CHƯƠNG 2. THỰC TRẠNG VÀ NHỮNG THÁCH THỨC ĐỐI VỚI MÔI TRƯỜNG TỈNH BẮC GIANG
II. Xu thế và những thách thức về môi trường
2.2. Xu thế, diễn biến và thách thức về môi trường ở tỉnh Bắc Giang
2.2.1 Gia tăng ô nhiễm môi trường nước, không khí, môi trường đất, rác thải cả về số lượng và chủng loại
Môi trường đất: Có xu thế thoái hoá do xói mòn, rửa trôi, mất chất hữu cơ; khô hạn, sa mạc hoá, ngập úng, lũ; trượt, sạt lở đất; mặn hoá, phèn hoá... dẫn đến nhiều vùng đất bị cằn cỗi, không còn khả năng canh tác và tăng diện tích đất bị hoang mạc hoá.
Môi trường nước: Chất lượng nước ở thượng lưu các con sông còn khá tốt nhưng vùng hạ lưu phần lớn bị ô nhiễm, nhiều nơi ô nhiễm nghiêm trọng. Chất lượng nước suy giảm mạnh: nhiều chỉ tiêu như BOD, COD, NH4, tổng N, tổng P cao hơn tiêu chuẩn cho phép nhiều lần. Nước ngầm ở một số vùng, đặc biệt là một số khu công nghiệp, khu khai thác khoáng sản và đô thị có nguy cơ cạn kiệt vào mùa khô và ở một số nơi đã có dấu hiệu bị ô nhiễm do khai thác bừa bãi và không đúng kỹ thuật.
Môi trường không khí: Chất lượng không khí ở Bắc Giang nói chung còn khá tốt, đặc biệt là ở nông thôn và miền núi. Thế nhưng vấn đề bụi lại đang trở thành vấn đề cấp bách ở các khu đô thị và các khu công nghiệp. Việc gia tăng các phương tiện giao thông cũng đang gây ô nhiễm không khí ở nhiều nơi. Nồng độ chì, khí CO, NOX, SO2 khá cao, trực tiếp gây hại đến sức khoẻ của những người tham gia giao thông. Nhiều vụ cháy rừng gần đây làm suy giảm chất lượng không khí và gây ra một số hiện tượng thiên nhiên không bình thường khác.
Môi trường đô thị và công nghiệp: Ô nhiễm do hệ thống tiêu nước, thoát nước lạc hậu, xuống cấp nhanh. Năng lực thu gom chất thải rắn còn thấp kém; chất thải nguy hại chưa được thu gom và xử lý theo đúng quy định. Trong khi đó, bụi, khí thải, tiếng ồn... do hoạt động giao thông vận tải nội thị và mạng lưới cơ sở sản xuất quy mô vừa và nhỏ cùng với hạ tầng kỹ thuật đô thị yếu kém, không theo kịp với sự gia tăng dân số đã làm nảy sinh các vấn đề bất cập về mặt xã hội và vệ sinh môi trường đô thị.
Môi trường nông thôn và miền núi: Với hơn 80% dân số sống ở nông thôn miền núi, song tỷ lệ hố xí hợp vệ sinh chỉ chiếm 28-30%. Số hộ được cung cấp nước sạch chỉ đạt khoảng 50%
do các hủ tục lạc hậu, cách sống thiếu vệ sinh. Nạn chặt phá rừng làm nương rẫy, ô nhiễm môi trường các làng nghề, lạm dụng hoá chất trong canh tác nông nghiệp cũng góp phần làm suy thoái đất canh tác, ô nhiễm nguồn nước và suy giảm đa dạng sinh học.
Đa dạng sinh học: Bắc Giang là một trong những tỉnh có đa dạng sinh học phong phú. Tuy nhiên, những năm gần đây, đa dạng sinh học tỉnh ta bị suy giảm mạnh do cháy rừng, do chuyển đổi mục đích sử dụng đất đai, làm thu hẹp nơi cư trú của các giống loài. Nạn khai thác và đánh bắt quá mức, buôn bán trái phép động vật, thực vật quý hiếm vẫn tiếp diễn...
2.2.1 Nhu cầu về xử lý và chôn lấp rác thải
Từ kết quả điều tra của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Giang hàng năm (2006-2009) cho thấy: Tổng lượng chất thải rắn trung bình là: 212.084 tấn/năm (tương đương 581 tấn/ngày). Trong đó:
+ Khu vực thành thị là: 32.623 tấn/năm (tương đương 89 tấn/ngày);
+ Khu vực nông thôn là: 133.392 tấn/năm (tương đương 365 tấn/ngày);
+ Các tổ chức, doanh nghiệp là: 46.069 tấn/năm (tương đương 126 tấn/ngày);
+ Chất thải từ các cơ sở công nghiệp là: 20.514 tấn/năm;
+ Chất thải từ các cơ sở y tế là: 379 tấn/năm.
Qua kết quả điều tra cho thấy: Số lượng bãi rác trên địa bàn tỉnh đến năm 2008 là 45 bãi, số công ty, tổ đội, hợp tác xã Vệ sinh môi trường là 70 đơn vị. Tỷ lệ thu gom rác thải trên địa bàn toàn tỉnh Bắc Giang trung bình đạt 39,3%; Trong đó:
- Khu vực thành thị đạt: 68,8%;
- Khu vực nông thôn đạt: 18,7%;
- Trong các tổ chức, doanh nghiệp, các khu cụm công nghiệp đạt: 77,9%.
Hầu hết chất thải rắn không được phân loại tại nguồn mà được thu lẫn lộn, sau đó được vận chuyển đến bãi chôn lấp. Do mạng lưới thu gom chưa phủ kín được địa bàn quản lý và ý thức của người dân trong giữ gìn vệ sinh môi trường đô thị còn chưa cao nên hiện tượng đổ rác bừa bãi vẫn đang còn phổ biến. Rác thải sinh hoạt đổ xuống mương, rãnh hở gây ô nhiễm nguồn nước và úng ngập khi mưa.
Hiện nay trên địa bàn tỉnh Bắc Giang có khoảng 150-170 điểm thu gom phế liệu, các cơ sở này hầu hết chưa có bãi thu gom, phân loại, xử lý theo đúng quy trình. Tuy nhiên các hoạt động này chỉ giảm được khoảng 10 - 12% khối lượng rác thải.
Theo kết quả điều tra của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Giang thì chất thải công nghiệp thu gom tại các khu, cụm công nghiệp đạt 77,9%, tuy nhiên CTR từ các nhà máy nhỏ lẻ, các làng nghề hầu như chưa được thu gom, xử lý. Tóm lại tình trạng thu gom và xử lý chất thải rắn công nghiệp còn bất cập chưa đáp ứng được yêu cầu hiện nay làm ảnh hưởng đến môi trường. Nhu cầu về xử lý và bãi chôn lấp rác thải trên địa bàn tỉnh ngày càng cấp bách.
2.2.3 Khai thác tài nguyên thiên nhiên ngày một mạnh mẽ và tác động đến mọi thành phần môi trường
Đói nghèo là một trong những nguyên nhân của việc khai thác tài nguyên không bền vững.
Hiện nay, ở Bắc Giang trên 60% dân số có sinh kế phụ thuộc vào tài nguyên đa dạng sinh học.
Tuy nhiên, tài nguyên đa dạng sinh học hiện vẫn bị khai thác và sử dụng một cách thiếu bền vững. Tình trạng này được thể hiện ở các hoạt động cụ thể sau đây:
- Khai thác thuỷ sản quá mức, sử dụng các phương tiện đánh bắt huỷ diệt.
- Khai thác gỗ và các sản phẩm từ rừng thiếu kế hoạch, thiếu kiểm soát.
- Khai thác và buôn bán các loài động vật hoang dã không kiểm soát được.
2.2.4 Diễn biến thời tiết ngày càng bất thường, sự cố môi trường sẽ tăng lên
Hiện nay ảnh hưởng của biến đổi khí hậu ở Việt Nam nói riêng và toàn cầu nói chung đang là vấn đề báo động trên toàn cầu. Bắc Giang cũng bị ảnh hưởng của biến đổi khí hậu toàn cầu trong những năm gần đây BĐKH đã gây hạn hán, lũ lụt, lũ quét vv… gây thiệt hại lớn cho người và tài sản trên địa bàn tỉnh, tác động đến tất cả các vùng, các lĩnh vực kinh tế - xã hội
nhưng trong đó tài nguyên nước, nông nghiệp, y tế - sức khỏe . Tuy nhiên, mức độ tác động của BĐKH có khác nhau tùy thuộc vào những đặc trưng về điều kiện địa lý, trình độ phát triển và các hành động ứng phó của từng vùng, miền.
Bắc Giang là một trong những tỉnh chịu nhiều thiên tai. Thiên tai ở Bắc Giang chủ yếu là bão, lũ… (Theo ghi nhận của Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Bắc Giang). Từ năm 2006 đến cuối năm 2008 số lượng thiên tai trên địa bàn tỉnh Bắc Giang ngày càng gia tăng về số lượng và đặc biệt mức độ tàn phá mạnh hơn gây thiệt hại to lớn về nhà cửa, mùa màng, tài sản.
- Năm 2008 thời tiết và khí hậu ở Bắc Giang diễn biến bất thường nhất kể từ năm 2006 đến nay với 2 đợt mưa kỷ lục (do chịu ảnh hưởng trực tiếp của cơn bão số 4 và số 6) và lũ cao đạt mức lũ lịch sử trên sông Lục Nam.
+ Về lũ đã xảy ra 10 trận lũ, đỉnh lũ cao nhất năm sông Lục Nam tại Chũ: 15,75m (cao hơn mức lũ lịch sử 1,1m xảy ra năm 1986), tại Đồi Ngô: 7,88m (trên báo động 3:2,08m, gần bằng đỉnh lũ lịch sử 8,04m năm 1986); sông Thương tại Phủ Lạng Thương: 6,89m (trên báo động 3:
1,09m); sông Cầu tại Đáp Cầu 6,07m (trên báo động 3: 0,27m). Trong mùa mưa lũ đã xảy ra nhiều đợt mưa có tổng lượng trên 50mm; đặc biệt mưa lớn điển hình cuối tháng 9 và đầu tháng 11 đã gây ra lũ cao ở các triền sông, ngập lụt ở tất cả các huyện, thành phố (tại trạm đo Cẩm Đàn: 539mm, Sơn Động: 509mm, Lục Ngạn: 430mm, Chũ: 356mm, Lục Nam:
237,5mm, Việt Yên: 448mm, Yên Thế: 397mm, Hiệp Hòa: 394mm…).
+ Thiên tai trong năm 2008 đã gây thiệt hại rất lớn về người, tài sản, sản xuất, kinh doanh, xáo trộn về đời sống, sinh hoạt của nhân dân: 14 người chết, 32 người bị thương; 743 ngôi nhà bị sập đổ, lũ cuốn trôi; 609 ngôi nhà bị tốc mái, hư hại; gần 14.000 ngôi nhà bị ngập nước;
38.646 hộ với gần 170.000 nhân khẩu bị ảnh hưởng do mưa, lũ; 21.985 ha lúa, hoa màu bị ngập; về cơ sở hạ tầng, đã có 4 điểm đê cấp 3 bị sạt lở lớn, đê dưới cấp 3 bị tràn, vỡ, sạt lở nhiều đoạn chiều dài trên 10km; 164 hồ đập bị thiệt hại, đường giao thông tỉnh lộ hư hỏng trên 25km; 96 điểm trường học, 12 điểm cơ sở y tế … bị ảnh hưởng. Thiệt hại ước tính khoảng 800 tỷ đồng.
- Một hiện tượng tai biến thiên nhiên diễn ra ở Bắc Giang, ít nguy hiểm hơn hiện tượng bão, lũ, đó là hiện tượng hạn hán. Hạn hán ở tỉnh Bắc Giang trong những năm gần đây không xảy ra nghiêm trọng mà chỉ xảy ra cục bộ ở một số địa phương. Hạn hán gây ra ảnh hưởng đến diện tích gieo trồng của nhân dân trong vùng.
2.2.5 Nhu cầu về môi trường sống xanh – sạch – đẹp của cộng đồng ngày càng tăng
Thu nhập trung bình của người dân ngày càng tăng, nhu cầu về chất lượng cuộc sống, trong đó có yêu cầu về chất lượng môi trường không khí, nước, cảnh quan và vệ sinh môi trường ngày càng cao. Nhu cầu của người dân vừa là động lực thúc đẩy vừa là yêu cầu đối với công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh nhằm góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân,
thực hiện hài hòa mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên trong thời gian tới.
2.2.6 Tóm tắt các vấn đề môi trường nội cộm của tỉnh Bắc Giang hiện nay
1- Sức ép của sự phát triển kinh tế xã hội lên môi trường ngày càng lớn, bởi tăng dân số và vấn đề di cư; phát triển công nghiệp, năng lượng, xây dựng, tốc độ đô thị hoá….
2- Chất lượng nước mặt tại các sông đang chịu ảnh hưởng bởi nước thải đô thị, nước thải công nghiệp được thể rõ tại các điểm: sông Cầu, sông Thương, sông Lục Nam năm 2009 hàm lượng BOD vượt QCCP từ 2,67 lần đến 5,4 lần. Hàm lượng COD vượt QCCP từ 2,67 lần đến 5,4 lần, Hàm lượng DO thấp hơn QCCP là 2,74 lần đến 5,3 lần, hàm lượng NO2 cao hơn QCCP là 1,68 lần đến 8,03 lần, năm 2010 hàm lượng BOD5, COD, NO2, chất rắn lơ lửng tại các sông cũng đều có dấu hiệu ô nhiễm nặng
3- Chất lượng nước dưới đất nhìn chung chưa có dấu hiệu ô nhiễm, hầu hết các thông số được phân tích đều nằm trong giới hạn quy chuẩn cho phép. Tuy nhiên, nguồn nước ngầm ở một số vùng đặc biệt là một số khu công nghiệp, khu khai thác khoáng sản và đô thị có nguy cơ cạn kiệt vào mùa khô và một số nơi đã có dấu hiệu ô nhiễm do khai thác nước ngầm không đúng kỹ thuật.
4- Chất lượng môi trường không khí (MTKK) phần lớn vùng đồi núi, các khu vực sản xuất nông, lâm nghiệp, các khu vực nông thôn và các thị trấn vùng sâu, xa như Yên Thế, Lục Nam, Lục Ngạn và Sơn Động của tỉnh Bắc Giang tương đối trong lành chưa bị tác động bởi các nguồn gây ô nhiễm. Tuy nhiên chất lượng môi trường không khí tại các khu vực đông dân cư, khu đô thị, khu công nghiệp đang có những diễn biến tương đối phức tạp do hoạt động giao thông vận thải nội thị và mạng lưới cơ sở sản xuất quy mô nhỏ cùng với hạ tầng đô thị còn yếu kém: khu vực nhà máy phân đạm khu đông dân cư vv,... đều có dấu hiệu ô nhiễm tiếng ồn, SO2, CO, NO2. Năm 2009 Tiếng ồn Tại ngã tư thị trấn Bích Động và ngã tư Đình Trám huyện Việt Yên lần lượt vượt TCCP 1,07 và 1,09 lần.Tại ngã tư thị trấn Neo huyện Yên Dũng vượt TCCP 1,1 lần v v…
5- Chất lượng môi trường đất: có xu thế thoái hoá cằn cỗi, bạc mầu do xói mòn, rửa trôi, mất chất hữu cơ; khô hạn, sa mạc hoá, ngập úng, lũ, trượt lở đất, do sử dụng đất không hợp lý.
6 - Suy giảm đa dạng sinh học là một vấn đề báo động. Các hoạt động khai thác tài nguyên thiên nhiên quá mức đang diễn ra và có xu hướng ngày càng tăng.
7 - Thu gom và xử lý chất thải rắn đạt tỷ lệ còn thấp, hầu hết bãi xử lý rác thải ở các huyện thị trấn, thị tứ và các khu dân cư tập trung chưa đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh môi trường.
8 - Thời tiết trong những năm gần đây diễn biến bất thường, đã gây thiệt hại rất lớn đến nền kinh tế xã hội gây ra các tai biến và sự cố môi trường.
9 - Ô nhiễm môi trường làng nghề, xử lý chất thải y tế, chất thải nguy hại chưa được giải quyết dứt điểm, diễn biến ô nhiễm môi trường làng nghề ngày càng trở có xu hướng ngày càng xấu.
10 - Công tác quản lý nhà nước về môi trường chưa được đầu tư đẩy đủ nên suy thoái môi trường vẫn tiếp tục xảy ra với quy mô và cường độ ngày càng cao.