ĐẶC ĐIỂM CỦA THỂ LOẠI PHÓNG SỰ ẢNH BÁO CHÍ HIỆN ĐẠI

Một phần của tài liệu Thể loại phóng sự ảnh báo chí hiện đại (Trang 33 - 38)

CHƯƠNG 2 NHẬN DIỆN THỂ LOẠI PHÓNG SỰ ẢNH BÁO CHÍ HIỆN

2.2. ĐẶC ĐIỂM CỦA THỂ LOẠI PHÓNG SỰ ẢNH BÁO CHÍ HIỆN ĐẠI

2.2.1. Đối tượng phản ánh của phóng sự ảnh đa dạng

2.2.1.1. Con người trong tác phẩm phóng sự ảnh báo chí hiện đại

Con người là đối tượng được ưu ái nhiều hơn trước ống kính máy ảnh của cá nhiếp ảnh gia ở bất kỳ thể loại ảnh nào nhưng được phản ánh dưới nhiều góc độ sinh động hơn ở thể loại phóng sự ảnh.

Trong xã hội hiện đại, thân phận con người bộc lộ ngày càng nhiều những biểu hiện phức tạp và khó nắm bắt, bản chất của con người dường như được dấu kỹ hơn trong chằng chịt các mối quan hệ xã hội.

Đối tượng phản ánh của thể loại phóng sự ảnh giờ đây không chỉ là những con người có thân phận đáng thương, mà là tất cả những con người được xã hội quan tâm, bao gồm các chính khách, các vận động viên thể thao, các nghệ sĩ v.v… Khi phản ánh về con người, thể loại phóng sự ảnh ghi nhận mọi biểu hiện của con người cùng với hành động của họ, nhằm phản ánh chân thật và sống động nhất chân dung của một cá nhân hoặc một nhóm người có chung một đặc điểm nào đó.

2.2.1.2. Một trạng thái tồn tại của hiện thực trong tác phẩm phóng sự ảnh báo chí hiện đại.

Trong tác phẩm phóng sự ảnh, trạng thái tồn tại của hiện thực là những sự vật/sự việc tồn tại trong một thời gian dài, có ảnh hưởng nhất định tới sự phát triển của tự nhiên, của môi trường và của xã hội.

So với thời gian đầu mới phản ánh về đối tượng này, các trạng thái tồn tại của hiện thực được ống kính của các phóng viên ảnh hướng tới mang dáng vẻ bình yên và trữ tình hơn, bước sang thế kỷ 21, các trạng thái tồn tại của hiện thực trở nên dữ dội hơn dưới ống kính của các phóng viên ảnh.

2.2.1.3. Một quy trình vận động của sự vật/sự việc trong tác phẩm phóng sự ảnh báo chí hiện đại.

Quy trình vận động của sự vật/sự việc chính là trình tự của quá trình vận động vẫn diễn ra trong cuộc sống hàng ngày của vô vàn những sự vật/sự việc. Tác phẩm phóng sự ảnh là một câu chuyện được kể theo trình tự có mở đầu, có cao trào, có kết thúc, do đó các

quy trình vận động của sự vật/sự việc diễn ra trong hiện thực chính là đối tượng phản ánh thường xuyên của tác phẩm phóng sự ảnh. Trình tự của câu chuyện không phải là một quy trình vận động hay phát triển của một sự vật/sự việc, tuy nhiên nó đã kể lại một cách chân thực nhất diễn biến của câu chuyện. Mỗi bức ảnh trong phóng sự đã được thực hiện trong điều kiện hết sức ngặt nghèo bởi người chụp có thể trở thành nạn nhân của đối tượng được chụp bất cứ lúc nào. Điều này cho thấy, đối tượng phản ánh của thể loại phóng sự ảnh báo chí hiện đại bao gồm cả một quy trình vận động của sự vật/sự việc (trong điều kiện ổn định), và cả một quy trình vận động của sự vật sự/sự việc diễn ra bất ngờ (trong điều kiện không ổn định, nhiều nguy hiểm), bởi những bất ngờ cũng chính là những điều mà tác phẩm phóng sự ảnh luôn tìm kiếm.

2.2.2. Mỗi bức ảnh trong tác phẩm phóng sự ảnh vừa có thể đứng độc lập vừa có thể kết hợp với các bức ảnh khác để tạo thành câu chuyện.

Bởi đặc thù của thể loại phóng sự ảnh là cấu trúc nhiều bức ảnh tạo thành, do đó các bức ảnh phải có sự liên kết chặt chẽ, kết nối với nhau thành theo mạch logic của câu chuyện. Trong nhiều câu chuyện, mỗi bức ảnh không cần đứng độc lập về nội dung và hình thức, mà là những chi tiết kết nối và bổ sung cho bức ảnh trước hoặc sau đó. Tuy nhiên, xu hướng các bức ảnh có khả năng đứng độc lập để kể chuyện cũng đang xuất hiện ngày càng nhiều. Hai năm gần đây nhất, giải Ảnh báo chí thế giới đã trao giải cho Ảnh của năm đều là những bức ảnh được lấy ra từ các phóng sự ảnh.

Một bức ảnh có thể đứng độc lập cần phải đáp ứng mọi yêu cầu về tạo hình tốt, bao gồm cả ánh sáng, bố cục, đường nét, màu sắc, đặc biệt phải thể hiện tốt khoảnh khắc tạo hình. Tuy nhiên, để nhìn khái quát được toàn bộ câu chuyện, các cơ quan sử dụng hình ảnh hiện nay đang có xu hướng yêu cầu người chụp phải có minh chứng bằng các hình chụp trước và sau hình ảnh độc lập kia, do đó các phóng sự ảnh sẽ là cách minh chứng tốt nhất.

2.2.3. Cấu trúc của tác phẩm phóng sự ảnh thay đổi linh hoạt

Cấu trúc của tác phẩm phóng sự ảnh thuộc về yếu tố hình thức, tuy nhiên lại bị quyết định bởi yếu tố nội dung. Yếu tố nội dung của thể loại bao gồm: tính chất của đối tượng được phản ánh, mục đích và nhiệm vụ cụ thể cần giải quyết trong từng tác phẩm, mức độ nắm bắt và khái quát hóa hiện thực, và tính chất của phương tiện truyền thông.

Trong từng thời điểm, với từng nội dung của thể loại phóng sự mà cấu trúc của nó có sự thay đổi phù hợp. Sự thay đổi trong cấu trúc của thể loại phóng sự ảnh trong giai đoạn hiện nay thể hiện cả ở số lượng các bức ảnh được sử dụng trong một tác phẩm phóng sự ảnh. Do tính chất của đối tượng phản ánh trong xã hội hiện nay rất đa dạng, do đó hình thức phản ánh của thể loại phóng sự ảnh cũng thể hiện đa dạng và linh hoạt đối với từng đối tượng được phản ánh trong tác phẩm.

Sự thay đổi trong cấu trúc của tác phẩm phóng sự ảnh là xu hướng phát triển tất yếu của thể loại. Ngoài lý do nhu cầu thông tin của công chúng tăng lên từng ngày, thì sự có mặt của các phương tiện truyền thông mới cũng giúp cho các phóng viên có thể lưu giữ đồng thời truyền tải được nhiều hơn lượng thông tin trong mỗi sự kiện. Mặc dù chưa có kết luận chính xác về số lượng hợp lý cho mỗi phóng sự ảnh, tuy nhiên sự thay đổi linh hoạt về số lượng ảnh trong mỗi tác phẩm và cấu trúc của tác phẩm phóng sự ảnh, thể hiện sự thích nghi của thể loại này trong môi trường phát triển của truyền thông kỹ thuật số.

2.2.4. Dấu ấn của tác giả thể hiện rõ nét

Dấu ấn của tác giả chính là cá tính, là phong cách của chủ thể sáng tạo, gắn với một loạt các yếu tố như là phẩm cách, tài năng, và tính chuyên nghiệp. Thêm vào đó, một tác phẩm ảnh báo chí còn đòi hỏi người thực hiện có năng lực về tạo hình, về nghệ thuật. Qua khảo sát 537 tác phẩm phóng sự ảnh báo chí của giải Ảnh báo chí thế giới và 1.187 tác phẩm phóng sự ảnh báo chí Việt Nam, dấu ấn của tác giả thể hiện ở khả năng quan sát, nhập cuộc, bày tỏ chính kiến và năng lực sáng tạo nghệ thuật.

KẾT LUẬN CHƯƠNG 2

Trong chương 2, tác giả luận án triển khai ở hai nội dung chính là: Thực trạng của thể loại phóng sự ảnh báo chí hiện đại và đặc điểm của thể loại phóng sự ảnh báo chí hiện đại, nhằm mục đích nhận diện rõ nhất thể loại phóng sự ảnh báo chí hiện đại. Qua khảo sát, tác giả luận án nhận thấy đề tài của các tác phẩm phóng sự ảnh thể hiện khá đa dạng, cấu trúc của thể loại phóng sự ảnh thể hiện tương đối rõ ràng, chất lượng tác phẩm phóng sự ảnh không đồng đều, và có sự chênh lệch rõ ràng giữa các tác phẩm phóng sự ảnh của Việt Nam và nước ngoài.

Trong phần phân tích các đặc điểm của thể loại phóng sự ảnh báo chí hiện đại, tác giả luận án đánh giá thể loại phóng sự ảnh ở các khía cạnh: Đề tài (nội dung) phản ánh của thể loại phóng sự, cấu trúc (hình thức) của thể loại phóng sự, và vai trò sáng tạo của chủ thể sáng tạo (người phóng viên ảnh), từ đó rút ra các đặc điểm của thể loại phóng sự ảnh báo chí hiện đại bao gồm: Đối tượng phản ánh của phóng sự ảnh đa dạng, mỗi bức ảnh trong tác phẩm phóng sự ảnh vừa có thể đứng độc lập vừa có thể kết hợp với các bức ảnh khác để tạo thành câu chuyện, cấu trúc của tác phẩm phóng sự ảnh thay đổi linh hoạt, và dấu ấn của tác giả thể hiện rõ nét. Những đánh giá về thể loại phóng sự ảnh báo chí hiện đại dựa trên những tiêu chí đã được nêu ra trong chương 1 của luận án, giúp tác giả luận án có một cái nhìn tổng quát về sự phát triển của thể loại phóng sự ảnh báo chí hiện đại, là cơ sở để tác giả luận án đưa ra những kiến nghị khoa học và những giải pháp hợp lý nhằm nâng cao chất lượng của thể loại phóng sự ảnh trong chương 3.

CHƯƠNG 3

Một phần của tài liệu Thể loại phóng sự ảnh báo chí hiện đại (Trang 33 - 38)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(50 trang)
w