ThS. Nguyễn Phương Lan, Trường CĐSP Bà Rịa – Vũng Tàu
1. Tại sao phải đưa giáo dục sức khỏe sinh sản vào học đường.
Học sinh THPT là lứa tuổi đặc biệt, cái tuổi mà người ta gọi là “bẻ gãy sừng trâu”. Là giai đoạn mà dân gian hiểu một cách đơn giản “sau trẻ con và trước người lớn”. Lứa tuổi mà theo một số tài liệu (trong và ngoài nước) đã và đang có hoạt động tình dục, với sự tăng trưởng nhanh chóng về mặt cơ thể, sự tích lũy kiến thức, kinh nghiệm xã hội và định hình nhân cách.
Đa số các em có nhu cầu tìm hiểu về giới tính nhưng chủ yếu là sex, do tò mò và bản năng thôi thúc nhưng lại sợ người lớn phát hiện và ngăn cấm. Càng ngăn cấm, càng muốn biết, vì thế mà có những em đã “thử”, và kết quả là tỷ lệ nạo phá thai và các bệnh lây truyền qua đường tình dục không ngừng tăng lên mỗi ngày ở tuổi học sinh. Trước thực tế đó, việc đưa giáo dục sức khỏe sinh sản vào học đường là cần thiết, tuy nhiên hiệu quả của công tác giáo dục phần lớn do chính các em quyết định. Trong quá trình tiếp nhận kiến thức sức khỏe sinh sản, bản thân các em gặp phải không ít những khó khăn, đặc biệt là những khó khăn tâm lý. Kết quả là học sinh “e ngại” không dám tiếp cận với sức khỏe sinh sản hoặc tiếp cận một cách dè dặt dẫn đến một thực tế: hầu như các em rất ít hiểu biết về sức khỏe sinh sản, hoặc hiểu biết hạn chế, lệch lạc. Đã có nhiều trường hợp mẹ dắt con gái mới học lớp 9, lớp 10 đến cơ sở phụ sản trong tâm trạng lo lắng, nước mắt dàn dụa…Hậu quả của những vấn đề ấy vô cùng tai hại, nó không chỉ ảnh hưởng đến sự phát triển sinh lý của các em mà còn ảnh hưởng nặng nề và tàn khốc về mặt tâm lí. Đó là
những dấu ấn không thể phai mờ trong giai đoạn hình thành và phát triển nhân cách mãnh liệt nhất của con người.
2. Những yếu tố tâm lý cản trở quá trình tiếp nhận nội dung giáo dục sức khỏe sinh sản.
Tâm lý người có vai trò định hướng và điều chỉnh hoạt động của con người nói chung và quá trình tiếp nhận các tri thức khoa học nói riêng. Tâm lý xã hội bao gồm nhiều hiện tượng tâm lý khác nhau như: Dư luận, tâm trạng xã hội, truyền thống…các hiện tượng tâm lý đó được nảy sinh, vận động và biến đổi theo quy luật nhất định; Tâm lý người cũng điều khiển, kiểm tra hành động, hoạt động, có tác dụng điều tiết hành vi ứng xử của cộng đồng, của từng nhóm, của từng cá nhân. Nếu pháp luật mang tính cưỡng chế thì tác động của các hiện tượng tâm lý lại mang tính tự điều chỉnh các quan hệ xã hội và quan hệ cá nhân. Do đó tính chất căn bản của các hiện tượng tâm lý lại mang đậm dấu ấn tự nguyện.
Trên cơ sở nghiên cứu các trạng thái và thuộc tính tâm lý xã hội, chúng ta thấy có tác dụng tạo sự chuyển hóa cái xã hội thành cái cá nhân và ngược lại. Đồng thời nó cũng ảnh hưởng đáng kể để cái tất yếu xã hội thành giá trị có ý nghĩa tất yếu đối với cá nhân và nhóm, từ đó biến thành động cơ hành động. Một khi học sinh chưa nhận thức rõ lợi ích thiết thực, chưa có nhu cầu thực hiện thì công tác giáo dục sức khỏe sinh sản còn gặp nhiều khó khăn, kết quả hạn chế và kém bền vững.
Bên cạnh các trạng thái và thuộc tính của tâm lý xã hội còn có những qúa trình của tâm lý xã hội. Có nhiều quá trình tâm lý xã hội, trong đó phổ biến nhất là các quá trình giao tiếp, ám thị, bắt chước và lây lan tâm lý. Chúng ta cũng thấy, mỗi cá nhân có một cuộc sống riêng tư khác nhau nhưng lại được biểu hiện ở những cộng đồng người nhất định và phải chịu sự chi phối bởi những phong tục, lệ làng, hương ước… của cộng đồng đó. Do vậy các quan hệ xã hội và quan hệ cá nhân tất yếu phải chịu sự chi phối chế ước lẫn nhau.
1. Phong tục tập quán.
2. Trình độ dân trí.
3. Ảnh hưởng của tư tưởng phong kiến 4. Yếu tố tôn giáo.
VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU KHOA HỌC (NCKH)
CỦA SINH VIÊN TRƯỜNG CAO ĐẲNG SƯ PHẠM BÀ RỊA –VŨNG TÀU
ThS Hồ Viết Chiến, Trường CĐSP Bà Rịa –Vũng Tàu
1. Vai trò và thực trạng của nhiệm vụ NCKH trong sinh viên trường CĐSP Bà Rịa –Vũng Tàu.
Trong chương trình giáo dục và đào tạo ở các nước tiên tiến triên thế giới thì NCKH và thực nghiệm khoa học được xác định là nhiệm vụ quan trọng trong quá trình đào tạo nguồn nhân lực.
Ở Việt nam nhiệm vụ NCKH trong các trường đại học, cao đẳng cũng được xác định là một trong ba nhiệm vụ trọng tâm của quá trình giáo dục và đào tạo . Song thực tế thì NCKH và thực nghiệm khoa học chưa được quan tâm đúng mức.
Trường cao đẳng sư phạm Bà Rịa –Vũng Tàu, trong những năm học vừa qua nhiệm vụ NCKH của sinh viên mặc dù đã được quan tâm đáng kể, tuy nhiên số lượng sinh viên tham gia còn rất ít cụ thể như : năm học 2004-2005 có 5 đề tài, năm học 2005-2006 không có và năm học 2006-2007 chỉ có 01 đề tài và chất lượng đề tài còn khá khiêm tốn .
Nguyên nhân của dẫn đến tình trạng này là :
- Sinh viên chưa nhận thức đầy đủ về tác dụng của nhiệm vụ NCKH trong quá trình đào tạo.
- Việc tư vấn cho sinh viên tham gia NCKH hầu như chưa được quan tâm , đặc biệt là giáo viên chủ nhiệm và giảng viên bội môn.
- Nhà trường chưa có có quy định , chế độ cụ thể nhằm động viên, khuyến khích kịp thời để sinh viên tham gia NCKH.
- Chế độ cho cán bộ, giảng viên hướng dẫn sinh viên làm đề tài khoa học chưa hợp lý.
- Nguồn kinh phí hỗ trợ thực hiện đề tài không có.
- Cơ sở vật chất , tài liệu phục vụ công tác nghiên cứu và thử nghiệm còn nghèo .
- Sự phối kết hợp giữa phòng QLKH-QHQT với Đoàn thanh niên, Hội sinh viên chưa được đồng bộ.
2. Đề xuất một số giải pháp nâng cao chất lượng NCKH trong sinh viên trường CĐSP Bà Rịa –Vũng tàu.
* Đối với sinh viên:
- Sinh viên phải nhận thức đúng đắn vai trò của nhiệm vụ NCKH trong quá trình học tập tại nhà trường,
- Sinh viên phải coi đây là nhiệm vụ mang tính bắt buộc của người sinh viên nhằm nâng cao tri thức và khả năng NCKH.
* Đối với hội đồng khoa học nhà trường và phòng QLKH-QHQT:
- Tăng cường hơn nữa việc tư vấn cho sinh viên về vai trò , tác dụng của NCKH trong quá trình đào tạo.(vào đầu năm học)
- Có chính sách ưu tiên cho sinh viên tham gia NCKH hợp lý ( cộng điểm thi , thay thế điểm học phần , xét điểm rèn luyên…)
- Tìm nguồn kinh phí cho NCKH (ghi trong quy chế chi tiêu nội bộ)
- Có chế độ hợp lý cho cán bộ, giảng viên hướng dẫn sinh viên thực hiện đề tài khoa học.
- Phối kết hợp với Đoàn TN, Hội sinh viên tìm kiếm, lựa chon sinh viên giỏi, xuát sắc tham gia NCKH.
- Nhà trường giao nhiệm vụ cho giảng viên tham gia hướng dẫn sinh viên thực hiện đề tài NCKH, coi đây là một trong các tiêu chí để xếp loại thi đua và công nhận giáo viên giỏi các cấp.
NHỮNG BIỆN PHÁP HƯỚNG DẪN SINH VIÊN TỰ HỌC HỌC PHẦN “LỊCH SỬ VĂN MINH THẾ GIỚI”.
Th. S. Trần Anh Đức -Trường CĐSP Bà Rịa – Vũng Tàu
Hiện nay, đổi mới phương pháp trong dạy học đang trở thành yêu cầu cấp thiết trong các trường học ở Việt Nam. Cốt lõi của đổi mới phương pháp dạy học là phát huy tính tích cực, chủ động sáng tạo của người học trong hoạt động nhận thức. Muốn phát huy được tính tích cực, chủ động sáng tạo của người học thì nhất thiết người học phải tích cực trong hoạt động tự học. Bài viết này chúng tôi muốn đề cập đến những biện pháp hướng dẫn sinh viên tự học học phần:
“Lịch sử văn minh thế giới” trong chương trình giảng dạy cho sinh viên chuyên ngành Lịch sử ở trường CĐSP Bà Rịa – Vũng Tàu.
Lịch sử văn minh thế giới là một học phần rất thú vị, cung cấp những kiến thức đại cương về những thành tựu văn minh mà loài người đã sáng tạo trong suốt hơn 5000 năm qua.
Đây là một học phần cần thiết đối với các sinh viên học các ngành khoa học xã hội và nhân văn, đặc biệt là chuyên ngành Lịch sử. Việc sinh viên thực hiện tốt hoạt động tự học ở nhà sẽ có tác động rất lớn tới hoạt động nhận thức cũng như hình thành những kĩ năng làm việc cho các em sau khi ra trường. Qua thực tế giảng dạy, chúng tôi rút ra một số biện pháp sau để làm tốt hoạt động hướng dẫn sinh viên tự học học phần này.
1. Xác định mục tiêu của môn học, bài học.
Khi lên lớp, giảng viên nhất thiết phải hướng dẫn sinh viên xác định được mục tiêu của học phần, của từng bài học. Đối với học phần “Lịch sử văn minh thế giới”, sinh viên phải nhận thấy được cần nắm vững những thành tựu văn minh của loài người (chủ yếu là những giá trị văn hóa vật chất và tinh thần), nắm được những nền văn minh lớn thời cổ đại như: Ai Cập, Lưỡng Hà, Ấn Độ, Trung Hoa, Hy – La; thời trung đại như: Tây Âu, Trung Hoa, Ấn Độ, Ảrập; thời cận - hiện đại là Châu Âu. Ngoài ra, cần chú ý tới văn minh Đông Nam Á và văn minh châu Mĩ.
Tương tự như vậy, ở mỗi bài học sinh viên cũng phải xác định được mục tiêu của từng bài. Để qua đó, nắm lấy vấn đề cơ bản nhất.
2. Lập kế hoạch học tập.
Sau khi xác định được mục tiêu của học phần, của bài học, sinh viên cần xây dựng một kế hoạch học tập. Kế hoạch đó phải bao gồm việc lên lớp nghe giảng, ghi chép; việc lên thư viện tìm đọc những tài liệu tham khảo mà giảng viên yêu cầu; lên mạng Internet tìm các tài liệu liên quan qua các Website mà giảng viên đưa ra.
3. Thực hiện hoạt động tự học.
Bằng việc xây dựng kế hoạch học tập, sinh viên phải thực hiện tốt kế hoạch đó. Trước khi lên lớp, sinh viên phải chuẩn bị trước bài ở nhà, vạch ra những vấn đề cơ bản nhất cần nắm được để khi nghe giảng trên lớp sẽ nắm vững hơn. Để hiểu thêm về những kiến thức cơ bản trong giáo trình, sinh viên phải lên thư viện đọc và ghi chép trong các tài liệu tham khảo đã được giảng viên giới thiệu.
Đối với việc tìm đọc các tài liệu trên mạng Internet, sinh viên cần trang bị một vốn kiến thức tiếng Anh khá. Khi tìm kiếm trên trang web Google.com, sinh viên nên nhập vào hộp tìm kiếm những từ liên quan đến kiến thức của học phần như: văn hoá, văn minh, lịch sử, cổ đại, trung đại… hoặc các lĩnh vực như chữ viết, văn học, nghệ thuật, khoa học… hay các quốc gia, các nền văn minh như Ai Cập cổ đại, Hy Lạp – La Mã cổ đại…Tất nhiên, phải bằng tiếng Anh.
4. Xây dựng tài liệu học tập bộ môn.
Sau khi tìm đọc các tài liệu tham khảo, sinh viên cần ghi chép, sưu tầm và xây dựng một bộ tài liệu học tập bộ môn. Những tài liệu học tập bộ môn này còn là tài liệu quan trọng cho công tác giảng dạy về sau của sinh viên khi dạy các bài về văn minh phương Đông và phương Tây thời cổ đại ở lớp 6, văn minh Tây Âu thời trung đại, cận - hiện đại.
Tóm lại với những biện pháp nêu trên, chúng tôi thấy, hoạt động tự học của sinh viên đối với học phần “Lịch sử văn minh thế giới” đã có hiệu quả tốt. Điều quan trọng nhất là khi thực hiện tốt những biện pháp này, chúng ta sẽ khắc phục được tính thụ động, ỷ lại của sinh viên, làm cho sinh viên ngày càng tích cực hơn, chủ động hơn trong quá trình nhận thức.