độ kế toán HCSN theo TT107/2017 không có sự khác biệt. Các văn bản pháp lý này quy định TTKT phải được lập và gửi cơ quan có thẩm quyền đầy đủ, chính xác, và kịp thời. Đồng thời, thông tin, số liệu trong BCKT của đơn vị phải được công khai theo một hay 07 hình thức công khai theo quy định, trong đó có 06 hình thức đơn vị công khai thụ động và 01 hình thức đơn vị công khai chủ động. Các hình thức công bố thông tin cụ thể như sau: Công bố tại cuộc họp của đơn vị; Niêm yết tại trụ sở làm việc của đơn vị; Thông báo bằng văn bản đến đơn vị, cá nhân có liên quan; Phát hành ấn phẩm; Thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng; Đưa lên trang thông tin điện tử; Cung cấp thông tin theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
(3) Trách nhiệm giải trình
Liên quan đến công khai và minh bạch thông tin BCKT, trách nhiệm giải trình của các tổ chức và cá nhân hoạt động trong khu vực công được chú trọng và quy định khá chặt chẽ trong nhiều văn bản pháp lý của Việt Nam. Điển hình như:
- Luật phòng, chống tham nhũng số 27/2012/QH13: quy định khi có yêu cầu, cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải giải trình về quyết định, hành vi của mình trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao trước cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền, lợi ích hợp pháp bị tác động trực tiếp bởi quyết định, hành vi đó. Luật cũng nhấn mạnh trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị khi để xảy ra hành vi tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách, cũng như quyền của công dân trong việc yêu cầu cơ quan, đơn vị công cung cấp thông tin giải trình.
Bên cạnh đó, Luật này cũng đề cập đến các quy tắc đạo đức nghề nghiệp, đó là chuẩn mực xử sự phù hợp với đặc thù của từng nghề bảo đảm sự liêm chính, trung thực và trách nhiệm trong việc hành nghề.
- Trên cơ sở Luật Phòng, chống tham nhũng số 27/2012/QH13, Nghị định 90/2013/NĐ-CP ban hành ngày 08/8/2013 quy định chi tiết hơn về trách nhiệm giải trình của cơ quan Nhà nước trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao. Khái niệm trách nhiệm giải trình lần đầu tiên được làm rõ trong Nghị định này. Giải trình là việc cơ quan Nhà nước cung cấp, giải thích, làm rõ các thông tin về thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao và trách
nhiệm của mình trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn đó. Thực hiện trách nhiệm giải trình phải theo nguyên tắc bảo đảm công khai, minh bạch, đầy đủ, kịp thời, và đúng thẩm quyền; và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của Nhà nước, tổ chức, cá nhân.
Với khái niệm trách nhiệm giải trình theo Nghị định 90/2013/NĐ-CP, trách nhiệm giải trình cũng được xem như là một cơ chế, trong đó cơ quan nhà nước phải cung cấp thông tin về nhiệm vụ, quyền hạn, và trách nhiệm của họ đối với một bên liên quan cụ thể nào đó.
Tuy nhiên, những quy định chi tiết và rõ ràng về trình tự, hình thức thực hiện giải trình vẫn chưa được các văn bản có liên quan đề cập đến. Điều này dẫn đến sự thiếu thống nhất, tùy tiện trong việc thực hiện giải trình, đây chính là điểm yếu cần khắc phục trong quy định về trách nhiệm giải trình khu vực công ở Việt Nam hiện nay.