PHƯƠNG PHÁP VÀ TỔ CHỨC NGHIÊN CỨU

Một phần của tài liệu Khả năng dự báo lo âu và căng thẳng của các chiến lược ứng phó trong việc nuôi con là trẻ tự kỷ ở các bà mẹ tại thành phố hồ chí minh (Trang 45 - 52)

Nghiên cứu này được thực hiện cắt ngang tại một thời điểm, sử dụng phương pháp nghiên cứu định lượng để tìm hiểu về các biểu hiện của lo âu, căng thẳng và mối liên hệ giữa chúng với các CLƯP ở các bà mẹ có con tự kỷ tại Tp HCM.

2.2. Khách thể nghiên cứu

Đặc điểm mẫu: Mẫu nghiên cứu là mẫu thuận tiện, bao gồm những bà mẹ đang chăm sóc và nuôi con được chẩn đoán là có RLPTK và hiện đang sinh sống tại Tp HCM tiếp cận được bài chia sẻ về nghiên cứu trên các hội nhóm Facebook dành cho phụ huynh có con là trẻ tự kỷ.

Kích cỡ mẫu: Cỡ mẫu tối thiểu để có thể trả lời câu hỏi nghiên cứu trong nghiên cứu này được ước tính dựa trên phân tích độ mạnh thống kê (power analysis) sử dụng phần mềm G*Power 3.1.9.77 (Faul và cậu sự, 2009). Dựa vào kết quả phân tích, cỡ mẫu cần thiết để đạt được 80% độ mạnh thống kê nhằm có thể phát hiện hiệu quả trung bình (Cohen f2 khoảng .15) ở ngưỡng trị số p ∝ = .05 là N = 129 (cho thống kê hồi quy đa bậc với bốn biến nghiên cứu chính (bốn CLƯP) và ba biến kiểm soát (tuổi, học vấn, và thu nhập tài chính) về sau). Như vậy, câu hỏi nghiên cứu trong đề tài này có thể được trả lời nếu đạt được cỡ mẫu tối thiểu là 85 người tham gia.

Tổng số người nghiên cứu hoàn thành bảng khảo sát là 144 bà mẹ; con số này vượt hơn cỡ mẫu tối thiểu được ước tính trước khi bắt đầu thu thập dữ liệu. Điểm tuổi trung bình của mẫu nghiên cứu là 35.12 (SD là 6.20).

Tiêu chí chọn mẫu và loại trừ: Để tham gia nghiên cứu, cá nhân người tham gia nghiên cứu phải đạt đủ các tiêu chuẩn sau:

● Là mẹ ruột của trẻ

● Là người Việt Nam, sinh sống tại Tp HCM

● Có con là trẻ đã được chẩn đoán mắc RLPTK bởi bác sĩ tâm thần kinh

● Hiện đang không mắc các vấn đề y khoa cấp tính khác, tình trạng nội khoa ổn định.

● Có khả năng truy cập Internet và sử dụng thư điện tử 2.3. Công cụ nghiên cứu

CLƢP được đo lường bằng phiên bản rút gọn tiếng Việt của thang đo Coping Orientation to Problems Experienced (Brief-COPE, Carver & et al, 1989). Brief-COPE bao gồm 28 câu hỏi tự đánh giá về tần suất sử dụng của các CLƯP khác nhau. Người tham dự chọn một lựa chọn trên thang Likert bốn điểm (từ 1 là „„Tôi chưa bao giờ làm việc này chút nào‟‟ đến 4 là „„Tôi đã làm việc này rất nhiều lần‟‟; Carver, 2007). Brief- COPE có độ tin cậy ở mức vừa đủ đến cao trong các nghiên cứu trước đây (Benson, 2010; Hastings & et al, 2005).

Thang đo Brief-COPE gồm 14 tiểu thang (mỗi tiểu thang có hai câu hỏi) và đo lường các chiến lược như sau: tự phân tán bản thân, chủ động thích nghi, chối bỏ, dùng chất kích thích, tìm đến hỗ trợ cảm xúc, sử dụng các công cụ hỗ trợ, hành vi thả lỏng, trút giận, điều chỉnh tích cực, lập kế hoạch, hài hước, chấp nhận, tôn giáo, và tự trách bản thân. Brief-COPE có độ tin cậy ở mức thấp đến cao trong các nghiên cứu trước đây (α dao động trong khoảng .58 đến .81 cho các tiểu thang khác nhau; Obeid & Daoud, 2015). Thang đo này cũng đã được các nhà nghiên cứu thực hiện chuẩn hóa tại Việt Nam trên nhóm 344 đối tượng nhiễm HIV với chỉ số Cronbach Alpha là 0.85 (Matsumoto & et al, 2020)

Trong nghiên cứu này, các đề mục của Brief-COPE được chia vào bốn nhóm ứng phó (Benson, 2010) như sau: dấn thân (đề mục 2, 5, 7, 10, 14, 15, 23, 25), xao nhãng (đề mục 1, 9, 13, 16, 18, 19, 21, 28), rút lui (đề mục 3, 4, 6, 8, 11, 16), và đặt lại

vấn đề (đề mục 12, 17, 20, 22, 24, 27). Độ tin cậy của cả thang đo trong nghiên cứu này nằm ở mức cao (α = .866). Bên cạnh đó, tiểu thang dấn thân đạt độ tin cậy ở mức cao (α = .830), còn các tiểu thang xao nhãng (α = .738), rút lui (α = .755), và đặt lại vấn đề (α = .647) có độ tin cậy ở mức chấp nhận được.

Tác giả nghiên cứu lựa chọn sử dụng thang đo Brief-COPE theo nghiên cứu của Benson (2010) vì các lý do sau:

(1) Nghiên cứu Benson đã phân loại nhóm CLƯP một cách đủ đầy theo 4 nhóm để không đơn giản hóa phản ứng của phụ huynh có con tự kỷ.

(2) Nghiên cứu của Benson phân thang đo thành 4 nhóm CLƯP được thực hiện trên mẫu là các phụ huynh có con tự kỷ. Đồng thời, thang đo được trình bày dưới dạng tình huống hơn là dạng đặc điểm và do đó tạo điều kiện cho việc khám phá cách ứng phó đặc biệt liên quan đến nhu cầu của trẻ tự kỷ

(3) Thang đo có độ tin cậy cao hơn (từ 0.5 đến 0.95) so với một số thang đo về CLƯP khác

(4) Thang đo này được thiết kế phiên bản ngắn gọn hơn (28 items) nên sẽ quản lý nhanh hơn các thang đo khác.

Lo âu và căng thẳng được đo lường thông qua thang đo Depression, Anxiety, and Stress 21 (DASS-21; Lovibond & Lovibond, 1995). DASS-21 là một công cụ đo lường tần suất của các hành vi hoặc cường độ của cảm xúc để sàng lọc trầm cảm (DASS-D), lo âu (DASS-A), và căng thẳng (DASS-S). Công cụ này đã được sử dụng trên nhiều nhóm dân số và nhóm tuổi khác nhau. Do thiết kế của nghiên cứu này, chỉ hai tiểu thang DASS-S và DASS-A sẽ được sử dụng.

Mỗi tiểu thang có tổng cộng 7 câu hỏi. Mỗi đề mục được đánh giá qua thang điểm Likert bốn điểm, từ 0 (“Không áp dụng cho tôi chút nào”) đến 3 (“Áp dụng cho

tôi rất nhiều”). Điểm của lo âu và căng thẳng sẽ được tính bằng cộng điểm của các mục thành phần rồi nhân hệ số 2. Độ tin cậy và hiệu lực của DASS đã được chứng minh trong các nghiên cứu trên các mẫu dân số chung và mẫu lâm sàng (Henry & Crawford, 2005), kể cả ở các nước châu Á (Lovibond, 2011; Oei & et al, 2013). Trong nghiên cứu của Lai, Goh, Oei & Sung (2015), kết quả cho thấy tính nhất quán nội bộ đáng kể trong tổng điểm thang đo DASS (α = .94), DASS-S (.88), và DASS-A (.83). Riêng trong nghiên cứu này, cả hai tiểu thang DASS-A và DASS-S đều thể hiện độ tin cậy ở mức cao (α lần lượt là .813 và .826). Ngoài ra, điểm trung bình và SD của các tiểu thang sẽ được tính toán.

Việc nghiên cứu này lựa chọn sử dụng thang DASS-21 thay vì các thang đo khác vì các yếu tố sau:

(1) Thang đo này có thể đo để tìm hiểu các biểu hiện căng thẳng và lo âu ở cả hai khía cạnh cùng trong một tháng mà không cần các thang thang tách biệt;

(2) Thời gian sử dụng để hoàn thành thang đo DASS-21 ngắn hơn;

(3) Bộ câu hỏi mà thang đo cung cấp dễ hình dung và dễ thực hiện.

2.4. Quy trình nghiên cứu

Bước 1: Với mục đích xây dựng hệ thống cơ sở lý luận về lo âu, căng thẳng và CLƯP của các bà mẹ đang nuôi con Tự kỷ tại Tp HCM, tác giả tiến hành nghiên cứu tài liệu bằng cách tập hợp các nghiên cứu có liên quan về phụ huynh có con là trẻ tự kỷ, trải nghiệm căng thẳng – lo âu và các CLƯP của phụ huynh tổng quan trên thế giới và tại Việt Nam. Sau đó phân tích thành từng đơn vị kiến thức và khái quát thành hệ thống kiến thức riêng biệt phù hợp cho đề tài.

Bước 2: Bảng khảo sát được triển khai từ ngày 22/08/2022 và kết thúc vào ngày 22/02/2023. Nghiên cứu viên đã chia sẻ khảo sát trên những diễn đàn dành cho phụ huynh có con là trẻ tự kỷ trên Facebook. Người tham gia có thể thực hiện khảo sát thông qua biểu mẫu Google trên máy tính hoặc điện thoại.

Tuy nhiên, cho đến tháng hết tháng 12/2022 thì số phiếu thu về từ bảng khảo sát là khoảng 90 phiếu, không đủ so với số mẫu tối thiểu, nên tôi tiếp tục triển khai việc phiếu trực tiếp đến một vài trung tâm can thiệp trẻ đặc biệt mà tôi nhận được sự cho phép từ phía Ban giám đốc để đến và thực hiện khảo sát. Cụ thể như sau:

Trung tâm Tư vấn giáo dục và đào tạo trẻ em ATC- số 1 đường 1A khu dân cư Trung Sơn, Bình Hưng, Bình Chánh.

Trung tâm giáo dục Tường Minh - Số 449/41, đường Trường Chinh, phường 14, quận Tân Bình, Tp HCM

Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Thiên Thần - 65 đường Dương Quảng Hàm, phường 5, quận Gò Vấp, Tp HCM

Người tham gia sẽ được giới thiệu về nghiên cứu, cụ thể là mục tiêu nghiên cứu, đối tượng, quy trình nghiên cứu, quyền lợi và rủi ro khi tham gia nghiên cứu. Khi đã rõ các thông tin về nghiên cứu, người tham gia sẽ xác nhận lại sự đồng thuận tham gia.

Bảng khảo sát đầu tiên sẽ thu thập các thông tin nhân khẩu (như tuổi, tình trạng kinh tế xã hội, nghề nghiệp, tình trạng hôn nhân, học vấn), sau đó là bảng hỏi về lo âu căng thẳng, và sau cùng là bảng hỏi về các CLƯP. Thời gian ước tính cho một tiến trình thu thập dữ liệu kéo dài khoảng 20 phút. Các thông tin nhạy cảm về danh tính của người tham gia sẽ được bảo mật.

Về quyền lợi khi tham gia nghiên cứu này, ngẫu nhiên 20 người tham gia sẽ được nhận một thẻ cào điện thoại trị giá 50.000 đồng.

2.5. Đạo đức nghiên cứu

Các thông tin có khả năng định danh như địa chỉ thư điện tử và tên người tham gia sẽ được tách khỏi bộ dữ liệu sau cùng và lưu riêng trong một tệp Word được mã hóa bằng mật khẩu mà chỉ người nghiên cứu chính có thể truy cập. Các vấn đề về bảo

mật và tính riêng tư được đề cập rõ trong mô tả nghiên cứu và bảng đồng thuận tham gia để ứng viên tham khảo ngay từ đầu dự án.

Nghiên cứu tìm hiểu về trải nghiệm cảm xúc và nhận định của người tham gia nên tính xâm hại đến sức khỏe thể chất và tâm lý của họ ở mức tối thiểu. Tuy vậy, người tham gia có thể cảm thấy khó chịu ở mức độ nhất định khi trả lời các bảng hỏi.

Các nguy cơ như trên được đề cập trong mô tả nghiên cứu và bảng đồng thuận cho ứng viên tìm hiểu từ trước khi đồng ý tham gia dự án.

2.6. Kế hoạch phân tích dữ liệu

Quá trình phân tích dữ liệu, tôi được sự hỗ trợ và cố vấn của chuyên gia về xử lý số liệu SPSS.

Phương pháp thống kê toán học được sử dụng để xử lý và phân tích các số liệu thu thập từ bảng hỏi thông qua chương trình SPSS phiên bản 25. Đầu tiên, phân tích mô tả sẽ được thực hiện cho các biến số nhân khẩu học và các biến nghiên cứu chính, thông qua một vài trị số chính bao gồm tần suất (frequency), phần trăm (percentage), điểm trung bình (mean), và SD (standard deviation). Các sai số trong dữ liệu (ví dụ như độ lệch trong phân phối chuẩn (skewness và kurtosis), giá trị cực đoan (outliers) sẽ được kiểm tra và kiểm soát.

Các giả định cần thiết cho việc chạy hồi quy tuyến tính đa bậc, bao gồm phân phối chuẩn của các biến liên tục (normality), tương quan tuyến tính giữa các biến số (linearity), và nguy cơ đa cộng tuyến (multicollinearity) sẽ được kiểm tra trước khi thống kê hồi quy tuyến tính đa bậc (sequential linear regression) được sử dụng. Hai mô hình hồi quy tuyến tính đa bậc được áp dụng để hồi quy lần lượt từng biến phụ thuộc – căng thẳng và lo âu – trên ba biến kiểm soát và bốn nhóm CLƯP khác nhau. Mỗi mô hình sẽ bao gồm hai bước. Đầu tiên, các biến kiểm soát bao gồm tuổi, thu nhập, và học vấn của người tham gia được nhập vào ở bước một. Sau đó, ở bước hai, điểm giá trị

của bốn CLƯP sẽ được nhập. Phân tích mô tả, các giả định và kết quả hồi quy đa bậc cho từng biến kết quả sẽ được được báo cáo.

Các giả định để thực hiện kiểm định hồi quy trong nghiên cứu này, bao gồm việc các biến có phân phối chuẩn, các biến có tương quan tuyến tính với nhau và các biến không thể hiện vấn đề đa cộng tuyến (kiểm định thông qua các cặp biến nghiên cứu không có tương quan lớn hơn mức .8; Leech và cộng sự., 2015) được thực hiện, trình bày ở các phần trên. Do đó, phân tích hồi đa bậc được sử dụng để chạy hai mô hình hồi quy nhằm kiểm định khả năng dự báo có ý nghĩa của bốn nhóm CLƯP – xao nhãng, dấn thân, rút lui, và đặt lại vấn đề - lần lượt cho mức độ lo âu và căng thẳng ở các người mẹ có con là trẻ tự kỷ. Trong mỗi mô hình, tuổi và thu nhập tài tài chính gia đình được đưa vào như là hai biến kiểm soát. Phân tích sử dụng phương pháp Enter được sử dụng do giả thuyết nghiên cứu được thiết lập dựa trên lý thuyết và các bằng chứng nghiên cứu trước đó về tương quan giữa việc sử dụng các CLƯP và các triệu chứng tâm lý ở phụ huynh có con được chẩn đoán với RLPTK (Benson, 2010)

Một phần của tài liệu Khả năng dự báo lo âu và căng thẳng của các chiến lược ứng phó trong việc nuôi con là trẻ tự kỷ ở các bà mẹ tại thành phố hồ chí minh (Trang 45 - 52)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(124 trang)