4.3. Các yếu tố liên quan đến tình trạng lo âu của đối tượng nghiên cứu
4.3.1. Các yếu tố liên quan đến tình trạng lo âu (phân tích đơn biến)
Về giới tính, nữ giới trong nghiên cứu có nguy cơ mắc lo âu cao gấp 1,9 lần so với nam (p<0,001), có thể thấy bệnh nhân nữ dễ bị lo âu nhiều hơn bệnh nhân nam và những tổn thương tâm lý cũng thường gặp ở nữ hơn là nam, điều này cũng tương đồng với nghiên cứu của Trương Thị Phương năm 2014 [40], nghiên cứu của Ryan Spencer năm 2010 [49], nghiên cứu của Patricia năm 2003 [51] và nghiên cứu của Strong.V tại Anh năm 2007 với kết quả nguy cơ mắc lo âu của nữ cao gấp 1,6 lần nam (p<0,0001) [70].
Về nhóm tuổi, những người có tỉ lệ mắc lo âu cao nhất nằm trong độ tuổi từ 40-49 với nguy cơ cao hơn 2,29 lần so với nhóm 50-59 tuổi (p<0,05), kết quả này cũng tương tự như nghiên cứu của Trương Thị Phương [40] nhưng có sự khác biệt với nghiên cứu của Jin Sheng Hong cùng Jun Tian tại Trung Quốc năm 2013 với kết quả nhóm trên 60 tuổi có tỉ lệ lo âu cao nhất, tiếp theo đến những người từ 50- 60 tuổi và nhóm dưới 50 tuổi có tỉ lệ lo âu thấp nhất (p<0,001) [53], hay theo nghiên cứu của Azadeh Tavoli và cộng sự tại Iran 2007 thì lo âu tìm thấy nhiều nhất ở những bệnh nhân thuộc nhóm tuổi 30-39 [44]. Điều này có thể giải thích bởi những người đang ở độ tuổi 40-49 thường đóng vai trò trụ cột trong gia đình về tất cả các mặt, kinh tế, xã hội, tâm lí. Những người ở độ tuổi này phải gánh vác trọng trách trong cả công việc lẫn đời sống hàng ngày cùng những lo lắng cho vợ/chồng, cho cha mẹ già và con cái trong giai đoạn chưa ổn định công việc, cuộc sống. Chính vì vậy trong nghiên cứu của chúng tôi, nhóm tuổi 40-49 có nguy cơ mắc lo âu cao hơn hẳn những nhóm tuổi khác.
Về yếu tố nghề nghiệp, những người làm nội trợ và nông dân có tỉ lệ lo âu cao hơn so với các nhóm khác, tỉ lệ lo âu thấp nhất ở những đối tượng cán bộ nhà nước và đối tượng đã về hưu, cụ thể nhóm nội trợ có nguy cơ mắc lo âu cao gấp 5,72 lần so với người làm cán bộ nhà nước ( p<0,001, 95% CI=2,09 – 15,71), điều này có thể do những bệnh nhân ở nhà làm nội trợ, thường là phụ nữ, không có việc làm và ít giao tiếp xã hội, phụ thuộc kinh tế vào chồng và gia đình nên sẽ lo lắng
nhiều hơn các đối tượng có trình độ, việc làm, có địa vị và chế độ lương đảm bảo cuộc sống ( lương hưu).
Xét đến các yếu tố về kinh tế có liên quan đến tình trạng lo âu, nghiên cứu của chúng tôi cho thấy những bệnh nhân có kinh tế gia đình nghèo và cận nghèo có nguy cơ bị lo âu cao hơn nhóm không nghèo, những đối tượng phải chi trả cho điều trị lớn hơn 10 triệu đồng một tháng cũng có nguy cơ mắc lo âu cao hơn nhóm phải chi trả ít hơn (p<0,05), đặc biệt nhóm phải vay nợ một phần có nguy cơ lo âu cao gấp 5,37 lần nhóm không phải vay nợ, nhóm phải vay toàn bộ cho điều trị có nguy cơ mắc lo âu cao gấp 20,43 lần so với nhóm đủ khả năng chi trả (p<0,001, 95% CI
= 7,79 – 53,53). Một nghiên cứu của Ryan Spencer và cộng sự (2010) tại Mỹ cũng cho thấy nhóm có thu nhập cao hơn thì tỉ lệ lo âu ít hơn nhóm có thu nhập thấp hơn, tuy nhiên sự khác biệt này không có ý nghĩa thống kê [49]. Như vậy, có thể thấy trong nghiên cứu của chúng tôi, các yếu tố về kinh tế ảnh hưởng nhiều đến sự lo âu của người bệnh, những người có điều kiện kinh tế tốt hơn thì nguy cơ lo âu cũng thấp hơn và điều này có thể giải thích bởi điều trị ung thư là một quá trình tốn kém, lâu dài với chi phí điều trị lớn, những bệnh nhân nghèo, không đủ khả năng chi trả phải vay nợ và cuộc sống sẽ ngày càng khó khăn hơn, họ sẽ phải đối mặt với những lo lắng về bệnh tật, sức khỏe và tiền bạc để điều trị cũng như để gia đình sinh sống hàng ngày.
Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy, những bệnh nhân ung thư vú lo âu nhiều hơn các loại ung thư khác, nguy cơ mắc lo âu của họ cao gấp 7,96 lần so với ung thư đầu cổ (p<0,001, 95% CI = 3,22 – 19,65), kết quả này tương đồng với nghiên cứu của Novin Nikbakhsh và cộng sự tại Iran năm 2014 [67] cũng cho thấy bệnh nhân bị ung thư vú mắc lo âu nhiều nhất, hay nghiên cứu của Strong.V tại Anh năm 2007 có kết quả bệnh nhân mắc ung thư vú và ung thư buồng trứng lo âu nhiều hơn bệnh nhân khác, người bị ung thư vú có nguy cơ lo âu cao gấp 1,22 lần so với bị ung thư đường ruột (p<0,0001) [70], nguyên nhân một phần do bệnh nhân ung thư vú không chỉ chịu đựng sự đau đớn và suy giảm sức khỏe mà khi điều trị thường phải phẫu thuật cắt bỏ khối u ở ngực, ảnh hưởng tới thẩm mĩ và hạnh phúc gia đình.
Những bệnh nhân có giai đoạn bệnh nặng cũng lo âu nhiều hơn những đối tượng bị bệnh nhẹ hơn, các kết quả này tương đồng với nghiên cứu của Patricia. A và cộng sự năm 2002 [51] và nghiên cứu của Hong J.S và Tian J năm 2013 [53].
Những đối tượng đã điều trị phối hợp giữa phẫu thuật với hóa, xạ trị có nguy cơ bị lo âu cao hơn so với nhóm chỉ thực hiện phẫu thuật. Những bệnh nhân có thời gian chẩn đoán và điều trị lớn hơn 6 tháng có nguy cơ bị lo âu cao hơn 2,15 lần so với nhóm đã được chẩn đoán với thời gian ngắn hơn (p<0,001, 95%CI=1,39 – 3,33), điều này cũng giống với nghiên cứu của Trương Thị Phương tại bệnh viện K năm 2014 với kết quả nhóm đối tượng có thời gian chẩn đoán > 6 tháng có nguy cơ lo âu cao gấp 2,42 lần so với những người có thời gian chẩn đoán ≤6 tháng (p<0,05, 95%
CI=1,11 – 5,26) [40]. Có thể thấy, khi bị mắc một căn bệnh hiểm nghèo như ung thư, người bệnh sẽ có nhiều nỗi lo đặc biệt là về giai đoạn bệnh đã ở mức độ nào, nặng hay nhẹ và có thể phát sinh những căng thẳng tâm lí khi nghĩ về thời gian sống, tỉ lệ sống…Do đó bệnh càng nặng thì khả năng sinh ra những lo lắng càng nhiều. Bên cạnh đó, thời gian điều trị dài và phối hợp nhiều phương pháp điều trị, trải qua nhiều lần hóa trị, xạ trị người bệnh lại cảm thấy mệt mỏi về tinh thần, tốn kém về kinh tế hơn nên nguy cơ mắc lo âu cũng nhiều hơn.
Từ kết quả nghiên cứu cũng cho thấy mối liên quan giữa môi trường bệnh viện đến tình trạng lo âu của bệnh nhân, đó là các yếu tố ảnh hưởng từ lo âu của bệnh nhân khác, thái độ phục vụ của nhân viên y tế và niềm tin vào thầy thuốc.
Những người bị ảnh hưởng từ lo âu của người bệnh khác ở mức độ trung bình có nguy cơ mắc lo âu cao hơn 15,35 lần so với những bệnh nhân ít bị ảnh hưởng (p<0,001, 95%CI=7,57 - 31,12), đặc biệt những đối tượng bị ảnh hưởng nhiều từ nỗi lo của người khác có khả năng bị lo âu cao gấp 268,37 lần so với đối tượng ít bị ảnh hưởng (p<0,00,95%CI=33,13 – 1000,0). Những bệnh nhân cho biết thái độ phục vụ của nhân viên y tế trung bình có nguy cơ bị lo âu cao gấp 2,98 lần so với những người phản hồi thái độ phục vụ của nhân viên y tế là tốt. Bên cạnh đó, những đối tượng không có niềm tin vào thầy thuốc có nguy cơ lo âu cao hơn 8,37 lần so với người bệnh tin tưởng (p<0,001, 95%CI=2,76 – 25,34). Theo như một nghiên
cứu của Ryan Spencer tại Mỹ trên 635 bệnh nhân năm 2010, những bệnh nhân có lo âu cũng thể hiện sự không tin tưởng vào bác sĩ cũng như những phương pháp điều trị mà bác sĩ cung cấp cho họ, những đối tượng này cũng gặp khó khăn trong việc tiếp nhận và hiểu các thông tin bác sĩ đưa ra, họ cảm thấy nghi ngờ và không thoải mái khi hỏi về tình trạng bệnh của mình [49]. Trong nghiên cứu của Mehnert năm 2010 trên 511 bệnh nhân ung thư tại Đức, sự giao tiếp giữa bác sĩ và người bệnh cũng được đánh giá là rất có ích cho việc cải thiện tình trạng căng thẳng tâm lí của bệnh nhân [69], hay trong nghiên cứu của Takayama T và cộng sự năm 2001 tại Nhật Bản có kết quả phong cách giao tiếp của bác sĩ giúp người bệnh tin tưởng, hài lòng cũng sẽ làm giảm sự lo âu của người bệnh [72]. Những kết quả này cho thấy, khi người bệnh ung thư được điều trị tại bệnh viện, các yếu tố về con người bao gồm lo âu từ bệnh nhân khác, thái độ phục vụ của các nhân viên y tế và niềm tin vào bác sĩ là rất quan trọng, có thể ảnh hưởng đến sự lo âu của bệnh nhân. Điều này có thể giải thích do với bệnh nhân, họ thường thiếu thông tin hay là không có các kiến thức chuyên môn để hiểu về tình trạng bệnh của mình, do đó thường có sẵn tâm lí hoang mang, lo sợ nhất là với bệnh hiểm nghèo như ung thư. Vì vậy, khi điều trị tại bệnh viện, được nghe những lo lắng, đau đớn, hoặc nhìn thấy tình trạng xấu từ người bệnh khác sẽ khiến cho những ai bị ảnh hưởng bởi điều này có tâm lí càng nặng nề hơn.
Bên cạnh đó, nếu có một sự không hài lòng hoặc không tin tưởng vào đội ngũ y, bác sĩ cũng sẽ ảnh hưởng nhiều đến tinh thần của người bệnh. Dựa vào các kết quả nghiên cứu này, để góp phần nâng cao hiệu quả và chất lượng chăm sóc sức khỏe toàn diện cho bệnh nhân, những nhà quản lí bệnh viện cần quan tâm chú ý hơn đến việc cải thiện các yếu tố về môi trường bệnh viện khiến người bệnh không chỉ được điều trị để có thể chất khỏe mạnh mà còn được thư giãn, thoải mái về tinh thần.