Đối với những ảnh hưởng của độ mặn đến sinh trưởng và tiêu hóa thức ăn, đã có một số nghiên cứu trong nước cũng như ngoài nước thực hiện như Ali et al.
(2004), nghiên cứu về ảnh hưởng của độ mặn lên sự tiêu hóa thức ăn và tăng trưởng của cá rô phi (Oreochromis niloticus). Thí nghiệm được tiến hành trên cá có chiều dài trung bình là 8,5 ± 0,24 cm và khối lượng 9,94 ±0,15 g với các độ mặn là 0, 10 và 20 ppt, sử dụng thức ăn có độ đạm là 45% và cho ăn 2% khối lượng thân. Kết quả cho thấy, sau 75 ngày nuôi cá đạt khối lượng trung bình là 35 g, sự tăng trưởng, hệ số FCR, cũng như hàm lượng chất đạm trong cơ thể cá giữa các nghiệm thức khác biệt không có ý nghĩa thống kê (p>0,05).
Likongwe et al. (1996) đã nghiên cứu ảnh hưởng kết hợp của nhiệt độ nước (24, 28, và 32°C) và độ mặn (0, 8, 12, và 16 ppt) đối với sự tăng trưởng và sử dụng thức ăn của cá rô phi giống Oreochromis niloticus (4,60 - 4,83 g). Cá được thả trong bể thủy tinh với mật độ 15 con/bình và cho ăn thức ăn 50% protein trong 56 ngày.
Ảnh hưởng của nhiệt độ, độ mặn và sự tương tác của chúng đối với tăng trưởng của cá đã được ghi nhận. Thí nghiệm cho thấy trọng lượng trung bình cuối cùng của cá nuôi ở 32 và 28°C cao hơn cá nuôi ở 24°C ở độ mặn 12 ppt. Hiệu quả chuyển đổi thức ăn và tỷ lệ hiệu suất protein cao nhất ở nghiệm thức 32°C và 8 ppt, và thấp nhất ở độ mặn 28°C và 16 ppt. Ở tất cả các độ mặn, sự tăng trưởng gia tăng với nhiệt độ, nhưng ở tất cả các nhiệt độ tăng độ mặn thường ức chế sự tăng trưởng. Ở 32°C và 16 ppt, cá chậm phát triển. Nghiên cứu cho thấy rằng tỷ lệ tăng trưởng của cá giống O. niloticus tăng cao ở mức nhiệt độ tương đối cao, 28 hoặc 32°C ở độ mặn 0 và 8 ppt.
Iqbal et al. (2012) đã nghiên cứu ảnh hưởng của các mức độ mặn khác nhau lên tăng trưởng và tỷ lệ sống của cá rô phi Nile (Oreochromis niloticus) ở bốn độ mặn (16, 24, 32, 40 ppt) và nghiệm thức đối chứng (T0) ở mức độ mặn là 80 ppt.
Mỗi nghiệm thức được lặp lại ba lần với 15 con cá có trọng lượng ban đầu là 23,1 g.
Cá được cho ăn thức ăn 24,5 % protein thô (CP) với mức 4% trọng lượng cơ thể mỗi ngày. Tỷ lệ tăng trưởng tốt hơn được quan sát thấy trong nghiệm thức 4, tỷ lệ chuyển đổi thức ăn (FCR) cao nhất trong nghiệm thức 2 trong khi lượng thức ăn ăn vào thấp nhất trong nghiệm thức đối chứng. Kết quả cho thấy mức độ mặn cao hơn (40 ppt) có tác động lên sự phát triển của cá để cải thiện áp suất thẩm thấu. Nhiệt độ, độ dẫn điện và độ pH cho thấy có tương quan dương với tăng trưởng, trong khi đó tương quan âm với oxy hoà tan (DO). Trọng lượng và chiều dài cá tương quan tuyến tính.
Sự phát triển cá rô phi giống Oreochromis niloticus (dòng Maryut) được nghiên cứu trong điều kiện phòng thí nghiệm. Bốn chế độ nhiệt (22, 26, 30, và
34°C) đã được thử nghiệm trên con giống 20 ngày tuổi. Ảnh hưởng của nhiệt độ lên tăng trưởng đã được ghi nhận. Kết quả cho thấy trọng lượng trung bình cuối cùng cao nhất ở 26 và 30°C so với ở 22 và 34°C. Tỷ lệ chuyển đổi thức ăn (FCR) và tăng trọng hàng ngày (DWG) cao hơn ở 26 và 30°C. Ở tất cả các nhiệt độ, tỷ lệ sống không bị ảnh hưởng. Kết quả cho thấy sự tăng trưởng và sử dụng thức ăn tốt nhất của cá rô phi giống O. niloticus cao hơn ở nhiệt độ 26 và 30°C (Azaza et al., 2008).
Ảnh hưởng của nhiệt độ đối với khả năng chịu mặn của cá rô phi Mozambique-Wami (Oreochromis mossambicus x O. urolepis hornorum) được nghiên cứu ở các độ mặn 35, 43, 51 và 60 ppt, ở các mức nhiệt độ 15, 25 và 35°C trong 24 giờ. Ở 15°C, tỷ lệ cá chết là 85,7% và 100% ở độ mặn 51 ppt và 60 ppt. Có sự tương quan giữa nhiệt độ và độ mặn, ở sự thẩm thấu huyết tương, Na+ và Cl- đã tăng đáng kể ở độ mặn 51 và 60 ppt ở nhiệt độ 35°C. Na+, K+ -ATPase giảm ở nhiệt độ 15°C. Kết quả cho thấy những ảnh hưởng của sự kết hợp nhiệt độ - độ mặn với áp suất thẩm thấu của huyết tương và nồng độ ion, cũng như hàm lượng nước trong cơ, lớn hơn khi nhiệt độ và độ mặn tăng (Sardella et al., 2004).
Nhìn chung cá rô phi thích ứng rất nhanh với sự thay đổi của nhiệt độ và độ mặn, cá rô phi tăng trưởng nhanh hơn khi ở mức nhiệt độ 26-32°C, ở tất cả các nhiệt độ thì độ mặn góp phần ức chế sự tăng trưởng, cá rô phi có thể tăng trưởng tốt ở độ măn 0-12ppt, ở độ mặn 16ppt cá bắt đầu chậm lớn.
Watanabe et al. (1993) đã nghiên cứu ảnh hưởng của nhiệt độ và độ mặn lên sự phát triển và sử dụng thức ăn của cá giống rô phi đỏ ở Florida, đã được chuyển đổi giới tính toàn đực nuôi trong hệ thống tuần hoàn. Trong hai thí nghiệm, cá rô phi đỏ đực Florida đã được chuyển đổi giới tính (0,56-1,20 g) bố trí vào 42 bể với mật độ 74 con m3, sự tăng trưởng và sử dụng thức ăn được so sánh trong 54-58 ngày ở nhiệt độ 22, 27 và 32°C và ở độ mặn 0 và 18 ppt (thí nghiệm1) hoặc 18 và 36 ppt (thí nghiệm 2). Cá được cho ăn hai lần mỗi ngày với mức protein 32%. Mỗi phương pháp thí nghiệm bao gồm bảy lần lập lại được hỗ trợ bởi hệ thống nước tuần hoàn. Trong khi tốc độ tăng trưởng thường tăng cùng với nhiệt độ ngày càng tăng và thấp hơn rõ rệt ở 22oC so với độ mặn, ở 27 và 32oC đã làm thay đổi ảnh hưởng của nhiệt độ lên sự phát triển: ở 0 ppt, lượng thức ăn và tốc độ tăng trưởng đạt mức tối đa là 27oC, 18 và 36 ppt, lượng thức ăn và tăng trưởng cao nhất ở 32°C.
Trong tất cả các nhiệt độ, lượng ăn và tăng trưởng của thức ăn cao hơn ở 18 ppt so với lúc 0 hoặc 36 ppt. Các kết quả cho thấy, trong nước ngọt, nhiệt độ nước không vượt trên 27°C, trong khi ở 18 hoặc 36 ppt, nhiệt độ nước đến 32°C có thể tối đa hóa tốc độ tăng trưởng mà không làm giảm hiệu quả tăng trưởng. Một lợi thế quan trọng của nuôi nước lợ (18 ppt) trong điều kiện nhiệt độ thấp nhất cũng cần phải được xem xét.
Hassanen et al. (2014) đã bố trí hai trăm bốn mươi con cá rô phi (Oreochromis niloticus x O. aureus) có kích cỡ 12,26 g/con, 10 con/bể trong 56 ngày ở ba mức nhiệt độ là 24, 28 và 32°C kết hợp với bốn mức độ độ mặn 37, 42, 47 và 52 ppt. Kết quả cho thấy có sự khác biệt đáng kể về cả tăng trưởng và lượng thức ăn ăn được trong tất cả các nghiệm thức. Giá trị tăng trọng của cơ thể được ghi nhận ở 24°C với độ mặn 52 ppt là 7,6 g và 28°C với độ mặn 52 ppt là 6,20 g và 32°C với độ mặn 52 ppt là 6 g. Tỷ lệ sống là 90% đối với các nghiệm thức 28 °C với độ mặn 42 ppt và 28°C với độ mặn 52 ppt và 32°C với độ mặn là 47 ppt. Từ kết quả thu được, có thể khuyến cáo rằng cá rô phi đỏ có thể nuôi ở độ mặn cao lên đến 52 ppt với lưu giữ ở nhiệt độ từ 24 đến 28°C. Điều này được khuyến khích để nuôi cá ở những hồ có độ mặn cao.