Bố trí nhân lực

Một phần của tài liệu (Luận văn thạc sĩ) Một số giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động quản trị nguồn nhân lực tại Công ty Cổ phần Kinh doanh nước sạch số 2 Hải Phòng (Trang 25 - 28)

CHƯƠNG 1 CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ QUẢN TRỊ NGUỒN NHÂN LỰC

1.2 Các hoạt động quản trị nguồn nhân lực

1.2.4 Bố trí nhân lực

1.2.4.1 Khái niệm bố trí nhân lực

Là các hoạt động giúp người lao động làm quen với công việc mới, bố trí lại lao động thông qua thuyên chuyển, đề bạt, bổ nhiệm, cách chức.

1.2.4.2 Vai trò của bố trí nhân lực

Bố trí nhân lực giúp các hoạt động nguồn nhân lực hoạt động thống nhất, phát huy được những tài năng, sở trường của mỗi người từ đó nâng cao năng suất lao động, đạt được mục tiêu đề ra.

Khi người lao động được bố trí đúng công việc, phù hợp với trình độ, khả năng sẽ tạo động lực cho người lao động, khuyến khích họ hăng say làm việc đạt hiệu quả cao đồng thời tạo sự gắn bó lâu dài với tổ chức.

1.2.4.3 Các hoạt động của bố trí nhân lực a) Hoạt động định hướng

Hay chính là hoạt động giúp người lao động làm quen, hòa nhập với công việc mới, vị trí mới. Việc định hướng tốt sẽ giúp người lao động làm quen với công việc nhanh từ đó rút ngắn được thời gian và giảm chi phí cho doanh nghiệp, người lao động làm việc hiệu quả hơn, tỷ lệ bỏ việc trong những tháng đầu làm việc giảm.

Chương trình định hướng nên bao gồm các thông tin về:

Nội quy quy định của công ty, thỏa ước lao động tập thể;

Cơ cấu tổ chức của doanh nghiệp;

Hoạt động sản xuất kinh doanh của tổ chức, văn hóa doanh nghiệp;

Chế độ làm việc, nghỉ ngơi;

Thù lao lao động, tiền thưởng, phúc lợi và các quyền lợi khác;

Chức năng, nhiệm vụ phải thực hiện.

Các thông tin này cần được quy định bằng văn bản kết hợp với giải thích, trao đổi bằng miệng để người lao động có thể hiểu rõ hơn. Thời gian thực hiện định hướng tùy thuộc từng công việc, có thể kéo dài vài ngày, vài tháng.

b) Thuyên chuyển

Là việc chuyển người lao động từ bộ phận này sang bộ phận khác, công việc này sang công việc khác hoặc địa dư này sang địa dư khác thuộc quyền quản lý của tổ chức.

Thuyên chuyển có thể do sự điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh từ phía doanh nghiệp hoặc từ đề xuất của người lao động và được lãnh đạo chấp nhận.

Thuyên chuyển để điều hòa nhân lực giữa các bộ phận trong công ty, cắt giảm chi phí ở những bộ phận mà công việc sản xuất kinh doanh bị suy giảm. Hoặc thuyên chuyển để thay thế những nhân sự nghỉ hưởng chế độ thai sản, ốm đau, chết, nghỉ hưu, chấm dứt hợp đồng lao động. Cũng có thể thuyên chuyển để sắp xếp lại nhân lực cho phù hợp với trình độ, kỹ năng của người lao động.

Thuyên chuyển gồm có: thuyên chuyển tạm thời và thuyên chuyển lâu dài

Thuyên chuyển tạm thời: thuyên chuyển có thời hạn, hết thời hạn trở lại vị trí công việc cũ. Áp dụng cho trường hợp thay thế người lao động nghỉ thai sản, ốm đau hoặc chấm dứt hợp đồng mà chưa tuyển được người thay thế…

Thuyên chuyển lâu dài: thuyên chuyển hẳn người lao động sang vị trí mới. Áp dụng trong trường hợp mở rộng sản xuất kinh doanh, khắc phục sai sót trong bố trí lao động, tận dụng năng lực của người lao động…

c) Đề bạt

Là việc đưa người lao động từ vị trí làm việc thấp lên vị trí làm việc cao hơn với mức lương, quyền lợi, trách nhiệm, cơ hội phát triển lớn hơn.

Vị trí công việc mới này là vị trí đang còn trống và được doanh nghiệp đánh giá là có giá trị cao hơn vị trí cũ, đáp ứng nhu cầu phát triển của doanh nghiệp và cá nhân người lao động.

Đề bạt có hai dạng:

Đề bạt ngang: chuyển người lao động từ vị trí việc làm của bộ phận này sang vị trí việc làm có cấp bậc cao hơn ở bộ phận khác.

Đề bạt thẳng: chuyển người lao động từ vị trí việc làm hiện tại lên vị trí việc làm cao hơn trong cùng một bộ phận.

Việc đề bạt đúng, công bằng sẽ đáp ứng được nhu cầu về nhân lực của tổ chức, khuyến khích người lao động cống hiến cho doanh nghiệp, đồng thời góp phần giữ chân các nhân tài, lao động giỏi. Để làm được việc đó, doanh nghiệp phải có chính sách hợp lý, thủ tục đề bạt rõ ràng, nhất quán.

d) Cách chức

Là việc đưa người lao động từ vị trí việc làm có cương vị, trách nhiệm, tiền lương cao xuống vị trí có cương vị, trách nhiệm, tiền lương, cơ hội ít hơn.

Cách chức thường là kết quả của việc thay đổi cơ cấu, công nghệ của do- anh nghiệp hoặc người lao động vi phạm kỷ luật lao động.

Việc cách chức được thực hiện dựa vào quy trình, thủ tục chặt chẽ, phải được quy định trong pháp luật, thỏa ước lao động tập thể hoặc nội quy lao động.

e) Nghỉ việc

Là việc chấm dứt hợp đồng lao động giữa người lao động và người sử dụng lao động theo quy định của pháp luật do sáp nhập, giảm quy mô, người lao động bị sa thải do vi phạm kỷ luật lao động, nghỉ việc hưởng chế độ bảo hiểm xã hội (nghỉ hưu) hoặc do thỏa thuận của 2 bên.

Một phần của tài liệu (Luận văn thạc sĩ) Một số giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động quản trị nguồn nhân lực tại Công ty Cổ phần Kinh doanh nước sạch số 2 Hải Phòng (Trang 25 - 28)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(97 trang)