Sơ lược quá trình phát triển pháp luật bảo hiểm thất nghiệp Việt Nam

Một phần của tài liệu Pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp và thực tiễn thực hiện trên địa bàn tỉnh lạng sơn (Trang 27 - 32)

Chương 1 MỘT SỐ VẤN ĐỀ CHUNG VỀ BẢO HIỂM THẤT NGHIỆP

1.3. Sơ lược quá trình phát triển pháp luật bảo hiểm thất nghiệp Việt Nam

* Giai đoạn từ năm 1945 đến năm 1985

Ngay từ những ngày đầu mới giành độc lập, Nhà nước ta đã quan tâm thực hiện chính sách thôi việc cho NLĐ, ban hành một số văn bản quy phạm pháp luật về trợ cấp cho NLĐ bị mất việc làm. Những quy định đó là cơ sở để Nhà nước ban hành chế độ BHTN sau này. Ngày 01/10/1945, Chính phủ ban hành Nghị định số 2-NĐ quy định về tiền phụ cấp tối thiểu cho NLĐ Việt Nam làm việc được ít nhất là một năm mà chấm dứt công việc, trừ trường hợp họ có lỗi. Sau đó, theo Sắc lệnh số 76/SL ngày 20/05/1950 của Chủ tịch nước, công chức khi thôi việc được hưởng trợ cấp tính theo số năm làm việc, mỗi năm được một tháng lương và phụ cấp gia đình, mức hưởng tối đa là 06 tháng lương.

Thông tư số 37-NV-TT ngày 20/10/1957 của bộ Nội vụ quy định cán bộ, nhân viên thôi việc không phân biệt vì lý do gì (trừ trường hợp bị kỉ luật nặng phải đưa ra khỏi cơ quan như cách chức, bãi chức) đều được xét theo năm làm việc từ ngày được tuyển dụng vào biên chế Nhà nước, từ cấp huyện trở lên, mỗi năm trợ cấp một tháng lương và phụ cấp gia đình nhưng không quá 6 tháng.

Chế độ trợ cấp thôi việc theo quy định tại các văn bản nêu trên nhằm giải quyết yêu cầu của các cuộc vận động kiện toàn tổ chức, giảm nhẹ biên chế hoặc đưa công nhân, viên chức về tham gia sản xuất nông nghiệp trong từng thời gian nhất định. Để phù hợp với chính sách mới về lao động tiền lương cũng như đối với tình hình phát triển mới của đội ngũ công nhân, viên chức, ngày 01/10/1964 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Thông tư số 88-TTg về

trợ cấp thôi việc, trong đó quy định cụ thể, đầy đủ hơn về các trường hợp được hưởng trợ cấp thôi việc, mức trợ cấp thôi việc. áp dụng chủ yếu cho các trường hợp công nhân, viên chức thôi việc do cơ quan, xí nghiệp kiện toàn tổ chức, giảm nhẹ biên chế hoặc hết việc phải giải thể. Mức trợ cấp của mỗi người ít nhất bằng 50% của một tháng lương, nhiều nhất là 05 tháng lương kể cả phụ cấp thường xuyên và trợ cấp con tùy theo thời gian công tác liên tục và cấp bậc lương của người đó, có chiếu cố đến những người đã công tác liên tục từ trước ngày hòa bình lập lại 20/7/1954, nếu sức khỏe suy yếu thì không kể đã làm việc từ trước hay sau ngày 20/7/1954, được trợ cấp cấp thêm một khoản tiền bằng từ nửa tháng đến ba tháng lương (kể cả phụ cấp thường xuyên và trợ cấp con, nếu có) nhưng số tiền trợ cấp thêm này không vượt quá số tiền trợ cấp tính theo thời gian công tác của người đó.

* Giai đoạn từ năm 1986 đến năm 1994

Từ năm 1986, nước ta thực hiện công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, chuyển đổi từ nền kinh tế bao cấp sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Nhà nước ban hành một số văn bản nhằm sắp xếp lại tổ chức, tinh giản biên chế các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp như Quyết định số 227/HĐBT ngày 29/12/1987 về việc sắp xếp lại tổ chức, tinh giản biên chế các cơ quan hành chính sự nghiệp,Quyết định số 176/HĐBT ngày 9/10/1989 về sắp xếp lại lao động trong các đơn vị kinh tế quốc doanh và Quyết định số 315/HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng về việc chấn chỉnh lại sản xuất và kinh doanh trong khu vực kinh tế quốc doanh NLĐ khi thôi việc theo chế độ tinh giản biên chế quy định tại các văn bản nêu trên,cứ mỗi năm công tác liên tục được trợ cấp một tháng lương cơ bản cộng phụ cấp (nếu có), tối thiểu là 3 tháng do đơn vị trả, Nhà nước trợ giúp một phần đối với đơn vị có nhiều khó khăn nhưng tối đa không quá 1/2 số trợ cấp, phần trợ giúp này căn cứ vào từng trường hợp cụ thể.

Đến năm 1992, tại Nghị định số 165/HĐBT ngày 12/5/1992 hướng dẫn thi hành Pháp lệnh hợp đồng lao động và Thông tư số 04/LĐTBXH-TT

ngày 18/3/1993 đã quy định việc thực hiện chế độ hỗ trợ đối với NLĐ bị mất việc làm. Trong đó quy định chế độ trợ cấp một lần cho công nhân, viên chức đang trong biên chế nhà nước mà thôi việc và một số quyền lợi khác nhưng có sự phân biệt đối với người chưa chuyển sang ký hợp đồng lao động hoặc đã chuyển sang ký hợp đồng lao động. Trong giai đoạn này ngoài trợ cấp thôi việc, NLĐ bị mất việc làm còn được hưởng những ưu tiên trong bố trí việc làm hay đào tạo, đào tạo lại nghề nghiệp.

* Giai đoạn từ năm 1994 đến năm 2006

Bộ luật Lao động năm 1994 ra đời đã đánh dấu mốc quan trọng trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam, tại Điều 17 của Bộ luật quy định về trợ cấp mất việc làm cho NLĐ khi NSDLĐ thay đổi cơ cấu hoặc công nghệ với mức trợ cấp mỗi năm làm việc bằng một tháng lương, thấp nhất là 02 tháng lương và các doanh nghiệp phải lập quỹ dự phòng trợ cấp mất việc làm. Điều 42 của BLLĐ quy định NSDLĐ có trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc cho NLĐ làm việc thường xuyên tại doanh nghiệp mà chấm dứt hợp đồng lao động, cứ mỗi năm làm việc bằng nửa tháng lương cộng với phụ cấp lương.

Ngoài ra, khi thực hiện các biện pháp sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước, số lao động dôi dư được nhà nước giải quyết quyền lợi quy định tại các văn bản như Nghị định số 41/CP ngày 11/4/2002 của Chính phủ về chính sách đối với lao động dôi dư do sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước. Sau đó là Nghị định số 132/2007/NĐ-CP ngày 8/8/2007 của Chính phủ về chính sách tinh giản biên chế áp dụng đối với cán bộ công chức, viên chức dôi dư do sắp xếp lại tổ chức theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Theo các văn bản này, cán bộ công chức, viên chức thuộc đối tượng tinh giản biên chế thôi việc ngay được hưởng trợ cấp 3 tháng tiền lương hiện hưởng để tìm việc làm, được hưởng trợ cấp 1,5 tháng tiền lương cho mỗi năm công tác có đóng BHXH và quy định chế độ học nghề để thôi việc, tự tìm việc làm mới đối với số cán bộ dưới 45 tuổi nếu họ có nguyện vọng.

* Giai đoạn từ năm 2006 đến nay:

Theo quy định tại Luật BHXH năm 2006, BHTN được quy định là chế độ bảo hiểm bắt buộc, các chế độ hưởng bao gồm trợ cấp thất nghiệp, hỗ trợ học nghề, tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí. Ngoài ra, người hưởng BHTN cũng được hưởng chế độ bảo hiểm y tế. Tiếp theo đó, nhằm đưa các quy định về BHTN tại Luật BHXH năm 2006 đi vào cuộc sống, một số văn bản quy phạm pháp luật được ban hành quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số Điều của Luật BHXH về BHTN là Nghị định số 127/2008/NĐ-CP ngày 12/12/2008, Thông tư số 32/2010/TT- BLĐTBXH ngày 25/10/2010. Đến năm 2013, Quốc hội ban hành Luật Việc làm, trong đó chế định BHTN được quy định tại các Điều từ Điều 41 đến Điều 59. Để hướng dẫn cụ thể các quy định của Luật Việc làm về BHTN, Nhà nước đã ban hành một số văn bản Nghị định, Thông tư được thực hiện cho đến nay. Đó là Nghị định số 28/2015/NĐ- CP ngày 12/3/2015 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Việc làm về BHTN và Thông tư số 28/2015/TT-BLĐTBXH ngày 31/7/2015 hướng dẫn thực hiện Điều 52 của Luật Việc làm và một số điều của Nghị định số 28/2015/NĐ-CP ngày 12/3/2015.

Kết luận Chương 1

Bảo hiểm thất nghiệp là hiện tượng gắn liền với nền kinh tế thị trường mà các quốc gia đều phải quan tâm giải quyết để hạn chế các ảnh hưởng, tác động bất lợi của nó, đảm bảo an sinh xã hội cho NLĐ. BHTN được thực hiện nhằm trợ giúp về mặt tài chính cho người thất nghiệp để họ ổn định cuộc sống của mình và gia đình trong một chừng mực nhất định, từ đó tạo điều kiện để họ tham gia vào thị trường lao động để có những cơ hội mới về việc làm. Do đó nó có ý nghĩa rất lớn đối với NLĐ và ngay cả đối với NSDLĐ và sự phát triển kinh tế, xã hội của các quốc gia.

Pháp luật BHTN là một bộ phận của hệ thống pháp luật an sinh xã hội, bao gồm các quy định về đối tượng tham gia BHTN, các quy định về chế độ BHTN, các thủ tục BHTN và quỹ BHTN. Đây là các quy định cơ bản cần

thiết để triển khai chính sách BHTN, tạo nên chế độ BHTN của mỗi quốc gia.

Các quy định này được xây dựng trên cơ sở điều kiện kinh tế xã hội, quan niệm của mỗi quốc gia về sự cần thiết và yêu cầu hỗ trợ của đối tượng hưởng BHTN, khả năng quản lý, tổ chức thực hiện và khả năng tài chính của quỹ BHTN, sự hỗ trợ của ngân sách nhà nước… Pháp luật BHTN ở mỗi quốc gia có thể có sự khác biệt về các quy định cụ thể tuy nhiên đều phải đảm bảo các nguyên tắc của BHTN. Đó là bảo đảm chia sẻ rủi ro giữa những người tham gia BHTN, quy định mức đóng BHTN được tính trên cơ sở tiền lương của NLĐ, mức hưởng BHTN được tính trên cơ sở mức đóng và thời gian đóng BHTN, các nguyên tắc về thủ tục thực hiện bảo đảm quyền lợi đầy đủ, kịp thời cho người hưởng BHTN và các nguyên tắc về quỹ BHTN để đảm bảo duy trì quỹ, điều kiện cần thiết để thực hiện BHTN.

Chương 2

Một phần của tài liệu Pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp và thực tiễn thực hiện trên địa bàn tỉnh lạng sơn (Trang 27 - 32)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(94 trang)