3.2.1. Giải pháp chung
3.2.1.1. Xây dựng chuyên mục phóng sự ảnh Ưu điểm của chuyên mục:
Thứ nhất, chuyên mục tạo sân chơi cho những ai quan tâm đến thể loại phóng sự ảnh
Thứ hai, chuyên mục tạo nên bản sắc cho tờ báo
Thứ ba, chuyên mục giúp chuyên nghiệp hóa đội ngũ biên tập viên và phóng viên ảnh
Để xây dựng chuyên mục, cần:
Thứ nhất, có sự đồng thuận của người đứng đầu cơ quan báo chí.
Thứ hai, tuyển cho được hoặc đề bạt cho được chức danh biên tập viên ảnh, là người có trình độ và chuyên môn tốt về ảnh báo chí.
Anh ta phải được cung cấp ‘quyền’ để hoàn thành nghĩa vụ chăm sóc và bảo vệ các tác phẩm ảnh cho đến khi tác phẩm lên trang, đến với công chúng.
Thứ ba, xây dựng được đội ngũ phóng viên ảnh và cộng tác viên chuyên chụp thể loại phóng sự ảnh.
Thứ tư, cần xây dựng kế hoạch ngắn hạn và dài hạn cho các đề tài của phóng sự ảnh.
Thứ năm, có nguồn tài chính để duy trì và phát triển chuyên mục.
3.2.1.2. Tổ chức các cuộc thi ảnh báo chí và phóng sự ảnh báo chí
Để đánh giá chất lượng của các tác phẩm ảnh báo chí, thì các cuộc thi ảnh là nơi giúp những người làm ảnh khẳng định chuyên môn và năng lực của bản thân, như cuộc thi “Phóng sự ảnh Việt Nam đất nước con người” hàng năm trên báo Tuổi trẻ, hay cuộc thi các tác phẩm báo chí toàn quốc do Hội nhà báo Việt Nam tổ chức. Các cuộc thi tuy đã xuất hiện ở Việt Nam, tuy nhiên chưa thu hút được các phóng viên tham gia.
3.1.2.3. Bổ sung đội ngũ các biên tập viên hình ảnh giỏi cho các cơ quan truyền thông.
Biên tập viên ảnh, trong chừng mực nào đó vừa là bạn, vừa là thầy của người phóng viên ảnh. Họ là bạn vì họ là người hiểu rõ nhất những vất vả khó khăn vốn là đặc thù của hoạt động nhiếp ảnh. Họ là thầy vì họ là người có khả năng thẩm định chất lượng của tác phẩm ảnh, là người đưa ra lời khuyên để nâng cao chất lượng bức ảnh, và cũng có thể ra quyết định từ chối sử dụng tác phẩm ảnh. Trong thời đại truyền thông đa phương tiện như hiện nay, số lượng tác phẩm ảnh cần thẩm định trong một ngày cũng nhiều không kém gì số lượng tác phẩm viết. Thế nên, việc bổ sung đội ngũ biện tập viên ảnh cho các báo hiện nay là điều cần thiết, và cần được làm ngay. Bên cạnh đó, mỗi cơ quan báo cũng cần củng cố lại mối quan hệ giữa phóng viên và biên tập viên, tránh trường hợp người biên tập viên không sử dụng ảnh của phóng viên mà không đưa ra lý do, hoặc chê, khen tác phẩm ảnh không đúng. Nếu người phóng viên ảnh đúng nghĩa phải vừa là nhà báo, đồng thời vừa là người nghệ sĩ nhiếp ảnh, thì người biên tập viên ảnh đúng nghĩa phải vừa là nhà báo, vừa là nghệ sĩ nhiếp ảnh, vừa là người có khả năng quản lý và xây dựng kế hoạch của tòa soạn.
Người biên tập viên ảnh cũng không thể thiếu bất kỳ tố chất nào trong số ba yếu tố trên, bởi đó chính là những yêu cầu cơ bản nhất đối với người thẩm định tác phẩm ảnh báo chí.
3.2.2. Giải pháp riêng 3.2.2.1. Đối với báo in
Mỗi báo phải có ít nhất 1 phóng viên chuyên ảnh (có thể biên chế hoặc hợp đồng), người này vừa chịu trách nhiệm chụp ảnh, vừa chịu trách nhiệm xây dựng mạng lưới cộng tác viên ảnh chuyên thực hiện các tác phẩm phóng sự ảnh cho chuyên mục phóng sự ảnh của báo.
Đồng thời, báo có thể thường xuyên mở các khóa đào tạo và trao đổi nghiệp vụ với các phóng viên ảnh có tên tuổi và các cơ sở đào tạo để củng cố kiến thức chuyên ngành ảnh cho phóng viên và cộng tác viên của báo ngay tại tòa soạn.
Mỗi cơ quan báo, mỗi phóng viên ảnh có thể xây dựng kế hoạch ngắn hạn và dài hạn cho từng đề tài cụ thể, nhưng phải có sự thống nhất giữa phóng viên và ban biên tập, điều này sẽ hỗ trợ cho quá trình tác nghiệp của phóng viên ảnh rất nhiều.
3.2.2.2. Đối với báo mạng điện tử
Giải pháp khả thi cho báo mạng điện tử trong giai đoạn này là dành một dung lượng nhất định cho chuyên mục phóng sự ảnh, tạo các chủ đề theo tuần, tháng để các phóng viên và các cộng tác viên thực hiện, có thể trao các giải thưởng để động viên và khuyến khích các tác giả, tạo diễn đàn trao đổi kinh nghiệm và nghiệp vụ về nhiếp ảnh giữa các phóng viên, cộng tác viên và các chuyên gia của thể loại phóng sự ảnh. Với thói quen sử dụng các phương tiện điện tử để đọc báo, xem ảnh như hiện nay, thì báo mạng điện tử đang là phương tiện truyền thông hữu hiệu, do đó đây sẽ là môi trường để thể loại phóng sự ảnh phát triển mạnh mẽ.
KẾT LUẬN CHƯƠNG 3
Chương 3 của luận án nêu lên các nội dung chính gồm: Những vấn đề đặt ra của thể loại phóng sự ảnh báo chí hiện đại, một số kiến nghị khoa học, và các giải pháp nâng cao chất lượng của thể loại phóng sự ảnh báo chí hiện đại. Những vấn đề đặt ra là: Thể loại phóng sự ảnh chưa nhận được sự quan tâm đúng mức của đội ngũ những người làm báo ở Việt Nam, chất lượng tác phẩm phóng sự ảnh không đều và có sự chênh lệch rõ ràng giữa các tác phẩm phóng sự ảnh trên báo Việt Nam với các tác phẩm phóng sự ảnh trên báo nước ngoài, tính chuyên nghiệp của người làm truyền thông trong xã hội hiện đại cần được vận dụng triệt để vào quá trình sáng tạo tác phẩm phóng sự ảnh, giá trị đạo đức cần được người làm truyền thông coi trọng trong tác phẩm phóng sự ảnh báo chí hiện đại. Từ những vấn đề thực tiễn được nhìn nhận qua quá trình khảo sát, tác giả luận án đưa ra 3 kiến nghị: Phải có sự quan tâm đầu tư phát triển thể loại phóng sự ảnh;
Xây dựng bộ quy tắc về đạo đức nghề nghiệp đối với phóng viên ảnh;
Tạo hành lang pháp lý để bảo vệ những người làm báo.
Về các giải pháp nâng cao chất lượng thể loại phóng sự ảnh báo chí hiện đại, tác giả luận án chia ra thành hai nhóm giải pháp chung và riêng. Giải pháp chung áp dụng cho tất cả các báo là: Xây dựng chuyên mục phóng sự ảnh; Tổ chức các cuộc thi ảnh báo chí và phóng sự ảnh báo chí; Bổ sung đội ngũ các biên tập viên hình ảnh giỏi cho các cơ quan báo chí - truyền thông. Trong nhóm giải pháp riêng, tác giả luận án chú trọng tới báo in và báo mạng điện tử, căn cứ vào đặc thù của từng loại hình báo chí để đưa ra giải pháp phù hợp.