Chương 1 MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ BẢO ĐẢM QUYỀN BÀO CHỮA
1.3. Nội dung bảo đảm quyền bào chữa của bị cáo trong tố tụng hình sự
Để bảo đảm quyền bào chữa của bị cáo trong TTHS cần có sự vào cuộc của rất nhiều các chủ thể, các chính sách, các biện pháp. Cụ thể là:
Thứ nhất, về chủ thể bảo đảm quyền bào chữa và được bảo đảm quyền bào chữa.
- Chủ thể được bảo đảm quyền bào chữa đó là bị cáo. Ở bất kỳ giai đoạn tố tụng nào, người bị buộc tội đều có quyền bào chữa, đặc biệt là ở giai đoạn xét xử, bị cáo được sử dụng quyền bào chữa bao gồm quyền tự bào chữa và quyền nhờ người khác bào chữa. Việc tự bào chữa hoặc nhờ người khác bào chữa là quyền đặc thù của bị cáo, kể cả trong trường hợp người đại diện, người thân thích của bị cáo nhờ người bào chữa cho họ, hoặc trong trường hợp bắt buộc phải có người bào chữa thì bị cáo vẫn có quyền chấp nhận, thay đổi hoặc từ chối người khác bào chữa cho mình. Việc đảm bảo quyền bào chữa của bị cáo trước hết và đầu tiên chính là do bị cáo quyết định, đây là quyền mà không phải là trách nhiệm hay nghĩa vụ phải thực hiện. Trong giai đoạn xét xử, bị cáo có thể sử dụng quyền bào chữa bất kỳ thời điểm nào kể từ khi nhận quyết định đưa vụ án ra xét xử, tức là khi người bị buộc tội trở thành bị cáo đến khi mở phiên tòa, tại thủ tục bắt đầu phiên tòa, bị cáo vẫn có quyền đề nghị có người bào chữa, thay đổi hay từ chối người bào chữa. Khi bị cáo yêu cầu có người bào chữa thì Tòa án phải tạo điều kiện để bị cáo có người bào chữa, nếu Tòa án không chấp nhận và vẫn mở phiên tòa xét xử mà không có người bào chữa
là vi phạm nghiêm trọng tố tụng, bị cáo có quyền kháng cáo, khiếu nại đến cấp có thẩm quyền và bản án sẽ bị hủy do vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng. Quyền bào chữa là quyền tự quyết của bị cáo.
- Chủ thể có trách nhiệm phải bảo đảm quyền bào chữa cho bị cáo:
+ Tòa án, ở giai đoạn xét xử Tòa án có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc bảo đảm quyền bào chữa của bị cáo như: Thành phần những người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng phải đảm bảo đúng quy định của pháp luật, phải thực sự vô tư, khách quan; đảm bảo phiên tòa được thực hiện đúng trình tự, thủ tục theo luật định;
đảm bảo nguyên tắc tranh tụng khi xét xử; đảm bảo cho bị cáo được thực hiện các quyền của mình được pháp luật ghi nhận, trong đó có quyền bào chữa. Tòa án có trách nhiệm giải thích về quyền tự bào chữa hoặc nhờ người khác bào chữa, quyền được trợ giúp pháp lý để bị cáo biết và sử dụng, khi bị cáo có nhu cầu nhờ người bào chữa thì Tòa án có trách nhiệm hướng dẫn, giúp đỡ về thủ tục và tạo điều kiện cho người bào chữa tham gia tố tụng để bào chữa cho bị cáo. Việc giải thích này được thực hiện ngay khi Tòa án tống đạt quyết định đưa vụ án ra xét xử, nghĩa là ngay khi người bị buộc tội trở thành bị cáo. Trong thủ tục bắt đầu phiên tòa, Thẩm phán chủ tọa phiên tòa có trách nhiệm giải thích quyền và nghĩa vụ cùa bị cáo theo quy định của pháp luật TTHS, trong đó có quyền bào chữa. Nếu hồ sơ vụ án không thể hiện việc giải thích quyền và nghĩa vụ của bị cáo, không thể hiện việc bảo đảm quyền bào chữa cho bị cáo là vi phạm về thủ tục tố tụng. Tòa án có trách nhiệm hoàn thành thủ tục đăng ký bào chữa cho người bào chữa và tạo điều kiện cho người bào chữa thực hiện các quyền của mình theo quy định của pháp luật, như đọc, sao chép hồ sơ vụ án, tiếp xúc với bị cáo, giao nộp chứng cứ, tham gia hỏi, tranh luận tại phiên tòa,...
+ Trại tạm giam, nhà tạm giữ: Đối với bị cáo bị tạm giam thì các cơ sở tạm giữ, tạm giam bị cáo có trách nhiệm: Tư vấn cho bị cáo về quyền bào chữa của mình, khi bị cáo có nhu cầu nhờ người bào chữa thì hướng dẫn về trình tự, thủ tục nhờ người bào chữa và giúp đỡ họ chuyển yêu cầu nhờ người bào chữa đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền; tạo điều kiện cho người bào chữa tiếp xúc, gặp gỡ, làm việc với bị cáo theo quy định.
+ Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan như: Đoàn Luật sư, tổ chức hành nghề luật sư, tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức thành viên của Mặt trận, người đại diện, người thân thích của bị cáo phải có trách nhiệm cử, phân công người bào chữa, nhờ người bào chữa cho bị cáo;
luật sư được bị cáo hoặc người đại diện, người thân thích của bị cáo nhờ bào chữa, trợ giúp viên pháp lý hoặc bào chữa viên nhân dân được tổ chức cử để bào chữa cho bị cáo có trách nhiệm thực hiện bào chữa cho bị cáo theo đúng quy định của pháp luật và quy tắc đạo đức nghề nghiệp, sử dụng kiến thức, kỹ năng và mọi quyền năng được pháp luật quy định để bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp cho bị cáo.
Khi bị cáo có nhu cầu nhờ người bào chữa mà chưa tìm được người bào chữa thì Tòa án phải tạo điều kiện về thời gian, tư vấn, hướng dẫn bị cáo, người đại diện, người thân thích của họ nhờ luật sư hay người khác bào chữa cho bị cáo.
Thứ hai, về cách thức bảo đảm quyền bào chữa của bị cáo.
- Bảo đảm quyền bào chữa của bị cáo bằng hệ thống pháp luật hoàn chỉnh.
Muốn vậy, xây dựng pháp luật cần đặc biệt chú trọng, quan tâm khi xây dựng chế định về quyền bào chữa của người bị buộc tội. Các biện pháp cụ thể để bảo đảm quyền này cần được quy định cụ thể, rõ ràng trong các văn bản quy phạm pháp luật và chế tài nghiêm khắc để xử lý đối với các cá nhân, tổ chức không thực hiện, cũng như hậu quả của việc không bảo đảm quyền bào chữa (như vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng mà không khắc phục được thì phải trả tự do cho người bị buộc tội). Ngoài việc xây dựng hệ thống pháp luật thì cần chú trọng hoàn thiện các văn bản hướng dẫn một cách thống nhất để đảm bảo thi hành, tránh việc áp dụng tùy tiện, thiếu thống nhất.
- Bảo đảm quyền bào chữa của bị cáo bằng các hoạt động bào chữa hiệu quả.
Quyền bào chữa là một quyền đặc biệt quan trọng vì nó liên quan trực tiếp đến cuộc sống, sự tự do, sinh mạng của người bị buộc tội, nên cần phải được bảo đảm. Khi người bị buộc tội nói chung và bị cáo nói riêng biết được quyền này thì họ cần sử dụng triệt để, hiệu quả để có thể tránh khỏi sự trừng phạt không đáng có của Nhà nước hoặc giảm nhẹ được mức hình phạt theo luật định. Muốn vậy, cần đẩy mạnh các hoạt động tư vấn pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao nhận thức pháp luật
trong nhân dân, đặc biệt là pháp luật TTHS. Cần có những quy định về điều kiện tiêu chuẩn của người bào chữa nhằm bảo đảm quyền bào chữa của người bị buộc tội phát huy được hiệu quả thiết thực. Để bảo đảm quyền nhờ người khác bào chữa của bị cáo thì nhất thiết phải chú trọng phát triển cả về số lượng và chất lượng người bào chữa. Để làm được điều đó cần nâng cao tiêu chuẩn về chuyên môn, nghiệp vụ, quy tắc nghề nghiệp của người bào chữa và có chính sách để nâng cao thu nhập cho người bào chữa, đặc biệt là ở những vùng lực lượng này còn mỏng, còn thiếu, còn yếu nhằm thú hút lực lượng xã hội tham gia vào hoạt động bào chữa và nâng cao trách nhiệm của Nhà nước trong việc bảo đảm đủ số lượng và chất lượng người bào chữa.
- Bảo đảm quyền bào chữa của bị cáo bằng sự khách quan, độc lập và trách nhiệm của các cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Trong tổ chức và hoạt động của các cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải đảm bảo tính độc lập về trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền hạn của từng cơ quan, từng người có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Đảm bảo hoạt động của họ không bị chi phối, sự tác động của cấp trên, của các cơ quan, người có thẩm quyền khác điều chỉnh, can thiệp, qua đó mới đảm bảo được sự công bằng trước pháp luật của mọi công dân, trong đó có quyền bào chữa và kết quả giải quyết vụ án hình sự. Về phía các cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, đặc biệt là Tòa án có trách nhiệm bảo đảm cho người buộc tội biết và thực hiện các quyền của mình, trong đó có quyền bào chữa. Ngay từ khi tống đạt quyết định đưa vụ án ra xét xử và các văn bản tố tụng, Tòa án có trách nhiệm giải thích các quyền của bị cáo, đặc biệt là quyền bào chữa; và khi bị cáo có nhu cầu nhờ người khác bào chữa thì Tòa án có trách nhiệm hướng dẫn, giúp đỡ về thủ tục nhờ người khác bào chữa, đặc biệt là đối với bị cáo đang bị tạm giam; Tòa án có trách nhiệm xem xét, chấp nhận hay không chấp nhận đăng ký bào chữa theo quy định, sau khi chấp nhận đăng ký bào chữa thì Tòa án có trách nhiệm tạo điều kiện cho người bào chữa thực hiện các quyền của mình theo quy định, tạo điều kiện cho việc tiếp cận hồ sơ vụ án để đọc, ghi chép, sao chụp;
gặp bị cáo đang bị tạm giam; tham gia phiên tòa... và các quyền năng khác theo quy định của pháp luật. HĐXX có trách nhiệm theo dõi và phân tích, đánh giá kết quả
tranh luận tại phiên tòa giữa Kiểm sát viên và người bào chữa, xét hỏi, đối chiếu với các chứng cứ khác để xem xét, đánh giá, giải quyết vụ án một cách chính xác, khách quan, công bằng. Để xác định sự thật khách quan của vụ án hình sự, cần thiết đầy đủ các yếu tố, chứng cứ được đánh giá ở nhiều khía cạnh khác nhau, trên cơ sở đó mới đánh giá, nhìn nhận toàn diện các tình tiết, chứng cứ của vụ án. Việc xác định sự thật khách quan của vụ án sẽ không thể thực hiện được chính xác nếu chỉ nghe ý kiến từ một phía buộc tội, bởi ý kiến mang tính chủ quan, nhìn nhận sự việc, hiện tượng theo một hướng duy nhất nên sẽ dẫn đến cách nhìn nhận, đánh giá thiếu khách quan, phiến diện, một chiều. Chính vì vậy, trong TTHS chức năng bào chữa luôn tồn tại song hành cùng chức năng buộc tội và chức năng kiểm sát việc tuân thủ, áp dụng và thi hành pháp luật. Trên thực tế, việc áp dụng nguyên tắc bảo đảm quyền bào chữa đã bộc lộ nhiều hạn chế, ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả công tác điều tra, truy tố, xét xử của các cơ quan tiến hành tố tụng dẫn đến tình trạng oan sai trong hoạt động tố tụng, xâm phạm nghiêm trọng đến quyền bào chữa của người bị buộc tội.
- Bảo đảm quyền bào chữa của bị cáo bằng các hoạt động nâng cao nhận thức pháp luật của người tham gia tố tụng.
+ Cần quy định cụ thể và có chế tài nghiêm khắc đối với người tham gia tố tụng, đặc biệt là đối với người làm chứng, người chứng kiến, người giám định, người phiên dịch, đặc biệt chú trọng đến việc chuẩn hóa người phiên dịch tiếng dân tộc thiểu số, vì các hoạt động của những người này có thể quyết định đến việc giải quyết vụ án. Chính vì vậy, cần phải có quy định cụ thể về tiêu chuẩn, trách nhiệm và chế tài khi tham gia tố tụng.
+ Cần nâng cao nhận thức pháp luật cho nhân dân, việc phổ biến và giáo dục pháp luật trong nhân dân là việc làm hết sức cần thiết nhằm nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật trong nhân dân, giảm thiểu tình trạng vi phạm pháp luật. Trong việc bảo đảm quyền bào chữa cho bị cáo thì cần đặc biệt quan tâm đến việc nâng cao kiến thức pháp luật về TTHS, để khi người dân hay người thân thích của họ trở thành người bị tình nghi, người bị buộc tội hay là bị cáo thì đã biết được các quy định của pháp luật TTHS, biết được mình có những quyền và nghĩa vụ gì
để tự bảo vệ và nhờ người khác bảo vệ mình, cho người thân thích của mình. Hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật về TTHS cần đặc biệt quan tâm đến các đối tượng như người dưới 18 tuổi, người đại diện, người thân thích của họ và người dân tộc thiểu số thường xuyên sinh sống ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, dân trí thấp - đây là những đối tượng dễ bị tổn thương, dễ bị lợi dụng cũng như khả năng tự bảo vệ mình có phần hạn chế.
Như vậy, xuất phát từ yêu cầu bảo đảm quyền con người, quyền công dân và thực tiễn thi hành pháp luật TTHS cho thấy tính cấp thiết của việc áp dụng triệt để các quy định về bảo đảm quyền bào chữa trong hoạt động tố tụng.
Kết luận chương 1
Bảo đảm quyền bào chữa của bị cáo trong TTHS là nguyên tắc cơ bản nhằm bảo đảm quyền con người, quyền bình đẳng trước pháp luật của công dân.
Quyền bào chữa là quyền cơ bản và đặc thù của người bị buộc tội, để bảo đảm quyền bào chữa, cần có một hệ thống pháp luật TTHS hoàn thiện và rất nhiều các điều kiện mới có thể bảo đảm. Bên cạnh việc đưa ra các khái niệm về quyền bào chữa, bảo đảm quyền bào chữa cho bị cáo thì nội dung Chương 1 còn đi sâu phân tích các vấn đề lý luận, thực tiễn trong việc bảo đảm quyền bảo chữa và đặc biệt là nội dung của việc bảo đảm quyền bảo chữa. Trong đó tập trung nêu và phân tích các cơ chế, chủ thể, phương pháp để bảo đảm quyền bào chữa cho bị cáo để góp phần bảo đảm tốt nhất quyền bào chữa cho bị cáo nói riêng và cho người bị buộc tội nói chung.
Qua việc nghiên cứu hệ thống pháp luật về TTHS, đặc biệt là BLTTHS năm 2015 về các quy định nhằm bảo đảm quyền bào chữa cho bị cáo cho thấy sự quan tâm, nỗ lực của Nhà nước trong việc bảo đảm quyền con người, quyền công dân và chính sách nhân đạo của Nhà nước. Tuy nhiên, ngoài những điểm tiến bộ thì quá trình áp dụng pháp luật TTHS cũng gặp phải không ít những bất cập, vướng mắc cần sửa đổi, bổ sung hoặc hướng dẫn cụ thể. Việc nghiên cứu mang tính lý luận và thực tiễn sẽ là tiền đề cho việc hoàn thiện hệ thống pháp luật TTHS nói chung và các chế định nhằm bảo đảm quyền bào chữa cho bị cáo nói riêng để hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.
Chương 2