Chương 1. CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN VỀ PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP ĐÔ THỊ
1.1. Cơ sở lý luận về phát triển nông nghiệp đô thị
1.1.3. Nội dung phát triển nông nghiệp đô thị
14
1.1.3.1. Phát triển các loại hình sản xuất nông nghiệp đô thị a. Nông nghiệp đô thị sinh thái
Nông nghiệp đô thị sinh thái là nền nông nghiệp được bố trí phù hợp với điều kiện của từng vùng, tôn trọng các quan hệ và cân bằng tự nhiên; được ứng dụng khoa học công nghệ sạch vào sản xuất, nhằm sử dụng có hiệu quả các nguồn lực (đất, nước, năng lượng, lao động, dịch vụ…) tạo ra sản phẩm chất lượng cao, an toàn thực phẩm và góp phần nâng cao chất lượng môi trường và cảnh quan đô thị, đảm bảo cho sự phát triển hệ sinh thái bền vững.
Như vậy, nông nghiệp đô thị sinh thái là nền nông nghiệp không chỉ cung cấp cho thị trường những sản phẩm nông sản thông thường, mà còn cả những nông sản cao cấp và những sản phẩm đáp ứng nhu cầu về tinh thần của người dân đô thị như: Cải thiện môi trường sống, điều hòa khí hậu, làm đẹp cảnh quan… Những sản phẩm này ngày càng được coi trọng hơn trong quá trình đô thị hóa khi mà dân trí và điều kiện vật chất của người dân ngày càng được nâng cao.
Nông nghiệp đô thị sinh thái là nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và những tiến bộ khoa học kỷ thuật tiên tiến vào sản xuất, đặc biệt là công nghệ sinh học… Đảm bảo được sự cân bằng của các yếu tố tự nhiên như: đất, nước, nhiệt độ, độ ẩm… có vai trò quan trọng để hạn chế những tác động của quá trình đô thị hóa như: lọc sạch bầu không khí, làm sạch nguồn nước thải, giảm tiếng ồn và tạo cảnh quan văn hóa cho đô thị…
Nông nghiệp đô thị sinh thái, ngoài việc cung cấp lương thực, thực phẩm còn có cả tác động làm giảm tiêu cực của quá trình đô thị hóa và hữu ích đến môi trường nhờ tác động cải thiện vi khí hậu, bảo tồn và làm giàu tính đa dạng sinh học, giá trị cảnh quan, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên… Ngoài ra, nông nghiệp đô thị còn tạo cơ hội cung cấp công ăn việc làm, tăng thêm thu nhập cho một bộ phận dận cư đô thị. Việc ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất, đặc biệt là công nghệ sinh học… sẽ góp phần làm tăng năng suất và chất lượng
15
nông sản, tạo điều kiện phát triển công nghiệp chế biến, thương mại dịch vụ các sản phẩm nông sản có chất lượng cao, cho hiệu quả kinh tế cao và bền vững.
Do đó phát triển nông nghiệp đô thị sinh thái bền vững là xu hướng phát triển tất yếu của quá trình phát triển nông nghiệp tương lai. (Vũ Xuân Đề, 2003)
b. Nông nghiệp công nghệ cao
Nông nghiệp công nghệ cao là một nền nông nghiệp được ứng dụng kết hợp những công nghệ mới, tiên tiến để sản xuất, còn gọi là công nghệ cao nhằm nâng cao hiệu quả, tạo bước đột phá về năng suất, chất lượng nông sản, thỏa mãn nhu cầu ngày càng cao của xã hội và đảm bảo sự phát triển nông nghiệp bền vững.
Công nghệ cao được tích hợp ứng dụng trong nông nghiệp công nghệ cao bao gồm: công nghiệp hóa nông nghiệp (cơ giới hóa các khâu của quá trình sản xuất, thu hoạch, sơ chế, chế biến...), tự động hóa, công nghệ thông tin, công nghệ vật liệu mới, công nghệ sinh học; các giống cây trồng, vật nuôi năng suất, chất lượng cao...; các quy trình canh tác tiên tiến, canh tác hữu cơ... cho hiệu quả kinh tế cao trên một đơn vị sản xuất.
c. Du lịch nông nghiệp
Du lịch nông nghiệp là một loại hình du lịch tạo ra sản phẩm phục vụ du khách chủ yếu dựa trên nền tảng của hoạt động sản xuất nông nghiệp. Hiện nay, trên thế giới có rất nhiều khái niệm về du lịch nông nghiệp, nhưng luôn có bốn nội dung chính: kết hợp giữa du lịch và nông nghiệp; thu hút du khách đến tham quan các hoạt động liên quan đến nông nghiệp; mục đích tăng thu nhập cho nông dân; tạo cho du khách cơ hội giải trí, hoạt động rèn luyện thể lực và tinh thần, gần gũi với thiên nhiên và trải nghiệm cuộc sống nhà nông.
Điểm đặc biệt của du lịch nông nghiệp chính là sự kết hợp giữa các giá trị tự nhiên và giá trị văn hóa truyền thống tại khu vực nông thôn. Việc phát triển du lịch nông nghiệp góp phần bảo tồn các di sản văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể cũng như các ngành nghề truyền thống.
16
Hiện ở Việt Nam có những sản phẩm du lịch mang đặc trưng văn hóa nông nghiệp các vùng miền trải dài từ bắc tới nam đã được hình thành, thu hút cả du khách trong và ngoài nước. Các tour du lịch nông nghiệp điển hình như tour tham quan làng cổ Đường Lâm (Hà Nội), tour tham quan nông trường Mộc Châu (Sơn La), tour tham quan làng rau Trà Quế (Quảng Nam), tour du lịch canh nông Đà Lạt (Lâm Đồng), tour du lịch miệt vườn ở đồng bằng sông Cửu Long...
d. Nông nghiệp nghỉ dưỡng
Nghỉ dưỡng và khám phá mô hình nông nghiệp sạch là trải nghiệm độc đáo mới lạ cho du khách. Du khách sẽ có cơ hội trở thành những nông dân thực thụ từ việc tìm hiểu quy trình tạo ra một loại rau, củ,.. rồi có thể tự tay gieo trồng nếu muốn. Những thực phẩm sạch này sẽ được biến thành đồ ăn cho du khách với tiêu chí: tươi, sạch, nguồn gốc rõ ràng
Mô hình này đang rất phát triển tại Nhật Bản - đất nước của các sản phẩm công nghệ cao, thu hút hàng triệu du khách trong và ngoài nước tới tham quan và trải nghiệm.
1.1.3.2. Phát triển các loại hình thức tổ chức lãnh thổ nông nghiệp đô thị Tổ chức lãnh thổ nông nghiệp được hiểu là hệ thống liên kết không gian của các ngành, các xí nghiệp nông nghiệp và các lãnh thổ dựa trên các cơ sở quy trình kĩ thuật mới nhất, chuyên môn hóa, tập trung hóa, liên hợp hóa và hợp tác hóa sản xuất, cho phép sử dụng hiệu quả nhất sự khác nhau theo lãnh thổ về điều kiện tự nhiên, kinh tế, lao động và đảm bảo năng suất lao động xã hội cao nhất
a. Nông hộ (Hộ nông dân) là những hộ gia đình chủ yếu hoạt động nông nghiệp, bao gồm cả nghề rừng, nghề cá, và hoạt động phi nông nghiệp ở nông thôn nhưng khó phân biệt các hoạt động có liên quan với nông nghiệp và không có liên quan với công nghiệp. Hay nói cách khác, nông hộ có phương tiện kiếm sống từ ruộng đất và sử dụng chủ yếu lao động gia đình và sản xuất; luôn nằm
17
trong hệ thống kinh tế rộng lớn nhưng về cơ bản được đặc trưng tham gia một phần vào thị trường với mức độ chưa hoàn chỉnh.
b. Trang trại
Trang trại hay nông trại, nông trang là một khu vực đất đai có diện tích tương đối rộng lớn (có thể bao gồm cả hồ, sông, đầm, đìa, rạch...), nằm ở vùng đồng quê, thuộc quyền sở hữu hoặc sử dụng của cá nhân, tổ chức dùng để sản xuất nông nghiệp như trồng lúa, ngũ cốc, làm ruộng (gọi là điền trang), sản xuất lương thực, thực phẩm, chăn bò, chăn ngựa, chăn cừu, nuôi gà, dê, lợn...), nuôi trồng thuỷ sản, biển, sản xuất sợi, đay, bông... hoặc chuyên dụng cung cấp nguyên liệu cho các ngành nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ.
Trang trại là cơ sở sản xuất cơ bản trong chu trình sản xuất lương thực, ở Việt Nam, kinh tế trang trại tương đối phát triển. Trang trại có thể được sở hữu và điều hành bởi một cá nhân, cộng đồng, gia đình, Tổng công ty hoặc một công ty. Một trang trại có thể là một khu vực có kích thước tùy nghi từ một diện tích nhỏ cho đến đến vài chục nghìn ha. Một trang trại thường có đồng cỏ, ruộng, vườn, hồ nước và có hàng rào bao quanh, trong trang trại có thể có nhà để ở dành cho những người chủ trang trại hoặc người quản lý, lao động tại trang trại.
c. Hợp tác xã nông nghiệp
Hợp tác xã nông nghiệp là một tổ chức kinh tế tập thể xã hội chủ nghĩa của nông dân lao động, xây dựng theo nguyên tắc tự nguyện, cùng có lợi và quản lý dân chủ, được Đảng lãnh đạo và Nhà nước giúp đỡ.
Những tư liệu sản xuất của hợp tác xã sản xuất nông nghiệp đều thuộc quyền sở hữu tập thể. Hợp tác xã phải sử dụng tốt những thứ đó, tổ chức lao động tập thể, phát triển sản xuất, tăng năng suất lao động trên cơ sở tăng cường giáo dục tư tưởng và cải tiến kỹ thuật, đồng thời thực hiện phân phối theo lao động.
18
Hợp tác xã sản xuất nông nghiệp có nhiệm vụ đẩy mạnh sản xuất, thực hành tiết kiệm, nhằm không ngừng nâng cao mức sống của các xã viên, tăng tích lũy vốn cho hợp tác xã và xây dựng cơ sở vật chất và kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội trong nông nghiệp, xây dựng nông thôn ngày càng giàu đẹp, làm tròn mọi nghĩa vụ đối với sự nghiệp công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa và kháng chiến, cứu nước nhằm bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam, tiến tới thực hiện thống nhất nước nhà.
Ở miền Bắc nước ta, sau cải cách ruộng đất, nông dân đã nghe theo lời Đảng, hăng hái đi vào con đường hợp tác hóa nông nghiệp, tiến lên chủ nghĩa xã hội. Đến nay, phần lớn các hộ nông dân lao động đã vào hợp tác xã sản xuất nông nghiệp; phần lớn các hợp tác xã sản xuất nông nghiệp đã lên bậc cao. Các tư liệu sản xuất đã tập thể hóa. Công cuộc cải tạo quan hệ sản xuất đã giành được thắng lợi và đang phát huy tác dụng to lớn. Giai cấp nông dân tập thể đã hình thành. Khối công nông liên minh được củng cố thêm.
d. Khu nông nghiệp công nghệ cao
Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (CNC) tập trung thực hiện hoạt động ứng dụng thành tựu nghiên cứu và phát triển CNC vào lĩnh vực nông nghiệp để thực hiện các nhiệm vụ: chọn tạo, nhân giống cây trồng, giống vật nuôi cho năng suất, chất lượng cao; phòng, trừ dịch bệnh; trồng trọt, chăn nuôi đạt hiệu quả cao; tạo ra các loại vật tư, máy móc, thiết bị sử dụng trong nông nghiệp; bảo quản, chế biến sản phẩm nông nghiệp; phát triển doanh nghiệp NNƯDCNC và phát triển dịch vụ CNC phục vụ nông nghiệp.
Khu nông nghiệp công nghệ cao chỉ mới xuất hiện vài năm gần đây ở nước ta, tập trung chủ yếu ở các thành phố và trung tâm công nghiệp lớn, chuyên nghiên cứu và ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp.
KNNCNC là cơ sở quan trọng để hướng đến nền sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.
19
Chức năng cơ bản của khu nông nghiệp công nghệ cao: Nghiên cứu ứng dụng; thử nghiệm; trình diễn CNC; đào tạo nguồn nhân lực; sản xuất sản phẩm NNCNC. Trong đó 3 chức năng: sản xuất, thử nghiệm, trình diễn mang tính phổ biến, 2 chức năng còn lại tùy đặc điểm của từng khu.
Phát triển CNC trong nông nghiệp tập trung vào các nhiệm vụ chủ yếu sau đây:
- Chọn tạo, nhân giống cây trồng, giống vật nuôi cho năng suất, chất lượng cao;
- Phòng, trừ dịch bệnh;
- Trồng trọt, chăn nuôi đạt hiệu quả cao;
- Tạo ra các loại vật tư, máy móc, thiết bị sử dụng trong nông nghiệp;
- Bảo quản, chế biến sản phẩm nông nghiệp;
- Phát triển doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng CNC;
- Phát triển dịch vụ công nghệ cao phục vụ nông nghiệp.
Như vậy, công nghệ cao trong nông nghiệp được hiểu là áp dụng một cách hợp lý các kỹ thuật tiên tiến nhất (TBKT mới) trong việc chọn, lai tạo ra giống cây trồng vật nuôi mới, chăm sóc nuôi dưỡng cây, con bằng thiết bị tự động, điều khiển từ xa, chế biến phân hữu cơ vi sinh cho cây trồng thức ăn gia súc, gia cầm, thủy hải sản, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, công nghệ tự động trong tưới tiêu, công nghệ chế biến các sản phẩm vật nuôi, cây trồng và xử lý chất thải bảo vệ môi trường. Trong đó, công nghệ sinh học đóng vai trò chủ đạo.
Đặc trưng của sản xuất tại các khu NNCNC: đạt năng suất cao kỷ lục và hiệu quả kinh tế rất cao.
Vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao: Là vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, ứng dụng thành tựu của nghiên cứu và phát triển CNC vào lĩnh vực nông nghiệp để thực hiện nhiệm vụ sản xuất một hoặc một vài nông sản hàng hóa và hàng hóa xuất khẩu chiến lược dựa trên các kết quả chọn tạo, nhân giống cây trồng, giống vật nuôi cho năng suất, chất lượng cao; phòng, trừ
20
dịch bệnh; trồng trọt, chăn nuôi đạt hiệu quả cao; sử dụng các loại vật tư, máy móc, thiết bị hiện đại trong nông nghiệp; bảo quản, chế biến sản phẩm nông nghiệp và dịch vụ CNC trong sản xuất nông nghiệp.
e. Vành đai nông nghiệp xung quanh thành phố
Vành đai nông nghiệp xung quanh thành phố là một chính sách giữ lại phần lớn các khu vực chưa phát triển, hoang dã, hoặc đất nông nghiệp xung quanh hoặc lân cận đô thị.
Tại Vương quốc Anh, vành đai nông nghiệp xung quanh thành phố là một chính sách để kiểm soát phát triển đô thị. Ý tưởng là tạo một vùng đệm nhằm bảo vệ vùng nông thôn đô thị có thể bị ảnh hưởng trong tương lai gần, việc duy trì một khu vực nông nghiệp, lâm nghiệp và giải trí ngoài trời có thể được áp dụng.
Vành đai nông nghiệp xung quanh thành phố nếu được quy hoạch, xác định trên cơ sở phân tích rất kỹ lưỡng hiện trạng sẽ có vai trò và lợi ích như sau:
- Vai trò của vành đai nông nghiệp xung quanh thành phố:
+ Bảo vệ môi trường tự nhiên hoặc bán tự nhiên;
+ Cải thiện chất lượng không khí trong khu vực đô thị;
+ Đảm bảo mục đích kết nối trung chuyển giữa đô thị và nông thôn;
+ Bảo vệ các đặc trưng độc đáo của cộng đồng nông thôn.
- Lợi ích của vành đai nông nghiệp xung quanh thành phố:
+ Đi bộ, cắm trại, đi xe đạp, thể thao đối với các khu vực gần với đô thị;
+ Sản xuất nông nghiệp hiện đại, sản phẩm có chất lượng và giá trị cao;
+ Khắc phục hầu hết những hạn chế phát sinh trong quá trình đô thị hoá:
Nông dân mất đất trở thành thất nghiệp, môi trường thiên nhiên bị khai thác triệt để dẫn đến suy thoái;
+ Không khí và nước sạch hơn;
+ Sử dụng đất tốt hơn tại các khu vực trong đô thị.
21
Nông nghiệp xung quanh thành phố phải đáp ứng các yêu cầu cơ bản như tạo ra các không gian công viên cây xanh tại các cửa ra vào của đô thị; bảo vệ các khu vực nông nghiệp và các khu vực có năng suất cao dễ bị thiên tai, bão, lũ lụt; bảo tồn các giá trị văn hóa và di sản; thúc đẩy các hoạt động phù hợp với bảo vệ môi trường và phát triển; cho phép một kết nối chặt chẽ hơn giữa các khu vực nông thôn, đô thị và ngoại thành, duy trì sự ổn định của các làng nghề hiện có và phát triển du lịch sinh thái...
Việc xác định nông nghiệp xung quanh thành phố (khu vực chuyển tiếp) giữa đô thị và nông thôn, với những hình thức sử dụng đa năng như: nghỉ dưỡng, vui chơi, giáo dục, đào tạo, nhà ở mật độ thấp, nông nghiệp công nghệ cao... nhằm khai thác các giá trị và những lợi ích mà nó mang lại là rất quan trọng và cần thiết. Đây cũng là một trong các giải pháp để phát triển đô thị theo hướng xanh và bền vững. (Võ Mai, 2001)