Nội dung của Quy Sơn cảnh sách văn diễn âm

Một phần của tài liệu Nghiên cứu quy sơn cảnh sách của thiền sư linh hựu và bản diễn nôm lục bát của thiền sư đạo nguyên (Trang 92 - 106)

3.2. Nội dung của Quy Sơn cảnh sách và Quy Sơn cảnh sách văn diễn âm

3.2.2. Nội dung của Quy Sơn cảnh sách văn diễn âm

Quy Sơn cảnh sách văn diễn âm của Thiền sư Đạo Nguyên được mở đầu bằng tám câu thơ lục bát để khai mào trước khi đi vào nội dung:

Lão tăng nhân thuở kinh rồi, Mở pho cảnh sách thấy lời gia ngôn.

Chuân cần dạy lũ hậu côn, So công đức ấy càn khôn sánh bề.

Nhưng mà nhiều nghĩa huyền vi, Tưởng người sơ học nan tri muôn phần.

Vậy nên mỗ phải ân cần, Diễn ra Quốc ngữ có vần tỏ ngay.

(câu 1-8, tờ 7b-8a)

Quốc ngữ là một trên gọi khác của chữ Nôm thời bấy giờ. Vài câu thơ để khai mào là hình thức mở đầu khá phổ biến và gần như trở thành quy phạm trong các truyện thơ Nôm đương thời, không chỉ thường gặp trong những truyện diễn dịch các tác phẩm

86

(hay vay mượn cốt truyện) có nguồn gốc Trung Quốc mà cả các truyện tự sáng tác hoặc truyện dựa theo truyện cổ dân gian, ví dụ như:

- Trong Sa di uy nghi Quốc âm của Thiền sư Như Thị, cuối thời Lê trung hưng:

Thị nay được chỉ đăng đàn, Phụng hành pháp sự khâm ban sắc rồng.

Cứ trông yếu lược lưu thông, Diễn ra Quốc ngữ đồng mông dễ trì.

Giải hai mươi bốn uy nghi, Để cho dễ biết, thật vì hậu côn.254 - Trong Truyện Kiều của Nguyễn Du (1765-1820):

Trăm năm trong cõi người ta, Chữ tài, chữ mệnh, khéo là ghét nhau.

Trải qua một cuộc bể dâu,

Những điều trông thấy mà đau đớn lòng, Lạ gì bỉ sắc, tư phong,

Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen.

Kiểu thơm lần giở trước đèn, Phong tình cổ lục còn truyền sử xanh.255 - Trong Sơ kính tân trang của Phạm Thái (1777-1813):

Hiên mai hây hẩy đông phong,

Hương đầm áo thúy, hoa hồng trướng thanh.

Nước non, trời vẽ nên tranh, Ngư tiều cảnh lạ, mục canh thú mầu.

Hứng vui trời đất một bầu,

254 Sa di uy nghi Quốc âm của Thiền sư Như Thị, ra đời vào khoảng thế kỷ XVIII. Nội dung của nó được lược dịch từ thiên Uy Nghi trong Sa di luật nghi yếu lược của Đại sư Châu Hoằng. Trích dịch từ văn bản TN.042 (phần Sa di uy nghi Quốc âm), tờ 1a.

255 Truyện Kiều của Nguyễn Du, còn có tên là Đoạn trường tân thanh, được dựa theo cốt truyện của Kim Vân Kiều Truyện của Thanh Tâm Tài Nhân, người đời Minh (Trung Hoa). Thơ trích trong Truyện Thúy Kiều (Đoạn trường tân thanh), 2018, tr.52.

87

Thanh nhàn, tựa mái tây lâu dặng cầm.

Khề khà mấy kẻ anh tam, Trạnh niềm sẽ tưởng tri âm khéo là.256 - Trong Truyện Trê Cóc:

Truyện đời có cổ, có kim, Ngẫm trong vật lý mà xem cũng kỳ.

Những tuồng loài vật biết gì, Cũng còn sự lý tranh nhau khéo là.

Nhớ xưa Trê Cóc đôi nhà, Vì tình nên phải sinh ra oán thù.257

Tác giả truyện thơ Nôm thường thông qua lối mở đầu này để giới thiệu về bối cảnh xã hội, mục đích sáng tác, hoặc dẫn ra nguồn gốc của tác phẩm trước khi đi vào nội dung chính. Đôi khi một số tác giả còn bày tỏ tâm tư, thể hiện tư tưởng, quan điểm nhân sinh của mình trong đó. Ở đây, thông qua tám câu thơ mở đầu, Thiền sư Đạo Nguyên ca ngợi công đức của tác giả - Thiền sư Linh Hựu, lời lẽ đẹp đẽ và nghĩa lý sâu xa, vi diệu của tác phẩm Quy Sơn cảnh sách, đồng thời nêu ra lý do, chủ đích của việc diễn Nôm và đối tượng độc giả mà bản dịch này hướng đến là “người sơ học”.

Dù rằng nội dung của Quy Sơn cảnh sách không chỉ có giá trị với những người mới xuất gia mà còn quan trọng với cả những người xuất gia lâu năm, cả những vị đã thọ giới cụ túc (Tỳ kheo), song Thiền sư Đạo Nguyên hoàn thành bản Nôm này chính yếu để phổ biến cho đối tượng độc giả là những người sơ học, tức mới xuất gia học đạo, theo bậc học thấp nhất. Điều đó đồng nghĩa rằng những độc giả này có thể còn hạn chế về kiến thức Phật học, cũng như còn hạn chế về vốn chữ Hán. Bấy giờ, chữ Hán không phải là ngôn ngữ sử dụng giao tiếp hàng ngày của người Việt nhưng kinh sách hầu như đều được viết bằng chữ Hán. Các nhà nho phải học chữ Hán để đọc hiểu kinh sách Nho giáo, cũng để có thể ra thi cử, làm quan. Các nhà sư trong chùa phải học chữ Hán để đọc

256 Sơ kính tân trang của Phạm Thái viết về cuộc tình của Phạm Kim và Trương Quỳnh Thư, tác phẩm được hư cấu lại dựa trên chính mối tình trắc trở của tác giả và Trương Quỳnh Như. Thơ trích trong Phạm Thái toàn tập, 2019, tr.265.

257 Truyện Trê Cóc (khuyết danh) được dựa theo một câu chuyện ngụ ngôn được lưu truyền trong dân gian. Thơ trích dẫn theo Tổng tập văn học Việt Nam (Tập 10), 2000, tr.480.

88

hiểu kinh sách Phật giáo mà tu hành cho đúng đạo. Đối tượng độc giả mà Thiền sư Đạo Nguyên hướng đến là những người sơ học, cũng giải thích phần nào cho nội dung của dịch phẩm và cách thức chuyển dịch của dịch giả.

Thiền sư Đạo Nguyên không chỉ dịch tác phẩm Quy Sơn cảnh sách văn của Thiền sư Linh Hựu sang chữ Nôm mà còn giải thích câu từ nhằm giúp cho người đọc dễ hiểu, và có thể nắm bắt nghĩa lý một cách đầy đủ. Bản dịch đã không lược bỏ câu văn nào của nguyên tác, hơn nữa trong nhiều đoạn, dịch giả còn bổ sung một số nội dung từ lời chú giải của Thiền sư Thủ Toại trong Phật Tổ tam kinh chú258 để giải thích rõ thêm trong bản dịch. Ví dụ như:

- Câu 25-29:

Chẳng nề tại tục xuất gia, Hễ là tắt nghỉ, ấy là lai sinh.

Khuyên ai phải kíp tu hành, Chớ ngồi không để nhật chinh chi mà.

Đoạn này kể nỗi xuất gia, ... (tờ 8a)

// Nguyên tác: 轉息即是來生,何乃晏然空過。 Chuyển tức tức thị lai sinh, hà nãi yến nhiên không quá? (tờ 1b) = Đổi qua hơi thở tức đã sang kiếp sau, nào đâu lại an nhiên để thời giờ trôi qua vô ích?

Thủ Toại chú thích đoạn trên như sau: “Từ đầu chương đến đây, đều nói về người tại gia, xuất gia, vọng tưởng về thân hình, về cuộc đời, sự chóng vánh vô thường vốn nguy hại như vậy, răn bảo cho họ tỉnh ngộ, không để thời gian trôi qua vô ích. Từ đây trở đi, chỉ nói về các nhân duyên của người xuất gia, để cho họ suy xét lại.”259 Thiền sư Đạo Nguyên bám theo chú giải của Thủ Toại, cũng chia đoạn thành tục gia, xuất gia như trên, tuy nhiên, xét tổng thể có thể thấy tác giả - Thiền sư Linh Hựu không chủ ý phân biệt tại tục hay xuất gia. Trong đoạn mở đầu, tác giả đã sử dụng thủ pháp hứng, gợi nói

258 Phật Tổ tam kinh chú từng được in lại nhiều lần tại Việt Nam dưới tên Tam kinh nhật tụng (三經日 誦), lần đầu tiên vào năm 1653 do Thiền sư Minh Hành và Diệu Tuệ tổ chức thực hiện. Xem lại chương 1, mục 1.3.2.

259 Nguyên văn: 自章初至此過。 通敘在家出家。妄身妄世。 無常迅速。過患如此。 警策令悟。

不可空度光陰。 自此以下。唯敘出家者因由。 各令思察。 Trích trong Tam kinh nhật tụng (三經 日誦), ký hiệu R.2038, tờ 58a.

89

đến nghiệp, đến khổ, đến đời sống giả tạm, sinh diệt vô thường, qua đó liên hệ đến mục đích xuất gia cầu đạo thuở ban đầu nhằm mục đích cảnh tỉnh người đọc. Phần chú giải và diễn dịch của Thiền sư Thủ Toại và Thiền sư Đạo Nguyên phần nào phản ánh những cách hiểu, cách cảm nhận khác nhau về tác phẩm này.

- Câu 81-86:

Làu làu nhỏ nhặt điều chương, Chỉ trì tác phạm mọi đường cho tinh.

Từng ngày tỉnh xét trong mình, Để dò buộc tấm lòng mình buổi xưa,

Còn như ổi tệ cách trừ,

Lại thêm năm bảy để ngừa bậc trên. (tờ 9b)

// Nguyên tác: 止持作犯,束斂初心。微細條章,革諸猥弊。 Chỉ trì tác phạm, thúc liễm sơ tâm. Vi tế điều chương, cách chư ổi tệ. (tờ 2a) = Giới điều chỉ trì tác phạm, bó buộc sơ tâm. Phép tắc chi li, dẹp bỏ các thói hư hèn.

Đoạn trên được Thủ Toại chú rằng: “Ngũ thiên, thất tụ. Tính giới, già giới260. Mười hai năm sau khi thành đạo, Phật mới chế luật. A Nan hỏi: ‘Cớ gì mười hai năm trước Phật không chế giới’. Phật nói: ‘Như người đời vá áo, áo chưa rách mà vá ắt sẽ rước lấy tiếng chửi mắng. Ta cũng như vậy, do sự việc xảy ra mà nói giới’.”261 Cụm từ

“năm bảy” trong câu 86 là gọi tắt cho “năm mục bảy nhóm”, được dịch nghĩa từ “ngũ thiên, thất tụ” trong lời chú của Thủ Toại. “Ngũ thiên, thất tụ” chỉ giới luật của Tỳ kheo, gồm “ngũ thiên”, tức năm mục phân theo tội và mức độ xử phạt; “thất tụ”, tức bảy nhóm phân theo việc cấm không được làm hoặc cần phải làm.262 “Bậc trên” ở trong câu này là nói đến bậc Tỳ kheo, bởi vì bản dịch này, Thiền sư Đạo Nguyên hướng đến độc giả là bậc sơ học nên gọi Tỳ kheo là bậc trên.

260 Tính giới: là các giới do Phật chế ra để ngăn cấm những tội xấu mang tính bản chất, tức bốn giới đầu trong năm giới: không sát sinh, không trộm cướp, không tà dâm, không nói dối. Già giới: là giới do Phật chế ra để ngăn phòng tiếng chê bai, cũng như ngăn phòng để không phạm các giới khác, tức giới thứ năm: không uống rượu.

261 Nguyên văn: 五篇七聚。 性戒遮戒。 佛成道十二年後方乃制律。 阿難問佛因何十二年前不

制戒。佛言 如世補衣。 衣若未破。補則招謗。 吾亦如是。 因事立戒云。 (R.2038, tờ 61a-61b)

262 Xem Thích Nữ Trí Hải. (2014). Sự tích giới luật. Hà Nội: NXB. Hồng Đức, tr.7.

90 - Câu 215-218:

Lòng mong đại chúng tương y, Dựng nên lương đống bằng thì mới thôi,

Dùng làm rùa nghiệm gương soi,

Phân đường họa phúc, tỏ bày xi nghiên. (tờ 13a)

// Nguyên tác: 心期佛法棟樑,用作後來龜鏡。 Tâm kỳ Phật pháp đống lương, dụng tác hậu lai quy kính. (tờ 4b) = Lòng mong làm rường cột cho Phật pháp, dùng làm rùa bói, gương soi cho người sau.

Các từ “họa phúc”, “xi nghiên” trong câu 218 của bài diễn Nôm được Thiền sư Đạo Nguyên dẫn lại từ lời chú của Thủ Toại. Thủ Toại đã viết lời chú cho đoạn này như sau: “Quyết chí mong làm rường cột cho Phật pháp, tiện theo khuôn phép làm rùa bói, gương soi cho người sau. Rùa bói biết họa phúc của sau này, gương soi chứng thực xi nghiên (xấu đẹp) của hiện tại.”263

- Câu 255-260:

Phải nên gần gũi bạn lành,

Phò nghiêng chứa sạch ích mình nhiều phen.

Thiện Tài gặp đức Phổ Hiền, Lại nam tuân mới chứng nên Bồ Đề.

Phương chi Thích tử tu trì,

Chẳng gần tri thức, khôn bề tinh thông. (tờ 14a)

// Nguyên tác: 博問先知,親近善友。 Bác vấn tiên tri, thân cận thiện hữu. (tờ 5a) = Rộng hỏi các bậc tiên tri, thân gần các vị thiện hữu.

Hình ảnh Thiện Tài trong đoạn thơ trên cũng được dẫn lại từ lời chú của Thủ Toại: “Thiện Tài đi về phương nam tham hỏi các vị thiện hữu, cả đời tu học, thành tựu.

Cho nên nói: Minh chính (biện biệt rõ ràng) là ở phương nam, đạo lý đều thảy ở phương nam vậy. Giúp ích cho ta là bạn (cùng chí hướng), ở đó người ta đều là bạn (cùng chí

263 Nguyên văn: 勇志慕佛法之棟梁。 乘範作後學之龜鏡。 龜知未來禍福。 鏡驗現在妍媸。

(R.2038, tờ 68b)

91

hướng). Gặp ba thứ độc264 mà ba đức265 tròn đầy, đi vào một cảnh trần266 mà một tâm an tĩnh. Lĩnh hội diệu trí của Văn Thù, giống như sơ tâm đi vào cửa huyền của Phổ Hiền, không thêm biệt thể nào khác nữa. Đây có thể gọi là thân cận thiện hữu. Sách ghi: ‘Người đối tốt với ta thì ta cũng tốt với họ, người đối xấu với ta thì ta cũng xấu với họ’. Huống chi là đệ tử của Phật chứ.”267

Thiện Tài (còn được gọi là Thiện Tài Đồng Tử) là nhân vật chính trong phẩm Nhập pháp giới trong Kinh Hoa Nghiêm, cậu bé đã thực hiện cuộc chiêm bái qua 53 thánh địa, tham học với 53 vị thiện tri thức. Cuối cùng, Thiện Tài đến đạo tràng của Bồ tát Phổ Hiền và chứng ngộ Pháp giới Vô sinh. Thiện Tài là đại diện tiêu biểu cho tinh thần cầu đạo, tham học ở các bậc thiện tri thức. Kinh Hoa Nghiêm đã khá phổ biến tại Việt Nam từ giai đoạn Phật giáo Trúc Lâm dưới thời nhà Trần. Theo ghi nhận của Nguyễn Lang, “Việc học kinh Hoa Nghiêm đã trở nên một phong trào trong thiền giới.

Pháp Loa (1284-1330) đã giảng Hoa Nghiêm nhiều lần tại các chùa Siêu Loại, Quỳnh Lâm, Dưỡng Phước, Xí Thạnh Quang, An Lạc tàng viện và Kiến Xương phủ” (2012, tr.255). Đương thời, hình ảnh Thiện Tài Đồng Tử đã trở nên quen thuộc đối với người Việt, là một trong hai đệ tử nhỏ của Phật Quan Âm Hương Tích trong truyện thơ Nam Hải Quan Âm268 được lưu truyền trong nhân gian.

264 Ba thứ độc (tam độc): gồm tham lam, sân hận, ngu si.

265 Ba đức (tam đức): gồm trí đức, đoạn đức và ân đức. Trí đức: phá tan tất cả u mê, có đủ tính trí Vô thượng Bồ đề. Đoạn đức: đoạn trừ tất cả phiền não, đạt đến Vô thượng Niết bàn. Ân đức: có đủ đại bi mà cứu độ hết thảy chúng sinh.

266 Trần: chỉ đối tượng tiếp xúc riêng của sáu căn: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý mà tương ứng có sáu trần:

sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp.

267 Nguyên văn: 善財南詢諸友。一生參學事畢。古云。明正為南。方盡南矣。益我為友。人皆

友焉。遇三毒而三德圓。入一塵而一心靜。契文殊之妙智。宛是初心。入普賢之玄門。曾無別 體。此可謂親近善友也。書云。於吾善吾亦善之。於吾惡吾亦惡之。況釋子乎。 (R.2038, tờ 70b-71a)

268 Truyện thơ Nam Hải Quan Âm dựa trên cốt truyện có nguồn gốc từ Trung Quốc. Thiền sư Tuệ Đăng Chân Nguyên diễn sang chữ Nôm và lưu hành dưới tên Nam Hải Quan Âm bản hạnh (tên đầy đủ là Nam Hải Quan Âm bản hạnh quốc ngữ diệu trùng san). Học giả Nguyễn Văn Sâm (1997) gọi đây là bản bác học, để phân biệt với bản bình dân có tên Đức Phật Bà truyện (tên khác là Nam Hải Quan Âm Phật sự tích ca), được viết bằng những câu từ đơn giản, dễ hiểu và ít từ gốc Hán hơn.

92

Qua những nội dung trên cho thấy, Thiền sư Đạo Nguyên đã tham cứu bản sách Phật Tổ tam kinh chú khi dịch tác phẩm Quy Sơn cảnh sách, song chỉ dẫn lại một số thông tin cần thiết để diễn giải thêm cho người đọc, chứ không dịch lại toàn bộ lời chú của Thiền sư Thủ Toại. Bên cạnh đó, trong một đoạn khác (câu 87-90), dịch giả đã dẫn thêm nội dung liên quan giới luật của Luật tông để giải thích cụ thể hơn cho bản dịch:

Năm hạ trước phải tinh chuyên, Luật đà thông thái mới nên tham thiền.

Ví mà luật pháp chưa quen,

Chớ ngồi chiếu giảng, chớ rèn Tỳ ni. (tờ 10a)

// Nguyên tác: 毘尼法席,曾未叨陪。 Tỳ ni pháp tịch, tằng vị thao bồi. (tờ 2a-2b) = Chưa từng nương theo học hỏi các giảng đường giới pháp.

Trong Sa di luật nghi yếu lược của Đại sư Vân Thê Châu Hoằng, một quyển luật đã được lưu truyền rất phổ biến tại Việt Nam thời bấy giờ, có chép: “Phật chế rằng, người xuất gia trong năm hạ đầu chuyên tâm học tập thông thạo giới luật, sau năm hạ thì nghe giáo pháp, tham thiền”269. Trong các sách chú giải của Đại sư Hoằng Tán như:

Sa di luật nghi yếu lược tăng chúQuy Sơn cảnh sách cú thích ký cũng dẫn lại câu trên với chú giải như sau: “... Luật chế Tỳ kheo năm hạ đầu chuyên tâm học tập thông thạo luật bộ. Nếu thông suốt phép tắc ‘chỉ phạm’, có thể làm Tỳ kheo, sau đó mới có thể học tập kinh, luận. [...] Thời nay vừa nhận giới phẩm, liền nghe giáo pháp, tham thiền.”270 . Từ đây cho thấy, ngoài tham cứu Quy Sơn cảnh sách chú (trong Phật Tổ tam kinh chú) của Thiền sư Thủ Toại, Thiền sư Đạo Nguyên còn nghiên cứu các sách chú giải về giới luật của Đại sư Hoằng Tán trong quá trình diễn dịch tác phẩm này sang chữ Nôm. Đại sư Hoằng Tán là một trong những nhân vật tiêu biểu cho phong trào chấn hưng giới luật của Phật giáo Trung Hoa cuối đời Minh đầu đời Thanh. Nội dung các bản sách chú giải của Hoằng Tán đi sâu vào giáo lý Tam tạng kinh điển, song bản dịch này lại nhắm đến người mới tu học nên dịch giả hầu như không dẫn lại nhiều.

269 Nguyên văn: 佛制出家者。五夏以前,專精戒律。五夏以後,乃聼教參禪。 Dẫn theo Sa di luật nghi yếu lược tăng chú (沙彌律儀要略增注), ký hiệu R.180, tờ 2a.

270 Nguyên văn: 律制比丘。 五夏已前。 專精律部。 若達持犯。 辦比丘事。 然後乃可學習經論。

[...] 今時纔霑戒品。 便乃聽教參禪。 Trích trong Sa di luật nghi yếu lược tăng chú (沙彌律儀要略 增注), ký hiệu R.180, tờ 3a-3b.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu quy sơn cảnh sách của thiền sư linh hựu và bản diễn nôm lục bát của thiền sư đạo nguyên (Trang 92 - 106)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(177 trang)